Hoành Sơn
Vào thời săn bắt và hái trái, người ta lấy sức khỏe mà đánh giá lẫn nhau. Sang thời bộ lạc, chỉ các tù trưởng được tôn trọng và các dân tộc to mạnh được kính ngưỡng.
Còn ngày nay, dù kẻ thấp hèn trong xã hội cũng được kính nể như một nhân vị. Do đó, chế độ giai cấp (quý tộc-nông nô) và sự kỳ thị da trắng-da đen không còn nữa. Dẫu sao, mặc nhiên người đời vẫn trọng kẻ giàu sang, quyền quý, và coi rẻ kẻ đói rách, nghèo hèn.
Thực ra, con người tự nó có phải là một giá trị không thể trao đổi không? Để trả lời, chúng ta hãy bắt đầu đi sâu vào mấy truyền thống và văn minh – tôn giáo lớn để xem con người có được coi trọng ở chỗ là người, và coi trọng đến đâu.
Phẩm giá con người trong văn minh Trung quốc
Văn minh Trung quốc, có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều nước xung quanh, là văn minh nhân bản. Đóng góp phần lớn vào văn minh ấy là Khổng giáo. Coi trọng đạo làm người, Khổng Tử đặt nền vững chắc cho nó ở Mệnh Trời. Quả thế, theo Đức Khổng, chính Mệnh Trời đã chiếu in thánh Tính nơi con người chúng ta:
-“Thiên mệnh chi vị Tính, xuất Tính chi vị Đạo.”
Trung dung, chương I
Đúng là con người khi sinh ra tự nhiên đã hướng thiện qua khả năng biết phân biệt thiện ác ở lương tri. Vâng, ở lương tri bất cứ ai, vì “Đạo bất viễn nhân” (chương XIII) mà. Cho nên, chỉ việc để lòng thanh tĩnh, không vướng đục ham muốn và tư kỷ, ai nấy đều hiểu được Đạo ở chỗ tinh thuần của nó (ch.XXI). Nhất là với thái độ “Chính tâm, Thành ý” để nhìn ra Đạo, chúng ta vừa mang nó áp dụng vào đời sống, vừa truy tra và học hỏi thêm.
Đạo làm người hướng ta về con người trong cung kính, khoan hòa và nhân ái. Vâng, phải tỏ ra cung kính đối với mọi người, dù đối với dân man di phương Bắc và phương Đông cũng vậy, như Đức Khổng khẳng quyết :
-“Cư xử Cung (khiêm cung), chấp sự Kính (vào việc phải tỏ ra kính cẩn), dữ nhân Trung (giao tiếp với người thì Trung chính). Tuy chi Di-địch, bất khả khí giã (dù đối với dân man di, cũng không thể bỏ thái độ ấy).”
Luận ngữ, ch. XIII, số 19
Câu nói trên cho thấy rõ Khổnng Tử coi bất cứ ai, dù sang hèn, khôn ngu, tốt xấu thế nào chăng nữa, vẫn là một phẩm giá, và phải được tôn trọng vì phẩm giá nói trên. Không chỉ tôn trọng thôi, mà còn phải yêu thương như anh em một nhà nữa:
-“Tứ hải chi nội giai huynh đệ.”
Luận ngữ, ch. XII, số 5
Vì hết mọi người như nhau,nên nếu ai nấy phải được tôn trọng như một phẩm giá, thì ngược lại để sống xứng như một con người, ai nấy cũng phải sửa mình để giữ Đạo, dù thiên tử hay thứ dân cũng thế:
-“Tự thiên tử chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân ( lấy sửa mình ) vi bản (làm gốc).”
Đại học, ch.I
Phẩm giá con người trong văn minh Ấn Độ
Nếu văn minh Trung Quốc là nhân bản, thì có thể gọi văn minh Ấn Độ là thần bản khi họ tập trung vào thần linh, khiến con người bị coi rẻ phần nào. Vâng, con người nói chung bị đánh giá thấp qua cấu trúc bản thân, cũng như qua thuyết luân hồi và chế độ tập cấp.
Hãy bắt đầu với chế độ tập cấp (giai cấp theo cha truyền con nối).
Tập cấp ở đây gọi là Varna, nghĩa là mầu sắc, đúng ra là sắc da. Bởi vỉ chế độ khởi phát từ sự kỳ thị giữa dân Ârya da trắng[1] từ phía Tây đến xâm lăng hồi trước công nguyên, với dân bản xứ bị trị da đen bị coi khinh là man rợ (dasyu). Với thời gian, tập cấp không còn phân chia theo mầu da nữa, mà theo địa vị xã hội và theo ngành nghề.
Thấp kém nhất là tập cấp sudra, nô bộc. Nhưng khốn nạn nhất là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, các ngọai tập cấp, quen gọi là Candala, là Dalit : một sỉ nhục cho giống người!
Và sau đây, thuyết Luân hồi.
Sống trên đời, có người làm lành, kẻ làm ác. Làm lành hay ác sẽ được thưởng hay phạt tạm trên thiên đường hay dưới địa ngục. Thưởng phạt tạm thời thôi, vì sau đó sẽ đầu thai làm người hay súc vật tùy theo nghiệp quả kiếp trước. Chính vì lý do ấy, ai nấy phải giữ luật A-himsâ (giới sát) một cách nghiêm ngặt, nghĩa là trường trai (không ăn thịt cá), để tránh lỡ ăn nhầm phải tiên tổ. Tránh không tàn sát muông thú, đó là điều tốt. Nhưng coi chúng sinh, con người cũng như con heo, há chẳng là thiếu lòng tôn trọng nhân phẩm hay sao?
Thật ra, chuyển từ kiếp này sang kiếp khác không chỉ do làm ác, mà do dục vọng như một tiềm năng tâm lý nó theo đuổi mãi cho đến khi ta được giải thoát (mukti) bằng diệt dục (a-kâma) và minh trí. Thật ra, không phải toàn con người đi vào luân hồi đâu, mà chỉ có thân xác tinh vi thôi. Trong khi ấy, thân xác thô là mình mẩy, phèo phổi thì tan vào cát bụi sau mỗi kiếp.
Số là, theo truyền thống Ấn Độ, con người được làm nên bởi nhiều thành tố. Thấp nhất là thân xác thô. Cao hơn, có thân xác tinh vi, cũng là thân xác luân hồi, hợp bởi mầm sống hay sinh khí, tiếp đó là giác năng (indriya) và hạ trí (manas). Còn thành tố trung tâm, cốt yếu, cao vượt hẳn lên là Ngã, Âtman, cái Chính mình (â-Tman).
Vậy đâu mới thật sự là con người? Phải chăng chỉ có Âtman, cái Chính mình nó tách ra khỏi cả thân xác thô lẫn thân xác tinh vi, nghĩa là thuần linh, bất tử? Chỉ biết rằng, phải nhờ tu luyện cam go, sau nhiều kiếp để diệt dục hoàn toàn và đạt đại định (samâdhi, huyền nghiệm) mới giải thoát nổi Âtman khỏi luân hồi và vật chất. Nếu đây gọi là con người, thì đây cũng là con người không thể xác!
Phẩm giá con người trong văn minh Hy Lạp
Vào thời Chúa Giêsu và các tông đồ, đế quốc La mã phủ bóng trên một vùng trời rộng lớn, suốt từ Châu Âu đến Tiểu Á và Bắc Phi. Trong đế quốc ấy, người ta nói tiếng Hy Lạp và sống theo văn hóa Hy Lạp. Do đó, các giáo phụ cũng dựa vào triết học Hy Lạp mà trình bầy giáo lý Kytô-giáo.
Vậy các triết gia Hy Lạp quan niệm thế nào về vũ trụ, nhất là về con người?
Theo Platon,thì linh hồn,mà ông gọi là Noũs, tạm dịch Lý trí, vẫn có từ muôn xưa trên thiên giới, ở đó hồn chiêm ngưỡng các Ý tưởng chúng làm thành Thế giới khả tri (Monde intelligible). Nay hồn bị cầm tù trong thân xác ở Thế giới khả giác (sensible) này, tại đó sự vật thành hình cái nọ cái kia là do mô phỏng các ý tưởng, nên chúng gợi cho hồn nhớ lại những Ý tưởng đã từng chiêm ngưỡng trước kia. Vâng, tri thức hiện thời của con người luôn là tri thức gián tiếp: biết là nhớ lại ý tưởng.
Như vậy, Platon chỉ coi thân xác như nhà tù của linh hồn, còn linh hồn ấy được quy về Lý trí (Noũs) vốn tri thức bằng Ý tưởng.
Nếu Platon đặt thực tại ở Thế giới khả tri trên Trời, thì Aristote, thực tế hơn, kéo thực tại xuống trái đất. Theo ông, ý tưởng không có sẵn tự mình, mà nó chỉ là mô thức (forma) của sự vật thôi. Quả thế, sự vật xuất hiện dưới hai mặt : a) mô thức hay mẫu, loại : như con bò nói chung chẳng hạn; b) chất thức (materia) thu hẹp mẫu, loại ấy vào con bò này khác với con bò kia.
Aristote cũng đưa nguyên lý mô-chất áp dụng vào con người. Nơi con người, chất thức là xác, còn mô thức là hồn. Điều ấy cho phép con người thành một dưới hai mặt xác và hồn. Có điều nó không thể giải thích vì đâu hồn vẫn tồn tại khi con người chết, chứ không tiêu tan cùng với xác thân!
Triết gia quan trọng thứ ba của Hy Lạp là Zenon. Vì ông lập trường dậy học ở cổng Stoa, nên môn phái ông có tên là Stoismus (Stoa-phái hay Stoa-thuyết).
Theo Zenon, vũ trụ là một cơ thể được sống động hóa bởi Hồn mà ông gọi là Logos (Lời, lời nói). Hồn được coi như cái Lý nó khiến cho tất cả được sắp đặt có ngăn nắp và chuyển vận nhịp nhàng trong trật tự.
Thu hẹp nơi con người, Logos làm nên hồn và vũ trụ nên xác. Có điều như vậy, mọi con người chỉ là sự rút gọn của Logos-Vũ trụ, và chắc là khi chết rồi, hết thảy lại tan hòa vào cái Khối bao la ấy thôi. Không có gì riêng biệt cho cái Tôi của từng người nữa!
Sự cao quý của con người theo Cựu Ước và trong Kytô giáo
Về tính cao quý của con người, giáo phụ thường lấy hai đoạn Sáng thế ký mà suy tư:
-St.2.7 :’Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, đoạn thổi sinh khí vào mũi, và con người trở nên một sinh vật.”
-St.1.26 :”Thiên Chúa phán :-Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.”
Con người được làm nên theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa ư? Thật cao trọng biết bao nhiêu! Lại còn nhận được Ruah Yaweh thổi vào nữa chứ!
Chẳng những dựa vào Sáng thế ký, nhiều giáo phụ còn tôn vinh con người mới qua Tân Adam là nhân tính của Con Thiên Chúa nhập thể. Và đây là dựa vào suy tư của thánh Phaolô khi ngài so sánh hai Adam, mới và cũ với nhau :
-Trong 2Cor.3, Phaolô đối lập khuôn mặt bị che đi của Maisen với khuôn mặt lộ ra rạng ngời của Đức Kytô, Hình ảnh của Thiên Chúa.
-Trong 1Cor.15.45-49, Phaolô so sánh Adam cũ từ đất mà ra, với Adam mới từ Trời mà đến, Ngài cũng là “Thần khí thông ban sự sống”, nhờ đó loài người chúng ta “gieo xuống là thân mình tâm trí tính (sôma psukhikon)”, nay trỗi dậy thành “thân mình thần khí tính (sôma pneumatikon)” (câu 44).
Phẩm giá con người qua suy tư của giáo phụ
Để trình bày sự cao quý của con người theo Kytô-giáo, chẳng những dựa vào Kinh thánh, các giáo phụ còn mang triết học Hy Lạp vào để lý luận nữa. Thường thì đây là tư tưởng của Platon và Zenon.
Nơi Zenon, họ lấy tiếng Logos để chỉ Con Thiên Chúa, khi mà qua Con như minh trí Ngài đã sáng tạo nên thế giới tuyệt vời này, cũng như qua Con như kiểu mẫu Ngài đã dựng nên con người theo hình ảnh của mình và giống như mình. Có điều vì Logos của Zenon chỉ là Hồn vũ trụ thôi, nên giáo phụ phải nâng Logos lên thành Con Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa.
Với Platon thì công việc giáo phụ khó khăn hơn, bởi lẽ theo Platon thì linh hồn nghiêng về lý trí và có trước thân xác, trong khi thân xác lại là nhà tù của hồn, có địa vị rất thấp kém. Đó chính là cái bẫy lớn, khiến một số thần học gia nhìn xác và hồn trong tư thế đối nghịch nhau (dualismus). Thậm chí có người như Origênê coi các hồn từ xưa vốn y hệt như nhau, để rồi do công tội khác nhau mà chia thành ba cấp : thiên thần, ác quỷ, hồn người.
Origênê cũng phân biệt nơi con người ba thành tố : thần khí (pneuma), lý trí (noũs), thân thể (sôma). Riêng lý trí có khả năng tri thức và phân biệt thiện ác, chứ thân xác thì chẳng có giá trị gì. Bởi thế, cũng chỉ lý trí mới được tạo nên “theo hình ảnh” và “giống như” Thiên Chúa. Chẵng những thân xác tách biệt khỏi lý trí, mà nó còn là xác thịt đối nghịch với thần khí nữa.
Sau đây, chúng ta chọn riêng hai giáo phụ : Irênê thành Lyon và Clêmentê thành Alexandria để trình bày sơ lược về học thuyết của họ liên quan đến con người.
-Thánh Irênê giám mục Lyon (130-208)
Điểm đáng quý nơi Irênê là thánh nhân đã không theo Platon mà đối lập xác với hồn, nhưng theo sát Kinh thánh coi con người hồn-xác thành một, khi mà xác ấy được sống động hóa bởi sinh khí được Yavê thổi vô (St.2.7). Vâng, xác không phải nhà tù của hồn, nhưng là biểu hiện cần thiết của hồn.
Cũng theo Irênê, ngay từ đầu con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Đức Giêsu Kytô tương lai. Chính nhân tính của Đức Kytô mới là Hình ảnh (viết hoa) của Thiên Chúa.
Nếu Ngôi Lời nhập thể là Hình ảnh (nên hữu hình) của Thiên Chúa, và con người là hình ảnh của Hình ảnh này, thì việc khiến con người nên “giống như Thiên Chúa” lại là công trình của Chúa Thánh Thần. Việc “giống như” này có tiến có lui, với những cấp bậc từ cao xuống thấp.
Quả thế, nơi nhân tính Chúa, con người được gieo giống trong Phép dìm (rửa) để nên gống như Thiên Chúa theo kiểu mẫu Đức Kytô nhờ tác động Thánh Thần. Và sự tăng trưởng về phía hoàn thiện ấy có sự hợp tác của con người có tự do. Và sự nên thánh nói đây là của con người xác-hồn thành một, chứ không phải của hồn hay noũs suông. Trong khi thánh hóa từng Kytô-hữu, Thánh Thần cũng hợp nhất tất cả trong Hội thánh, Thân mình Đức Kytô.
-Clêmentê thành Alexandria (thế kỷ IIII)
Để nói lên sự cao quý tột bậc của giống người, Clêmentê nhấn vào biến cố vĩ đại là việc nhập thể của Ngôi Lời Con Thiên Chúa. Logos chính là Hình ảnh (viết hoa) của Thiên Chúa. Còn con người thì được tạo nên theo hình ảnh của Logos này. Cũng như một số thần học gia khác, Clementê cho rằng nơi con người, chỉ noũs mới là hình ảnh thôi (ảnh hưởng Platon). Dẫu sao theo ngài, thân xác cũng được đồng dạng (conforme) với nhân tính Đức Kytô.
Cũng theo Clementê, con người sinh ra từ bụi đất, được Thiên Chúa thổi sinh khí để đưa noũs vào, do đó noũs của mọi người đều mang hình ảnh của Logos. Nhưng để nên giống như Logos, thì phải sống đức tin, phải “bắt chước” Chúa Kytô, và đây là công việc Chúa Thánh Thần làm nơi chúng ta.
Tổng kết
Trong các nền văn minh cổ xưa, chỉ có văn minh Khổng giáo đề cao phẩm giá con người. Nhưng đây mới là phẩm giá xét về mặt tự nhiên thôi. Nhân phẩm siêu nhiên phải tìm trong Kytô-giáo.
Theo Cựu Ước, loài người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thành giống như Thiên Chúa. Và sự cao quý ấy vượt trội hẳn lên khi Con Thiên Chúa nhập thể, rồi qua Phép dìm (rửa) nó làm cho con người thành đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu và trở nên con Thiên Chúa.
Các giáo phụ vừa dựa vào sách Sáng thế, vừa dựa vào mầu nhiệm Nhập thể để làm nổi bật sự cao quý của giống người. Để trình bầy như thế cho mọi người trong đế quốc La mã hiểu, các ngài đã đưa triết học Hy-Lạp vào trong lý luận, diễn giải, cho rằng tư tưởng này đã dọn đường cho khải mạc Kytô-giáo.
Thế nhưng Platon lại tách biệt hồn với xác. Hồn là noũs vẫn có từ xưa trên thiên giới để chiêm ngưỡng Thế giời khả tri bất biến là các Ý tưởng. Còn xác chỉ là nhà tù nó giam hãm tạm thời noũs trong Thế giới khả giác này. Đó là cái bẫy khiến một số thần học gia coi rẻ xác và tách nó khỏi hồn. Riêng chỉ có một số ít người như thánh Irênê thành Lyon bảo vệ được sự hồn-xác thành một của chúng ta.
Giáo phụ cũng chịu ảnh hưởng của Zenon mà đưa Logos (Lời như cái Lý) vô để nói lên vẻ đẹp của vũ trụ và sự cao quý của con người. Thế nhưng nếu Zenon chỉ coi Logos là Hồn vũ trụ, thì giáo phụ lại đặt Logos làm Con Thiên Chúa và Hình ảnh (viết hoa) của Thiên Chúa. Còn loài người là hình ảnh của Hình ảnh (viết hoa) này. Sự cao quý của con người là ở đó, khi mà trong Phép dìm (rửa), Chúa Thánh Thần được sai đến trong lòng tân Kytô-hữu mà kêu lên “Abba, Cha ơi” (Rom.8.15) để họ trở thành con Thiên Chúa Cha.
Chắc hẳn niềm tin nói trên về sự cao quý của con người đã tác động dần vô tâm trí anh em Âu châu vốn toàn tòng Kytô giáo, khiến cho cuộc Cách mạng Pháp 1789 nổ ra, bãi bỏ mọi đặc quyền của giới quý tộc, và tuyên bố sự bình đẳng của mọi công dân trước luật pháp. Để rồi sau đó cũng tại Paris ngày 10-12-1948, bản Tuyên ngôn nhân quyền cho toàn thế giới được Đại hội đồng Liên hiệp quốc chấp nhận và công bố, và ngày 10-12 hằng năm được lấy làm Ngày nhân quyền.
Có điều phẩm giá con người gần đây cũng bị đe dọa bởi một số nhà khoa học khi họ muốn chế tạo não người bằng silicon, nhất là nhân bản (cloning) con người bằng cách nạo vét nhân một noãn bào (ovocyte), rồi đưa ADN của một người nào đó vào thay thế, hầu phiên bản của người này được làm ra, như chú cừu Dolly vậy. Bằng cách nhân bản như thế, người ta có thể tạo nên những loại người khôn hay khỏe theo đơn đặt hàng : Con người không còn là mục đích của mình nữa, nó trở thành phương tiện, công cụ mất rồi!
[1] Nhà độc tài Hitler cho rằng dân tộc Đức chính cống là người Ârya (Aryens), nên lập đảng Quốc-xã để thanh lọc chủng tộc, qua dó sát hại tới mấy triệu người Do Thái.