Rộng lượng bao la, nhỏ nhen ghen tị

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

Rộng lượng bao la và nhỏ nhen ghen tị là hai cụm từ tương phản hoàn toàn với nhau. Rộng lượng bao la thì tích cực, nhỏ nhen ghen tị thì tiêu cực. Rộng lượng bao la đem lại bầu không khí trong lành dễ thở, nhỏ nhen ghen tị tạo nên làn không khí với khói đen dày đặc làm nghẹt thở biết bao tâm hồn. Vì thế, muôn muôn người đều chỉ muốn chạy đến với lòng rộng lượng bao la, đặc biệt với lòng bao la vô bờ của Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

 

Lòng Chúa xót thương thật bao la.

 

“Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”
(Tv 144,9).

 

Lời Thánh Vịnh đưa chúng ta vào trong lòng bao la tuyệt vời của Thiên Chúa. Cái tuyệt vời của lòng nhân ái Thiên Chúa dành cho mọi người không trừ ai cả, từ kẻ đạo đức đến người tội lỗi, từ người đến sớm tới kẻ đến trễ. Cái tuyệt vời của lòng nhân hậu Thiên Chúa tràn ra, vượt trên mọi biên giới và chuẩn mực con người đặt ra, để rồi mọi phận người được Chúa dựng nên, được Chúa đưa vào cuộc đời, đều được Chúa yêu thương đón nhận, dù đời họ ra sao đi nữa.

 

Thật vậy, lòng nhân hậu bao la của Chúa vượt trên mọi công bằng, mọi chuẩn mực và thước đo dù có lô-gíc đến mấy của cuộc đời này. Dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16) đã diễn tả sống động lòng bao la thương xót của Thiên Chúa. Dụ ngôn với nhân vật đầu tiên là một gia chủ có vườn nho và ông ta tìm mướn thợ để làm việc trong vườn nho của mình. Ông đi tìm thợ cả thảy 05 lần, từ lúc mặt trời mọc cho đến khi gần hết ngày làm việc. Thời gian đầu tiên ông mướn thợ là vào tảng sáng. Chúng ta coi việc ông chủ thoả thuận với thợ như thế nào: “Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc”. Cả năm nhóm người khác nhau, kẻ đến sớm người đến trễ, kẻ vất vả gần 12 tiếng làm việc và người nhẹ nhàng với chỉ 1 tiếng lao động, đều được ông chủ chú ý đến với tấm lòng bao la.

 

Ngày lao động cũng từ từ khép lại. Công nhật được tính. Việc trả lương bắt đầu từ nhóm cuối cùng là những người vào làm sau chót, sau đó từ từ tới nhóm làm việc từ giờ thứ chín, giờ thứ sáu, giờ thứ ba và vào lúc sáng sớm.

 

Chúng ta cùng mường tượng khung cảnh trả lương: Nhóm người vừa vào làm chỉ có một tiếng đồng hồ tiến đến người chủ và anh quản lý. Họ nhận được một quan tiền là tiền lương. Lần lượt các nhóm người khác cũng vậy.

 

Còn nhóm người làm từ sáng sớm thì thế nào? Bạn hãy đặt mình là một người trong nhóm đó. Bạn kỳ vọng gì về tiền lương mà bạn sẽ nhận được? Bạn có nghĩ rằng: “chắc chắn tiền lương của tôi phải tương hợp với thời gian làm việc của tôi (khoảng 12 tiếng) và phải cao hơn tiền lương của nhóm người mới vào làm được có một tiếng, và nếu ông chủ đã trả cho người làm có một tiếng một quan tiền, thì tôi sẽ được ít nhất 12 quan tiền cho 12 tiếng đồng hồ”. Chúng ta coi xem sự kỳ vọng này có trở thành hiện thực không.

 

“Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền”. Như thế là rõ ràng, tiền lương công nhật của người làm một tiếng với người làm cả ngày trời (khoảng 12 tiếng) là như nhau = 01 quan tiền. Một cách hành xử rất lạ lẫm của ông chủ giúp chúng ta khám phá tấm lòng bao la rộng lượng của ông.

 

Ông chủ mở lòng thương xót mọi người, ông mời tất cả mọi người đứng ngoài đường vào vườn nho làm việc. Giờ nào ông cũng ra kiếm thêm người làm. Ông chủ luôn sẵn sàng thuê thợ vào bất cứ lúc nào. Ông chủ không bao giờ nói: bây giờ tôi không còn cần ai cả. Ông chủ luôn “cần” con người.

 

Hình ảnh người chủ là hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn kiếm tìm “con người” và Thiên Chúa luôn “cần” đến mỗi người. Con người trở thành trung tâm điểm của Thiên Chúa. Nói khác đi, tấm lòng bao la của Thiên Chúa đặt “con người là trung tâm điểm” để Chúa yêu thương và nâng đỡ. Cụ thể Thiên Chúa tự cho mình có trách nhiệm với con người chúng ta và Thiên Chúa tỏ lộ lòng thương xót này qua các hành động rõ ràng: Ra đường tìm kiếm. Mời vào vườn nho làm việc. Trả công với tấm lòng thương xót bao la cho tất cả mọi người làm việc cho Chúa.

 

Việc trả công của Chúa không dựa trên số lượng tiền bạc hay con số “1 đồng”, mà Chúa trả công bằng “lòng thương xót bao la” cho mọi người đều như nhau, kẻ đến sớm người đến sau, kẻ làm nhiều người làm ít. Dù sớm dù sau, dù nhiều dù ít, thì đối với Thiên Chúa mọi người đều quan trọng như nhau. Thiên Chúa chỉ mong mỗi người chúng ta, không phân biệt già cả hay trẻ thơ, tội lỗi hay đạo đức, giàu có hay nghèo hèn, thông minh hay bình dị, biết chạy đến với Ngài và khiêm tốn cầu khẩn với Ngài, thì đều được sống và sống dồi dào trong an bình và lòng thương xót của Chúa.

 

Thật vậy,

“Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người”
(Tv 144, 17-18).

 

Và “lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là, Ngài ước muốn sự khang an của chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình” (Đức Thánh Cha Phanxico).

 

Ước muốn rộng lượng và tấm lòng bao la của Chúa chắc chắn chúng ta không hiểu. Nhưng rồi với cái đầu quá nhỏ bé hẹp hòi của mình, chúng ta lại thường muốn “gò” Chúa phải theo khuôn mẫu của chúng ta.

 

Hỡi con người, đừng “khôn ngoan” muốn “gò” Chúa vào khuôn mẫu của mình.

 

Truyện kể rằng, có một giáo dân hỏi cha sở: Thưa cha, con phân bì với anh trộm lành, người cùng chết với Chúa trên đồi Golgotha đó, vì Chúa hứa cho anh ta về thiên đàng ngay ngày hôm đó với Chúa. Anh trộm lành rõ ràng là một tên cướp với đủ thứ tội. Vậy mà Chúa hứa cho anh ta lên thiên đàng ngay với Chúa. Con không phục đâu. Cha sở cười hỏi lại: Vậy có phải nếu anh là Chúa, anh sẽ nói với anh trộm lành: “Tôi không quên anh đâu; nhưng còn vào thiên đàng hả? Chắc còn lâu quá! Vì anh phải đền tội trong luyện ngục cái đã chứ! Rồi sau đó mới lên thiên đàng đuợc.” Có phải anh muốn nói thế không?

 

Anh giáo dân cười nói: “Dạ phải vậy chứ! Anh ta là tay cướp khét tiếng, tội nào mà không có”.

 

Cha sở nói: “Ô may quá anh không phải là Chúa. Đúng rồi anh không phải là Chúa, nên anh đâu hiểu được đường lối của Chúa. Người ta thì đòi công bằng, nhưng Thiên Chúa lại cư xử bằng tình yêu. Chính tôi cũng không hiểu được Chúa nhiều về điểm này; nhưng tôi chỉ biết tình yêu và lòng thương xót của Chúa thì vượt xa lẽ công bằng mà thôi”.

 

Câu chuyện trên thật dí dỏm. Dí dỏm ở chỗ anh giáo dân đang tỏ ra khôn ngoan và muốn “rủ” cha sở vào phe của anh, để tỏ ra khôn ngoan trước Chúa, để đưa Chúa vào cái khuôn của trí thông minh anh ta đặt ra. Trí thông minh của phận người luôn tự tạo ra một cái khung với thật nhiều lý lẽ rất lô-gíc, đến nỗi điều gì và ai đó, kể cả Thiên Chúa, nếu vượt ra khỏi cái khung đó, đều sẽ bị phê bình, bị chỉ trích, và tệ hơn là loại trừ, là “nghỉ chơi”.

 

Một buổi sáng vừa thức giấc, nhận một tin nhắc đọc mà hết hồn: “Tại sao Chúa lại như vậy? Tại sao Chúa quyền năng lại để xảy ra như thế, tôi không thể chấp nhận được. Xin vĩnh biệt Chúa”. Tin nhắn đó cũng là lời chào vĩnh biệt của một phận người với Đức Tin vào Thiên Chúa. Chẳng biết sau này phận người đó ra sao, nhưng chỉ biết rằng, con người luôn muốn “gò” tất cả, kể cả Thiên Chúa, phải trở nên “đúng khớp” với cái khuôn mẫu của mình, cái lô-gíc con người tự tạo nên.

 

Nhưng rất tiếc, Thiên Chúa không bao giờ để cho con người “gò” Ngài, để Ngài trở nên đúng hình hài, đúng theo khớp mà con người muốn.

 

Thật vậy, Thiên Chúa nhân hậu đầy lòng thương xót vượt trên mọi thước đo và chuẩn mực của con người. Thiên Chúa hoàn toàn tự do và con người không thể “nhốt” Người vào trong bất cứ cái khung nào, dù cái khung đó có mang tên gì thật đẹp và thật đàng hoàng nghiêm trang.

 

Vâng, các tư tưởng thần học dù có hay đến mấy cũng không thể nhốt Thiên Chúa vào trong những khuôn chữ thông minh mang tính cách con người. Có giai thoại kể lại rằng, thánh Tô-ma Aquino viết biết bao sách vở quan trọng, đặc biệt là bộ tổng luận Thần Học. Cuối đời, trước khi được Chúa gọi về, thánh nhân đã lên tiếng và nói: Những gì tôi viết về Thiên Chúa chỉ là rơm là rạ.

 

Một vị giáo sư Thần Học khá nổi tiếng của tôi kể một câu truyện vui: Một giáo sư Thần Học nói rất hay và rất tuyệt vời về Thiên Chúa và đã lôi cuốn biết bao nhiêu người. Khi được Chúa gọi về, may quá được thánh Phê-rô cho lên thiên đàng. Vào cửa thiên đàng và chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa và bầu khí của Nước Trời, vị giáo sư lên tiếng: “Ủa, Thiên Chúa và Nước Trời nhìn như vậy sao?”. Vâng, khi con người tưởng rằng mình đã thấu hiểu Thiên Chúa hết, thì là lúc con người chẳng biết gì cả về Thiên Chúa. Tiên tri I-sai-a nhắc nhớ thật rõ rệt: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

 

Lời của tiên tri gởi đến dân Ít-ra-en thật rõ ràng. Cứ nhìn trời cao và đất thấp cách xa nhau thế nào, thì cái đầu thông minh giới hạn của con người so với sự khôn ngoan tuyệt vời của Thiên Chúa còn xa cách hơn nữa. Đường lối của con người đặt ra, các dự định được thảo trên trí thông minh của mình, tưởng rằng thật hoàn hảo và sẽ đưa con người phát triển đến mức vươn cao đến trời, như tháp Ba-ben ngày xưa, cũng chỉ là những lối mòn nhỏ bé so với đường lối lớn lao của Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, Đấng Quyền Năng Vô Biên và nhìn thấu mọi sự, bao quát mọi loài. Ngài còn là Đấng Yêu Thương với một trái tim bao la dành cho kẻ nhỏ bé nhất, nghèo hèn nhất, và kẻ vô danh tiểu tốt nhất trên trần gian này.

 

Hơn nữa, lòng thương xót bao la của Thiên Chúa không đòi hỏi công trạng của con người phải thế này hay thế khác. Người vào làm trước hay người vào làm sau đều như nhau trong đôi mắt của lòng thương xót. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải xác định rằng, đời sống tốt lành thánh thiện của con người và công trạng của con người cũng luôn được trân trọng. Chỉ có điều cần chú ý, là chúng ta không được phép cậy dựa vào công trạng hay đời sống tốt lành của mình để áp đặt Chúa, để đòi hỏi Chúa phải trả công và thưởng chúng ta điều này điều khác, cũng như chúng ta không được phép tính toán sổ sách với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài là Đấng hoàn toàn tự do, quyền năng và tràn đầy lòng thương xót. Đó là điều chúng ta cần chân nhận rõ rệt.

 

Nói khác đi, chúng ta đừng bao giờ tỏ ra “khôn ngoan” và muốn “gò”, muốn “nhốt” Chúa vào khuôn mẫu của mình. Nếu không, chúng ta dễ dàng rơi vào trong thái độ sống rất tiêu cực. Đó là ghen tị và đánh mất yêu thương, niềm vui, an bình và hạnh phúc.

 

Ghen tị và đố kỵ, món “trang sức” con người thường hay mang trên mình.

 

Ghen tị và đố kỵ là một trong bảy mối tội đầu, nhưng trớ trêu thay nhìn vào cuộc đời thấy nhan nhản những phận người đeo món hàng trang sức “ghen tị và đố kỵ” này. Trong vòng tròn của câu truyện đời thường, dù tại cơm của gia đình, hay tại quán Cà-fê và ngay cả trên xe buýt chở nhóm người đạo đức đi hành hương Đức Mẹ, đều có những lời nói, những hành vi nhỏ bé hay những hành động lớn lao diễn tả “vẻ lóng lánh làm chói mắt” của ganh tị và đố kỵ. Có những con người thật hiền lành và tốt lành, nhưng lâu lâu lại rơi vào cái tròng ghen tị, thì lúc đó lời nói của họ, vẻ mặt của họ và cử chỉ của họ đánh mất đi vẻ đẹp thanh nhã của hiền lành và tốt lành, lúc đó trên khuôn mặt hiền lành và tốt lành của họ như bị “make up” bởi lớp phấn làm hoen úa tâm hồn và cuộc sống. Thật vậy, ghen tị lấy mất vẻ đẹp của thân xác và vẻ đẹp tâm hồn.

 

Ghen tị một cách nào đó đã bị “cấy sâu” lòng người. Từ thuở đầu tiên của loài người hai chữ ghen tị đã được viết trong cuốn sách đời người. Đó là đời của Ca-in, vì ghen tị với em mình là A-ben, nên Ca-in đã thay đổi hoàn toàn thái độ và tương quan. Từ đứa em của mình trở thành kẻ thù của mình, từ yêu thương đã rơi xuống hố sâu của giết hại cách thê lương.

 

Thật vậy, ghen tị là một trong thái độ sống rất tiêu cực và nếu không khéo làm chủ và “nói không” với ghen tị, thì con người sẽ bị đưa đến những bờ vực thật hiểm nguy khác. Ghen tị làm lòng người đang an bình trở nên giận dữ và bất an. Tư tưởng ghen tị và cảm xúc bất an và giận dữ sẽ đẩy đưa con người đến những hành động thật tệ hại. Trước hết là những lời nói đậm chất đố kỵ, bêu xấu, thách thức. Lời nói tiêu cực sẽ không dừng lại, khi con người đui mù đeo bám ghen tị. Rồi tiếp đến là các hành động thật xấu xa. Từ xa lánh đến ghét ghen, ghét ghen đến hận thù, hận thù đến huỷ hoại.

 

Những mắt xích tiêu cực này được nối với nhau, để rồi đời người ghen tị sẽ có được một cái vòng bằng sắt đen đủi là đồ trang sức cho cả cuộc đời. Khốn thay phận người đó, vì họ mất bình an, mất niềm vui, mất vẻ đẹp cả trong lẫn ngoài, và họ lại còn đang sống hoàn toàn trái ngược với tinh thần Tin Mừng của Chúa Giê-su.

 

Thay món đồ trang sức mới: Tin Mừng của Chúa.

 

“Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô” (Pl 1,27). Lời của thánh Phao-lô thật tuyệt vời đối với chúng ta. Để tránh được thói ghen tị gây ra biết bao điều tiêu cực đau thương, chúng ta tập sống ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô. Thật vậy, Tin Mừng và Lời Chúa “lớn lên” trong tâm hồn nào, thì “lời của người đó”, nhất là những lời tiêu cực mang dáng vẻ của ghen tị, của kiêu ngạo, của ích kỷ và ghen ghét sẽ nhỏ lại. Hơn nữa, khi sống tinh thần Tin Mừng, tinh thần của Chúa Giê-su, chúng ta “vui với người vui và khóc với người khóc” (Rm 12,15). Chị Chiara Lubich đã viết như sau: “Để mến yêu theo Kitô thì cần phải ‘trở nên một’ với mỗi người anh em: đi sâu vào tâm trí của người khác; thực sự hiểu những vấn đề của họ, những đòi hỏi của họ; chia sẻ những đau khổ của họ, những niềm vui của họ; cúi xuống người anh em; một cách nào đó trở nên người khác. Đó là Kitô giáo, Chúa Giêsu đã trở nên người phàm, đã trở nên như chúng ta để làm cho chúng ta nên Thiên Chúa; theo cách đó người bên cạnh sẽ cảm thấy mình được thấu hiểu, được nhẹ nhõm”.

 

Vì thế, nhìn người khác thành công và gặp may mắn, thì thay vì ghen tị chúng ta cùng vui cho họ và chúc mừng họ. Thấy người khác gặp bất hạnh, bệnh hoạn và khổ đau, thì không vì thế mà đè bẹp họ bằng cách nhẫn tâm nói rằng “đáng đời” “mặc kệ”, mà ngược lại cần cảm thông, cần chia sẻ những sự khổ đau, bệnh tật và bất hạnh của họ.

 

Thật đẹp khi chúng ta tháo ra khỏi cổ mình món đồ trang sức nặng nề là vòng xích đen đủi của ghen tị, đố kỵ, ghen ghét, hận thù và huỷ hoại. Thay vào đó là đeo vào thân mình món đồ trang sức mới là chính Tin Mừng của Chúa Giê-su, Tin Mừng dạy chúng ta yêu mến lẫn nhau, sống thật tốt lành như Cha trên trời tốt lành tràn đầy yêu thương, sống thật rộng lượng và bao la như Cha trên trời, và xa lánh kiểu sống rất tầm thường và tiêu cực là nhỏ nhen ghen tị.

 

Lạy Chúa,

Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Con ca ngợi Chúa, vì lòng Chúa bao la và nhân hậu,

đối với mọi người chúng con,

không kể sang hay hèn, đến với Chúa sớm hay muộn,

và Chúa cũng không bao giờ đòi hỏi chúng con điều gì,

ngoài tâm hồn khiêm tốn và hướng lòng về Chúa.

 

Chúa ơi, Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.

Xin cho lời ca tụng Chúa của con cất lên,

với tấm lòng thanh thoát an bình,

không vương vấn ghen tị, đố kỵ và giận hờn anh chị em.

Có như vậy, thì niềm vui của Chúa và niềm vui của con

được hoà quyện trong bài hát mới

ngập tràn cung điệu của an bình và hạnh phúc. Amen.

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *