“Cha Mẹ không biết rằng con phải lo việc của Cha con sao?”
Sự kiện Chúa Giêsu lên đền năm ấy đánh dấu Chúa đã đến tuổi khôn. Ấy vậy, Chúa Giêsu lại không báo cho cha mẹ ngài biết để các ngài đi tìm mất ba ngày đêm trong vất vả, lo lắng. Đến khi được Mẹ hỏi lý do Chúa đã trả lời: “Cha Mẹ không biết rằng con phải lo việc của Cha con sao?”. Câu trả lời hàm chứa sự ngạc nhiên, ý Chúa muốn nói cha mẹ đáng ra phải biết, nên việc con ở lại nhà Cha là điều bình thường. Không thấy con thì đến ngay đền thờ tìm thôi, không nên lo lắng làm gì.
Câu trả lời của Chúa mang lại nhiều ý nghĩa. Ở đây chỉ xét về khía cạnh ngạc nhiên bất ngờ của ơn kêu gọi làm việc cho Chúa Cha.
Ơn gọi làm việc cho Chúa nơi mỗi người có từ thuở đời đời, trước khi mình sinh ra, Chúa đã yêu mến và chọn gọi. Thế nhưng đó là xét về mặt hiện hữu của ơn gọi, còn về mặt ý thức hay nhận biết, ơn gọi ấy xuất hiện và đến với mỗi người cách đầy ngạc nhiên và bất ngờ; bất ngờ và ngạc nhiên đối với đương sự và đối với người thân của họ.
Có thể nói ơn gọi sâu xa nhất nơi con người đó là yêu mến và phụng sự Chúa. Nói là sâu theo hai nghĩa. Sâu ở đây là sự xuất hiện của ơn gọi này cho đương sự diễn ra sau những nhu cầu khác. Khi sinh ra, con người sống ngay với nhu cầu thể lý, rồi nhu cầu xã hội, tinh thần, và rồi đến một mức nào đó, và trong một điều kiện nào đó, con người mới nhận ra nhu cầu tâm linh. Thế nên mới có những vị thánh ý thức và sống cho Chúa khi đã lớn như thánh Augustino, thánh Phanxicô, thánh I-nhaxiô thành Loyola. Chính vì sâu, nằm bên dưới những nhu cầu khác, nên để lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa kêu gọi con người phải lên đường (giống Abraham) và phải tìm kiếm “tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa.” Một cách cụ thể hơn, không phải ai cũng vào làm vườn nho từ sáng sớm, có người vào giờ cuối cùng mới nhận ra.
Theo nghĩa thứ hai, sâu có nghĩa là căn bản, nền tảng, và cũng có nghĩa là chóp đỉnh. Cũng giống như một lễ hội, có bao việc chuẩn bị trước, để rồi điều chính yếu là lễ hội được diễn ra. Nếu lễ hội vì một lý do nào đó không diễn ra, thì các công việc chuẩn bị tuy đã làm, nhưng mất đi ý nghĩa.
Cũng vậy, có nhiều nhu cầu nơi con người diễn ra trước như sự chuẩn bị cho ơn gọi yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Chỉ có điều nơi lễ hội chúng ta biết khá rõ ngày giờ diễn ra, còn nơi con người chúng ta không biết ngày nào giờ nào ơn gọi xuất hiện với chúng ta. Đành rằng chúng ta phải tìm kiếm, phải gõ cửa, phải xin, và xin cách kiên nhẫn không nản lòng như bà góa đi đến quan tòa, nhưng ngày giờ Chúa ban ơn, ngày giờ ơn gọi được tỏ lộ vẫn là điều bất ngờ và ngạc nhiên.
Chúa Giêsu đã cảm nghiệm được ơn gọi và Ngài đã ở lại đền thờ, Cha mẹ Ngài chắc cũng tiên liệu con mình là Đấng cứu thế, nên sẽ nhận ra ơn gọi ấy, nhưng cái ngày điều ấy diễn ra, và cách thức diễn ra vẫn là điều ngạc nhiên cho các ngài.
Với cái nhìn này, hành trình làm người là hình trình vượt qua những nhu cầu bề nông, để rồi tìm kiếm nhu cầu sâu xa nhất, đó chính là ơn gọi Chúa đặt để. Điều này bao hàm sự từ bỏ liên tục, hoán cải liên tục, tỉnh thức liên tục và luôn sẵn sàng lên đường. Nếu không, con người sẽ bị mắc kẹt và không sống cho điều sâu xa nhất mà mình đượ tạo dựng nên.
Như thế, trong ngày mừng lễ Thánh Gia, chúng ta nhận thấy rằng điều căn bản và chóp đỉnh của gia đình là việc giúp nhau nhận ra và sống ơn gọi yêu mến và phụng sự Chúa. Thánh Giuse đã giúp Đức Mẹ sống ơn gọi của mình, Đức Mẹ và thánh Giuse dẫu có ngạc nhiên nhưng đã hết lòng giúp Chúa Giêsu sống ơn gọi của mình, và Chúa Giêsu cũng giúp các ngài sống ơn gọi làm cha mẹ của mình qua việc khiêm tốn vâng phục các ngài. Và gia đình Thánh Gia, hay bất cứ gia đình thánh nào, là gia đình chăm lo làm việc cho Chúa Cha.
Hiểu như thế, một gia đình yêu thương nhau, phục vụ lẫn nhau vẫn chưa đủ, điều quan trọng còn là giúp nhau lắng nghe và nhận ra lời mời gọi phụng sự Thiên Chúa. Chỉ khi nhận ra và hết lòng đi theo ơn gọi này mà mỗi người và toàn gia đình mới có được ý nghĩa trọn vẹn của cuộc sống nơi thế trần. Thiếu điều này, chúng ta không tìm được ý nghĩa tối hậu cho tất cả những gì mình làm nơi thế trần này, tất cả chỉ là “ phù vân trên tất cả phù vân”.
Uyên Thi, S.J.