Riêng đối với Ấn giáo, địa vị của Upanishad là địa vị số một cả trong địa hạt tôn giáo lẫn triết học. Upanishad được ví như là Tân ước của người Ki-tô giáo[1]. Bởi vì, nội dung của Upanishad là một giáo lý cao siêu và bí truyền. Trong cái huyền bí cao siêu ấy, điểm xuất phát không gì khác là chính con người, chính những khắc khoải, lo âu, đau khổ,…mong muốn được giải thoát để có được một cuộc sống thanh thản hạnh phúc. Vậy, theo Upanishads, đau khổ có nguồn gốc từ đâu, làm thế nào để vượt qua những đau khổ ấy. Bài viết sẽ cố gắng đi tìm câu trả lời thỏa đáng nhất cho những vấn đề này.
Trong Upanishads, những đau khổ đè nặng lên cuộc đời con người được quan niệm nằm ngay trong thân thể, trong ý trí, trong tình cảm, trong kiếp người và trong cả thế giới hiện tượng biến đổi và vô thường này. Bởi vì, khi nhìn về vũ trụ, “Ấn giáo cho rằng, vũ trụ này là ảo (maya), không thật”[2]. Thiên nhiên vạn vật không thực hữu. Thân xác con người cũng không thực hữu. Con người mang trong mình thân phận khả tử, và con người ấy phải sống trong một tình trạng tha hóa, không là chính mình, nên con người có những đau khổ. Nói một cách cụ thể hơn:
Con người chịu đau khổ là do con người mang thân phận là ghét bỏ, không bao giờ thỏa mãn với những gì đang có. “Chúng ta nhận thấy trong chính con người chúng ta sự thúc đẩy bởi những khát vọng, thèm muốn, những thứ mà chẳng bao giờ thỏa mãn. Bởi vì, có nhiều khát vọng chẳng bao giờ có thể trở thành hiện thực, hoặc nếu chúng ta được thoả mãn thì những thỏa mãn ấy chỉ là phù du. Khi một khát vọng được thỏa mãn thì một khát vọng khác sẽ xuất hiện, và tiếp tục như thế mà không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta thỏa mãn đối tượng này thì lại phát sinh đối tượng khác. Tiến trình của khát vọng này cứ tiếp diễn không ngừng và không bao giờ cho chúng ta no thỏa. Kết quả, dẫn đến làm cho chúng ta chán nản và đau khổ.” [3]
Hơn nữa, con người chịu đau khổ là do thân phận con người mang theo sự khủng hoảng về căn tính của mình[4] (tôi là ai?). Con người không biết mình thực sự là ai. Ấn Giáo cho rằng con người có hai ngã. Cái ngã thường nghiệm (java) là cái ngã tự ý thức của cá nhân trong đời sống hằng ngày; là cái tôi tồn tại trong không gian và thời gian, trong thế giới ảo. Đây không phải là ngã thực. Ngã thứ hai là atman. Đây là cái ngã thực và là phần thánh thiêng của con người. Ngã này không nằm trong không gian và thời gian. Atman[5] là hơi thở của cuộc sống. Nó là phần trường tồn của con người, là cái thiết yếu thực sự của con người. Mục đích của cuộc sống là nhận ra bản chất thật sự này, để kinh nghiệm cái tôi con người như là những cách diễn tả khác nhau của cái tôi phổ quát, Brahma. Atman là Brahma. Tuy nhiên, trong cuộc sống, con người thường không nhận biết được cái ngã thứ hai (atman), ngược lại, có khi lại đề cao quá mức cái ngã thường nghiệm. Như vậy, con người mang lấy trong mình một thân phận ngu muội. Ngu muội là bởi lẽ con người không nhận ra mình thực sự là ai. Vì ngu muội, nên con người đau khổ. Con người bị kéo vào trong vòng xoáy của những đam mê bất tận, vốn gây nên đau khổ.
Vậy, để nhận biết được bản ngã đích thực của con người (atman), chúng ta cần có được sự hiểu biết ở mức độ thượng trí. Upanishad đã chia sự nhận thức của con người thành hai trình độ hiểu biết khác nhau: “hạ trí và thượng trí”[6]. Hạ trí là tri thức phản ánh thế giới sự vật, hiện tượng cụ thể, hữu hình, hữu hạn, thường biến, mà thực chất chỉ là sự biểu hiện khác nhau của Tinh thần vũ trụ tối cao (Brahma). Nó gồm có tri thức như: khoa học thực nghiệm, ngữ pháp, ngữ âm học, sách nghi thức, thiên văn học,… Nhận thức hạ trí được nhận thức ngang qua giác quan và trí năng. Chúng giúp con người có thể sống sót trong thế giới, thế giới của ảo ảnh (maya).Thượng trí là trình độ nhận thức vượt qua tất cả thế giới hiện tượng, hữu hình, hữu hạn, biến ảo để nhận thức một giá trị tuyệt đối, duy nhất, tối cao, bất diệt. Đó là Brahman hay linh hồn vũ trụ tối cao. Thượng trí là cái biết nhờ đó mà người ta biết được cái gì chưa biết mà cũng như học rồi, chưa nghĩ mà cũng như đã từng nghĩ đến rồi, chưa từng hiểu mà cũng như đã hiểu rồi. Bằng nhận thức thượng trí, khi đã hiểu biết được thực tại tuyệt đối tối cao, nắm bắt được bản chất của mọi cái tồn tại, tìm ra chân bản tính của mình, phân biệt linh hồn bất tử với thể xác hữu hình, hữu hạn, vô thường[7] ấy, sẽ đưa con người đến sự giải thoát. Vì thế, câu ngạn ngữ cổ Ấn độ đã nói: “hiểu biết thực sự là hiểu biết có thể đưa ta tới tự do”.
Khi nhận biết được cái ngã đích thực (atman), con người sẽ giải thoát được đau khổ của mình bằng cách hòa nhập cái ngã đích thực (atman) vào bản thể tuyệt đối, tối cao (Brahman).
Về bản chất, Atman là đồng nhất với Brahman, nên linh hồn cá biệt cũng tồn tại vĩnh viễn, tuyệt đối, bất diệt như Tinh thần vũ trụ tối cao (Brahman). Nhưng vì linh hồn bất tử được thể hiện trong mỗi thân xác con người trong đời sống trần tục, nên ý thức người ta lầm tưởng rằng linh hồn là cái khác với Tinh thần vũ trụ tối cao, cũng sinh tử như đời sống thân xác con người. Những ý chí, dục vọng và những hành động của con người nhằm làm thỏa mãn những ham muốn vật chất, danh lợi của mình đã che đi bản tính chân thực của con người. Vậy, để giải thoát linh hồn khỏi những ràng buộc của những ước muốn trần tục để có được trạng thái đồng nhất với Tinh thần vũ trụ tối cao, con người phải dựa vào chính lý trí của con người, bằng sự tu luyện đạo đức và tu luyện tri thức, dày công thiền định, chiệm niệm nội tâm, trầm tư mặc tưởng để đạt tới đại giác, nhận ra chân bản tính của mình và thực tướng của vạn vật, từ đó dứt bỏ được mọi sự ràng buộc, lôi kéo làm mờ tâm tính bởi thế giới vật dục biến ảo vô thường, diệt bỏ mọi quan niệm của thế tục về sống chết và những lo âu, khổ não của cuộc đời, đạt tới sự đồng nhất của linh hồn với “Tinh thần sáng tạo vũ trụ tối cao”.
Nói cách khác, con đường giải thoát cho con người khỏi đau khổ, ngu muội chính là sự giác ngộ để nhận ra bản tính thật của mình. “Con người không phải là một cái tôi hữu hạn, yếu ớt, nhưng là vô hạn, vĩnh cửu, atman, thánh thiêng, và là một phần của đại dương Brahma mênh mông. Vì chỉ có thượng thần Brahma là tối cao. Nên nhận ra sự thật atman là Brahma sẽ giúp con người được giải thoát”[8]. Cụ thể hơn, có bốn con đường dẫn đến sự giải thoát[9] : (1) Bhakti yoga là việc thờ phượng Thượng đế; (2) Karma yoga là làm việc thiện; (3) Raja yoga là việc suy niệm; và (4) Ginana yoga là việc suy tư triết học. Giải thoát khi con người phá đổ những ảo tưởng, thoát khỏi vòng luân hồi và tháp nhập vào Thượng đế.
Như vậy, giải thoát khỏi đau khổ là sự xóa bỏ mọi ràng buộc của thế giới sự vật, hữu hạn, thường biến, để đạt tới sự giác ngộ, đưa tiểu ngã (atman) hòa nhập vào đại ngã (Brahman). “Theo Upanishad, chừng nào chưa giác ngộ và thực hiện sự đồng nhất giữa atman và brahman thì chừng đó con người còn bị ràng buộc trong thế giới ảo (maya), và khi đó con người vẫn phải chịu những đau khổ.”[10]
Tóm lại, Trong Upanishads, những đau khổ đè nặng lên cuộc đời con người được quan niệm nằm ngay trong thân thể, trong ý trí, trong tình cảm, trong kiếp người và trong cả thế giới hiện tượng biến đổi và vô thường. Bởi vì, vũ trụ theo nhãn quan của Ấn giáo là ảo (maya), không thật. Để giải thoát khỏi sự đau khổ, Upanishad đã lấy con người, lấy nhân sinh làm trung tâm. Đặt con người, xem xét đời sống con người trong sự hòa hợp với vũ trụ, coi vũ trụ là sự phản ảnh rộng lớn của con người, hay con người là tiểu vũ trụ trong cái đại vũ trụ.
Nguyễn Văn Hòe
Học Viên Triết II
Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên
Tài liệu tham khảo
Doãn Chính, Tư Tưởng Giải Thoát Trong Triết Học Ấn Độ, Nxb Thanh Niên Hà Nội, 1999.
Hoành Sơn, Triết Sử Ấn Độ, Nxb Hưng Giáo Văn Đông, 1970.
Pojman, Louis, P., Who Are We, Oxford University Press, New York, 2006.
Jordan, Michael, Minh Triết Đông Phương, Phan Quang Định chuyển ngữ, Nxb Mỹ Thuật, 2004.
[1] Hoành Sơn, Triết Sử Ấn Độ, Nxb Hưng Giáo Văn Đông, 1970, tr 91.
[2] Pojman, Louis, P., Who Are We, Oxford University Press, New York, 2006, P 86.
[3] Ibid., tr 88.
[4] Để làm rõ sự khủng hoảng căn tính của con người, các học giả Ấn Độ đã mô tả bằng câu chuyện chú sư tử con. Sư tử con được sống từ nhỏ với đàn chiên, nên sư tử con sống như những con chiên, do đó sư tử con cứ nghĩ mình giống như những chiên con mà không biết thực sựu mình là sư tử.
[5] Trong quyển Chandogya Upnishad, một ông bố dậy cho con là Shvetaketu, về bản chất của Atman bằng ngôn ngữ giản dị thường ngày. Ông bảo con cắt một trái vả ra làm đôi. Bên trong, đứa con nhìn thấy những hạt nhỏ xíu và ông bố bảo nó lấy một hạt đó và cắt làm đôi. Khi được hỏi thấy gì không, cậu con trai lắc đầu và trả lời: không có gì. Ông bố giải thích cho cậu rằng: cái không có gì đó là cốt lõi từ đó một cây vả đã lớn lên. Cái cốt lõi tinh yếu đó thì vô hình và cậu phải tưởng tượng atman là thế đó. (Trích: Jordan, Michael, Minh Triết Đông Phương, Phan Quang Định chuyển ngữ, NXB Mỹ Thuật, 2004, tr 47.)
[6] Pojman, Louis, P., Who Are We, Oxford University Press, New York, 2006, P 87.
[7] Vô thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai thời điềm nối tiếp nhau. (trích: Thích Nhất Hạnh, Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi, Không rõ nhà xuất bản, tr 29.)
[8] Pojman, Louis, P., Who Are We, Oxford University Press, New York, 2006, tr 90.
[9] Ibidem.
[10] Doãn Chính, Tư Tưởng Giải Thoát Trong Triết Học Ấn Độ, Nxb Thanh Niên Hà Nội, 1999, tr 46.