Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Việc Đức Mẹ Đi thăm bà Elizabeth để lại cho chúng ta nhiều điều để suy gẫm.
Điều thứ nhất chính là việc vội vã lên đường để thăm viếng. Việc thăm viếng bao hàm nhiều điều trong đó có việc ra khỏi chính mình và từ bỏ. Trước hết đó là việc ra khỏi những bận tâm của mình để nghĩ về người khác, rồi ra khỏi những toan tính lo cho mình, dám gác lại chuyện của mình, để lên đường lo cho người khác, dám bỏ nhà cửa, công việc, để lên đường. Sự kiện này tiết lộ một đặc tính căn bản và cao quý nơi Mẹ, một điều mà về sau này Chúa Giêsu nói về định nghĩa thế nào là Mẹ Chúa: Đấy là người lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Để lắng nghe là chuyện không dễ. Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt nói rõ ràng cụ thể, ấy vậy mà rất thường sau khi giảng Chúa nói: Ai có tai nghe thì nghe. Điều này cho thấy để lắng nghe lời Chúa đâu có dễ. Khi khảo cứu điều kiện để lắng nghe lời Chúa, nhà thần học Karl Rahner đã nói đó là ‘thang giá trị”. Lắng nghe Chúa hay lắng nghe bất cứ ai cũng vậy, điều này chỉ xảy ra khi một người đặt Chúa lên trên hay người khác lên trên. Việc thăm viếng nói lên Mẹ đặt ưu tiên cho người khác.
Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa dĩ nhiên là do Chúa chọn, tuy vậy phần Mẹ đóng góp đó là đặt Chúa lên trên. Khi đặt Chúa và người khác thành ưu tiên, một người sẽ có khả năng lắng nghe đặc biệt. Đức Mẹ luôn là người có thể lắng nghe và cảm nhận những nhu cầu của con người, như ở tiệc cưới vùng Canna chẳng hạn. Và qua bao thời, Mẹ lắng nghe và hiện ra can thiệp cho biết bao con người nghèo khổ khắp nơi. Như thế, trong việc thăm viếng này, Mẹ đã lắng nghe được nhu cầu của người chị, và đã lên đường.
Và điều này lại mặc khải một điều sâu xa hơn: Đó là Thiên Chúa là nguồn mọi điều thiện hảo, thế nên điều tốt đẹp này có cách sung mãn nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa chúng ta thích lắng nghe, thích lên đường, thích chăm sóc. Ngay từ thuở đầu, Thiên Chúa đã ra khỏi chính mình để tác tạo thể giới; đã mở rộng tương quan Ba Ngôi Vị để thiên thần và con người có thể tham dự vào mối tương quan ấy, tham dự một cách sâu xa đến độ nên một trong Chúa. Nếu đức Mẹ đã ở lại ba tháng, Chúa từ trời đã đến viếng thăm địa cầu, đã ở lại 33 năm, và hiến dâng mạng sống để phục vụ và cứu chuộc con người.
Điều thứ hai là lời chào của Đức Mẹ, lời chào của người có Chúa. Khi có Chúa, mọi hành động và lời nói của chúng ta sẽ có sức thánh hóa và nâng đỡ mọi người cách đặc biệt. Xét cho cùng, mọi tư tưởng, lời nói và hành động của con người rất giới hạn; chúng chỉ có giá trị và sức mạnh đáng kể khi kết hợp với Chúa, được làm trong Chúa. Thế nên, điều đáng kể là việc một người có Chúa ở trong lòng, điều này liên hệ cách riêng với những ai giảng dạy lời Chúa: không chỉ giảng cho hay, nhưng cần nhất là người giảng có Chúa. Người có Chúa nhiều nhất là chính Chúa Giêsu. Mọi lời nói và hành động của Chúa đều mang lại điều tốt đẹp cho con người mà đỉnh cao là mang lại ơn cứu rỗi.
Cuối cùng, việc Đức Mẹ lên đường vì lòng tin. Nhiều người nghĩ Đức Mẹ đi thăm là để kiểm chứng xem Bà Elizabeth có thai thật không. Nhưng Bà Elizabeth đã khẳng định đức Mẹ là người tin, “em là người có phúc vì đã tin”; thế nên không có việc đi để kiểm chứng nhưng Đức Mẹ tin tưởng và lên đường để phục vụ. Hành động lên đường này giúp chúng ta hiểu thêm về đức tin: tin không có nghĩa là thấy, vì Đức Mẹ có thấy gì đâu, nhưng tin là lên đường. Điều này nhắc lại cho chúng ta hình ảnh Abraham, tổ phụ của lòng tin, người đã bỏ lại quê hương xứ sở để lên đường. Điều này liên hệ đến chúng ta. Đức tin chỉ có nghĩa khi chúng ta lên đường, nghĩa là chúng ta bắt tay vào hành động. Điều này có thể nối kết quan điểm của Thánh Phaolô và thánh Giacôbê về lòng tin. Thánh Giacôbê nói đức tin không hành động là niềm tin chết, nghĩa là tin chỉ có nghĩa khi lên đường. Nhưng lên đường là một chuyện, đến đích hay không lại là chuyện khác, thế nên, thánh Phao-lô mới nói thêm: Con người ta được cứu không phải nhờ hành động giữ luật, nhưng là nhờ niềm tin. Niềm tin hay tín thác gói trọn cuộc đời chúng ta. Niềm tin khiến chúng ta lên đường, và khi lên đường chúng ta lại thêm tin và tín thác nhiều hơn. Cũng như thánh Phêrô và thánh Phaolô, càng lên đường, càng theo Chúa, các ngài sẽ nếm trải những giới hạn, để rồi các ngài chỉ còn tin vào Chúa mà thôi, chứ không tin vào chính mình như lúc trước nữa.
Vậy Tin mừng hôm nay đối với chúng ta là gì? Đó là Chúa và đức Mẹ ngay lúc này đây, vẫn luôn vội vã lên đường đến với mỗi người để phục vụ chúng ta. Xin cho chúng ta tiếp đón các ngài, để tiếp đón, xin cho chúng ta biết đặt Chúa và người khác làm ưu tiên. Và về phần mình, chúng ta cũng xin ơn được lên đường đến với Chúa và Mẹ, và rồi cũng đến với anh chị em.
Uyên Thi, SJ.