Nơi Thánh Tâm Chúa Giê-su, Thiên Chúa Biểu Lộ Tình Yêu Đến Cùng

1Từ “con tim yêu thương” của Ba Ngôi Thiên Chúa khi nhìn xuống nhân loại lầm than khốn khổ, đầy dẫy tội lỗi và phải chết khổ đau, Thiên Chúa quyết định cứu chuộc nhân loại qua Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa thể hiện tình yêu đến cùng dành cho nhân loại, dành cho chính bạn và cho chính tôi. Tình yêu đến cùng đó bộc lộ cao độ nơi Thánh Tâm bị đâm thâu của Ngài, biểu tượng cho tình yêu cao cả nhất, yêu và chết vì người mình yêu, yêu cho đến tận cùng của thời gian và trao ban cho đến giọt máu cuối cùng.

Nhìn lên Trái Tim bị đâm thâu của Đức Giê-su, tôi như cảm được mời gọi: Thầy đã trao ban tất cả rồi, Thầy không còn giữ lại cho mình điều gì nữa. Con có dám đón nhận tình yêu này không?

Tôi có dám mở lòng để đón nhận tình yêu Chúa không? Có dám thưa vâng với tình yêu này như Đức Maria đã thưa xin vâng không? Thực tâm, tôi vừa run vừa sợ, vì nếu dám đón nhận thì đời tôi phải thay đổi theo lối yêu thương của Chúa. Phải chăng tôi chưa tự do để đón nhận tình yêu và sống tình yêu đó. Hay đúng hơn tôi chưa khao khát đủ, chưa đủ sức đủ ơn để cảm nghiệm tình yêu Chúa nên tình yêu dành cho Ngài còn nhiều dở dang.

Tình yêu của Chúa là tình yêu dám sống vì tha nhân, quảng đại dâng hiến đến cùng trên thập giá. Nơi đó, Chúa thể hiện một nhân cách cao cả, một tình yêu tuyệt đối. Theo lẽ phải của tình yêu, người được yêu cũng được thúc đẩy để yêu và trao lại tất cả cho Ngài. Ước gì tình yêu nồng nàn nơi Trái Tim bị đâm thâu đó chiếm trọn tất cả, để tôi luôn được ở bên Ngài, như lời của thánh Phao-lô: “không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô.” Tình yêu Chúa luôn mang tính cá vị, ngài bỏ lại 99 chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc. Trong trái tim của Chúa có chỗ cho riêng từng người, có chỗ cho riêng bạn và cho riêng tôi.

Có lẽ sự khốn khổ vẫn còn nơi bạn và tôi là do ta chưa dành thời gian để nhìn lên chiêm ngắm Đấng bị đâm thâu, Đấng yêu đến cùng, nên ta chưa đón nhận được tình yêu của Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, nhưng tình yêu đó cốt ở điều này là không phải do ta yêu Chúa trước, nhưng chính Chúa đã yêu ta trước và hiến mạng vì ta trong khi ta vẫn còn là tội nhân. “Đấng không biết tội lỗi, Thiên Chúa đã biến Người thành tội lỗi vì chúng ta, để chúng ta trở nên công chính” (2Cr 5,21).

Tôi cũng như bạn, có lẽ chúng ta chưa cảm nghiệm ra được tình yêu của Chúa nên chưa yêu mến Ngài và tha nhân được. Cho đến khi đứa con ngồi lại, nó nhận ra cha mẹ yêu thương nó, thì lối nhìn và lối sống của nó đối với cha mẹ khi đó mới thay đổi tốt hơn. Cũng vậy, khi nào chúng ta cảm nghiệm được Chúa yêu thương mình đến cùng, ngày đó, lối nhìn và lối sống của ta với Chúa và với tha nhân sẽ thay đổi.  Chỉ khi nào ta biết yêu thương thì khi đó ta mới là con của Thiên Chúa như thánh Gio-an nói: “Ai yêu là con Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,7-8).

Xin Chúa Thánh Thần đánh động lòng ta, thay đổi con tim chai đá nơi ta thành con tim bằng thịt biết yêu thương, biết nghiệm ra tình yêu vô bờ bến của Chúa thể hiện đặc biệt qua Trái Tim bị đâm thâu, nơi nguồn mạch tuôn trào các Bí tích. Nhờ đó, ta đủ can đảm để thưa xin vâng trước tình yêu của Chúa, biết thương Chúa hơn và thương anh em hơn.

Lễ Thánh Tâm Chúa là dịp để chúng ta tri ân cảm tạ Chúa vì Ngài đã sống gương mẫu về tình yêu. Đây cũng là nền tảng của niềm vui và nguồn hy vọng cho chúng ta. Vui vì Chúa luôn yêu thương,  trao ban tất cả cho chúng ta; hy vọng vì lối sống yêu thương phục vụ của Chúa đem lại sự sống, và Ngài nói nếu anh em thực hành như Thầy thì thật hạnh phúc cho anh em (x. Ga 13,17).

Lộc thông xanh

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 23-12-2024 (Lc 1,57-66) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *