Sống vui và Chết vui

(Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam)

 

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” (Tv 126, 5-6). Chắc chắn không người Công Giáo nào còn lạ lẫm với câu Thánh Vịnh này, cách riêng vào những dịp mừng lễ kỷ niệm Giáo Hội tôn phong 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, nay có thêm vị Á Thánh An-rê Phú Yên là vị 118 của Giáo Hội Việt Nam. Các ngài là những hạt giống được gieo trên nương đồng của mảnh đất Việt Nam, để hôm nay những thành quả thu về là đức tin đang không ngừng lớn lên mạnh mẽ nơi chính mảnh đất này. Cái chết của các vị không là cái chết đau buồn, nhưng trong đức tin cho thấy các vị đã sống vui và cũng chết trong niềm vui.

Tự hỏi hai thái độ trái ngược nhau được trích dẫn trong câu Thánh Vịnh trên sao lại có thể am hợp với nhau? Đương nhiên, theo lẽ thường thì đây là điều khó có thể chấp nhận với nhiều người. Nhưng với người Ki-tô Hữu, cách riêng với người Công Giáo, thì đây là một chân lý. Cuộc sống vốn luôn được bao trùm bởi những thuận lợi và khó khăn, thành công và thất bại. Chính vì thế, con người nơi cuộc sống dương gian vẫn luôn khao khát được hưởng hạnh phúc thiên đàng. Tuy nhiên, vì những vương vấn tục lụy lôi kéo ý chí vươn cao của họ, nên khó khăn và thất bại vốn là điều không thể tránh. Nhưng đó không là nguyên cớ cho sự buồn tẻ và thất vọng của kiếp người. Thay vào đó, người Ki-tô Hữu được mời gọi xem những đau khổ và khó khăn ấy chính là phương tiện để dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu. Thậm chí là đối diện với chúng trong một tâm thức tích cực.

Chắc chắn kiếp người chẳng ai dại dột mà rước đau khổ vào mình. Người Ki-tô Hữu cũng thế, không chủ trương muốn làm tổn hại “ngôi Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6,19); Đồng thời, cũng không hy vọng ôm lấy cuộc sống bi quan và làm ra thái độ “gánh tội” giùm cho người khác để tự cứu độ chính mình. Không! Mục đích của chúng ta là cùng nhau sống thánh thiện, cùng nhau được cứu độ. Các thánh tử đạo đã không hy sinh cuộc đời cách oan uổng vì các ngài đã góp phần mang lại ơn cứu độ cho người khác và cho chính mình. Các ngài không đón nhận đau khổ trong tinh thần ích kỷ mà mở ra với hết mọi người. Nụ cười, lời khuyến khích, động viên, lời kinh, lời tha thứ, lời tuyên xưng đức tin… là những điều cuối cùng trước khi chấm dứt cuộc sống trần gian mà các vị đã làm. Rõ ràng, như một mong chờ đã vươn đến tột đỉnh, các thánh tử đạo đã xem sự sống nơi trần gian là phương tiện để cùng mọi người đạt tới ơn cứu độ, xem cái chết là bước quan trọng đáng mong chờ để bước vào cõi phúc đời sau.

Lẽ đương nhiên, người viết nên những dòng suy nghĩ này chưa trải qua cái chết. Cũng vậy, có lẽ những độc giả đang đọc những dòng này cũng chưa từng kinh qua cái chết. Nhưng qua các thánh tử đạo Việt Nam, những bậc tổ tiên anh hùng về đức tin, chúng ta có thể cảm nghiệm chút gì đó niềm vui của các ngài, niềm tự hào khi là con cháu của các ngài. Các thánh tử đạo Việt Nam nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc sống trần gian này là phương tiện hữu hình và đức tin là phương tiện vô hình để giúp ta đạt tới Nước Trời. Miệng vẫn vang vang cười nói giữa cuộc đời khổ ải, vẫn kiên vững niềm tin, để được trở về với Thiên Chúa trong Tình Yêu vĩnh cửu.

Chúng ta, những con người vẫn còn sống nơi trần gian, cũng được mời gọi hướng tới một cuộc sống vui tươi và tích cực như thế. Nụ cười, lời khuyến khích, động viên, lời kinh, lời tha thứ, lời xin lỗi, lời cám ơn, lời tuyên xưng đức tin… vốn là những điều chúng ta có thể làm được và… dư sức làm được. Chắc hẳn các thánh tử đạo Việt Nam cũng muốn chúng ta, là con cháu các ngài, luôn sống vui giữa nghịch cảnh, dám chết vui vì sự cứu rỗi của bao nhiêu linh hồn. Được như thế, niềm vui đích thực trên trời, cùng với các thánh, cũng đang chờ đợi chúng ta.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Khi chồng tôi bạo hành, một linh mục bảo tôi hãy chờ đợi và cầu nguyện. Điều đó không bao giờ là đủ

“Con hãy làm những gì Chúa truyền dạy. Con phải kiên nhẫn và cầu nguyện.” …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *