Sự quảng đại và khiêm nhường của Thánh I-Nhã thành Loyola

Tháng Tư vừa qua, khi Đức Thánh Cha Phanxicô – Giêsu hữu đầu tiên trở thành Giáo Hoàng – cử hành thánh lễ mừng kính thánh Mác-cô, ngài đã dùng bài giảng để khuyên Giáo hội loan báo Tin Mừng với lòng quảng đại và khiêm tốn. Ngài lưu ý rằng thánh Tô-ma A-qui-nô đã dạy rằng sự rộng lượng và lòng quảng đại có nghĩa là làm những việc vĩ đại và tìm kiếm những vinh quang lớn lao hơn. Không hề đối nghịch với sự quảng đại, khiêm tốn đóng vai trò cân bằng nó, bởi vì khiêm tốn giúp chúng ta nhận ra những ân sủng tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

  • “Luôn luôn nhiều hơn, nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa”

Nói về sự mạnh dạn của các tông đồ, Đức Thánh Cha nói: “Họ ra đi rao giảng khắp nơi trong khi có Chúa luôn đồng hành cùng với họ. Chúa đồng hành với tất cả những ai rao giảng Tin Mừng. Đây chính là sự quảng đại mà một Kitô hữu nên có. Một Kitô hữu hèn nhát là một điều rất khó hiểu, bởi sự quảng đại là một phần trong ơn gọi Kitô giáo: luôn luôn nhiều hơn, nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa, hãy tiến lên!” Mặc dù Đức Thánh Cha đang nói về các tông đồ, nhưng có thể ngài đang nghĩ đến thánh I-Nhã (1491-1556) và những người bạn đường đầu tiên của ngài.

 

 

Theo lời kể của chính thánh I-Nhã, ngài đã đấu tranh với cám dỗ về sự kiêu ngạo suốt cuộc đời mình. Khi một Giêsu hữu trẻ chia sẻ với I-Nhã về những khó khăn trong việc chống lại sự kiêu ngạo, lúc này I-Nhã đã già và đầy kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng, ngài đã cố gắng khích lệ vị linh mục trẻ này bằng cách tiết lộ rằng ngài cũng từng đấu tranh với nết xấu ấy. Điều này vô tình khuyến khích vị linh mục trẻ đến mức ông và một số người khác thuộc Dòng Tên nài xin I-Nhã viết lại câu chuyện cuộc đời mình để họ có thể học hỏi từ những bài học đó. Câu chuyện đó cho thấy việc dễ bị cám dỗ về sự kiêu ngạo của I-Nhã và, nhờ ân sủng của Chúa, ngài đã chiến thắng nó.

 

  • Đam mê phù phiếm thì trái ngược với lòng quảng đại

Thánh Tô-ma A-qui-nô cho rằng khát vọng vinh quang tự nó không xấu. Ngược lại, ngài nói rằng nhận biết và chấp nhận sự tốt đẹp của bản thân, hoặc sẵn lòng chấp nhận những việc tốt của mình không phải là tội lỗi. Ngài cũng trích dẫn Tin Mừng Mát-thêu (5,16) để chứng minh quan điểm của mình: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” Thế nhưng, đam mê phù phiếm thì trái ngược với sự quảng đại vì đó là khát vọng vinh quang không trật tự và đúng đắn.

 

Cũng theo thánh Tô-ma A-qui-nô, ba điều mà khát vọng vinh quang có thể trở nên hão huyền là: thứ nhất, khi người ta tìm kiếm vinh quang cho điều không đáng được vinh quang; thứ hai, khi người ta tìm kiếm vinh quang từ người không xứng đáng đưa ra phán quyết trao ban nó; thứ ba, khi người ta không hướng vinh quang của mình đến một mục đích đúng đắn, chẳng hạn như khi người ta tìm kiếm vinh quang chỉ vì bản thân mà không phải vì vinh quang của Chúa hoặc lợi ích thiêng liêng cho người khác. (Summa Theologiae II-II, q. 132, a. 1).

 

  • Một trái tim khao khát làm những việc vĩ đại

Thánh I-Nhã có một trái tim khao khát làm những việc vĩ đại. Chương đầu tiên trong tự truyện của ngài, được kể cho một Giêsu hữu trẻ nghe, mở đầu bằng lời thú nhận rằng “ngài là một người đàn ông đầy tham vọng phù phiếm, và luôn khao khát danh tiếng một cách vô ích và mãnh liệt, ngài tìm thấy niềm vui đặc biệt trong việc luyện tập võ nghệ.” Chiến đấu cho phe Tây Ban Nha chống lại Pháp, I-Nhã thấy mình ở trong một pháo đài bị bao vây bởi một lực lượng lớn mạnh hơn mình. Mặc dù cơ hội chống đỡ cuộc bao vây đó rất ít, I-Nhã đã thuyết phục các đồng đội của mình kháng cự, và nhất quyết không đầu hàng để tránh mất danh dự. Kết quả là, không chỉ người Tây Ban Nha bị đánh bại, mà I-Nhã còn bị gãy chân phải vì một quả đạn pháo.

 

Mặc dù bị thất bại một cách nhục nhã, I-Nhã không lập tức ném đi lòng kiêu hãnh của mình. Các bác sĩ phải mổ chân I-Nhã để đặt lại xương, nhưng khi nó lành lại, chân bị thương trở nên ngắn hơn chân kia và xương nhô ra một cách khó coi. Thấy khuyết điểm thể chất này không thể chấp nhận được, I-Nhã ra lệnh cưa bỏ phần xương thừa và đặt lại chân. Điều này gây cho ngài nhiều đau đớn hơn vết thương ban đầu, nhưng ngài quyết tâm rằng nó sẽ không ngăn cản ngài trở thành một nhân vật hào hoa trong những gia đình quý tộc của Tây Ban Nha.

 

 

Trong thời gian dưỡng bệnh tại nhà, I-Nhã tưởng tượng mình sẽ thực hiện những chiến công hào hiệp và giành được danh tiếng sau khi bình phục. Tuy nhiên, ngài phát hiện ra rằng ở nhà không có những cuốn sách lãng mạn hoàng cung mà mình yêu thích, chỉ có những cuốn sách về cuộc đời của Chúa Kitô và hạnh các thánh. Sau khi đọc chúng, ngài tưởng tượng mình bắt chước những việc làm vĩ đại của các thánh, đặc biệt là thánh Phanxicô và thánh Đaminh. Cuối cùng, ngài trải qua một cuộc hoán cải và hối lỗi về những lối sống trần tục của mình.

 

  • Quyết tâm hành động cho vinh danh Chúa

Sau nhiều lần cầu nguyện và suy ngẫm, ngài quyết định sẽ đi hành hương đến Giê-ru-sa-lem sau khi bình phục và có lẽ khi trở về sẽ sống đời đan tu trong tu viện. Gia đình I-Nhã lo lắng về những kế hoạch này. Họ thuộc giới quý tộc, có mối quan hệ tốt với triều đình Tây Ban Nha và đặt nhiều hy vọng thế tục vào ngài. Nhưng ngài lại bị thu hút vào đời sống thánh hiến bởi những an ủi sâu sắc mà ngài đã nhận được trong lời cầu nguyện. Thay vì tăng thêm vinh quang cho bản thân hoặc gia đình, I-Nhã quyết tâm rằng từ nay mình sẽ hành động hướng đến vinh quang của Chúa.

 

I-Nhã đã thực hiện nhiều việc đạo đức đáng chú ý, như lấy tài sản của mình cho người nghèo và thực hiện cuộc hành hương đến Giê-ru-sa-lem. Với những người xuất thân giàu có, những việc làm này càng đáng được ca ngợi hơn nữa. Nhưng ngài đã cố gắng hết sức để giấu người khác chuyện này để danh tiếng thánh thiện không cám dỗ ngài trở nên kiêu ngạo.

 

Cuối cùng, I-Nhã đến Pháp để học chuẩn bị trở thành linh mục. Trong thời gian ở Pháp, ngài đã quy tụ một nhóm bạn đồng hành cùng với mình. Ngài nói chuyện với họ về những điều thiêng liêng và gửi cho họ các bài Thực hành Linh thao của mình. I-Nhã phát triển các bài thực hành này bằng cách suy ngẫm về những chuyển động của tâm hồn mình khi ngài đang hồi phục vết thương ở chân. Một số sinh viên giỏi nhất tại Đại học Pháp đã trải qua những cuộc hoán cải sâu sắc trong khi thực hiện các bài Linh thao này, trong đó có Phêrô Favre và Phanxicô Xaviê, hai vị thánh sau này. Những kinh nghiệm thần bí và đời sống cầu nguyện được thể hiện trong các bài Thực hành Linh thao của I-Nhã là nguồn gốc của mọi việc lớn lao mà ngài và các Giêsu hữu đã thực hiện.

 

I-Nhã và những người bạn của ngài quyết định rằng sau khi hoàn thành việc học, họ sẽ cố gắng đến Giê-ru-sa-lem để truyền đạo cho người Hồi giáo. Nếu không thành công, họ sẽ sẵn sàng phục vụ Giáo hoàng với bất kỳ mục đích nào ngài thấy phù hợp. Sau một năm cố gắng, kế hoạch đến Giê-ru-sa-lem của họ bị thất bại, vì vậy họ đến Rô-ma. Định thức thể chế cho dòng tu mới của họ được Giáo hoàng Phao-lô III phê duyệt vào năm 1540. Dòng tu này được gọi là Hội dòng Chúa Giêsu, với phương châm Ad Maiorem Dei Gloriam: “Cho vinh danh Chúa hơn”. I-Nhã được chọn làm Bề Trên Cả đầu tiên của hội dòng, nhưng ngài từ chối vị trí này, chắc hẳn là vì lo sợ rằng nó sẽ cám dỗ ngài đến với sự phù phiếm. May mắn thay, những người bạn của ngài đã thuyết phục ngài tiếp tục dẫn dắt họ.

 

  • Đáp lại sự chống đối bằng sự kiên nhẫn và kính trọng

Không lâu sau, I-Nhã và những Giêsu hữu trở thành những tấm gương tiêu biểu của “công cuộc truyền giáo mới” trong thời đại của họ. Họ gửi các linh mục đến bất cứ nơi nào Giáo hội cần: để giành lại những phần của Kitô giáo đã trở thành Tin Lành, để rao giảng Tin Mừng ở Thế giới Mới, và thậm chí truyền giáo xa hơn nữa ngoài tầm với của các đế quốc châu Âu ở châu Á. Đi đến đâu, các Giêsu hữu đều rao giảng Tin Mừng với lòng quảng đại và khiêm tốn. Họ tôn vinh Chúa bằng cách thành lập những trường học chất lượng, xây dựng những nhà thờ đẹp, và trên hết là mang các linh hồn về cho Chúa.

 

Chính vì I-Nhã và các Giê-su hữu đã thực hiện những việc lớn lao nên họ đã khơi dậy sự chống đối từ bên ngoài cũng như bên trong Giáo hội. Chúng ta có thể bối rối khi biết rằng I-Nhã và nhiều người cùng thời với ngài, hiện nay là các thánh được tôn phong, đã bị Tòa án dị giáo điều tra hoặc gặp phải sự chống đối của giới chức Giáo hội đối với những nỗ lực đổi mới và cải cách của họ. Nhưng xét trong bối cảnh thời kỳ Cải cách Tin Lành, với sự xuất hiện của nhiều dị giáo kỳ quái, sự thận trọng của Giáo hội đối với những giáo lý và thực hành tâm linh mới không hẳn là sai lầm.

 

 

Mỗi khi gặp rắc rối với giới chức tôn giáo, dù ở Salamanca, Pháp hay ngay tại Rô-ma, I-Nhã luôn đối xử với họ một cách kiên nhẫn và kính trọng. Sự vâng lời của ngài là dấu chỉ của sự thánh thiện, như là dấu chỉ sự thánh thiện của mọi thánh nhân. Nhưng đó cũng là dấu chỉ của sự khiêm nhường, điều giúp dung hòa sự quảng đại, buộc ngài phải tôn trọng những ân huệ mà Chúa ban cho người khác, bao gồm cả ơn có quyền bính.

 

Dựa vào những gì I-Nhã kể, cám dỗ kiêu ngạo có lẽ đã theo đuổi ngài suốt cuộc đời. Điều đó có thể là động lực để ngài đọc sách “Gương Chúa Kitô” mỗi ngày. Nhưng sự kiên trì và thành công của ngài trong việc điều hướng khát vọng kiêu ngạo đến sự quảng đại và khiêm nhường được tóm gọn trong dòng chữ khắc trên mộ của thánh nhân: Non coerceri maximo, continuo minimo, divinum est” “Điều thiêng liêng không bị giới hạn bởi cái lớn nhất, nhưng chứa đựng trong cái nhỏ nhất.”

 

Tác giả: P. Bracy Bersnak

Dịch giả: Mai Ni

Nguồn: catholicexchange.com

Kiểm tra tương tự

Chỉ một mình Chúa là đủ !

Lạy Chúa, con cũng như anh thanh niên, từ nhỏ đã cố giữ các điều …

Tiếng Kêu của Trái Đất: Cuộc phỏng vấn với Bruno Latour

Bruno Latour là một nhà triết học, nhà xã hội học, nhà nhân chủng học …