Phục hưng gia đình Công giáo

 

 

Tác giả: Hoành Sơn, S.J.

Nhờ sự ràng buộc chặt chẽ với tông tộc, xóm giềng, mà gia đình xưa được bảo vệ khá tốt : cha mẹ không dễ bỏ nhau và con cái được giáo dục hẳn hoi. Từ đó sinh ra những mẫu gương gia đình thật đẹp.
Hãy lấy thí dụ tình mật thiết mẹ-con giữa hai thánh Mônica và Augustinô.
Augustinô vì du học xa nhà quá lâu, nên ăn chơi phóng túng và lạc giáo. Biết được tin ấy, dù mãi tận châu Phi, Mônica không quản thân nữ dặm trường, đã một mình đi thuyền vượt biển đến Rôma tìm con, rồi từ Rôma lại lội bộ tới Milanô mới gặp được. Vừa bằng nguyện cầu trong nước mắt, vừa bằng van xin thánh giám mục Ambrôsiô khuyên bảo, Mônica mới đưa được con trở về đường ngay. Đến đây thì người mẹ kiệt sức, không thể trở về quê hương cùng con nữa, nên gửi nắm xương tàn lại ở cửa biển Ostia bên Ý.
Gia đình của nữ thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu càng đẹp như một bài thơ hơn nữa. Hai ông bà Martinô, cũng là hai thánh, sinh hạ được năm cô con gái, tất cả thành nữ tu, trong đó có bốn nhập dòng Carmêlô ở Lisieux, với một là thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, mà cuốn Tự truyện đã ảnh hưởng rất lớn tới toàn thế giới.
Những mẫu gia đình Công giáo đầm ấm và thánh thiện ấy nay còn đâu, khi mà quan hệ gia đình đã trở nên lỏng lẻo, bắt đầu từ Âu Mỹ rồi lây lan sang các nước kém phát triển. Làm sao đây để vực dậy quan hệ gia đình gắn kết và giáo dục gia đình tốt đẹp? Cần khởi động một tông vụ gia đình, và việc ấy đã xảy ra mới đây bên Nam Á với Tu hội Thánh gia ( CHF) do nữ thánh Mariam Thresia sáng lập vào cuối thế kỷ XX. Mong rằng tu hội sớm bành trướng và lan rộng bốn phương như Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng xuất phát tù Ấn độ.
Để xem trào lưu tông đồ gia đình cần thiết đến thế nào, phải nhìn thẳng vào thảm trạng gia đình hôm nay.
Tình trạng gia đình hôm nay
Người thời xưa, ai nấy đều sống dưới những tập tục tôn giáo và luân lý khắt khe.
Trong đế quốc La mã, hết thảy phải tế thần và tế vua như thần; khiến Kytô-giáo vì thế đã đóng góp được rất nhiều tử đạo.
Bên Ấn độ và các nước thuộc văn minh Nam Á cũng vậy. Vì tin vào luân hồi nghiệp quả và phân chia tập cấp (giai cấp theo cha truyền con nối), mọi người vừa phải tuân thủ luật lệ của tập cấp, vừa phải trải qua những kiêng kỵ khó khăn để tránh tai họa cho kiếp sau. Ngoài ra, tất cả có bổn phận sinh con đẻ cái để truyền sự sống dòng tộc đến muôn đời và duy trì vĩnh viễn hương khói hay lửa cúng tế (lửa cúng tế ấy tượng trưng cho sự sống thần thiêng của dòng tộc) hầu tránh cho tiên tổ khỏi cắm đầu xuống đi sâu vào lòng đất mà thành ngạ quỷ (quỷ đói), và đây là ý nghĩa của chữ Ullambana (Vu-lan-bồn, hay Vu- lan).
Các nước Viễn đông thì sống theo văn hóa Khổng Mạnh với biết bao bổn phận và trách nhiệm chúng bao trùm cuộc sống từ sinh ra cho đến lúc lìa đời. Và đây là bốn bước Tu-Tề-Trị-Bình (Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ), với Tứ đức kèm theo: Trung-Hiếu-Tiết-Nghĩa. Đó là việc của đám mày râu hay quân tử. Còn quan tâm của hàng quần thoa là Công-Dung-Ngôn-Hạnh. Quả thật, từ trong gia đình ra đến xã hội, ai nấy phải mang trên mình biết bao bổn phận và trách nhiệm.
Ngày nay trái lại, từ bên Âu Mỹ, trào lưu hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa ào ạt nổi lên đang xóa tan những bổn phận và trách nhiệm nói chung. Dĩ nhiên, vì sự xã hội hóa cuộc sống, nên quyền lợi mỗi người được bảo vệ do hiến pháp và pháp luật, nhưng vì chỉ có quyền lợi cá nhân được chú ý, nên chỉ còn những cái Tôi cô độc sắp hàng bên nhau, chứ không cần đến một liên kết trong tương thân tương ái nào cả.
Dĩ nhiên hiện nay bên các nước chậm phát triển như Việt Nam chúng ta, phần đông còn sống gần gũi nhau trong thôn xã, xóm phường, nhưng trào lưu di cư và sự đô thị hóa rồi sẽ khiến cho nhiều kẻ sống bên nhau mà không cần biết đến nhau.
Một khi quan hệ láng giềng trở nên hời hợt như thế, thì gia đình của ai người nấy lo. Không còn sự quan tâm và dòm ngó của xung quanh, nền đạo đức sẽ tuột dốc và gia đình cũng mất gốc luôn. Người ta chỉ còn đến với nhau vì cái khoái, và sẽ bỏ nhau khi chán nhau, thế thôi.
Một khi bố mẹ bỏ nhau, con cái đứa ở với mẹ sẽ khổ vì bố dượng, đứa ở với bố sẽ khổ vì dì ghẻ, do đó hầu hết trở nên mất dạy hay đi bụi đời. Cũng khốn khổ như thế vì thiếu tình yêu thương, những đứa trẻ được mang thai hộ hay được cặp đồng tính nhận làm con nuôi.
Ngoài ra, vì ích kỷ, lắm cặp vợ chồng không muốn phải phiền lo cho con cái, nên dễ ngừa thai, phá thai, khiến số sinh ngày càng giảm sút. Hãy lấy Trung quốc làm thí dụ. Để giới hạn dân số, chính quyền trước đây chỉ cho phép mỗi nhà sinh một con, khiến có người dìm chết con gái, hi vọng đứa tiếp theo có thể là con trai theo truyền thống trọng nam khinh nữ : “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Nhưng nay thì nhà nước phải khuyến khích sinh con vì dân số giảm nhanh, mà người dân lại không muốn sinh nữa.
Gia đình đã không đầm ấm, thì đạo Hiếu cũng mất tầm quan trọng. Con cháu không thích phụng dưỡng người già, nên dọn ra ở riêng, hoặc tống ông bà vào nhà hưu dưỡng để tránh phiền. Người ta cũng lơ là hương khói trên bàn thờ gia tiên; và vì không còn sống dưới bóng gia tiên, nên gia đình đã lỏng lẻo càng thêm lỏng lẻo.
Tình trạng ấy rồi cũng lây sang gia đình Công giáo thôi. Công giáo có luật “một vợ một chồng”, lại cấm ly dị và tái giá một cách gắt gao. Nhưng bên Âu Mỹ, lắm người đang phớt lờ luật ấy, thậm chí một số cặp không buồn làm hôn lễ ở nhà thờ nữa. Nếu vào năm 1963, bên Ý có 420.000 hôn lễ Công giáo, thì sang năm 2009 hôn lễ Công giáo chỉ còn 230.000 : giảm tới gần nửa.
Có người Công giáo, nhất là Anh giáo, ly dị tới dăm bảy lần trong đời. Cũng có người ở với nhau mà không cần hôn lễ chính thức. Có khi lại sống chung trước, xem có hợp không rồi mới lấy nhau. Thêm vào đấy, từ nhiều năm nay còn có hôn nhân đồng tính nữa.
