[Suy niệm Mùa Vọng] Thứ Bảy Tuần II: Hc 48,1-4.9-11; Mt 17,10-13

Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất của ngày hôm nay cho thấy vai trò của ngôn sứ Êlia: “để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và tái lập các chi tộc Giacóp”, hầu “làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa” (Hc 48, 10). Sứ mạng này được tiếp tục bởi vị ngôn sứ cuối cùng: Gio-an Tẩy Giả, như chính lời Đức Giê-su xác nhận trong bài Tin Mừng. Ông đóng vai trò như một Êlia mới: đưa tâm hồn dân Israel trở lại với Thiên Chúa. Sứ mạng đó giờ đây mang một ý nghĩa lớn hơn thời Elia nữa, vì không đơn thuần là để ‘làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa’, mà là để đón chính Ngài ngự đến giữa họ.

Ngôn sứ là một ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa dành cho những người Ngài tuyển chọn. Họ là người của Lời, đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Họ thực thi sứ mạng của mình ngang qua việc nói, loan báo và truyền tải sứ điệp của Thiên Chúa đến mọi người. Nhưng để thi hành sứ mạng đó, người ngôn sứ trước hết phải có kinh nghiệm ‘đụng chạm trực tiếp’ với Thiên Chúa. Họ phải có tương quan thân tình với Ngài để có thể lắng nghe và hiểu được ý của Ngài. Hơn nữa, họ phải yêu mến dân chúng để đủ can đảm loan báo một cách trung thành sứ điệp của Thiên Chúa, vì những sứ điệp đó thường ‘nghịch nhĩ’ với dân, và vì thế, họ luôn có nguy cơ bị bách hại.

Ngay khi lãnh nhận Phép Rửa, chúng ta đã được trao ấn tín để trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa. Đó là ơn gọi lớn lao của chúng ta. Nhưng đáng tiếc là nhiều người trong chúng ta không còn cảm nhận được ơn gọi đó của mình. Chúng ta thậm chí còn quên luôn rằng mình có ơn gọi đó.

Lời Chúa ngày hôm nay nhắc lại cho ta ơn gọi ngôn sứ của mình. Thời nào cũng vậy, việc thi hành sứ mạng ngôn sứ chẳng bao giờ là dễ dàng. Trong thời đại hôm nay, liệu chúng ta có thể thi hành sứ mạng đó của mình thế nào? Tự mỗi người chúng ta phải xét mình và phân định về câu hỏi đó, theo từng hoàn cảnh của mình. Nhưng điều quan trọng trước hết là chúng ta phải quay về sống tương quan thân tình với Thiên Chúa, để hiểu biết ý muốn của Thiên Chúa, và yêu mến con người, để có thể can đảm rao truyền ý muốn của Thiên Chúa dành cho họ.

Khắc Bá, S.J.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *