Quan niệm của thánh Augustinô về ý nghĩa thực sự của bình an

Cách đây một thời gian, khi phong trào bình an trong trường đại học đang rất sôi nổi, tôi quyết định thực hiện một cuộc khảo sát giữa các sinh viên của mình để tìm hiểu xem liệu ý tưởng khiến họ say mê đó có phải là điều họ thực sự hiểu rõ hay không. Câu hỏi mà tôi đặt ra trong lớp học rất ngắn gọn: “Bình an là gì?” Một loạt các bàn tay lập tức giơ lên. Các bạn sinh viên tự tin rằng họ đã nắm đầy đủ thông tin về chủ đề này. Thật không may, tất cả các câu trả lời của họ đều được diễn đạt theo lối phủ định: “Bình an là không có chiến tranh; Bình an là tránh xa sự thù địch; Bình an là thoát khỏi sự hỗn loạn, rối ren; Bình an là chấm dứt sự lo lắng…”

 

Các sinh viên thảo luận sôi nổi về bình an trong lớp học. Ảnh: Canva

 

Cuối cùng, để làm cho câu hỏi của tôi trở nên thực tế hơn, tôi đã hỏi những sinh viên hiện đang im lặng xem họ có thể làm gì để trải nghiệm được bình an, dù chỉ trong mười phút. Một sự im lặng đáng sợ bao trùm lớp học. Cuối cùng, một sinh viên dũng cảm đã thú nhận một cách khá thất vọng rằng với tất cả các bài tập mà cô ấy phải gánh và tất cả các deadline mà cô ấy phải đáp ứng, việc tìm kiếm sự bình an là điều không thể trong ít nhất vài tuần. Tôi nghĩ cô ấy đã nói thay cho nhiều người, nếu không nói là tất cả, những người bạn cùng lớp của cô ấy. Tôi nghĩ thật đáng buồn khi giáo dục chính quy lại là một sự gián đoạn của bình an. Liệu các bạn sinh viên có bình an sau khi tốt nghiệp không? Chúng ta có thể tìm thấy thời gian cho bình an không? Ngay cả trong giấc ngủ, chúng ta cũng có thể bị quấy rầy bởi những cơn ác mộng. Nếu chúng ta phải đợi cho đến khi không làm gì để tìm thấy bình an, thì không có gì làm nền tảng cho bình an, không có gì bình an có thể đụng chạm để mang lại cho cuộc sống của chúng ta một ý nghĩa cao cả hơn. Sự bình an như thế sẽ chìm vào hư vô. Đây không phải là bình an mà chúng ta hy vọng, mà chỉ là ảo tưởng về bình an.

 

Thánh Augustinô giải gỡ

 

Không có bất kỳ thánh Augustinô nào trong lớp của tôi. Nhưng tôi có thể chiêu mộ vị Tiến sĩ khôn ngoan này của Giáo hội vì lợi ích của sinh viên. Đối với vị Giám mục thành Hippo này, bình an là “sự yên tĩnh của trật tự” (Tranquilitas ordinis). Thánh Augustinô đề cập đến trải nghiệm cá nhân về bình an. Con người đã sống một cuộc sống không có trật tự kể từ khi bị tổn thương bởi Tội Nguyên Tổ. Tâm hồn họ trở nên “bồn chồn”. Sự bồn chồn (inquietum) này đã tạo ra niềm khao khát bình an. Nhưng bình an sẽ luôn khó nắm bắt chừng nào nó còn được coi là đối tượng trực tiếp của sự lựa chọn. Chúng ta không thể chọn bình an như cách hái một quả táo từ trên cây. Chúng ta phải chọn “điều gì đó khác” trước khi có đủ điều kiện để trải nghiệm bình an. Theo thánh Augustino, một “điều gì đó khác” chính là trật tự. Nhưng có nhiều loại trật tự khác nhau. Cụ thể trật tự mà vị thánh vĩ đại này nghĩ đến là gì? Đó là trật tự của những hành vi nhân đức dẫn đến Thiên Chúa. Câu nói nổi tiếng nhất của ngài xuất hiện ở phần đầu cuốn Tự thuật: “Tâm hồn con khắc khoải không ngừng cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (cor nostrum inquietum est donc requiescat in Te).

 

Bình an thay thế sự bồn chồn khi cuộc đời chúng ta hướng về Thiên Chúa. Ảnh: Canva

 

Bình an thay thế sự bồn chồn khi cuộc đời chúng ta hướng về Thiên Chúa. Chúng ta nên sống phù hợp với nhân đức mà thánh Augustinô định nghĩa là “trật tự của tình yêu” (virtus est ordo amoris). Bây giờ chúng ta thấy rõ hai điều: Tại sao chúng ta bồn chồn và khao khát bình an; và giải pháp cho sự bồn chồn của chúng ta. Nếu chúng ta muốn bình an, trước hết chúng ta phải hướng tình yêu của mình đến Thiên Chúa. Khi đó chúng ta sẽ trải nghiệm được sự yên tĩnh của trật tự, đó là sự bình an.  

 

Vậy bình an là gì? Đó là sự tĩnh lặng mà chúng ta cảm nghiệm được khi chúng ta hướng tình yêu của mình, qua nhân đức, tới Thiên Chúa. Tình yêu này, một các tự nhiên, bao gồm cả tình yêu tha nhân. Vì vậy, sự bình an tương thích với mọi hoạt động sống của chúng ta, trong đó có “gánh nặng” bài vở. Chúng ta không nên tìm kiếm bình an nhưng hãy yêu mến Thiên Chúa. Bình an là điều gì đó “xảy ra” với chúng ta khi chúng ta tìm thấy một điều gì đó khác. Nó rất giống với hạnh phúc, như Nathaniel Hawthorne đã nói: “Giống như một con bướm, khi theo đuổi, luôn nằm ngoài tầm nắm bắt của chúng ta, nhưng nếu bạn ngồi yên, nó có thể đậu xuống trên bạn.”

Tác giả: Donald Demarco
Người dịch: Kim Linh
Nguồn: Catholic Exchange

Kiểm tra tương tự

Tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự: Bài học từ thánh Phanxicô Salê

Dù Thiên Chúa chắc chắn hiện diện trong những ngôi thánh đường, Ngài cũng có …

Khóa học: “Cầu nguyện bằng Lời Chúa”

  Bạn thân mến!   Thư Chung năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt …