(Truyện ngắn)
Cứ mỗi lần về quê, Khải vui lắm vì được đắm mình vào bầu không khí mát lạnh, được hít thở hương cây cỏ của quê hương, được nhìn lại những khung cảnh gần gũi mà cả tuổi thơ cậu đã gắn bó, nhất là được gặp ngoại, người bà đã chăm sóc cậu suốt quãng đời tuổi thơ.
-“Khải về rồi hả con? Khỏe không con?”
Dáng một cụ bà đã ngoài bảy mươi, da vẻ nhăn nheo với nhiều nốt đồi mồi, nhưng khuôn mặt vẫn luôn đầy vẻ phúc hậu và nụ cười thật tươi. Đó là ngoại của Khải. Hình ảnh ấy dù có đi xa bao lâu đi nữa cậu cũng không bao giờ quên được.
Ngoại ngày hôm nay khác hơn mười năm về trước nhiều lắm. Ngày xưa ngoại còn khỏe nên đi đứng rất nhanh nhẹn, làn da trắng và khuôn mặt hồng hào chứ không nhiều nếp nhăn và nốt đồi mồi như bây giờ. Đôi bàn tay của ngoại lúc ấy tuy thanh mảnh nhưng cứng cáp, có thể xách vác nhiều vật dụng dù đã ngoài sáu mươi, và nhất là mái tóc của bà lúc đó chỉ mới điểm hoa râm chút ít. Bây giờ, ngoại đã yếu hơn trước rất nhiều, thêm đôi mắt đã mờ và không nhìn rõ những vật xung quanh nữa, đôi tai không còn nghe rõ, và đôi bàn tay, bàn chân gầy guộc rõ hẳn. Nhưng có một điều mà Khải thấy ngoại không thay đổi, là chính tình thương mà bà dành cho cậu.
-“Lại ngoại ôm cái coi! Bự dữ vậy nè! Thành đàn ông con trai rồi chứ đâu còn con nít như ngày xưa nữa!”
Ngoại vẫn nhớ từng kỷ niệm tuổi thơ của Khải khi sống cùng với bà. Hồi đó, vì ngoại ở một mình, ba mẹ Khải cất căn nhà riêng gần đó, nên ba mẹ cắt cử Khải lên ở với ngoại. Trước là chăm sóc sức khỏe cho bà, có gì cần thiết thì chạy xuống kêu ba mẹ. Sau là hủ hỉ có bà có cháu cho vui, chứ tuổi già ngoại ở một mình buồn lắm. Vậy là cậu nhóc Khải vui vẻ lên ở với ngoại gần mười mấy năm trời, cho đến khi cậu rời quê lên Sài Gòn học.
-“Đợi ngoại xuống nấu cơm cho con ăn nghen! Rửa mặt, rửa tay cho mát đi con!”
Nói vậy chứ ngoại không còn tự nấu cơm được nữa, vì thế mà ba mẹ Khải đã dời lên ở chung với bà kể từ ngày cậu đi lên thành phố học. Ba mẹ nấu cơm cho ngoại ăn, và chăm sóc bà thay cho vị trí của cậu. Nhưng ngoại thương cháu lắm nên lúc nào cũng so sánh: “Tụi mày chăm cho tao không bằng thằng cháu tao! Cháu tao thương tao nhất!”. Ba mẹ chỉ cười và đôi lần Khải gọi điện thoại về, ba mẹ cứ nhắc hoài câu nói ấy của ngoại, rồi còn thòng thêm câu chọc con trai: “Lo về mà ở với ngoại kìa! Ngoại cứ chê ba mẹ bai bải”.
Bà đi từng bước xuống bếp, hối ba mẹ dọn cơm cho cháu ăn, mẹ Khải chọc bà bảo:
– “Trời! Nó con của con, cháu của má; chứ có phải quan thần gì đâu mà dọn cho nó! Biểu nó xuống tự dọn mà ăn”.
Vậy là ngoại nói lẫy:
-“Mấy đứa này, con cái lâu lâu mới về, không thương nó mà còn bắt nó mần!”
Rồi ngoại lui cui đi dọn chén, dọn đũa. Khải định chạy tới tiếp, nhưng ngoại kêu đứng im đấy để bà làm. Nhìn dáng ngoại đứng trong góc bếp, chợt cậu nhớ lại ngày xưa bà cháu ngồi dưới chái bếp thổi lửa, nấu cơm, kho cá. Bữa cơm xưa ấy của hai bà cháu đơn giản mà ngon lắm. Để hôm nay, dù gần chục năm rồi, cậu vẫn không quên được hương vị cá mà ngoại kho năm xưa. Có lẽ cũng nhờ ngoại chỉ dẫn mà Khải biết làm nhiều, từ chuyện bếp núc cho tới những chuyện vườn tược, bao nhiêu kinh nghiệm bà truyền lại cho cháu hết thảy. Nhờ vậy mà hôm nay rời quê, Khải vận dụng mớ kiến thức phổ thông ấy để tự chăm sóc bản thân khi xa nhà.
Chiều chiều thấy ngoại ngồi ngoài sân sàng gạo. Dù thời buổi hiện đại, đã có gạo sạch, nhưng bà thích việc sàng gạo này vì quen làm từ hồi nhỏ xíu. Biết ý bà nên ba mẹ Khải cứ phải mua ít gạo tẻ loại còn thóc để mỗi ngày bà sàng và lựa gạo để ba mẹ nấu ăn. Từ đàng sau nhìn tới, dáng bà ngồi sàng gạo ngoài sân vẫn như ngày xưa, vẫn nét dân dã, miệng nhai trầu bỏm bẻm và dùng tay nhặt gạo lép bỏ ra, miệng không quên nói: “gạo mẩy ăn ngon hơn!”.
-“Ngủ đi con, ngoại quạt cho con ngủ”. Ngồi trên giường, bà cầm quạt phe phẩy quạt mát cho cháu, nhưng cậu quen ngủ một mình từ dạo xa quê, sống tự lập, nên Khải nói với ngoại:
-“Nhà có quạt máy rồi mà ngoại! Ngoại ngủ đi nhé! Đừng lo cho con. Ngoại ngủ sớm, lấy sức ngày mai dẫn con qua thăm hàng xóm nha ngoại”.
Bà đồng ý và về phòng ngủ. Khải gác tay lên trán nhớ lại kỷ niệm đẹp về người bà thân yêu suốt những năm tuổi thơ. Năm nay gần ba mươi tuổi, vậy là xa nhà đã hơn mười năm. Cậu nhớ như in lần đầu xa nhà, người cậu gọi về đầu tiên không phải là ba mẹ, mà là bà ngoại. Ngoại vừa dứt tiếng: “Khải hả con, khỏe không con?” thì cậu đã rơi nước mắt. Hôm nay, giọt nước mắt ấy vẫn luôn ý nghĩa với cậu, vì cậu hiểu rằng bà ngoại là món quà quý giá mà thượng đế ban cho mình.
Thấm thoắt một tuần thăm nhà đã hết, Khải phải trở về Sài Gòn tiếp tục công việc.
-“Ngoại ơi! Mai con trở lên thành phố rồi! Ngoại ráng giữ gìn sức khỏe nha! Mỗi lần về thấy ngoại khỏe con mừng lắm!”
Khuôn mặt bà trông buồn hẳn, hai mắt nhíu lại như cố nhìn cháu cho rõ, lấy bàn tay gầy vuốt lên tóc cháu, rồi bà nói:
-“Tuổi già mà con! Như trái mít chín, muốn rụng chừng nào thì rụng.”
Cậu níu tay bà như níu kéo:
-“Thôi mà ngoại! Sao lại rụng? Ngoại đợi tới ngày con thành công trong cuộc sống, về mua cho ngoại áo đẹp để mặc, mua xe chở ngoại đi thăm xóm giềng, rồi mua đồ ăn ngon nữa.”
Bà lắc đầu, khoát tay, đáp lời Khải:
-“Ngoại đâu ham gì mấy thứ đó! Chỉ muốn con thành công, hạnh phúc là ngoại vui lắm rồi. Con ráng lên nha! Làm người tốt, làm con ngoan của ba mẹ, làm cháu ngoan của ngoại.”
Cuộc nói chuyện của hai bà cháu đêm hôm đó kéo dài mãi gần sáng. Bà cứ vuốt tóc, xoa lưng thằng cháu mấy khi mới về thăm bà một lần.
……
Xe đã khởi hành, Khải cứ nhìn mãi con đường quen thuộc nay đã hằn sâu trong tim cậu. Khải thấy nuối tiếc không vì con đường ấy cho cậu làn gió mát, cảnh đẹp quê hương mà Sài Gòn không có, nhưng vì đó là đường về nhà ngoại.
……
Vừa tan học tầm trưa, điện thoại di động trong túi Khải rung lên, cậu nhìn vào màn hình thấy ba mẹ gọi. Thắc mắc vì sao ba mẹ lại gọi giữa trưa, Khải bật máy trả lời.
-“Alô!…”
-“Khải ơi! Ngoại con…. Huhuhuhu”
Cậu hốt hoảng, hỏi mẹ đang khóc ở đầu máy bên kia:
-“Chuyện gì vậy mẹ? Ngoại bị sao hả mẹ?”
-“……”
Câu trả lời của mẹ khiến Khải rã rời tay chân, chiếc điện thoại rớt xuống theo cánh tay buông thõng. Cậu quỳ xuống ngay sảnh trường, khóc tức tưởi, khóc như thể cậu vừa mất đi điều gì quý báu lắm!
Little Stream