Phỏng vấn giáo sư Guzmán Carriquiry – bạn thâm niên của Đức Thánh Cha Phanxicô*

2

Zenit.org, 21-4-2014, Giuseppe Rusconi, Rome

Đặc sủng của Đức Phanxicô

“Ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, nhờ ơn Chúa và nhờ kinh nghiệm mục vụ trước đây của ngài, Đức Phanxicô đã làm hết khả năng có thể để cố gắng đi đến được tâm hồn của nhiều người”, giáo sư Guzmán Carriquiry bạn thâm niên của Đức Phanxicô đã nói như trên.

Làm việc ở Tòa Thánh từ 43 năm nay, giáo sư Guzmán Carriquiry Lecour, 70 tuổi, người Uruguay, bây giờ là Thư ký của Hội đồng giáo hoàng về Châu Mỹ La Tinh, ông là người đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 5-2011.

Ông cũng là giáo dân đầu tiên được bầu vào chức vụ Phó thư ký của Hội đồng giáo hoàng về Giáo dân (từ tháng 9-1991). Trong công việc mục vụ của mình, ông thường cộng tác với hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh, tham dự vào việc chuẩn bị cho những chuyến đi của Đức Giáo hoàng ở vùng đất này và tổ chức các Ngày Đại hội Giới trẻ JMJ.

Trong số rất nhiều sách xuất bản của ông có: “Một thách đố cho Châu Mỹ La Tinh”, (Una apuesta por America, nhà xuất bản Sudamericana, 2003 và “Hai trăm năm độc lập của các nước Châu Mỹ La Tinh: hôm qua và ngày nay (El bicentenario de la Independencia de los Paises latino-americanos: ayer y hoy, nhà xuất bản Encuentro, 2011), cả hai quyển đều do Đức Jorge Mario Bergoglio khi còn làm Tổng Giám mục Buenos Aires viết lời tựa mà giáo sư Guzmán Carriquiry đã biết ngài từ khi ngài còn làm Giám tỉnh Dòng Tên Argentina.

Kính thưa giáo sư Carriquiry, xin giáo sư cho chúng tôi biết cảm nhận nổi bật của giáo sư khi Đức Hồng y Bergoglio được bầu chọn?

Giáo sư Carriquiry – Nổi trội nhất là ngạc nhiên cho điều vừa lạ lùng vừa mới mẻ đang xảy ra. Chúng ta vừa trải qua hai sự kiện chưa từng có, hai sự kiện mang một tầm quan trọng rất lớn: Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, tiếp đó là bầu chọn một Giáo hoàng Dòng Tên người Châu Mỹ La Tinh. Giống như chúng ta vừa trải qua hai cuộc động đất! Cũng không phải tình cờ mà Đức Phanxicô lúc nào cũng lặp đi lặp lại phải mở lòng ra và đón nhận các điều mới mẻ của Chúa, vượt qua các bờ “an toàn” của mình, kể cả an toàn về mặt tu hành, mục vụ và thiêng liêng.

Ông có ngạc nhiên khi thấy Hồng y mà ông từng quen biết, lại là người viết lời tựa cho các sách của ông được bầu chọn không?

Từ nhiều năm nay tôi có một xác quyết một cách thiêng liêng là cha Bergoglio có số phận định trước sẽ là Giáo hoàng… Tôi biết cha, tôi giao thiệp với cha từ lâu và mỗi lần tôi gặp ngài, tôi càng khẳng định xác quyết của tôi…

Dù vậy, năm 2005, tư cách ứng viên của ngài song song với tư cách ứng viên của Đức Hồng y Joseph Ratzinger, nhưng đã không thành dù ngài được khoảng hơn bốn mươi hồng y bạn ủng hộ…

Trong những năm dài Đức Gioan-Phaolô II bị bệnh, chúng tôi tất cả đều nghĩ, do nhân cách phi thường của mình, Đức Hồng y Ratzinger sẽ là nhân vật phù hợp nhất để thừa kế Đức Gioan-Phaolô II. Tôi tin chắc nhận định này cũng là nhận định của Đức Hồng y Bergoglio. Tôi nghĩ chính ngài cũng ngạc nhiên thấy mình là ứng viên và ngài nghĩ giờ ngày của ngài chưa đến. Dù sao, Đức Hồng yBergoglio không cho rằng tư cách ứng viên của mình là một “chọn lựa đệm”.

Đã qua một năm, có còn một chỗ cho lòng nhiệt thành với những chuyện “ngạc nhiên”, chuyện “mới mẻ” này không?

Ngạc nhiên đầu tiên của Chúa là việc bước nhanh chóng từ một tình trạng căng thẳng, bi thảm, vì một vài khía cạnh đen tối mà nhà hiền triết và thánh thiện Bênêđictô XVI đã như vác thánh giá (Via Crucis) trong triều giáo hoàng của mình, qua tình trạng vui tươi và hy vọng chỉ sau vài tháng đầu nhậm chức của Đức Phanxicô. Tôi nghĩ ngay từ những giây phút đầu tiên, giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đã có một sức hấp dẫn phi thường không những đối với người Công giáo mà đối với tất cả các Kitô hữu, ngay cả với các tín hữu của các tôn giáo khác, cả những người ở xa, những người theo thuyết bất khả tri, thậm chí đến cả người vô thần.

Làm sao giải thích sức hấp dẫn lớn lao này?

Không phải chỉ vì biệt tài xã giao của Đức Phanxicô. Còn có một cái gì hơn thế nữa. Có lẽ sau một thời gian bi thảm u tối, lòng người chờ một cái gì khác, bình thản, vui tươi. Mặt khác, ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, nhờ ơn Chúa và nhờ kinh nghiệm mục vụ trước đây của ngài, Đức Phanxicô đã làm hết khả năng có thể để cố gắng đến được tâm hồn của nhiều người. Sức hấp dẫn này hãy còn. Đây không phải là lòng nhiệt thành tức thời đối với điều mới mẻ như nhiều người nghĩ. Trái lại, giờ kinh truyền tin ngày chúa nhật, buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư, Quảng trường Thánh Phêrô chưa bao giờ đông như thế. Và ở trong nhiều nước cũng như ở Châu Mỹ La Tinh, các thống kê cho biết sức thu hút phi thường này vượt quá con số 90%, điều này có thể hiểu được.

Lần đầu tiên Giáo hội có một giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh, điều này mang một ý nghĩa gì? Và đối với Châu Mỹ La Tinh thì sao? Có một thay đổi chủ yếu nào không?

Thay đổi nằm ở chiều sâu. Trước đây, sau 500 năm chúng ta có một Giáo hoàng đến từ Ba Lan, ở ngoài biên giới Ý. Kế đó là một người Âu châu nhưng không phải gốc Ý, một tư tưởng gia vĩ đại của nền văn hóa nhân bản Âu châu, Đức Hồng y Joseph Ratzinger. Trước đó là một Giáo hoàng đi hành hương qua nhiều đất nước; kế đó là một nhân vật có tầm mức cao lớn đại diện cho truyền thống Kitô Âu châu. Bây giờ chúng ta có một giáo hoàng đến từ địa đầu thế giới, ngài vượt đại dương để đến.

Đức Giáo hoàng Bergoglio cư xử như Đức hồng y Bergoglio hay ngài có thay đổi một vài cách làm?

Những ai biết ngài đều biết Đức Giáo hoàng Bergoglio, trong tính cách nhân văn, trong chiều sâu thiêng liêng, trong tư thế mục vụ, trong cách truyền giáo của ngài đều giống như hồng y Bergoglio ngày xưa. Nhưng ơn sủng trong địa vị của ngài đã giúp nở hoa những gì đã có sẵn trong con người của ngài. Khi trở thành Giáo hoàng, Jorge Mario Bergoglio sinh động hơn, trẻ trung hơn. Khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài đã sẵn sàng về hưu và sẽ ở nhà hưu dưỡng của các linh mục. Nhưng bây giờ ngài diễn tả nhiều hơn, ngài biểu lộ cảm nhận của mình nhiều hơn. Điều này cũng đã thấy khi ngài đi hành hương đến đền thờ ở Argentina hay khi ngài tham dự các ngày lễ thánh bổn mạng: ngài ôm người nghèo, người khiêm tốn. Bây giờ, đặc nét này thể hiện ở một tầm mức rộng lớn hơn với đàn chiên ngài được giao phó.

Đâu là tương quan của Đức Phanxicô với tính hợp lý của người Âu châu?

Ngài là tu sĩ Dòng Tên, về mặt tri thức được đào tạo ‘kiên cố’ và sâu đậm, một sự đào tạo mà Dòng Tên đã triển khai trong mười bốn năm dài học hành. Ngài là Giáo sư thần học, văn chương, tâm lý… ngài là người có nền tảng văn hóa vững chắc, thích văn pháp đơn giản để đi vào lòng người, đặc biệt là với người nghèo và những người thấp bé.

Trong nghĩa này, Jorge Maria Bergoglio có chủ yếu đi theo triết gia Alberto Methol Ferré người Uruguay chết năm 2009 không? Đức Giáo hoàng và chính giáo sư cũng là bạn với triết gia này…

Methol Ferré là thầy của tôi. Tôi biết Đức Hồng y Bergoglio yêu chuộng triết gia Ferré như thế nào khi ngài theo dõi các bài viết của “nhà tư tưởng thiên tài của Rio de la Plata” (ngài đã gọi nhà tư tưởng này là như vậy). Theo tôi, Ferré là nhà tư tưởng giáo dân Công giáo của Châu Mỹ La Tinh hậu bán thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Đức Giáo hoàng luôn ngưỡng mộ ông. Ferré đã giúp thế hệ chúng tôi cũng như thế hệ trước là thế hệ của Bergoglio, ông đã dẫn đưa chúng tôi một cách sâu đậm vào nguồn gốc của nhận thức lịch sử và văn hóa Châu Mỹ La Tinh, tượng trưng qua hình ảnh pha trộn và tỏa sáng của Đức Bà Guadalupe. Ông cũng giúp chúng tôi hiểu sâu hơn và nâng giá trị của lòng mộ đạo bình dân như một hình thức hội nhập của Phúc Âm trong đời sống của giáo dân, ông giúp chúng tôi am hiểu thực tế hiện nay của Châu Mỹ La Tinh. Triết gia Methol Ferré luôn luôn nhắc tôi nhớ những gì Đức Bênêđictô XVI đã nói ở Hội nghị Aparecida của các giám mục: “Chúa là nguyên tắc thật hơn tất cả mọi thực tại”.

“Chúa đòi chúng ta thay đổi trong đời sống của chúng ta như thế nào?”

“Đâu là câu hỏi đầu tiên mà chúng ta phải đặt khi chúng ta đã biết về vị giáo hoàng này? Đó là câu: ‘Chúa đòi chúng ta thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào qua sứ vụ của Đức Phanxicô?’”, giáo sư Guzmán Carriquiry, người bạn thâm niên, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về vùng Châu Mỹ La Tinh cho rằng đó là câu hỏi mà chúng ta phải đặt.

Nhà nghiên cứu Marcelo Gullo, người Péru đã viết phải đặt Đức Bergoglio trong “bối cảnh của chủ nghĩa quốc gia bình dân Châu Mỹ La Tinh, cắm rễ sâu trong tầm nhìn của Manuel Ugarte, Josè Vasconcelos, Juan Domingo Péron và Alberto Methol Ferré”.

Péron? Sẽ rất thu gọn nếu nói Đức Giáo hoàng là người theo chủ nghĩa của Péron! Không bao giờ, không bao giờ trong đời Jorge Mario Bergoglio tự cho mình là người theo chủ nghĩa Péron. Nhưng phải hiểu, chủ nghĩa Péron, một chủ nghĩa đã xâm chiến Argentina từ những năm 30 đến 50 và thậm chí còn dài hơn, là một hiện tượng quốc gia và đại chúng mà tất cả người dân Argentina đều bị tác động. Một cách nào đó, tất cả người dân đều là những người theo Péron, kể cả những người đã chống lại ông…

Tất cả họ đều thở trong bầu khí người “không áo sơ mi”, đấu tranh chống bất bình đẳng (descaminados)…

Đúng, tất cả đều hít thở bầu khí này, nhưng chắc chắn nó không dính gì với chủ nghĩa phát xít của Ý, nhưng ngược lại nó lại cảm hứng mạnh trong tinh thần nhân đạo Kitô, theo giáo điều xã hội của Giáo hội. Tôi cũng vậy, tôi cảm nhận các kết quả của tầm ảnh hưởng có tính cách quốc gia và đại chúng của Rio de la Plata này. Nhưng sẽ sai lầm khi xếp Bergoglio theo Péron về mặt chính trị: đây sẽ là một hành vi không đúng vì trong thực tế, chúng ta không thấy tân Đức Giáo hoàng đã sống như thế.

Linh mục Antonio Spadaro, Dòng Tên, giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica vừa đây có nhắc lại, Đức Phanxicô “mở nhiều ‘công trường’ mà ngài chưa đóng lại”. Trong thế giới Công giáo, có một vài người cho rằng, mở các công trường mà không khép lại sẽ tạo ra bất an về mặt căn tính trong một thế giới đã mang đặc nét của một sự mất gốc về nhân tính…

Nhưng họ muốn gì? Một Giáo hội khép kín theo kiểu tự quy vào hàng giáo sĩ của mình, núp mình trong việc lập đi lập lại các nguyên tắc của mình mà không dám đối đầu với thực tế của việc Phúc Âm hóa? Để tái khẳng định căn tính của chúng ta mà chỉ suy gẩm và chia sẻ Phúc Âm mỗi ngày, học giáo lý về các bí tích của Giáo hội, đọc Tông huấn niềm vui Tin Mừng… tất cả những điều nhắc chúng ta về với truyền thống cao lớn của Giáo hội có đủ không? Đức Giáo hoàng nhắc tất cả chúng ta phải có sự cải hoán cá nhân về mặt mục vụ và truyền giáo. Cải hoán có nghĩa là thay đổi đời sống, nhìn lại đời mình trong sự hiện diện của Chúa Kitô và cũng nhìn lại các cơ cấu của Giáo hội để tránh cho những cơ cấu này vì tính trơ lì mà thành lạc hậu, phải xem xét trong chừng mực nào chúng có thể phục vụ cho Nước Chúa. Một cải hoán trên phương diện truyền giáo là phải đi ra, đi ra… đi gặp gỡ! Chắc chắn điều này làm cho những người quá ngồi một chỗ… chóng mặt!

Vậy mà họ muốn chiến đấu “ở đây và bây giờ” “hic et nunc”

Sự việc là rất nhiều người trong số họ, rất nhiều người trong số chúng ta đôi khi đã phản ứng như người anh cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu: “Nhưng làm sao… con.. con luôn luôn ở đây…”. Chúng ta có một giáo hoàng truyền giáo, người đi tìm 99 con chiên bị chôn vùi, ngài mở vòng tay ra khi gặp những người ở xa như Chúa Giêsu đã làm. Và ngài mở tiệc mừng con chiên đi lạc về, ngài hết lòng với nó… Với Đức Giáo hoàng này, đâu là câu hỏi đầu tiên chúng ta phải tự đặt cho mình? Và đây là câu hỏi: “Chúa đòi chúng ta thay đổi gì trong cuộc sống chúng ta qua sứ vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô?”

Có một vấn đề khác phức tạp hơn, giữa một vài người Công giáo về thái độ của Đức Giáo hoàng Bergoglio: ngài không trực diện can thiệp về những giá trị không nhân nhượng…

Mọi so sánh giữa các giáo hoàng là việc của Quỷ làm, Quỷ gieo chia rẽ và nói dối! Nếu các công trường vẫn để mở, thì các công trường này để mở trên nền tảng của một sự kết dính vững chắc với truyền thống lớn của Giáo hội Công giáo mà Đức Giáo hoàng vừa là chứng nhân vừa là thừa tác vụ. Trong những tháng vừa qua, Đức Phanxicô đã tuyên bố càng ngày càng mạnh về những giá trị nền tảng này, chủ yếu là bên trong giáo huấn luân lý của Giáo hội. Đức Giáo hoàng thích gọi đó là các “giá trị chủ yếu” cho lý lẽ và cho đức tin, thành ngữ có vẽ rõ ràng nhưng trên thực tế thì đôi khi lại không thật sự rõ ràng. Với ngành ngoại giao, với các đại diện tất cả các quốc gia, ngài nói về cái “khủng khiếp của việc phá thai”. Sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Obama, tùy viên báo chí nói với chúng tôi là Tổng thống Mỹ và Đức Giáo hoàng nói về các vấn đề như bảo vệ sự sống, sự từ chối cầm súng vì trái với lương tâm, về hôn nhân và gia đình… có phải đó là một cách nói cụ thể và chi tiết hay phải nghĩ rằng chính Tổng thống Obama muốn đề cập đến những vấn đề này?

Không, đương nhiên…

Sự việc là Đức Giáo hoàng không muốn mình liên tục bị động khi nói về các giá trị này vì ngài phải nói mỗi ngày, với nhiều nguyên thủ quốc gia. Các người Ý xin ngài nói về tất cả các tuyên bố về luật pháp hay tổ chức quan tòa hoặc tất cả các dự thảo luật pháp. Cũng vậy đối với người Mỹ, người Argentina, người Pháp hoặc nơi này nơi kia trên thế giới. Đức Giáo hoàng đã nói ngài tin tưởng vào các hội đồng giám mục các quốc gia để họ có tiếng nói ngôn sứ, chống lại tất cả mọi man rợ gây nguy hiểm cho các vấn đề nền tảng của sự khai hóa chứ không phải chỉ các giá trị Kitô mà thôi. Chính ngài cũng đã giải thích ngài không muốn mình khép kín trong các thái độ và các bài diễn văn không phù hợp, theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã sống trước đây; Đức Giáo hoàng muốn người ta phải thấy ngay lập tức, một cách rõ ràng, một cách hiển nhiên sự thật và nét đẹp của bản chất trọng tâm của Rao giảng… ý nghĩa tinh thần Kitô theo ánh sáng của nhập thể, của cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô…

Điều này cũng đã có trong các triều giáo hoàng trước cũng như triều của Đức Phanxicô…

Đương nhiên! Nhưng thỉnh thoảng, trong rất nhiều cộng đồng và các nhóm Kitô hữu, giáo dân thường thường chỉ ưu tiên lưu ý và có khi chỉ ám ảnh đến một vài vấn đề mà thôi. Cũng dễ hiểu vì trên các chủ đề này, người ta phản ứng chống lại các tấn công hàng ngày về các vấn đề chống sự sống, hôn nhân và gia đình. Nhưng khi làm như vậy thì đôi khi có một nguy cơ là giảm thiểu sự việc mang tinh thần Kitô thành sự việc có tính luân lý. Tôi cho rằng Đức Giáo hoàng muốn, một cách nào đó, cắt đứt cái vòng tạo ra giữa các hung hăng và các phản ứng mà không chịu quy chiếu vào các giá trị này, ngược lại càng ngày lại càng làm quá, như chúng ta thấy trong mấy tháng vừa qua, đặc biệt trong vài ngày gần đây về vấn đề này. Nhưng phải giữ trong đầu một việc là chính Chúa làm ngạc nhiên và lôi kéo sự chú ý về phía ngài – rao giảng Phúc Âm phải đi trước sự lôi kéo – chắc chắn nhiều hơn là các trận chiến văn hóa, chính trị để bảo vệ các nguyên tắc luân lý, mà thường những trận chiến này chỉ là trận chiến chống một bức tường, dù nó vẫn còn là những trận chiến cần thiết. Và cũng phải cân nhắc các giá trị này, có vẽ như ngày càng không rõ trong một thế giới mà chủ thuyết tương đối thống trị, luôn luôn khó để có một thông hiệp trong khôn khoan của Giáo hội mà không có nền tảng của mình trong Giáo hội Công giáo.

Hai cuộc họp hội đồng các giám mục sắp tới, 2014 và 2015, sẽ sao chép tình trạng hiện nay và sẽ có những đề nghị…

Đúng là từ nay chúng tôi dấn thân trong tiến trình này, theo đó các hồng y, các cha khác sẽ cùng tham dự vào hội nghị, đặt các câu hỏi như ông vừa đặt cho tôi và trong khuôn khổ cuộc thảo luận rộng lớn này, một cuộc thảo luận đích thực, chân thành, sâu đậm về Phúc Âm hóa hôn nhân và gia đình như Đức Giáo hoàng mong muốn, thì đúng, đây là một công trường đang hoạt động.

Chuyển ngữ Nguyễn Tùng Lâm – CTV Truyền thông Dòng Tên Việt Nam

* Tựa đề do www.dongten.net đặt

(Mọi trích dẫn hoặc đăng lại từ website này phải chắc chắn nhằm phục vụ hoàn toàn phi lợi nhuận và ghi rõ “Trích từ nguồn Website Dòng Tên Việt Nam www.dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *