Chiếc quan tài chỉ là vật vô tri vô giác, nhưng chính nó lại gợi lên bao nhiêu điều để con người phải suy nghĩ. Chính những mảnh ván với kích thước khác nhau làm dấy lên những cảm giác thân thương, đáng sợ và nhất là nhắc nhở kẻ ở lại về lối sống của mình.
Thân thương bởi chiếc quan tài giúp khuất lấp những thân xác không còn ích lợi và năng động trong cuộc sống thế trần này. Cần được khuất lấp bởi một khi trút hơi thở thì thân xác chóng vội tàn phai và biến sắc chỉ trong vài giờ ngắn ngủi. Tôi vẫn nhớ cảm giác giật mình và một chút rợn rùng khi thấy lũ kiến bò lên cánh tay và khuôn mặt của người thân mình đang khi chờ tới lúc tẫn liệm. Sao khác quá giữa một con người từng hồng hào, năng động và biết tự bảo vệ mình trước mọi tấn công. Còn khi đã chết thì bầy kiến nhỏ nhởn nhơ mà cái xác chẳng chút động đậy. Vài giờ thì thân thể lạnh lẽo, da vẻ tái nhợt và dễ khiến người ta hãi sợ. Chiếc quan tài khuất lấp đi những khoảng dễ sợ ấy để chỉ chừa ra cái dễ thương, là khuôn mặt đã được trang điểm cho hồng hào, là đôi tay được mang chiếc găng trắng thật sang trọng, là đôi mắt nhắm lại nhưng viền mắt vẫn được vẽ cho sinh động.
Đáng sợ bởi chiếc quan tài là vạch ngăn lớn lao giữa kẻ sống lẫn người chết. Vạch ngăn ấy hiển hiện chỉ qua tấm ván mỏng, nhưng cũng đồng nghĩa rằng người nằm trong những tấm ván chẳng bao giờ bước ra với những người bên ngoài nữa. Mặc cho người thân thương tiếc, kêu khóc, gào thét nhưng sự đáp lại chỉ là im lặng. Con người với tâm lý bình thường hay sợ vạch ngăn này vì nơi đó đầy dẫy những tiếc nuối khi còn quá nhiều hoài bão của kẻ nằm trong quan tài chưa làm được khi còn sống, còn quá nhiều những lỗi lầm mà kẻ còn sống đã gây ra cho kẻ nằm trong kia mà chẳng còn cơ hội nói lời xin lỗi, còn biết bao nhiêu tâm tư và tình cảm đáng đã phải được thổ lộ cho kỳ hết nhưng nay đã chỉ còn ghi lạnh lùng trên những dòng di chúc, di thư, di nguyện.
Chính những nỗi thân thương và đáng sợ ấy mà người ở lại kiếp sống lữ hành này được nhắc nhớ bao nhiêu điều. Ở đất nước Hàn Quốc có một trải nghiệm khá thú vị được gọi là ‘dịch vụ ‘chết thử’’. Đến với dịch vụ này, ‘người tham gia dịch vụ này sẽ được hướng dẫn và xem một đoạn video trước khi được dẫn vào một căn phòng tối, ngồi cạnh quan tài và bắt đầu viết di chúc của mình. Sau đó, họ mặc đồ liệm và được đặt vào trong quan tài. Họ sẽ nằm trong chiếc quan tài tối đen khoảng 10 phút, nghe có vẻ ngắn những đối với những người trải nghiệm dịch vụ này, khoảng thời gian đó như bất tận với họ.’[1] Có lẽ không cần phải đặt vấn đề về chuyện ‘chết thử’ ấy có mang lại cảm giác thật hay ảo, nhưng điều cốt lõi mà dịch vụ ấy mang tới là giúp cho người còn sống biết trân quý cuộc sống hiện tại như một món quà quý báu. Cụ thể với người Ki-tô Hữu, món quà sự sống ấy không tự họ tạo ra được, mà chính Thiên Chúa ban cho.
Nhớ đến những người thân yêu đã qua đời và đang chờ đợi ngày hưởng ánh quang bất tận của Thiên Chúa, tôi cũng được gợi nhắc chính bổn phận và lối sống hiện tại của chính mình, tựa như câu nói: “Khi bạn sinh ra đời, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn, bạn cười”.
Little Stream
[1] https://laodong.vn/the-gioi/han-quoc-trai-nghiem-dich-vu-chet-thu-de-tan-huong-cuoc-song-764374.ldo