Phỏng vấn cha Giám Tỉnh Hungary sau chuyến thăm Việt Nam

Tháng 12 vừa qua, cha giám tỉnh dòng Tên Hungary, cha Vízi Elemér đã tới thăm vùng Viễn Đông. Đầu tiên, ngài tới thăm tỉnh dòng Tên Việt Nam và gặp gỡ thân nhân của hai anh em thuộc dòng Tên Việt Nam đang sống và học tập tại Hungary. Sau đó, cha sang tỉnh dòng Philippin tham dự ngày lễ tưởng niệm các cố tu sĩ dòng Tên Hungary đã phục vụ tại Philippin. Trong bài phỏng vấn của Szőnyi Szilárd với cha giám tỉnh Hungary, chúng ta sẽ biết lý do tại sao một cha giám tỉnh địa phương đã tạ ơn, vì  “nhờ” Cộng Sản mà họ có nhiều ơn gọi. Bên cạnh đó, chúng ta có thể học được những bài học từ các ki-tô hữu tại Viễn Đông.

Trong những năm gần đây, tỉnh dòng Tên Hungary có sự hiện diện của hai tu sĩ trẻ dòng Tên Việt Nam. Vậy chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của cha có liên quan gì đến sự hiện diện của họ ở đất nước chúng ta không?

Những tu sĩ Việt Nam đến Hungary trước là học ngôn ngữ và hội nhập văn hóa, sau là ở lại và gia nhập vào Dòng Tên Hungary chúng ta. Nửa cuối thế kỷ trước, một vài tu sĩ dòng Tên Hungary đã phục vụ tại Việt Nam, họ là những người bị trục xuất khỏi Trung Quốc, vì sự tiếp quản của Cộng Sản Trung Quốc. Trong số đó, cha Nemeshegyi Péter  đã đến Việt Nam giảng dạy đôi lần, vì lúc đó ngài đang phục vụ tại Nhật Bản. (Hiện nay, cha Nemeshegyi Péter SJ chuẩn bị bước sang tuổi 96, và ngài đang nghỉ hưu tại Hungary). Vì thế, hai tỉnh dòng đã có mối quan hệ với nhau từ trước rồi. Thực ra, trước đây tôi đã nghĩ đến việc tìm hiểu về bối cảnh của tỉnh dòng Tên Việt Nam, cũng là để hiểu về hai anh em Giêsu hữu Việt Nam đang ở với chúng ta hơn. Tháng 12 năm ngoái, tôi đã có dịp gặp gỡ cha giám tỉnh mới của dòng Tên Việt Nam tại Roma, khi chúng tôi cùng tham dự khóa tập huấn cho các giám tỉnh mới. Cha giám tỉnh Việt Nam có gợi ý vào dịp này, họ có một cuộc họp cấp tỉnh, và có thánh lễ truyền chức, đây là dịp tốt để tôi đến thăm và hiểu biết về tỉnh dòng Tên Việt Nam hơn.

Với dân số gần tới 100 triệu dân, có khoảng 7% – 8% là người Công Giáo, thì trong bối cảnh đó anh em dòng Tên hoạt động thế nào?

Trong khu vực, sau Indonesia, tỉnh dòng Tên Việt Nam có số tu sĩ phát triển nhanh thứ hai. Đối với người Châu Âu, chúng ta không thể tưởng tượng đến con số: 120 ứng sinh, và 6 tân linh mục. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của họ còn hạn chế, họ không có đủ chỗ để chứa đủ con số ấy. Vì thế các em ứng sinh đang học đại học được chia ra thành những nhóm nhỏ và sống thành các cộng đoàn. Trong thời gian học đại học, họ được chuẩn bị và có một cha dòng Tên đồng hành giúp đỡ. Sau khi tốt nghiệp, họ được mời gọi vào nhóm tiền tập để chuẩn bị cho giai đoạn mới. Trong thời gian này, các em được giới thiệu về linh đạo Dòng và học ngôn ngữ. Sau hai năm nhà tập, trước khi vào học triết học, các tân khấn sinh khởi đầu giai đoạn đào luyện tri thức bằng một năm Dự Bị (Juniorate) để bổ sung những kiến thức còn thiếu về ngôn ngữ, văn hóa và tri thức.

Đâu là lý do mà họ có nhiều ơn gọi như thế?

Tôi cũng đã hỏi câu này với cha cựu giám tỉnh dòng Tên Việt Nam, khi ngài tới thăm Hungary. Ngài nói trước hết, tạ ơn Thiên Chúa; thứ đến là  “nhờ” Cộng Sản. Trong nhiều thập kỷ qua, Giáo Hội đã chịu nhiều cuộc đàn áp và bắt bớ. Đó là những lý do góp phần củng cố bản sắc Công Giáo trong những thời kỳ bị bách hại.

Ở điểm này, Việt Nam cũng giống như Hungary đã trải qua ở những thập kỉ trước?

Có thể nói, trong những năm 80, Giáo hội đã có chuyển động nhất định, Giáo Hội có thể sống tương đối tự do trong giới hạn, nhưng vẫn không được tự do mở rộng ra ngoài những điều đã được quy định.

“Hiện diện trong môi trường thường gây thương tổn: Đối với dòng Tên – cũng như với tất cả các tổ chức khác của Giáo Hội – họ không sở hữu đất riêng, không có trung tâm đào tạo riêng, chỉ có các cơ sở được nhận để sử dụng và nhà nước có quyền lấy nó bất cứ khi nào. Họ không thể điều hành một tổ chức nào – hai năm trước đó, họ đã xây dựng một ngôi nhà linh thao đầu tiên, đó là một bước tiến lớn.”

Tuy nhiên, trong những cách thức mục vụ, họ đã khơi dậy được nhiều ơn gọi. Vì không phải lo duy trì các tổ chức, họ dồn toàn bộ năng lượng vào việc chăm sóc mục vụ thiêng liêng: coi sóc giáo xứ, phục vụ các hội đoàn, giảng các khóa linh thao và đào tạo các nhà cho linh thao. Vì thế họ gần gũi với những bạn trẻ có ý hướng muốn sống đời dâng hiến. Chính trong công việc phục vụ, các tu sĩ dòng Tên Việt Nam có được những mối quan hệ tốt, và họ dễ dàng tiếp xúc với những người đồng trang lứa.

Ở Việt Nam, phần lớn số dân theo đạo nhân gian (thờ kính tổ tiên) hoặc theo đạo Phật. Vậy họ thể hiện đức tin Công giáo như thế nào?

Tất cả các nghi thức trong Giáo Hội địa phương, họ đều theo nghi thức Công Giáo Rôma, trang phục trong phụng vụ cũng giống như chúng ta, cho nên không có sự khác biệt trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vì các dân tộc Châu Á có lòng tôn trọng cách đặc biệt đối với ông bà tổ tiên, nên các nhà truyền giáo dòng Tên đã thích nghi với văn hóa bản địa. Họ hội nhập văn hóa: có nghi thức đốt hương, thắp nhang cho tổ tiên. Từ thế kỷ 18, đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi về vấn đề này: lúc đầu, việc thờ kính tổ tiên bị cấm, sau đó thì được cho phép. Ngày nay, ở nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, người ta thường đốt ba cây nhang đặt trước bàn thờ trong thánh lễ để kính nhớ tổ tiên. Đó là một phong tục diễn tả: tổ tiên đã chết nhưng họ vẫn thuộc về một Giáo Hội cùng với những người còn đang sống.

Khi tôi tới Đan Mạch, tôi đã rất ngạc nhiên về những nhà thờ Công Giáo ở những thành phố lớn, phần lớn các tín hữu nhập cư đến từ Châu Á, đặc biệt là người Việt Nam. Bên cạnh đó còn có những người tin lành từ các quốc gia khác. Họ đã đem đến những phong tục riêng và họ đã làm phong phú cho các ki-tô hữu ở phương Tây thế nào?

Thực vậy, một con số lớn về số tín hữu và những mục tử đến từ Việt Nam, họ đã lan tỏa ra khắp các vùng trên thế giới, tương tự như các tu sĩ trong tỉnh dòng chúng ta đã từng làm. Tình thế đã thay đổi: bây giờ, họ là những nhà truyền giáo đến với chúng ta, và họ đem lại những gì mà Châu Âu đã trao cho các lục địa. Nghĩa là, họ đem lại niềm tin sống cho chúng ta. Tôi thấy lối sống hài hòa và tôn trọng người khác nơi các dân tộc Châu Á. Họ có một ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết cộng đồng và bản sắc dân tộc.

“Ví dụ đối với một người Châu Âu có thể trở nên bực bội trước sự hỗn loạn của phương tiện công cộng, như với phương tiện ô-tô – không thể tin rằng, đối với họ, dường như điều đó chẳng đáng là gì – ngược lại, tôi không có kinh nghiệm thấy ai la mắng người khác, hoặc thậm chí là thiếu kiên nhẫn với nhau. Tất nhiên, sự nóng tính và tức giận đối với họ là dấu hiệu của sự yếu đuối; và bạn sẽ được coi là người mạnh mẽ, nếu bạn không thể hiện sự cáu gắt, nhưng biết kiềm chế, đó là cách thể hiện sức mạnh, và duy trì sự hài hòa.”

Cho dù đằng sau đó là với mục đích gì đi chăng nữa, thì lòng tôn trọng cơ bản này, vẫn là một giá trị làm phong phú văn hóa của chúng ta. Bên cạnh đó, Phương Tây chúng ta bị tục hóa, đa nguyên, và họ củng cố sức mạnh cho chúng ta, họ đem đến một bầu không khí mới: qua việc Giáo Hội làm chứng trong môi trường bị bắt bớ và sống đức tin một cách tự nhiên. Sự hiện diện của họ trong tỉnh Dòng chúng ta là một nhân chứng cho phúc âm. Tôi luôn cảm động khi nghĩ đến hai người anh em trẻ đã đến sống trong tỉnh Dòng Hungary chúng ta. Họ đã rời bỏ quê hương, chấp nhận sống xa cách một nền văn hóa, một ngôn ngữ, những thói quen ăn uống, những hương vị quê hương và đến sống ở một thế giới khác – tất cả chỉ vì tình yêu của Chúa Ki-tô thúc bách.

Trên thực tế, có phải ngay cả tên của họ cũng được đổi sang tiếng Hungary: cả hai thầy trước đây là Phạm Đình Ngọc và Trần Văn Ngữ, bây giờ đã đổi tên thành Giu-se.

Có một truyền thống nơi các nhà truyền giáo là họ thay đổi tên của mình cho hợp với văn hóa địa phương. Chẳng hạn, những tu sĩ dòng Tên Hungary phục vụ ở Trung Quốc, họ có tên riêng theo tiếng Trung Quốc. Khi sống ở Châu Âu, thông thường người Việt Nam sử dụng tên thánh của họ, vì tên riêng của họ rất khó để chúng ta phát âm đúng. Ngôn ngữ tiếng Việt rất phức tạp và tôi cảm thấy rằng chúng ta không thể học phát âm tên của họ cách rõ ràng trong vòng hai hoặc ba năm. Ví dụ, một từ có sáu âm điệu khác nhau. Mỗi âm điệu của từ mang một nghĩa hoàn toàn khác nhau. Tôi không biết, họ có thể nhận ra hay không, khi chúng ta cố gắng phát âm tên riêng của họ. Vì thế tôi nghĩ rằng, có thể là một điều tốt, khi chúng ta gọi họ bằng tên thánh. Mặt khác, đây cũng là yêu cầu của họ. Đúng là cả hai đều có tên thánh là Giu-se, nhưng sau đó, dần dần chúng ta sẽ nhận ra….

Có rất nhiều tu sĩ dòng Tên Hungary đã phục vụ ở Viễn Đông. Làm thế nào mà họ đã được gởi đến đây với một số lượng lớn như vậy?

Sau khi thành lập tỉnh Dòng Hungary năm 1909, vào khoảng những năm hai mươi, các cha giám tỉnh đã có một ý hướng: họ muốn gởi một số tu sĩ đến một khu vực để truyền giáo, và Trung Quốc là nơi được chọn để thực hiện mục đích ấy. Trong những năm sau đó, họ đã gởi đến 40 tu sĩ, hầu hết trong số họ được đào tạo theo dòng Tên, học tập và làm việc ở đó trong nhiều năm, và đã đóng góp nhiều công hiến to lớn. Có một điều thú vị, trong số những người bước vào dòng Tên – sau này có một hồng y Trung Quốc – đã trở thành thành viên của tỉnh Dòng chúng ta. Vào đầu những năm 50, có lệnh trục xuất khỏi Trung Quốc, thì các ngài đã bị phân tán khắp vùng Viễn Đông. Có ba tu sĩ dòng Tên Hungary đến Việt Nam, trong đó có hai tu huynh, một trong số họ là Gömöri Pál, là người mà họ vẫn còn nhắc đến và yêu mến cho đến ngày nay. Hai tu sĩ khác là Kráhl József và tu huynh Árpád làm việc ở Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. Cha Nemeshegyi Péter đã đến đây mấy lần để giảng dạy. Sau khi việc truyền giáo tại Trung Quốc bị bãi bỏ, cũng có ba tu huynh Hungary đã đến Philippin và phục vụ tại một trung tâm đào tạo của dòng Tên ở Manila. Năm ngoái, khi đại sứ quán mở cửa, Bencze József đã cảm thấy nên tìm kiếm những người đã đến từ Hungary trên đất nước này, và ông đã phát hiện ra rằng có những người đồng hương – József Kaufmann và József Kráhl – đã làm việc trong trường Phan-xi-cô Xa-vi-ê ở Manila. Thậm chí vào năm 1956, một trong những người sáng lập tổ chức cho trẻ em Trung Quốc là một tu sĩ dòng Tên Hungary – Papilla Lajos. Đó là lý do đại sứ quán mời tôi đến tham dự nhân dịp lễ kỉ niệm này. Trong lễ kỉ niệm, Bencze József đã kể câu chuyện về tu huynh Bencze István là một kỹ sư chế biến gỗ và là một thợ chạm khắc gỗ nổi tiếng, và người anh trai của ông cũng chuyển từ Trung Quốc sang đây. Vị tu sĩ này đã chạm khắc những tòa giải tội trong nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giê-su của dòng Tên Hungary ở thủ đô Budapest, và một vài chiếc bàn trong các cộng đoàn của nhà Dòng.

“Thật là một kinh nghiệm ngạc nhiên khi thấy một hình chân dung của István Kaszap trong trường học. Lễ kỉ niệm đã diễn ra rất sốt sắng, với sự tham gia của sứ thần tòa thánh và các cựu sinh viên. Họ đã nhớ lại và kể về những nhân cách của các cha đã phục vụ ở đó. Tôi rất vui khi lãnh nhận sự ghi công về những công việc của các tu sĩ Hungary đã để lại.”

Sau đó, đại sứ quán cũng làm một bia tưởng niệm và đặt trong thư viện của trường học. Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm lăng mộ của các Giêsu hữu địa phương và những người cộng tác. Ở đó, tôi đã nhìn thấy những bia mộ của các tu sĩ dòng Tên Hungary. Chúng tôi rất biết ơn đại sứ quán và những người cộng tác đã tổ chức lễ kỉ niệm cao quý này.

Trong dịp này, cha có bao nhiêu ngày để làm quen với tỉnh dòng Tên ở đó?

Tôi đã tranh thủ thời gian bao nhiêu có thể để tìm hiểu về tỉnh dòng Philippin. Tôi đã có nhiều cuộc gặp cá nhân với các tu sĩ bản địa và tôi cũng đến thăm nhà tập. Tôi rất ấn tượng với mô hình đào tạo đầy tình huynh đệ ở đây. Các tập sinh bao gồm người bản địa, người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Singapore và người malaysia. Họ sống chung trong một cộng đoàn, và họ cùng nhau huấn luyện ươm mầm ơn gọi, tuy nhiên mỗi tỉnh có một người đồng hành riêng. Ví dụ ngay cả trong cách giúp tập sinh làm tháng đại linh thao cũng thế. Mô hình bao gồm các bạn trẻ đến từ các quốc gia khác nhau, cùng làm nhà tập chung với nhau, nhưng trong đó họ vẫn giữ được những đặc thù riêng của mỗi quốc gia, và họ học hỏi được rất nhiều từ nhau. Tôi nghĩ, đây là một mô hình tốt có thể áp dụng ở Châu Âu.

Giáo hội Phipippin không chịu nhiều bách hại như Giáo Hội Việt Nam, nhưng thách đố vẫn có đó. Chẳng hạn, gần đây tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục nói rằng các giám mục Công Giáo là những kẻ ngốc”, những người phải bị bắn.

Chúng ta cần nhìn về toàn bối cảnh. Chúng ta biết rằng Giáo hội Philippin đang sống trong một xã hội cực kỳ rách nát, đầy rẫy căm phẫn giữa tầng lớp những người sống sung túc và những kẻ phải chịu nhiều đau khổ, và họ coi đó là một ơn gọi đặc biệt để giúp đỡ những người đang chịu nhiều đau khổ.

“Tôi cũng thấu hiểu một cách cá nhân rằng, nếu không có cái nhìn thấu cảm với những vấn đề của xã hội, thì khó có thể rao giảng Tin Mừng một cách đáng tin cậy được. Khi Giáo hội lên tiếng bảo vệ người nghèo và chống lại những áp bức, thì chắc chắn sẽ va chạm với chính quyền địa phương. Chẳng hạn, kể từ năm 2016, hai mươi nghìn người đã bị sát hại dưới danh nghĩa hành động chống tệ nạn ma túy, trong số đó có năm nghìn cảnh sát, Giáo Hội rõ ràng không thể làm ngơ.”

Tuyên bố được trích dẫn xuất phát từ bài phát biểu của tổng thống Duterte, khi vị giám mục chủ tịch nói rằng đây không phải là cách giải quyết chính thức, thay vào đó là những hình thức cần thiết như ngăn chặn và điều trị cho người nghiện. Người dân địa phương biết rõ, nguyên thủ quốc gia có quyền tự do ngôn luận, và Giáo Hội không đáp lại những tuyên bố như vậy, nhằm mục đích chống lại họ, nhưng những lời này rõ ràng đang gặp nhiều nguy hiểm. Mặc dù bị nhiều chống đối, nhưng Giáo Hội ở đây không thực sự bị đàn áp. Ngoài ra, đây là một trong những quốc gia có số tín hữu Công Giáo lớn nhất trên thế giới, nơi đó vẫn tràn đầy niềm tin.

Sau khi trở về, cha đã chia sẻ với những người cộng tác rằng: Ở nơi không khí ẩm ướt, thường xuyên cảm thấy ngột ngạt, và cảm thấy rất ấm áp khi trở về nhà. Đây là một kinh nghiệm hay để nhận ra những cái tốt trong bầu không khí dễ chịu mà chúng ta đang sống. Vậy sau chuyến thăm đó, những gì còn đọng lại trong cha?

Ở Việt Nam, trong mọi sự, tôi nhận thấy một đức tin sống động, nó phát triển như hình thức của men, và từ Philippin, nó như là một sự liên đới của Giáo Hội với cộng đồng. Khi rời Việt Nam, tôi đem theo mình kinh nghiệm về các tu sĩ dòng Tên nghiêm túc tham dự cuộc nhận định cộng đoàn, nghĩa là làm thế nào để cùng nhau đưa ra quyết định chung, đó là lưu ý đến những điểm càng hội tụ nhiều điểm tương đồng từ nhận định cá nhân càng tốt. Đối với tôi, đôi lúc không có nhiều thời gian để thực hiện điều này với một số vấn đề cấp bách. Thật là tốt, nếu trong từng biến cố cụ thể, chúng ta cùng nhau, cùng với các anh em tu sĩ trẻ, để tìm kiếm sự thúc đẩy chung trong Chúa Thánh Thần.

Cuối cùng, điều còn đọng lại trong tôi là buổi gặp gỡ với thân nhân của hai thầy đến từ Việt Nam thật tốt đẹp. Thật xúc động khi nghe cả hai ông cố với tôi một cách riêng tư rằng “Cha ơi, nó là đứa con yêu quý của con. Xin Cha hãy quan tâm chăm sóc nó!”

Khi tôi hỏi họ cảm thấy thế nào khi con cái họ sống ở một nơi xa xôi như thế, và cả hai đều chia sẻ: họ cảm thấy bình tâm dâng con cái họ cho Thiên Chúa, chẳng buồn phiền gì cả, ngược lại họ cảm thấy rất hạnh phúc khi các con có thể sống ơn gọi dâng hiến. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến các bậc cha mẹ bày tỏ sự quan tâm của họ với con cái như một người cha đầy tình thương yêu. Là những người ki-tô hữu, họ thực sự là những chứng nhân đẹp, hoàn toàn quảng đại hiến dâng cho Thiên Chúa.

Chuyển từ tiếng Hungary: Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

Kiểm tra tương tự

Stanislao Kostka – Mừng sinh nhật anh!

Tôi mạo muội viết những dòng này vào dịp lễ mừng kính thánh Stanislao Kostka, …

Thông báo: Thánh lễ Tạ ơn mừng 50 năm Hồng Ân

  Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, TỈNH DÒNG TÊN VIỆT NAM HÂN HOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *