Sức bật của niềm hy vọng

Các bạn trẻ thân mến,

Điều khác biệt giữa một người lạc quan và một người bi quan đó là niềm hy vọng. Người lạc quan luôn nhìn thấy tương lai dù chỉ với một tia hy vọng, ngay cả có thể chính lúc đó họ không thấy có một ánh sáng nào. Ngược lại, người bi quan thì luôn thấy bầu trời đen nghịt dù chỉ với một dấu hiệu khó khăn. Niềm hy vọng là một trong ba nhân đức trụ của Đức Tin Ki-tô giáo: Tin Cậy Mến. Niềm hy vọng chính là đức cậy trông của chúng ta. Thánh Phê-rô khuyến khích “hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3, 15). Vậy đâu là niềm hy vọng của chúng ta?

Tại Đại Hội Giới Trẻ Á Châu 2006 diễn ra ở Hồng Kông, cha Dịp Khánh Hoa (Yip Hing Wah) khai triển đề tài này rất hay theo tư tưởng của hai nhà tư tưởng lớn đương đại là Gabriel Marcel và Henri Nouwen. Ngài đã đưa ra hai loại hy vọng. Với loại hy vọng thứ nhất, chúng ta đã có trước mục đích phải nhắm đến, và chúng ta hy vọng mục đích ấy trở thành hiện thực. Còn với loại thứ hai, chúng ta hy vọng với sự lạc quan về tương lai dù cho hiện tại có đen tối đến đâu và tương lai sẽ như thế nào.

Với loại hy vọng thứ nhất, chúng ta đã có trước một đích nhắm cho tương lai của mình và chúng ta hy vọng tương lai sẽ xảy ra theo hướng đó. Vì thế, nếu tương lai không xảy ra theo ước muốn, chúng ta sẽ thất vọng! Một ví dụ cụ thể có thể đưa ra, là: chúng ta hy vọng mình sẽ thi đậu. Đó là một hy vọng có mục đích trước, tương lai phải hướng đến là thi đậu. Mọi áp lực sẽ đè lên kỳ thi này với tiêu chí là làm sao phải đậu. Và nếu không đậu, dĩ nhiên, chúng ta sẽ hết sức thất vọng. Đơn giản bởi vì chúng ta đã tưởng tượng ra một tương lai như thế.

Ngược lại, với loại hy vọng thứ hai, chúng ta tự thấy nơi mình một sức bật mãnh liệt vươn xa hơn những gì là hiện tại, dù kỳ thi sắp tới có như thế nào. Với loại hy vọng thứ hai này, tương lai của chúng ta không bó hẹp trong khung suy nghĩ rằng mình phải thi đậu. Bởi vì, thi đậu chỉ là một phần trong tiến trình thành đạt của chúng ta. Nhờ sức bậc của một niềm hy vọng mãnh liệt hơn, rộng lớn hơn và cao xa hơn, chúng ta có được động lực để hoàn tất kỳ thi. Và dù kết quả của kỳ thi thế nào thì chúng ta vẫn hy vọng về một sự tươi sáng đàng sau nó. Sức bậc của niềm hy vọng này không nằm ở những mục tiêu cụ thể phải hướng tới, nhưng đúng hơn, niềm hy vọng này nằm ở sự lạc quan trong chính lòng chúng ta.

Niềm hy vọng không tham vọng giải quyết ổn thoả cụ thể mọi sự, nhưng tin rằng mọi sự nằm trong bàn tay Thiên Chúa, và không điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là niềm hy vọng Ki-tô giáo. Chúng ta không trông đợi một Nước Trời như chúng ta có thể tưởng tượng và vạch ra. Nhưng chúng ta đặt niềm hy vọng vào Nước Trời vượt ra khỏi sự toan tính cân đo, nơi đó sự hiện hữu sẽ tròn đầy hơn hiện tại, dù rằng hiện tại chúng ta chưa biết nó là gì và như thế nào. Chính niềm trông cậy này giúp chúng ta luôn hy vọng, luôn nhận ra những điều tích cực, dù trong những nơi đen tối nhất. Chính bởi niềm hy vọng này mà Thầy của chúng ta, Đức Giê-su, đã dám phó mình cho sự dẫn dắt của Cha, dù cho đôi lúc mọi sự đối với Ngài vẫn tăm tối. Ngài luôn trông cậy vào Cha và tin rằng Cha sẽ không dẫn Ngài đến ngõ cụt.

Bạn thân mến,

Niềm hy vọng xuất phát từ niềm tin. Bạn không thể trông cậy vào Thiên Chúa nếu bạn không tin Ngài. Bạn có nghĩ, nếu bạn tin vào Thiên Chúa và trông cậy vào Ngài thì bạn đánh mất chính mình, hay ít nhất cũng nhu nhược quá không? Hãy xem bài thi của bạn! Việc trích một tác giả nổi tiếng có làm cho bài viết của bạn trở nên yếu kém vì phải dựa vào lý của người khác, hay nó làm cho bài viết của bạn thêm giá trị? Dù sao, chấp nhận cậy nhờ ý kiến của người khác để đỡ đầu cho mình cũng là chấp nhận mình giới hạn và cần sự giúp đỡ của người khác. Vì thế, trông cậy là đối diện với tương lai một cách khiêm hạ với đôi tay rộng mở.

Thật may mắn, Giê-su đã sẵn sàng giúp đỡ và đồng hành với chúng ta. Ngài mời gọi các môn đệ hãy liên kết với Ngài, vì “không có thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15, 5). Như thế, niềm hy vọng của chúng ta đặt nơi Thầy của mình. Đó là niềm hy vọng, không phải cậy vào Thầy để bắt Thầy nương theo tiêu chí đã vạch sẵn của chúng ta, nhưng là niềm hy vọng đặt nơi Thầy để Thầy gợi hứng cho chúng ta. Về phần mình, chúng ta luôn sẵn sàng và lạc quan về mọi sự đang và sẽ diễn ra, dù cuộc sống không phải lúc nào cũng tốt đẹp, vì chúng ta biết rằng Thầy vẫn ở với chúng ta.

Điều cao quý của niềm hy vọng là nó mang lại cho chúng ta động lực để vươn lên đến sự hạnh phúc hoàn hảo, dù sự hoàn hảo đó như thế nào chúng ta vẫn chưa được sáng tỏ. Thánh Phao-lô cũng đã nói “ai mà lại trông mong điều mình đã thấy rồi” (Rm 8, 24). Chính sự trông mong mở như thế cho phép chúng ta mở lòng mình ra để đón nhận bao điều hay trên hành trình – một hành trình không bị bó hẹp chỉ được phép nhìn về một hướng, như mắt con ngựa chạy bị kẹp bởi hai tấm chắn hai bên. Chúng ta đang trên đường lữ hành, và điều quan trọng vẫn là mở lòng mình ra để đón nhận sự dẫn dắt của Thần Khí Thiên Chúa.

Với niềm trông cậy như thế, chúng ta chấp nhận mình không phải là trung tâm của vũ trụ, nhưng đang hướng đến một đích xa hơn. Điều đó đòi hỏi một sự khiêm tốn, ngược lại với tính kiêu căng. Một khi luôn sẵn sàng mở ra trước thực tại, chúng ta sẽ nhận được sự thôi thúc vươn cao hơn chỗ đứng hiện tại, dù cho mọi sự xung quanh tưởng chừng như đêm tối.

Xin Chúa trở nên nguồn cảm hứng cho cuộc sống của bạn,
để niềm hy vọng của bạn không đặt đâu khác ngoài Ngài,
để với niềm hy vọng bạn có,
bạn được thôi thúc vươn mình lên cao
dù cuộc sống chỉ còn lẻ loi một tia sáng.

DOWNLOAD MP3

Hà Thanh Bình

Kiểm tra tương tự

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Tội phạm Mafia và bài học tha thứ

  Liệu chúng ta có thể học cách tha thứ ngang qua Mafia?   Trích …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *