Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô

pizap.com13915533139151“Hãy vững tâm (Gc 5,8)

 Anh chị em thân mến,

 Mùa Chay là khoảng thời gian canh tân của Giáo Hội, các cộng đoàn và của mỗi người tín hữu. Nhưng trên hết, đó là “giờ thi ân” (2 Cr 6,2). Thiên Chúa chẳng đòi hỏi chúng ta điều gì mà chính Ngài trước đó đã không ban cho chúng ta: “Chúng ta yêu vì Ngài đã yêu chúng ta trước” (1Ga 4,19). Ngài không bỏ mặc chúng ta. Mỗi người chúng ta có một vị trí trong trái tim của Ngài. Ngài biết tên chúng ta, Ngài chăm sóc chúng ta và Ngài tìm kiếm chúng ta mỗi khi chúng ta quay lưng với Ngài. Ngài yêu mến mỗi người chúng ta; tình yêu của Ngài không cho phép Ngài dửng dưng trước những điều xảy ra cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta khỏe mạnh và thoải mái, chúng ta thường quên những người khác (điều mà Thiên Chúa không bao giờ làm), chúng ta không quan tâm đến những vấn đề của họ, nỗi đau của họ và những bất công mà họ phải chịu… Trái tim của chúng ta trở nên lạnh lùng: khi tôi tương đối khỏe mạnh và thoải mái, tôi không nghĩ đến những ai không được như tôi. Ngày nay, thái độ thờ ơ ích kỷ này đã mang chiều kích toàn cầu, đến một mức độ mà chúng ta có thể nói là toàn cầu hóa sự thờ ơ. Đây là một vấn đề mà chúng ta, những người Kitô hữu, cần phải đối diện. Khi dân Thiên Chúa hướng về tình yêu của Ngài, họ tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn mà lịch sử không ngừng khơi lên. Một trong những thích đố khẩn thiết nhất mà tôi muốn nói đến trong Sứ Điệp này chính là sự toàn cầu hóa sự thờ ơ.

Thờ ơ với tha nhân và với Thiên Chúa là một cám dỗ thực sự ngay cả đối với những Kitô hữu chúng ta. Vì thế, trong mỗi mùa Chay, chúng ta cần nghe lại tiếng kêu gào của các ngôn sứ đánh thức chúng ta.

Thiên Chúa không làm ngơ thế giới này, nhưng Ngài yêu nó đến nỗi đã ban Con Mình vì ơn cứu độ cho con người. Nơi việc Nhập Thể, nơi cuộc sống tại thế, nơi cái chết và sự phục sinh của Con Thiên Chúa, cánh cổng nối kết Thiên Chúa và con người, nối kết Thiên Đàng và trái đất, đã mở ra một lần cho tất cả. Và Giáo Hội cũng giống như cánh tay mở cánh cửa này ra, nhờ việc loan báo Lời Chúa, cử hành các bí tích và nhờ những chứng nhân đức tin được thực thi với lòng bác ái (x Gl 5,6). Nhưng thế giới có xu hướng rút vào chính mình và đóng cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa đi vào trong thế giới và thế giới đi vào trong Ngài. Vì thế, bàn tay, là chính Giáo Hội, không bao giờ cảm thấy ngạc nhiên nếu bị loại trừ, đẩy lui và bị làm tổn thương.

Vì thế, dân Thiên Chúa cần một sự canh tân nội tâm, để không trở nên thờ ơ và rút vào trong chính mình. Tôi xin mạn phép chia sẻ cho anh chị em ba đoạn để suy tư nhằm giúp cho việc canh tân này.

 1. “Nếu một chi thể bị đau, thì toàn thân sẽ đau” (1 Cr 12,26) – Giáo Hội

 Tình yêu của Thiên Chúa, là cái giúp đập tan thái độ co cụm trong chính mình – chính là sự thờ ơ – được Giáo Hội trao ban cho chúng ta qua giáo huấn, và đặc biệt, qua chứng tá của mình. Nhưng người ta chỉ có thể làm chứng cho những điều mà chính người ta đã cảm nghiệm được. Người Kitô hữu là những người để cho Thiên Chúa bao phủ lấy mình bằng sự tốt lành, lòng nhân ái, bằng chính Đức Kitô, để có thể trở thành những người phục vụ Thiên Chúa và người khác như Đức Kitô đã làm. Điều này được thấy rõ ràng nơi phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, với nghi thức rửa chân. Phêrô không muốn Đức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng sau đó ông nhận ra rằng Đức Giêsu không chỉ muốn nêu gương để dạy chúng ta biết rằng chúng ta phải rửa chân cho nhau. Chỉ những ai để cho Đức Giêsu rửa chân mình thì mới có thể phục vụ người khác. Chỉ những người này mới được “thông dự” với Ngài ( Ga 13,8) và nhờ đó, họ mới có thể phục vụ người khác.

Mùa chay là thời gian thuận lợi để Đức Kitô phục vụ chúng ta, ngỏ hầu đến lượt chúng ta, chúng ta được trở nên giống Ngài. Điều này xảy ra khi chúng ta lắng nghe lời Chúa và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta trở nên điều mà chúng ta đã lãnh nhận: Thân Mình Đức Kitô. Nơi thân mình này, không có chỗ cho sự thờ ơ, vốn là cái thường xâm chiếm con tim chúng ta. Vì những ai thuộc về Đức Kitô, thì thuộc về một thân thể và trong Ngài chúng ta không thể thờ ơ với người khác. Nếu một bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phần nào được vẻ vang thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1 Cr 12,26).

Giáo Hội là một communion sanctorum [hiệp thông thánh], bởi vì Giáo Hội có nhiều vị thánh, nhưng còn bởi vì Giáo Hội là một sự hiệp thông những sự thánh: tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải cho chúng ta nơi Đức Kitô và nơi tất cả ân sủng của Ngài. Giữa những ân sủng này, cũng có lời đáp của những ai để cho tình yêu này đụng chạm đến mình. Trong sự hiệp thông này của các thánh, trong sự thông dự vào những sự thánh này, không ai sở hữu điều gì đó cho riêng mình, nhưng những gì họ có là dành cho những người khác. Và vì chúng ta được kết hiệp với nhau trong Thiên Chúa, chúng ta có thể làm điều gì đó cho những người khác, những người ở xa chúng ta, những người mà với sức của chúng ta, chúng ta có thể chẳng bao giờ vươn tới được; với họ và cho họ, chúng ta xin Thiên Chúa để Người mở rộng công trình cứu độ của Ngài cho tất cả chúng ta.

 2. “Em ngươi đâu” ( St 4,9) – Các giáo xứ và cộng đoàn

 Tất cả những gì chúng ta đang nói về Giáo Hội phổ quát bây giờ phải được áp dụng cho đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Những cơ cấu giáo hội này có giúp chúng ta cảm nghiệm được mình thông dự vào một thân thể không? Một thân thể lãnh nhận và chia sẻ điều mà Thiên Chúa muốn trao ban? Một thân thể biết chân nhận và chăm lo cho những người yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất và những chi thể kém cỏi nhất? Hay chúng ta lẫn trốn trong một tình yêu phổ phát bao trùm toàn thể thế giới, nhưng lại làm ngơ trước Lazarô đang ngồi trước cánh cửa đóng kín (Lc 16,19-31)?

Để có thể đón nhận điều mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, và làm cho nó sinh hoa kết trái, chúng ta cần phải vượt qua biên giới của Giáo Hội hữu hình bằng hai hướng.

Thứ nhất, bằng việc kết hiệp với Giáo Hội trên trời trong lời cầu nguyện. Khi Giáo Hội tại thế cầu nguyện, lời cầu nguyện ấy làm nên một sự hiệp thông trong việc phục vụ lẫn nhau và trong sự tốt lành bay lên trước Thiên chúa. Cùng với các thánh là những người đã tìm thấy sự tròn đầy nơi Thiên Chúa, chúng ta trở nên một phần của sự hiệp thông, nơi mà tình yêu đã chiến thắng được sự thờ ơ. Giáo Hội trên Thiên Đàng không chiến thắng vì không còn biết gì đến những nỗi khổ đau của thế giới và vui mừng một mình. Đúng hơn, các thánh đã hân hoan chiêm niệm một chân lý, rằng, nhờ Đức Giêsu chết và phục sinh, họ đã chiến thắng vĩnh viễn sự thờ ơ, cái cứng cõi của con tim và sự thù ghét. Cho đến khi chiến thắng của tình yêu này chưa thấm vào toàn cõi đất, các thánh vẫn tiếp tục đồng hành cùng những người hành hương như chúng ta. Thánh Têrêxa thành Lisieux, Tiến sĩ Hội Thánh, đã xác tín mà viết rằng niềm vui trên Thiên Đàng nhờ chiến thắng của tình yêu thập giá vẫn chưa hoàn thiện cho đến khi còn có một người nào đó trên trái đất chịu đau khổ và kêu gào đau đớn: “Tôi mong là mình đừng rảnh rỗi trên Thiên Đàng, tôi muốn tiếp tục lao tác cho Giáo Hội và các linh hồn.” (Thư 254, 14.7.1897).

Chúng ta cũng thông dự vào công trạng và niềm vui của các thánh, các ngài cũng tham dự vào những cuộc chiến đấu của chúng ta và vào ao ước bình an và hòa giải của chúng ta. Niềm vui của họ nơi chiến thắng của Đức Kitô Phục Sinh là sức mạnh dành cho chúng ta, giúp chúng ta chiến đấu để vượt qua sự thờ ơ và cái cứng cỏi của con tim mình.

Điều thứ hai, mỗi cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi để đi ra khỏi chính mình và dấn thân vào đời sống xã hội mà chúng ta đang thuộc về, đặc biệt với người nghèo và những ai ở xa. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo; Giáo Hội không tự đóng trong chính mình nhưng được sai đi đến với mọi dân nước.

Sứ mạng của Giáo Hội là trao ban chứng từ kiên nhẫn của Đấng khao khát lôi kéo mọi thực tại và mọi người về với Cha. Sứ mạng của Giáo Hội là mang đến cho tất cả mọi người một tình yêu không im lặng làm ngơ. Giáo Hội bước theo Đức Giêsu Kitô trên con đường dẫn tới mỗi người nam nữ, đến tận cùng trái đất ( x Cv 1,8). Như thế, chúng ta phải nhìn mỗi người thân cận như là anh chị em mà vì họ Đức Kitô đã chết và phục sinh. Điều chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta cũng lãnh nhận cho họ nữa. Tương tự, tất cả những gì anh chị em chúng ta sở hữu là một món quà dành cho Giáo Hội và toàn thể nhân loại.

Anh chị em thân mến, tôi ao ước xiết bao rằng ở bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện, đặc biệt là nơi các giáo xứ và các cộng đoàn, có những hòn đảo nhân ái nằm ngay giữa khơi biển thờ ơ.

 3. “Hãy vững lòng!” ( Gc 5,8) – Các cá nhân Kitô hữu

 Các cá nhân cũng vậy, chúng ta thường bị cám dỗ thờ ơ. Tin tức và hình ảnh con người bị đau khổ tràn ngập khắp nơi, và chúng ta thường cảm thấy mình hoàn toàn bất lực để giúp đỡ họ. Chúng ta có thể làm gì để không bị chi phối bởi vòng xoáy sợ hãi và cảm giác thấy mình vô năng này?

Trước hết, chúng ta có thể cầu nguyện trong sự hiệp thông với Giáo Hội tại thế cũng như Giáo Hội trên trời. Chúng ta đừng xem thường sức mạnh của việc nhiều người hiệp ý cầu nguyện! Sáng kiến Hai Mươi Bốn Giờ Dành Cho Chúa, mà tôi hy vọng sẽ cử hành trên toàn Giáo Hội, cũng như ở cấp độ giáo phận vào ngày 13-14 tháng 3, là có ý diễn tả nhu cầu của việc cầu nguyện.

Thứ đến, chúng ta có thể giúp đỡ bằng các hoạt động bác ái, vươn đến với những ai ở xa cũng như ở gần qua các tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là một thời gian thuận lợi để chúng ta bày tỏ sự quan tâm của ta dành cho những người khác qua những dấu chỉ nhỏ bé nhưng cụ thể, cho thấy chúng ta cùng thuộc về một gia đình nhân loại.

Thứ ba, nỗi đau khổ của những người khác cũng là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của họ nhắc nhở chúng ta nhớ đến sự mỏng dòn của cuộc sống chúng ta và sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa và vào anh chị em của mình. Nếu chúng ta khiêm nhường cầu xin ơn Chúa và chấp nhận những giới hạn của chúng ta, chúng ta sẽ tin tưởng vào những khả thể vô hạn nơi tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta sẽ có thể kháng cự lại cơn cám dỗ hiểm độc rằng bằng tự sức mình, chúng ta có thể cứu độ thế giới và chính chúng ta.

Để có thể vượt qua sự thờ ơ và sự tụ phụ cho mình là tự đủ, tôi muốn mời gọi mỗi người hãy sống mùa Chay này như một cơ hội để dấn thân vào điều mà Đức Bênêdictô XVI gọi là một sự huấn luyện con tim (x. Deus Caritas Est, 31). Một trái tim nhân từ không có nghĩa là một trái tim yếu ớt. Những ai muốn nên nhân từ phải có một trái tim mạnh mẽ và kiên định, đóng lại trước những tên cám dỗ và mở ra với Thiên Chúa. Một trái tim để Thần Khí xuyên qua và mang tình yêu trên những con đường dẫn đến anh chị em. Và, hơn hết, đó cũng là một trái tim thanh bần, nhận ra sự nghèo khó của mình và hiến dâng nó cho người khác cách nhưng không.

Vì thế, anh chị em thân mến, trong suốt mùa chay này, tất cả chúng ta hãy cầu xin Đức Kitô: “Fac cor nostrum secundum cor tuum”: Hãy làm cho con tim của chúng con nên giống trái tim Chúa (Kinh cầu Thánh Tâm Đức Giêsu). Như thế, chúng ta sẽ nhận lấy một trái tim vững mạnh và đầy nhân ái, ân cần và quảng đại, một trái tim không đóng kín, không thờ ơ hay không rơi vào sự toàn cầu hóa sự thờ ơ.

Tôi nguyện xin cho mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn giáo hội sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng trong mùa Chay này. Tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Mẹ chúng gìn giữ anh chị luôn mãi.

 Từ Vatican, ngày 4 tháng 10 năm 2014, Lễ Thánh Phanxicô Assisi

 

Chuyển dịch từ bản Ý Ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Kiểm tra tương tự

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Niềm hy vọng cũng dành cho bạn!

  Thứ Ba ngày 24/12/2024, sau khi mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *