Rất nhiều lần bạn bè nói với tôi rằng: “Thời này làm ăn mà thật thà thì nắm chắc phần thất bại.” Tôi không biết điều ấy đúng bao nhiêu, nhưng buồn cho một xã hội không tôn trọng sự thật. Khi học kinh tế, tôi không thấy các nhà kinh tế hoặc lý thuyết kinh tế dạy người ta nói dối hoặc lừa gạt. Theo họ, thành công, thịnh vượng và giàu sang phải đến từ sự chân chính của miệt mài lao động, khoa học và logic. Người am hiểu kinh tế, rành cuộc chơi thì dễ dàng thành công. Người gian dối nếu có thành công thì vinh hoa ấy chỉ là ngắn hạn.
Đó là chuyện cơm áo gạo tiền. Chắc đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 12 thường niên[1] hôm nay khiến nhóm người trên kia bàng hoàng. Tin Mừng ghi lại sự thật này: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết.” (Mt 10,26). Dĩ nhiên Đức Giêsu nói những lời này dành cho các môn đệ. Họ đang chuẩn bị hành trang để đi loan báo tin mừng. Đây là dự án lớn lao đòi hỏi người môn đệ phải thuộc nằm lòng những nguyên tắc của Thầy Giêsu trao ban.
Dưới đây là ba nguyên tắc được rút ra:
1. Đừng sợ
Đây là nguyên tắc khó khăn, vì các môn đệ như chiên đi vào giữa bày sói (Lc 10,1–12). Chúa muốn các ông nói lên sự thật; trong khi đó, thế gian ủng hộ gian dối lọc lừa. Chúa cần các ông trung thành với các mối phúc thật, trong khi đó thế gian thích đi ngược lại. Đức Giêsu thừa biết là kế hoạch của ngài sẽ bị nhiều người chống đối. Giáo Hội của Chúa sau này cũng đã bị bách hại. Nước Chúa và thế giới của Satan là hai phương trời cách biệt. Giữa làn ranh đó, Đức Giêsu đòi các ông đừng sợ.
Chỉ với lòng can đảm người ta mới có thể chu toàn sứ vụ nào đó. Nhát đảm chưa bao giờ làm nên thành công. Một khi có lòng can đảm, các môn đệ mới loan nhanh truyền rộng những gì Thầy mình dạy. Những lời Đức Giêsu năm xưa đòi người con của Chúa phải “lên mái nhà mà rao giảng”. Trong ý hướng này, chúng ta nhớ có lần thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói với các bạn trẻ rằng:
“Các con đừng sợ xuống đường để đi tới những nơi công cộng như các thánh Tông Đồ xưa. Giờ không còn là thời điểm để các con xấu hổ vì Tin Mừng nữa (x. Rm 1,6). Giờ là thời điểm để các con rao giảng từ trên mái nhà. Các con đừng sợ phá vỡ nếp sống tiện nghi và thói quen để chấp nhận thách đố: làm thế nào để khuôn mặt Chúa Giêsu được thế gian biết đến?”[2]
Thực ra trước đó lời đầu tiên trong thánh lễ khai mạc thời đại giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng này đã nói và nhiều lần nhắc lại: “Ðừng sợ hãi! Hãy mở, mở toang mọi cánh cửa cho Chúa Kitô. Với quyền năng cứu độ của Người, hãy mở biên giới của các quốc gia, các hệ thống chính trị và kinh tế, các lãnh vực văn hóa và phát triển.”
Suốt chiều dài lịch sử với lòng can đảm, Giáo Hội vẫn làm chứng cho Đức Giêsu. Một điều có thể lý giải: người ta giết chết thân xác, nhưng không giết được linh hồn. Chính Chúa sẽ chào đón linh hồn của những ai trung thành với Chúa và can đảm làm chứng cho Nước Trời. Nhờ điều này mà thời các tông đồ, Giáo Hội sơ khai lớn mạnh và rộng khắp.
2. Phó thác
Nếu đọc tiếp Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nhận ra nguyên tắc phó thác mọi sự trong tay Chúa. Thiên Chúa là đấng quan phòng. Nghĩa là Ngài luôn quan tâm, chăm sóc và hướng dẫn người ta đến chân thiện mỹ. Một ví dụ Đức Giêsu đưa ra: con chim sẻ, vốn là loài chim bình thường, nhưng Thiên Chúa vẫn chăm sóc chúng. Vậy các môn đệ, những người con của Chúa, chẳng lẽ Ngài không hết mực yêu thương? Do đó Đức Giêsu mời gọi những ai tin theo Ngài phải phó thác vào sự quan phòng của Cha trên trời với tình con thảo. (x. Mt 6,31–33; 10,29–31).
Đây là nguyên tắc quan trọng nhưng người ta hay quên. Nhất là khi gặp gian nan thử thách, nhiều người vẫn gào lên: Thiên Chúa vắng bóng. Trong khi đó, ngay cả tóc trên đầu từng người, Thiên Chúa đã đếm cả rồi! Mỗi sinh mạng đều độc nhất và quý giá trước mặt Thiên Chúa. Chúa không yêu thương một cách chung chung, nhưng Ngài yêu từng người một cách cụ thể. Chúa yêu bạn và tôi, lúc này và bây giờ. Chỉ khi nào người con của Chúa trải nghiệm được điều này, khi ấy lòng cậy trông phó thác mới vững mạnh trong hành trình đức tin.
Mở ngoặc nơi đây, phó thác chứ không thoái thác hoặc phó mặc. Chúa đòi người ta làm với hết sức lực. Rồi với ơn của Chúa, thành quả sẽ đến. Tiếc là còn lắm người ngồi chơi xơi nước mà buông lời: hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa. Hẳn là kẻ lười biếng, không phấn đấu hoặc vô trách nhiệm sẽ không thể thành công và hạnh phúc. Dĩ nhiên, Chúa không muốn người ta rơi vào hoàn cảnh này. Ngược lại, Chúa đòi người ta làm hết sức, phấn đấu hết mình, đồng thời phó thác mọi sự vào quyền năng quan phòng của Chúa.
Bởi thế có lần cha Anthony de Mello kể lại một câu chuyện ngắn như sau. Có chàng trai trẻ tìm đến với nhà thông thái để xin học về Thiên Chúa. Chàng trai bước vào căn lều của nhà thông thái và thưa:
–Thưa thầy, con là người tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Để chứng minh điều đó, con đã để con lừa của con bên ngoài mà không cần phải cột dây lại, dù con biết ở đây có nhiều kẻ trộm cắp. Con tin Chúa quan phòng sẽ giúp giữ con lừa của con.
Nhà thông thái ngước mắt lên nhìn chàng trai rồi hỏi:
– Này con, từ bao giờ mà Thiên Chúa bị biến thành kẻ giữ lừa cho con thế?
Như vậy Chúa cần người ta phó thác trong sự khôn ngoan với tinh thần trách nhiệm.
3. Nhận biết thầy Giêsu
Đây là nguyên tắc thứ ba được rút ra trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Trong hoàn cảnh bình thường, thật dễ để nói xuông rằng tôi biết thầy Giêsu. Trong hoàn cảnh thách đố và bách đạo, điều ấy không dễ chút nào. Giáo Hội hoàn vũ và tại Việt Nam đã, đang và sẽ trải qua kinh nghiệm bách đạo này. Chối Chúa thì được người đời tha mạng sống, nhận tin yêu và biết Đức Giêsu lại bị gông cùm, đòn roi và án tử. Nếu lật lại trang sử thời các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta sẽ thấy nguyên tắc này quan trọng biết bao.
Đây là lời hứa của Đức Giêsu: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời.” (Mt 10,32). Nếu ai chối Đức Giêsu, thì Ngài cũng không nhận người ấy trong Nước của Ngài.
Thực ra, để thi hành nguyên tắc này đòi người ta tập theo Đức Giêsu mỗi ngày. Cũng như mọi tương quan, kết thân với Chúa cần được quan tâm và vun trồng. Chính Đức Giêsu cũng muốn đến và ở với con người. Ngài muốn trong tương quan này, người con của Chúa được sống và sống dồi dào (Ga 10,1–10). Khi đó, khuôn mặt của Đức Giêsu càng ngày càng rõ hơn trong tâm trí mỗi người. Rồi trong hoàn cảnh khó khăn, nguyên tắc này thúc đẩy người tín hữu luôn trung thành với Đức Giêsu. Đó là nét đẹp của người Công Giáo, là lời mời gọi sống đạo giữa đời của mỗi tín hữu. Hoặc nói như chân phước Charles de Foucauld: “Sống thế nào để ngày mai bạn có thể chết như vị tử đạo.”
Trong Đạo Công Giáo chỉ có ba nguyên tắc này thôi sao? Dĩ nhiên là không! Trong đoạn Tin Mừng này tôi được Chúa mời gọi chiêm ngắm ba nguyên tác này. Ở đoạn khác, Thiên Chúa sẽ chỉ cho chúng ta những bài học bổ ích nữa. Tuy vậy, mến Chúa yêu người luôn là điều răn cao cả. Để mến Chúa, ba nguyên tác trên cũng cần được thực hiện. Để yêu người, hẳn là ba nguyên tác này cũng giúp ích.
Tạm kết:
Với tựa đề bài viết, chúng ta không bi quan. Dù người đời thích ăn gian nói dối, nhưng người con của Chúa chắc phải sống một con đường khác. “Sự thật sẽ giải phóng anh em.” (Ga 8,32). Với Lời Chúa, hy vọng nhiều người sẽ được biến đổi để làm chứng cho sự thật và cho Thiên Chúa. Gian dối chưa bao giờ cho người ta hạnh phúc bình an. Tiếc là nhiều người bị nó đánh lừa, nên cứ thích điêu ngoa. Trong làm ăn kinh tế, họ không ngần ngại dối trá; trong đời sống đạo, sự thật cũng xa lìa họ.
Đã đến lúc người ta cần ý thức những điều mình làm. Ước gì trong bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa trao cho người nghe nhiều ánh sáng để cuộc sống mỗi người thêm hạnh phúc bình an.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Suy niệm trong ngày Chúa Nhật 12 Mùa Tn. Mt 10,26-33.
[2] Diễn từ tại Denver, Colorado, nơi tổ chức Đại hội Giới Trẻ Thế giới năm 1993.