Vì vậy, muốn cho gia đình, nhất là gia đình công giáo, trở nên đầm ấm và giáo dục gia đình tốt đẹp, thì phải có nhiều nỗ lực từ phía Giáo hội và những tổ chức thiện chí. Làm sao đây để gia đình vững chắc trở lại, từ đó vang lên sớm tối tiếng cầu kinh chung? Làm sao đây cho con em được ký gửi ở trường đạo và sinh hoạt trong các đoàn Thiếu nhi Thánh Thể, để khỏi đàn đúm với đám trẻ xóm chợ và do đó thành lêu lổng?
Vâng, phải khởi xướng một phong trào tông vụ gia đình. Mà một tông vụ như thế đã bắt đầu mới đây bên Nam Á với Tu hội Thánh gia do thánh Mariam Thresia sáng lập.
Thánh Mariam Thresia và Tu hội Thánh gia
Mariam Thresia (1876-1926) được phong hiển thánh ngày 13-10-2019 tại Rôma, là một trong bốn thánh hiển tu của Ấn Độ. Thánh nữ dược sinh ra ở tiểu bang Kerala ngày 26-4-1876.
Ngay từ tấm bé, được nuôi dạy bởi một người mẹ đức hạnh, ngài đã yêu Chúa chịu đóng đinh hết lòng, và mong muốn nên giống Chúa. Thực sự trong cuộc sống ngắn ngủi, ngài hay đau yếu, lại rất mực hãm mình : đánh tội bằng roi, gối đầu trên phiến đá, vác đá trên lưng mà bò, quỳ gối trên đường lát sỏi, chọn ăn đắng đót, ăn chay bốn ngày một tuần và kiêng ăn thịt.
Còn nguyện cầu, thì thánh nữ suy chiêm nhiều giờ một ngày, khi thì về khổ nạn của Chúa, khi thì về những chân lý vĩnh cửu. Mariam có một đời sống huyền nhiệm thâm sâu. Ngài gặp nhiều huyền kiến (vision), trong đó có huyền kiến Thánh gia thất. Đôi khi còn được ơn nâng lên khỏi mặt đất (lévitation), xuất thần, ở hai nơi một lượt (bilocation), mang Năm dấu thánh (stigmates) các chiều thứ sáu cho tới nửa đêm, đươc vong linh (vong linh hay vong hồn = hồn người chết) hiện về xin cầu nguyện và đền tội thay, bị ma quỷ hành hạ. Ngài cũng trải qua những huyền nghiệm lạ thường như được thánh Têrêsa Avila diễn tả trong sách Lâu đài linh hồn.
Tình yêu thâm sâu đối với Chúa trên thập giá ấy cũng tràn ra thành lòng thương vô bến bờ đối với tha nhân cùng khổ. Mariam tận tình giúp đỡ bệnh nhân trong xứ đạo. Có khi, thấy họ đau đớn quá, ngài xin được chịu thay, và tức thời họ khỏi bệnh. Ngài cũng tận tình giúp đỡ trẻ mồ côi, người bị xã hội ruồng bỏ, nhất nữa khi họ thuộc tập cấp thấp kém Dalit (đúng ra là ngoại tập cấp, bị người người xa lánh).
Tình thương đối với xung quanh của thánh nữ hướng nhiều nhất vào gia đình. Mariam thường kéo bạn bè đến gia đình này, gia đình kia để lần hạt và đọc kinh cầu các thánh. Thánh nữ cũng thánh hóa gia đình bằng Chầu Thánh Thể hay nguyện cầu với Thánh gia. Để tái thiết gia đình Công giáo cho tốt đẹp như xưa, ngài dồn hết sức lực cho tông vụ gia đình bằng cách lập Tu hội Thánh Gia thất (CHF, Congregation of Holy Family).
Tu hội nói trên, sau 38 năm có mặt, đã được Đức giám mục sở tại chính thức công nhận ngày 14-5-1914. Cha Vithayathil, linh hướng của Mẹ Mariam suốt 24 năm, được coi là đồng sáng lập viên với Mẹ. Sang đến năm 1914, thì VHF được Tòa thánh nâng lên thành dòng quốc tế (de droit pontifical = theo luật giáo hoàng). Hiện nay, dòng có mặt ở nhiều giáo phận Ấn độ, và đã hiện diện ở châu Phi, bên Đức và Rôma. Tại đó, mấy ngàn nữ tu lo việc thánh hóa các gia đình, chăm sóc các em bụi đời và trẻ mồ côi…
Việc thành lập CHF này hẳn là sáng kiến hợp thời để vực dậy các gia đình công giáo trong cơn khủng hoảng ngày nay, nó kéo theo sư đổ vỡ giáo dục gia đình đối với trẻ thơ không nơi nương tựa vững chắc.
Bên Phương Đông, tuy gia đình còn tương đối ấm cúng và đạo Hiếu được nưng đỡ bởi tục thờ gia tiên, nhưng việc di dân kiếm sống và việc đô thị hóa diễn ra dồn dập cũng đang phá đi những nền móng của gia đình. Nên việc tông đồ gia đình cấp thiết phải được khởi động để đương đầu với những đe dọa ấy.
Tông vụ gia đình cho Việt nam hôm nay
Nói chung, gia đình Việt nam còn khá bền chặt, nhất là ở thôn dã, nhưng vì trào lưu cá nhân chủ nghĩa và hưởng thụ đang xâm nhập, nên tình thân phu phụ và phụ mẫu – tử cũng bắt đầu xuống dốc. Nhất là khi sự đô thị hóa tăng tốc và di cư tìm kế sinh nhai khiến người người rời bỏ xóm làng, họ đạo. Không còn người quen nhìn vào nữa, đạo đức cũng sa sút và mỹ tục phá sản. Và điều ấy cũng lây lan sang gia đình Công giáo luôn.
Gia đình Công giáo, nhờ luật “một vợ một chồng” và “bất khả phân” (Mt.19-1-9), cũng như việc được bao phủ dưới bóng của (Đầu) Giêsu – (Mình) Hội thánh (Eph.5.22-32) mà trở nên bền chặt, thánh thiêng, nhờ đó vợ chồng không dễ bỏ nhau và con em được giáo dục tốt đẹp.
Thế nhưng hôn lễ Công giáo ngày càng bớt xảy ra bên Âu Mỹ, và điều ấy rồi sẽ lây lan sang chúng ta. Do đó phải cấp thời đón trước bằng tông vụ gia đình, sao cho gia đình sớm tối đừng bỏ đọc kinh chung, đi lễ chung với nhau, đồng thời gửi con em đến sinh hoạt trong Hội Thiếu nhi Thánh Thể và học ở các trường đạo từ cấp mẫu giáo đến tiểu học. Đồng thời trong mọi xứ đạo hãy thành lập các hội Gia trưởng, Hiền mẫu, Gia đình sống đạo. Cũng nên đón Dòng Thánh gia của Mẹ Mariam Thresia sang lập chi nhánh bên Việt nam chúng ta.
Bên Việt nam chúng ta, Hội đồng giám mục cũng đã khuyến khích lập bàn thờ gia tiên và nhiều gia đình đã làm theo như vậy rồi. Chỉ cần bàn thờ ấy có tính Kytô-giáo bằng cách đưa thánh giá và nến phục sinh vô. Và để có tính Phương đông, thì đặt thêm đôi hạc :”Cưỡi hạc chầu (về) Trời”.
Từ nay, nhà nhà đều có bàn thờ Chúa bên trên và bàn thờ gia tiên phía dưới, nhờ đó sáng tối mọi người trong nhà sẽ họp nhau cầu nguyện; và khi có hiếu hỷ thì cùng trình bày lên xin tiên tổ chứng giám, trước bàn thờ gia tiên. Thêm vào đấy, các ngày chúa nhật kính Chúa phục sinh và tháng 11 Tưởng nhớ vong linh sẽ được dành để cầu Chúa cho gia tiên và cầu gia tiên phù hộ cho con cháu còn sống.
Cũng nên bắt chước Singapour, lập nhà dưỡng lão khắp nơi, chỗ nào cũng có, để con cháu có thể gửi ông bà đến viện gần nhất, hầu sớm tối tiện đến thăm nom, cho ông bà đỡ cảm thấy cô độc, bị bỏ rơi!

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *