Nỗi sợ hãi cản trở ước mơ

“Ta sẽ làm gì nếu ta không sợ hãi?”

Đã có lần nào, trong vô vàn những suy nghĩ không ngừng xuất hiện rồi biến mất, ta tự chất vấn bản thân mình câu ấy? Hoặc, đã có lần nào, ta đặt để trong suy nghĩ của mình về những nỗi sợ đang tồn tại nơi bản thân, cùng với đó là những quyết định đi kèm theo đang gây ảnh hưởng đến điều ta thực sự muốn làm, muốn trở thành; và cố gắng tìm cách khắc phục chúng?

Câu trả lời là: chẳng mấy khi. Đúng không?

Thực tế, những điều làm ta lo sợ vẫn thường ngụy trang thành những hàng rào tù túng. Và hắn lại tự xưng mình là sự an toàn. Hắn bao quanh và không ngừng gò ép ta lại. Nơi đó ta như một tên nô lệ – chấp nhận bị trói buộc, chấp nhận sống lặng lẽ, le lói. Ta từ chối bước ra khỏi nhà tù tưởng chừng như là ấm áp và thoải mái ấy của bản thân, và tránh đẩy mình vào những cái “mới”. Bởi đôi mắt và giác quan đang bị che mờ do ảo ảnh của sự an toàn và hạnh phúc giả tạo, ta tự cho là hài lòng và chẳng buồn lắng nghe tiếng gào thét của nội tâm đang bị dày vò vì phải chịu đựng cách sống mà ta chẳng muốn.

Ai ai cũng có những nỗi sợ riêng. Hắn không chừa bất kỳ ai và cũng không tránh bất cứ độ tuổi nào. Vô số điều có thể mang đến cảm giác sợ hãi. Đó có thể là do bị môi trường thực tác động như: sợ rắn, nhện, sợ độ cao, và các mối nguy hiểm trước mắt; hoặc do những sự kiện sắp xảy đến trong tương lai; hay vì suy nghĩ tưởng tượng tiêu cực quá mức.

Đối với người trẻ như ta, trong số những nỗi sợ thường có, ngồi chễm chệ trên đầu danh sách là nhiều sự lo âu về tương lai, về những tưởng tượng tiêu cực mà ta không kiểm soát được; mà kết cục là chúng khiến ta đánh mất giấc mơ, làm lạc mất lý tưởng của mình. Hơn thế nữa, ngày càng có nhiều bạn trẻ vì sợ hãi kéo dài dai dẳng và không tìm được cách thoát ra được những suy nghĩ tiêu cực đã mắc phải các căn bệnh như rối loạn lo âu, rối loạn tiền đình, các chứng ám ảnh cưỡng chế; lâu ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất và bị cầm tù trong cảm xúc.

Ta sợ thất bại. Sợ công sức tiền bạc đổ sông đổ bể, sợ bị chế giễu, cười cợt, sợ bị đánh giá là thấp kém, sợ bị phát hiện ra những mặt chưa tốt, sợ ta không đủ năng lực và kinh nghiệm. Những lúc phải đối diện với những thử thách, áp lực cuộc sống, đôi khi ta lại tập trung quá nhiều vào những âu lo, những khó khăn. Sợ hãi khiến ta không thể cố gắng. Như thế, thay vì cố gắng trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân, và đi tìm giải pháp để khắc phục, tìm ra con đường đi đến với điều ta muốn làm, ta lại lựa chọn nhấn nút dừng cuộc chơi ngay cả khi còn chưa đặt bản thân vào vị trí bắt đầu. Ừ thì chỉ cần không làm, thì sẽ không gặp thất bại! Nhưng rằng, thất bại ít khi kìm hãm ta. Đó là nỗi sợ hãi. Sợ hãi giết chết nhiều ước mơ hơn là thất bại, vì ước mơ đó đã bị bốc hơi ngay cả khi chưa từng được bắt đầu.

Ta sợ bị lợi dụng, sợ bị coi là kẻ xấu. Ta sợ ta không được yêu mến, quý trọng; sợ bị loại bỏ ra khỏi tập thể, cộng đồng vì sự khác biệt về quan điểm, lối sống hay không tuân theo những định kiến xã hội, những kỳ vọng về giới. Thế là ta tự nhào nặn bản thân mình cho vừa, cho hợp với khuôn mẫu sai lệch mà người khác mong muốn, những kỳ vọng không phù hợp với ta; và xếp xó những gì thật sự làm nên con người ta. Ta tự che giấu ước mơ, tự lừa chính mình rằng bản thân không hề có khát khao ấy. Ta không dám lên tiếng cho những điều mà ta tin tưởng, và không đủ cản đảm thực hành những giá trị sống mà ta theo đuổi.

Ta sợ đưa ra lựa chọn sai lầm rồi trì hoãn việc đưa ra quyết định; trong khi thời gian không hề dừng lại đợi ta đưa ra một kế hoạch với quyết định hoàn hảo, và cơ hội đang trôi tuột khỏi bàn tay như nắm cát. Ta sợ phải hối hận một điều gì đó mà thậm chí điều ấy còn chưa xảy ra. Thành thử trong một số trường hợp, nỗi sợ lại là động lực mạnh mẽ hơn cả ước muốn để bắt tay vào làm một việc gì đó. Nhưng vì động cơ sâu xa là sự lo âu, nên liệu ta có cảm thấy bình an trong tiến trình thực hiện, và hài lòng với kết quả đạt được?

Và cứ thế, còn hàng trăm, hàng ngàn nỗi sợ khác – rất riêng và rất cá vị. Và cứ thế, ta sống như chiếc lá nhỏ bé run run trước nỗi sợ con người, sợ tương lai chưa đến, và sợ chính sự yếu kém của bản thân.

Như vậy, sợ hãi là điều xấu, và ta phải gắng hết sức để không được cảm thấy sợ hãi chăng?

Điều đó là hoàn toàn không thể! Sợ hãi là một cảm xúc vô cùng bản năng và không thể loại bỏ hoàn toàn ra khỏi “bộ sưu tập cảm xúc” mà con người được trao tặng, mà trong đó bao gồm cả những cảm xúc khác như vui, buồn, hay tức giận,… Và vì ta không thể không cảm thấy sợ hãi, ta cần phải học cách sống chung với hắn, học cách kiểm soát và chinh phục được nỗi sợ của bản thân, học cách biến sự sợ hãi thành người bạn đường giúp ta biết dừng lại nhìn nhận những rủi ro có thể xảy ra, những nguy cơ tiềm tàng trong tương lai, để ta thêm thận trọng khi thực hiện những điều mà ta thực sự khao khát.

Chỉ khi chúng ta chiến thắng được nỗi sợ của mình, can đảm vươn lên khỏi sự cầm tù của hắn, ta mới có đủ tự do để thử, để mạo hiểm, để trải nghiệm, để trưởng thành, và để sống một cuộc sống thực sự. Ta có thể gặp trở ngại, nhưng ta hãy thêm phần tin tưởng vào bản thân, vì rằng ta chưa thể khám phá ra được những khả năng tài giỏi đến bất ngờ của mình khi chưa để bản thân tôi luyện qua gian khó. Ta có thể thất bại, nhưng chính nhờ biện pháp “thử và sai” này, ta biết được điều gì là không hiệu quả, ta học được bài học từ cái sai của mình và học cách thử các cách tiếp cận khác tốt hơn.

Bằng cách này, ta mới có thể phát triển và tiến lên phía trước. Bằng cách này, ta mới có thể sống là chính ta, là bông hoa hiên ngang và cao đẹp không ngừng vươn mình ngay cả khi bão giông. Bằng cách này, ta sẽ bớt đi những lần chậm chân, những lần bỏ lỡ thách thức, bỏ lỡ bài học và cơ hội – những thứ mà cuộc đời này chia những phép chia cách riêng cho từng người, có phần sẽ bi ai, những cũng không thiếu những vui sướng.

Hãy học cách nắm tay nỗi sợ, và thủ thỉ với hắn: “Này người bạn đồng hành, hãy đi với tớ nhé! Thỉnh thoảng khi cậu níu tay tớ, tớ sẽ đi chậm lại, thậm chí là có thể đứng lại cùng cậu một lúc. Nhưng chắc chắn một điều là tớ vẫn sẽ nhìn về phía trước và tiến tới ước mơ của mình đấy!”

Phạm B

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Khai hoang tâm hồn (Lc 3, 1-6) | Suy tư TMCN 2 mùa Vọng năm C

KHAI HOANG TÂM HỒN (Lc 3, 1-6)   Bạn đã bao giờ có kinh nghiệm …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *