Bài viết dưới đây được khai triển trong ánh sáng của:
Tông Huấn “Chúa Kitô sống” số 124-129
Nếu đọc Tông Huấn “Chúa Kitô sống” mà Đức Giáo Hoàng vừa gửi cho người trẻ, câu đầu tiên ngài nói: Đức Kitô đang sống! Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung Tông Huấn mà Giáo Hội muốn đồng hành với người trẻ. Chúng ta đều biết Đức Giêsu đã chịu chết để cứu độ con người. Sau ba ngày, Ngài đã sống lại và luôn hiện diện với con người. Tin Mừng phần cốt lõi đều xoay quanh điều ấy[1].
Tuy vậy, để sống với Đức Kitô đang sống, cũng nhiều thách đố cho người trẻ. Bởi, có khi người trẻ nghĩ ông Giêsu, một nhân vật lịch sử nổi tiếng, không hơn không kém. Ngài đã trôi vào dĩ vãng. Hoặc, “Đức Giêsu chỉ như một gương sáng trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Đấng đã cứu chúng ta hai ngàn năm về trước.” (Tông Huấn Chúa Kitô sống số 124). Đỉnh điểm, triết gia người Đức, Nietzsche mạnh miệng tuyên bố: Thiên Chúa đã chết!
Tuổi trẻ dĩ nhiên là thời gian của sức sống dâng trào. Biết bao năng lượng dồi dào trong người trẻ. Họ muốn sống, và sống thật ý nghĩa. Đó là khát vọng thẳm sâu và chính đáng. Tiếc là, có bạn chắn đời, không muốn sống! Dẫu sao sự sống luôn là cái gì đó quý giá nơi tất cả mọi người. Thiên Chúa cũng thế, Ngài chưa bao giờ là Thiên Chúa ở trong sự chết chóc. Ngài trường tồn và sống vĩnh hằng. Bởi đó, người đời mới gọi Ngài là Thiên Chúa, nghĩa là Đấng tuyệt đối, quyền năng và bất tử.
Nói thế không phải ai cũng để ý đến căn tính ấy của Thiên Chúa. Khi cả Giáo hội họp bàn liên quan đến người trẻ, Chúa Kitô đang sống được chú tâm hằng đầu. Trong đời sống của Giáo Hội cũng thế. “Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta là Đấng còn đang sống. Người là Đức Kitô Phục Sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, được hồi sinh trong ánh sáng vô tận.” (số 124). Đó là niềm hy vọng lớn lao cho bất kỳ ai, nhất là cho người trẻ trong thời đại đang lâm vào cảnh chết chóc, tang thương. Đừng lo! Thiên Chúa sống động trong từng biến cố cuộc đời.
Bạn có thể dơ tay phản đối ý kiến trên, vì đơn giản người đời hôm nay không thấy Thiên Chúa hiện diện bằng xương, bằng thịt. Không! Sau khi Ngài sống lại, sự hiện diện của Ngài hoàn toàn không còn giới hạn trong một thân xác phàm trần. Bởi đó, Ngài có thể hiện diện mọi lúc, mọi nơi. Ngài có thể trò chuyện với mọi người, mọi ngôn ngữ và văn hóa. Đó là mầu nhiệm phục sinh, mà người trẻ cần nhìn bằng con mắt đức tin. Phải chăng Nietzsche nhìn bằng con mắt thể lý, nên ông mới cho rằng Thiên Chúa đã chết từ lâu rồi?
Một điều nữa chúng ta đồng ý với nhau rằng: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em ra vô ích.” (1 Cor 15,17). Nếu Đức Kitô không sống, chúng ta đúng là khờ khạo, nhẹ dạ để đi theo và tin vào Ngài! Lịch sử và kinh nghiệm của nhiều thế hệ cho thấy Đức Kitô đang sống động và hằng ở với con người cho đến tận thế. (Mt 28,20). Đó là chỗ dựa vững chắc cho người trẻ dựng xây tương lai đời mình trên đá tảng là Đức Giêsu. “Đây là sự an toàn của chúng ta. Chúa Giêsu sống đời đời. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ sống và vượt qua tất cả các hình thức chết chóc và bạo lực đang rình rập chúng ta trên đường.” (số 127).
Cho dẫu ta thường nhìn thấy tượng Chúa chịu chết trên cây thánh giá, nhưng Ngài đã sống lại. Thực vậy, tượng chịu nạn ấy nhắc cho người trẻ về một sự kiện: “Họ đã giết Đấng thánh, Đấng công chính, Đấng vô tội, nhưng Người đã chiến thắng.” (số 126). Như thế, người trẻ có lý do và hạnh phúc để thấy niềm tin của mình đặt đúng chỗ. Từ cổ chí kim, chỉ mình Đức Giêsu đã chết và đã sống lại hiển vinh. Nhờ sức sống ấy, người trẻ hy vọng tìm được biết bao điều vĩ đại nơi Ngài.
Nếu bạn đang mệt mỏi, chán chường và thất vọng, hãy nghe lời thì thầm này của Đức Giêsu: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10). Hôm nay và ở đây, Chúa Kitô sống cũng đang nói cùng lời ấy với bạn. Vấn đề là bạn có đủ “lặng để nghe Chúa nói” không mà thôi? Hơn nữa, ai càng kết thân với Đức Kitô sống, người ấy càng sống dồi dào! Khi càng sống dồi dào, hạnh phúc, họ càng tin rằng Thiên Chúa đang hiện diện với họ. Đó là phép biện chứng thú vị mà không phải ai cũng nhận ra. Một lần nữa, “Đức Kitô đang sống!” luôn là sứ điệp mạnh mẽ gọi mời người trẻ để tâm và sống cùng Ngài.
Bằng cách nào? Đức Giáo Hoàng Phanxicô bật mí cho người trẻ: “Nếu các con trân quý vẻ đẹp của sứ điệp này bằng quả tim của các con và để cho mình được Chúa gặp gỡ; nếu các con để cho mình được Người yêu thương và cứu rỗi; nếu các con kết bạn với Người và bắt đầu trò chuyện với Người, là Đức Kitô hằng sống, về những điều cụ thể trong cuộc đời các con, thì đây sẽ là kinh nghiệm tuyệt vời, kinh nghiệm cơ bản giúp nâng đỡ đời Kitô hữu của các con.” (số 129).
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, đôi khi chúng con quên mất Ngài đã sống lại. Bỏ ngoài tai lời mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28) Cứ tưởng Ngài đã chết, nên chúng con chẳng kiếm tìm; cứ tưởng Ngài là nhân vật một thời trong quá khứ, nên chúng con chẳng để tâm; cứ tưởng Ngài là Đấng phiền phức nên chúng con tránh xa, v.v. Nhưng chúng con đã lầm! Đức Kitô đang sống với chúng con, lúc này và ở đây!
Xin giúp con dành thì giờ cho Chúa, để Ngài chi phối cuộc sống trẻ trung của chúng con. Được như thế, như lời Đức Giáo Hoàng: “Đức Kitô lấp đầy mọi sự bằng sự hiện diện vô hình của Người, và dù con đi bất cứ nơi nào, Người sẽ chờ đợi con ở đó. Bởi vì Người không những đã đến mà còn đang đến và sẽ tiếp tục đến mỗi ngày để mời con tiến bước đến một chân trời luôn luôn mới.” (số 125). Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] “Việc loan báo tiên khởi hay kerygma, nó phải là trọng tâm của mọi hoạt động loan báo Tin Mừng … giúp chúng ta tin vào Đức Kitô, Đấng nhờ sự chết và sống lại của Ngài, mặc khải và thông truyền cho chúng ta lòng thương xót vô biên của Cha.” (x. Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 164)