[Suy niệm Tin Mừng CN 18 TN] Đời tạm

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thật là một lời cảnh tỉnh cho những ai đang còn đang ngủ quên trên hành trình cuộc đời mình.

Đầu tiên, ý nghĩa của dụ ngôn nhà phú hộ cả đời chỉ lo tích trữ của cải, có thể nói với chúng ta về một thực tế rất phũ phàng nhưng không thể chối bỏ, đó là về sự phù vân của kiếp người.

Bài trích sách Giảng Viên đã thật trí lý khi nhận định rằng: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” Phù vân là vì cuộc sống của một con người sau bao nhiêu vất vả nhọc nhằn, sau bao nhiêu ưu phiền khổ đau, để rồi cuối cùng phải chết đi mà chẳng mang theo được gì. Quan niệm ‘tất cả là phù vân’ nhìn cuộc sống có vẻ bi quan yếm thế, nhưng nó giúp chúng ta tỉnh thức, để sống với thực tại hữu hạn của đời sống này.

Thực tế cuộc sống của một con người, dù ta có mong muốn hay không, đó là: ‘đời người như cát bụi’, ‘như hoa sớm nở chiều tàn’. Thánh vịnh gia cũng viết: “Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi ! Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 89,3-4). Cuộc đời quá đỗi mong manh, và điều này chẳng xa lạ đối với mỗi người. Chúng ta đều có kinh nghiệm phải nói lời ly biệt những người thân yêu trong gia đình, cũng như những người chúng ta có dịp gặp gỡ. Đôi khi hôm nay chúng ta vẫn còn thấy họ cười nói vui đùa, nhưng ngày mai chúng ta đã chẳng có dịp gặp lại được họ. Chẳng phải những người lớn tuổi mà thôi, nhưng ngay cả những người còn trẻ cũng chẳng được miễn trừ. Tính bất ngờ chẳng ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy đến. Nếu chúng ta được may mắn sống khỏe mạnh cho đến tuổi già, chúng ta có sống đến trăm tuổi đi nữa, thì cuối cùng cũng phải nói lời tạ từ thế gian này. Đây là thực tế của cuộc đời này!

Thứ đến, câu chuyện dụ ngôn nhà phú hộ cũng muốn nói với mỗi người chúng ta, phải khôn ngoan biết đặt niềm tin tưởng sao cho đúng chỗ. Trong câu chuyện dụ ngôn, sau khi đã dành cả cuộc đời để tích trữ hoa mầu của cải dư dật, nhà phú hộ liền nghĩ đến việc hưởng thụ thành quả của mình: ‘hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã’ (Lc 12:19). Ông ta tin tưởng chắc chắn rằng của cải mà mình đã thu góp cả đời có thể đảm bảo dư giả cho ông ta tận hưởng cuộc sống này. Nghiệt ngã thay, mạng sống của ông ta đã tới kỳ hạn định, trước khi nhà phú hộ có thể tận hưởng thành quả nỗ lực của cả cuộc đời mình. Chỗ dựa duy nhất của nhà phú hộ là của cải do mình làm ra, nay đã trở nên hư vô trống rỗng.

Khi con người có được nhiều thứ của cải làm chỗ dựa, người ta thường gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Người ta chẳng cần đến Thiên Chúa khi họ ảo tưởng rằng, với sức lực trí tuệ của mình, họ có thể làm được mọi sự, mà chẳng cần đến ai, chẳng cần có Thiên Chúa nữa. Khi con người cậy dựa vào tài năng của cải, người ta biến mình thành như chúa, muốn gì được nấy, vậy thì cần gì tới Thiên Chúa nữa.

Tuy vậy, số phận mỏng manh của một kiếp người khiến người ta phải suy nghĩ lại. Nếu con người chỉ duy nhất đặt niềm tin nơi chính bản thân mình, nơi tài năng của mình, nơi của cải mình làm ra… thì những thứ này hôm nay vẫn còn, nhưng mai có thể tung cánh bay xa bất cứ khi nào. Có ai có thể đảm bảo rằng mình sẽ còn sống mãi trên cõi đời này. Có ai có thể thoát được cái chết. Chúng ta còn chẳng biết khi nào và lúc nào mình sẽ phải rời bỏ thế gian này. Thế rồi những tài năng, của cải là những thứ mình tin tưởng rồi cũng chẳng thể cứu nổi mình. Nếu như chúng ta xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình nơi những nền móng chóng qua như vậy, thì một ngày nào đó giông bão đến sẽ đánh sập tất cả. Tất cả chỉ là phù vân!

Lời đáp ca trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã chỉ cho chúng ta biết phải xây dựng nền móng đời mình như thế nào cho vững bền: “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn”. Cuộc sống này có qua đi, bao thế hệ có qua đi, thì chỉ có Thiên Chúa là thường hằng bất biến. Chỉ nơi Thiên Chúa mới là nơi trú ẩn vững bền cho mỗi người chúng ta. Khi chúng ta đặt niềm tin nơi duy nhất một mình Thiên Chúa, cũng có nghĩa là chúng ta sống đúng vị trí của mình. Dẫu cho chúng ta có tài năng đến mấy, dẫu cho chúng ta có làm ra nhiều của cải đến mấy… thì những điều ấy cũng đều là ơn ban của Thiên Chúa. Thiên Chúa chúc phúc cho những ai có được tâm hồn ‘nghèo khó’: là những người không cậy dựa vào sức riêng của mình, không cậy dựa vào của cải sẽ chóng qua đi. Một tâm hồn ‘nghèo khó’ là một tâm hồn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa. Tâm hồn nghèo khó luôn nhìn nhận rằng, Thiên Chúa mới đáng để tôi đặt niềm trông cậy. Và chúng ta sẽ chẳng bao giờ thất vọng khi đặt niềm tin tưởng nơi Người.

Sau cùng, câu chuyện dụ ngôn cũng dạy cho chúng ta phải biết sống thế nào cho khôn ngoan. Vì cuộc sống là phù vân, nên mỗi người phải tỉnh thức để có thể thoát ra được vòng xoáy của sự tham lam. Trong con người chúng ta có một cám dỗ rất lớn, đó là lòng tham muốn có được tất cả. Khi ta chưa có thì ta ao ước, khi có rồi thì ta lại muốn có thêm cái khác, và muốn có nhiều hơn nữa. Lòng muốn của chúng ta chẳng có điểm dừng, và nếu không tỉnh thức, toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ bị xoáy vào việc tìm kiếm, tích trữ của cải vật chất. Nhiều lúc khi không có được điều mình muốn, chúng ta có thể tìm mọi cách để có được, kể cả khi phải làm những điều trái với luân thường đạo lý. Thánh vịnh gia đã xin cho mình được ơn khôn ngoan: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 89:12).

Thế nên, mỗi người chúng ta cần thời gian để dừng lại, để tỉnh thức hầu có thể thoát ra khỏi vòng xoáy kiếm tìm tích trữ của cải danh vọng. Việc chúng ta làm ăn sinh sống, tích trữ của cải hầu đảm bảo cuộc sống của gia đình mình, là những việc cần phải làm. Thế nhưng, chúng ta sai lầm khi chúng ta đặt toàn bộ mục đích đời sống của mình là tìm kiếm tích trữ của cải. Đúng hơn, chúng ta hãy tỉnh thức để đặt của cải danh vọng đúng với vị trí của nó. Cuộc sống của mỗi người chúng ta không phải chỉ để tìm kiếm của cải danh vọng, nhưng có những điều khác chúng ta cần phải quan tâm. Chúng ta cần tỉnh táo để thấy rằng cuộc đời này chỉ là một hành trình hồi hương, và rồi nó sẽ qua đi nhanh như một làn gió thoảng. Thế nên, Đức Giêsu khuyên nhủ chúng ta: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:21).Thánh Phaolô cũng khuyên chúng ta: “Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em : ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam ; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3:5). Chúng ta hãy để tâm để làm giàu cho mình những điều có thể tồn tại lâu bền, và có giá trị trước mặt Thiên Chúa, đó là tình yêu thương, lòng vị tha, sự tha thứ….

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta về sự phù du của kiếp người, và vì vậy giúp chúng ta thức tỉnh, khôn ngoan để biết đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, chứ không phải là nơi của cải danh vọng là những thứ sẽ qua đi. Xin cho mỗi người chúng ta có được ơn khôn ngoan để nhận ra được ý nghĩa của cuộc đời mình, và hiểu ra những của cải tài năng của mình chỉ là những phương tiện cần thiết Chúa ban, để trợ giúp chúng ta trên đường hành hương trở về với Thiên Chúa, là Đấng bất biến vững bền mà chúng ta hằng trông đợi. Amen!

 

Giuse Hoàng Thanh Phong, SJ

Kiểm tra tương tự

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *