Phần XI: Bí Tích Thánh Thể : Bữa Tiệc Vượt Qua

BỮA TIỆC VƯỢT QUA

bg0lvdm

Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.” Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.” Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em. (Lc 22, 14-20)

Vào đêm trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã chia sẻ một bữa ăn với các môn đệ thân tín của Ngài. Bữa ăn này đã trở thành nền tảng cho Bí tích quan trọng nhất, đó là Bí tích Thánh Thể. Để hiểu Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần quay trở lại thời điểm diễn ra bữa ăn này.

Đức Giêsu đã đi lên Giêrusalem như hàng ngàn người Do Thái đang trên đường hành hương dự lễ Vượt Qua. Tại Giêrusalem, Ngài đã được ca ngợi như “Đấng Cứu Thế”, một tước hiệu vương quyền xúc phạm đến người Rôma. Ở đó, Đức Giêsu đã đối diện với các nhà lãnh đạo Do Thái. Ngài đã đi vào đền thờ và xua đuổi những người đổi tiền. Ngài đã gọi các luật sĩ và người Pharisêu là những kẻ dẫn đường mù quáng và đạo đức giả. Ngài đã đòi hỏi dân chúng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, không thờ phượng Người vì lợi lộc hay lôi kéo Người vì sự công chính theo cách riêng của mình. Ngài là một thách thức cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và Rôma, và Ngài đã phải chết vì cuộc đương đầu này.

Vào đêm trước khi chịu chết, Ngài đã tụ họp với những người bạn thân thiết nhất để chia sẻ bữa ăn. Nhưng đây không chỉ là một bữa ăn như các bữa ăn thông thường khác. Luca cũng như Mátthêu và Máccô mô tả bữa ăn này như bữa tiệc Vượt Qua mà người Do Thái cử hành để tưởng niệm cuộc xuất hành khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Đó là một bữa ăn mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc đối với người Do Thái. Với người Do Thái, bữa tiệc Vượt Qua có ý nghĩa tưởng nhớ và sống lại biến cố xuất hành khỏi Ai Cập và thoát khỏi Pharaô. Họ ăn mặc như những người trốn chạy. Có những câu hỏi từ các thành viên trẻ nhất của gia đình “Tại sao ngày này lại khác tất cả các ngày khác?” Người cha sẽ giải thích ý nghĩa của cuộc xuất hành đối với người Do Thái. Thức ăn và bữa ăn mang tính biểu tượng cao.

Đầu tiên, lời chúc lành trên bánh không men là dấu hiệu của sự giải thoát khỏi Ai Cập. Những con người vội vàng ra đi nên không thể đợi bột lên men.

Thịt cừu nướng nhắc nhớ máu chiên Vượt Qua dính trên các trụ cửa. Khi thiên thần sự chết băng qua, họ nhận ra ơn cứu độ của họ ở nơi Chúa.

Rượu, chén chúc tụng là một nhắc nhớ về giao ước giữa Chúa và dân của Người.

Rau đắng nhằm nhắc nhớ về sự đắng cay trong hành trình dân đi trong sa mạc tiến về đất hứa.

Bữa tối đó không phải là bữa ăn bình thường mà Đức Giêsu đã ăn với các bạn hữu. Đó là một bữa ăn diễn tả tâm điểm đức tin của Ítraen. Trong bối cảnh của bữa ăn này, Đức Giêsu đã thay đổi ý nghĩa của bữa ăn. Bánh này không còn là bánh của xuất hành nữa. Thay vào đó Đức Giêsu nói “Này là Mình Thầy”. Rượu này cũng không còn ý nghĩa nhắc lại giao ước cũ nữa, nhưng giờ đây một giao ước mới sẽ được ký kết với Thiên Chúa, theo một cách tương quan mới với Thiên Chúa và Đức Giêsu chính là trung gian của mối tương quan này. “Chén này là giao ước mới trong Máu Thầy, sẽ được đổ ra cho các con”.

Đức Giêsu đã dạy dỗ các môn đệ ba năm trời. Và trong bữa ăn tối vào đêm trước khi chịu chết, Ngài dùng cơ hội này để nhắc lại với các môn đệ: Thầy là tấm bánh bị bẻ ra, Thầy là chén rượu phải đổ ra. Bữa ăn này là đỉnh cao của toàn bộ đời sống tự nguyện tùng phục của Đức Giêsu. Nó cũng là một sự báo trước của hành động yêu đến cùng. Thân thể Ngài sẽ sớm được bẻ ra giống như tấm bánh này, máu Ngài cũng sẽ được đổ ra giống như chén rượu này.

Ngài để lại cho các môn đệ một cách tưởng nhớ về sự hiện diện của Ngài đối với họ. Đó là một bữa ăn mà họ sẽ cử hành mỗi năm nhưng bây giờ mang một ý nghĩa mới. Xuất hành không còn là một sự kiện trung tâm của lịch sử cứu độ nữa. Đúng hơn, như Đức Giêsu nói “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Trình thuật về Bữa Tiệc Ly như một bữa ăn Vượt Qua có thể được tìm thấy trong các Tin Mừng Mátthêu, Máccô và Luca. Tuy nhiên, Gioan không kể cho chúng ta những chi tiết này. ngài chỉ đơn giản nhìn nhận bữa tiệc nhưng ngài viết:

Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? ” Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Gioan 13, 4-6.12-14)

Vào thời Đức Giêsu, bởi vì đường không được lát đá, cách đơn giản để thể hiện lòng hiếu khách là rửa chân cho khách khi họ đặt chân tới nhà mình. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện bởi người đầy tớ nếu anh ta có mặt ở đó. Trong Tin Mừng Gioan, bữa tiệc ly được kết nối với việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Ngài đã đảm nhiệm vai trò của một tôi tớ. Đây là một nghi thức mà chúng ta vẫn cử hành hàng năm vào chiều thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, nghi thức này cũng có một mối liên hệ với Bí tích Thánh Thể: làm cho Bí tích Thánh Thể còn hơn một bữa ăn chia sẻ. Đó là một thực tại sống động. Chúng ta phải sống Bí tích Thánh Thể bằng cách đặt chính mình vào vị trí phục vụ người khác: bằng cách cúi xuống rửa chân, để chính mình được bẻ ra và đổ ra như bánh và rượu. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một cách sống và một cách phục vụ khiêm tốn hơn là chỉ để lại một nghi thức để cử hành.

Suy nghĩ và Thảo luận

Nếu tối nay bạn trở về nhà và sẵn sàng rửa chân cho một người trong gia đình mình thì bạn thử nghĩ xem phản ứng của người đó là gì? Họ có để cho bạn làm điều đó không?

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *