[Radio Người Trẻ] Phúc thay ai hiền lành

Tác giả: Cao Gia An, S.J.

Các bạn thân mến,

Từ ngàn xưa, người Việt vốn đã nổi tiếng là những con người hiền hòa hiếu thuận. Tâm hồn người Việt đơn sơ chân chất như hoa đồng cỏ nội, tốt lành bình dị như những cánh đồng lúa, hiền hòa êm ả như những dòng sông quê… Người Việt mang nơi mình vẻ đẹp bình lặng mà cuốn hút, bởi sự dịu dàng đằm thắm của con người đoan chính, bởi sự đơn sơ tốt lành của một tâm hồn ngay thẳng. Đạo lý sống bình dân nhất của người Việt là ăn ở hiền lành. Ông bà ta tin rằng ở hiền thì gặp lành.

Xã hội chúng ta thay đổi từng ngày, con người cũng thay đổi từng ngày, có còn chăng những nét đẹp truyền thống quý giá của dân tộc? Chúng ta còn tin rằng sống hiền lành là một giá trị đáng phải theo?

Có vẻ như trong thực tế, chúng ta thấy rằng những người sống hiền lành thường là những người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Giữa cuộc sống vô vàn dữ tợn và hung hăng, những người hiền lành hay bị chèn ép và hiếp đáp… Trong thời hiện đại, người ta chủ trương rằng muốn sống thì phải khôn ngoan và mạnh mẽ. Để không bị kẻ khác leo lên đầu mình, người ta chủ động leo lên đầu người khác trước. Để khỏi bị người khác bắt nạt, nhiều người chủ trương đi bắt nạt người khác trước. Hiền thường bị đồng hóa với nhu nhược, lành thường bị coi là yếu đuối.

Thế nhưng thực ra, để có thể sống hiền, người ta cần một trái tim bình an. Để có thể sống lành, người ta cần một trái tim nhân hậu. Đó là những nét đẹp nhất của một con người. Thế nên người hiền lành luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt nào đó, và thường được nhiều người yêu mến. Vì vậy mà khi mời gọi người ta đến với mình, Đức Giêsu đã chọn nét tính cách hiền lành: “Hãy đến với Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29). Nét hiền lành của Đức Giêsu cũng được Thánh Matthêu dùng lời của ngôn sứ Isaia để diễn tả: “…Người không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12, 19-21).

Thánh Matthêu dùng đoạn văn trên để loan báo rằng Đức Giêsu sẽ là người đem công lý của Thiên Chúa đến toàn thắng trong cung cách của một người Mục Tử nhân lành. Không phải bằng sự cạnh tranh hay sức mạnh, cũng không phải bằng bạo lực hay uy quyền, nhưng bằng chính sự hiền lành mà Đức Giêsu đưa công lý đến toàn thắng. Sự hiền lành của Đức Giêsu không phải là nhu nhược hay nhát đảm. Sự hiền lành ấy là một cung cách sống hữu hiệu để làm chứng và thực thi công lý của Thiên Chúa.

Chính nơi cung cách sống của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra sức mạnh của sự hiền lành. Thật ra, người hiền lành là người có một nội tâm mạnh mẽ. Thế nên, họ chẳng cần phải khẳng định mình qua những hung hăng mạnh bạo bên ngoài. Người hiền lành là người có một niềm tin vững vàng vào những giá trị tốt lành của cuộc sống. Thế nên họ luôn có thể chọn cách sống hiền lành ngay chính trong môi trường sống có nhiều dữ tợn và ngạo ngược. Người sống hiền lành theo cung cách của Đức Giêsu là người sống với một niềm tin tưởng sắt son rằng, đi cho đến cuối cùng, tà không thể thắng chánh, ác không thể thắng thiện, gian dối bất công không thể thắng sự thật, sức mạnh bạo lực không thể thắng lòng tốt và sự hiền từ. Người hiền lành mang một con tim nhân hậu, và hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa.

Xã hội hiện đại của chúng ta không thiếu những người khôn ngoan, nhưng chỉ thiếu những người hiền từ và tốt lành. Thiếu sự hiền lành, cuộc sống của con người trở nên phức tạp và dễ bị nhuốm bẩn. Không có sự hiền lành, nhanh nhẹn biến người ta thành ma lanh, khôn ngoan biến người ta thành quỷ quyệt. Không có sự hiền lành, mọi khả năng của con người đều có thể trở thành những phương tiện gây đổ vỡ.

Thế nên, sự hiền lành là điều mà Đức Giêsu muốn các môn đệ của mình phải có khi người sai các ông đi rao giảng: “Này, Thầy sai anh em đi, như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10, 16). Một con sói cũng đã đủ để làm tan tác cả bầy chiên, huống gì là một con chiên lọt vào giữa bầy sói. Thế nhưng hiền lành như con chiên là điều kiện tiên quyết để một người môn đệ được sai vào giữa lòng thế giới. Điều kiện ấy giữ cho người môn đệ của Đức Giêsu không rơi vào vòng cám dỗ của bạo lực, để tự biến mình thành một con sói khác giữa một bầy sói. Sự hiền lành dứt người môn đệ ra khỏi những dữ tợn của một thế gian dữ tợn. Đây luôn là một thách đố lớn lao cho mọi người thuộc mọi thời đại. Chỉ người nào dám tin vào sức mạnh của sự hiền lành, tin vào chiến thắng cuối cùng của sự thiện, người ấy mới có thể sống như một người môn đệ hiền lành của Đức Giêsu. Sức mạnh của người hiền lành không nằm nơi mình, nhưng nằm chính nơi sự bảo trợ của Thiên Chúa.

Đã có quá nhiều đổ vỡ từ xung đột, bạo lực, hung hăng, cuồng tín… xã hội hiện đại của chúng ta cần biết bao sự hiền lành của những người môn đệ Đức Giêsu. Để mang đến khuôn mặt của Thiên Chúa cho những người nghèo hèn khốn khổ, Đức Giêsu cần những con người tốt lành và hiền từ. Nếu sự hung hăng cứ như một vòng xoáy đẩy người ta leo thang bạo lực, chỉ có sự hiền lành mới giải phóng con người khỏi vòng luẩn quẩn ấy. Nếu thế giới đã chìm ngợp giữa bao điều giả dối bất công, chỉ sự hiền lành mới có thể cứu vãn. Người môn đệ của Đức Giêsu là người hóa giải và giao hòa những đổ vỡ của thế giới bằng chính sự hiền lành của mình. Nơi những người hiền lành, sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ bày. Qua những người hiền lành, Nước của Thiên Chúa được thể hiện hữu hình ngay giữa trần gian này. “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5, 5).

Lạy Chúa là Đấng từ bi và nhân lành,

Hơn ai hết, Chúa là người chứng kiến nhiều nhất
những đổ vỡ tan nát từ xu hướng bạo lực của lòng người.
Chúa là người bị thách thức nhiều nhất,
từ những dữ tợn hung hăng của con người.
Thế mà Chúa vẫn luôn là một Thiên Chúa từ bi và nhân lành,
hiền hậu và yêu thương, kiên nhẫn và tha thứ.

Lạy Chúa,

Xin thánh hóa con tim chúng con mỗi ngày
để chúng con luôn có thể sống hiền lành
như những người con cái đích thực của Chúa
ngay giữa lòng xã hội ngày nay.
Dù cuộc đời không luôn hiền từ với chúng con,
xin cho chúng con luôn có đủ tử tế
để sống hiền từ với cuộc đời.
Dù cuộc đời không luôn tốt lành với chúng con,
xin cho chúng con luôn có đủ nhân hậu
để sống tốt lành với cuộc đời.

Vững tin vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa,
vững tin vào lẽ công bằng và ngay chính của Chúa,
xin cho chúng con luôn kiên định với cung cách sống hiền lành
để kiến tạo quanh mình một thế giới của hòa bình
của lòng yêu thương và tình liên đới.
Ước gì cung cách sống hiền lành
cho chúng con thưởng nếm nhiều niềm vui thanh thoát
và biến chúng con thành một lời chứng sống động
về sự hiện diện yêu thương của Chúa
ngay giữa lòng thế giới của chúng con. Amen

Kiểm tra tương tự

Giới Truyền thông: Những người mang Hy Vọng và Sự Thật

  Nói về Năm Thánh của giới Truyền thông, diễn ra từ ngày 24 đến …

Thông điệp Truyền thông 2025: ‘Giải trừ vũ khí trong truyền thông’ để nuôi dưỡng niềm hy vọng và sự hiệp nhất

Nhân Ngày Thế giới Truyền thông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *