Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.
- “Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria và cha của Đức Giê-su”
Sự lớn lao của Thánh Giuse được xây dựng khởi từ và dựa trên những tương quan rất con người và đời thường, vì thế rất nhỏ bé: là người chồng và là người người cha trong một gia đình. Nếu “sự lớn lao” của Thánh Giuse được hiểu như thế, thì đó cũng là “sự lớn lao”, mà mỗi người chúng ta được mời gọi ước ao, hướng tới và định hướng cho cuộc đời và ơn gọi của mình. Xin cho mỗi người chúng ta được Chúa ban cho lòng yêu mến và ước ao sống theo gương của Thánh Giuse (có thể đọc bài “Đời Sống Ẩn Dật của Đức Giê-su”).
Trong đời sống công khai, khi Đức Maria muốn tìm gặp và nói chuyện với Người, Đức Giê-su nêu câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mt 12, 48), phải làm kinh ngạc người nghe thuộc mọi thời. Thánh Giuse đã không nghe được lời này của Đức Giê-su, nhưng đã sống từ rất lâu tương quan Nước Trời, mà Đức Giê-su rao giảng và dâng hiến đời mình để xây dựng. Vậy, Thánh Giuse đã là “người thân đích thực” của Giê-su như thế nào? Và tôi sẽ sống và hoán cải ra sao, để trở thành người thân thật sự của Đức Giê-su, theo gương Thánh Giuse? (có thể đọc bài suy niệm Tin Mừng của ngày Lễ Thánh Gia-Năm B-Lc 2, 2.39-40).
Lời giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI về tình hiện phụ của Thánh Giuse thật sâu rộng, đồng thời mang tính thời sự trong hoàn cảnh hiện nay của thế giới và của xã hội chúng ta đang sống:
Thánh Giuse | Con Người ngày nay |
(a) “Ngài đã làm cho cuộc đời mình trở thành sự phục vụ, thành của lễ dâng hiến cho mầu nhiệm nhập thể và cho sứ mạng cứu độ, vốn được gắn liền với mầu nhiệm nhập thể”. (b) “Ngài đã sử dụng quyền bính theo luật, vốn được trao cho ngài đối với Thánh Gia, để làm thành sự trao ban trọn vẹn chính mình, chính cuộc đời mình, chính công việc của mình cho Thánh Gia”. (c) và “Ngài đã hoán chuyển ơn gọi phàm nhân của ngài cho tình yêu gia đình, trong sự dâng hiến siêu nhân chính mình, con tim của mình và trọn vẹn khả năng yêu thương, được đặt để cho việc phục vụ Đấng Mêsia đang trổ sinh trong ngôi nhà của ngài”.
| – Con người ngày này thích được phục vụ hơn là phục vụ, thích thống trị hơn ước ao trở thành của lễ dâng hiến…
– Con người không thể sống mà không có Lề Luật và quyền bính (x. Mt 20, 20-28), nhưng đâu là cách con người hiểu và sống Lề Luật, cách con người ngày nay ham muốn quyền bính và thi hành quyền bình, trong thế giới, xã hội, Giáo Hội, gia đình?…
– Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 26-27), nghĩa là có con tim biết yêu thương, vì Thiên Chúa là tình yêu. Nhưng trong thực tế cuộc sống, con người hôm nay hướng con tim của mình về đâu hay về ai?… |
Lời giảng dạy của Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI về Thánh Giuse chất vấn và mời gọi tôi sống “tính hiền phụ” như thế nào, trong đời sống gia đình? Chất vấn và mời gọi tôi sống “tính hiền phụ”, hiểu theo tương quan Nước Trời, trong đời sống dâng hiến, trong đời sống Giáo Hội. xã hội như thế nào?
- Thánh Giuse được yêu mến trong Giáo Hội
Thánh Giuse được yêu mến cách đặc biệt trong Giáo Hội, như Đức Thánh Cha đã nêu ra và nhắc lại những dữ kiện rất cụ thể và phong phú trong truyền thống của Giáo Hội và trong đời sống phụng vụ hằng tuần và hằng năm. Vậy, trong đời sống Ki-tô hữu và đời ơn gọi của tôi, tôi đã có những kinh nghiệm cụ thể nào (nhà thờ, học viện, hội đoàn, nhóm, giáo xứ, hội dòng, gia đình, đời sống cầu nguyện, kinh phụng vụ…), diễn tả sự kiện “Thánh Giuse được yêu mến”? Thánh Giuse được yêu mến cách đặc biệt trong Giáo Hội; còn tôi, tôi có yêu mến Thánh Giuse không và diễn tả lòng yêu mến ngài như thế nào?
Đâu là lòng sùng kính của tôi đối với Thánh Giuse, nhất là khi Thánh Giuse là Thánh Bổn Mạng của tôi? Tôi có thuộc kinh cầu nào kính Thánh Giuse không? Hay có khi nào tôi đọc kinh cầu Thánh Giuse không? Tôi có thích lời kinh ca ngợi và cầu xin Thánh Giuse, mà Đức Thánh Cha đọc hằng ngày và bắt chước ngài không: “Lạy Thánh Giuse Tổ Phụ Vinh Hiển, quyền năng của ngài biết làm những điều không thể thành có thể, xin đến cứu giúp con, trong những lúc lo âu và khó khăn này. Xin ngài mang lấy đặt dưới sự bảo vệ của ngài, những hoàn cảnh nghiêm trọng và khó khăn, đến nỗi con nài xin ngài, để cho những hoàn cảnh ấy có được một lối ra hạnh phúc. Lạy cha yêu dấu của con, trọn niềm tín thác của con đặt ở nơi cha. Chớ gì người ta không nói được rằng, con đã cầu xin cha luống công, và bởi vì cha có thể làm mọi sự bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin cha tỏ cho con lòng nhân hậu của cha cũng lớn lao như quyền năng của cha. Amen”? (xem ghi chú số 10). Tôi đã hiểu và sống các ngày thứ tư trong tuần, và tháng ba kính Thánh Giuse như thế nào?
Đức Thánh Cha nói đến “Linh đạo của Thánh Giuse” (sa spiritualité): “Nhiều Học Viện, Hội Đoàn và nhóm trong Giáo Hội được khởi hứng từ linh đạo của ngài và mang tên ngài”. Tôi hiểu “linh đạo của Thánh Giuse” như thế nào? (Có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria) Tôi có muốn đi theo Đức Ki-tô, theo “linh đạo” của Thánh Giuse không?
- Thánh Giuse, bản lề kế nối Cựu Ước và Tân Ước
Đức Thánh Cha nêu bật vai trò của Thánh Giuse, trong tư cách là dòng dõi vua Đa-vít và là bạn trăm năm của Đức Maria, ở tầm mức lịch sử cứu độ, nghĩa là tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước qua hình ảnh “bản lề”. “Bản lề” là sự vật nào và có công dụng gì? Tôi hiểu mặc khải “Thánh Giuse, bản lề kế nối Cựu Ước và Tân Ước” ra sao? (có thể đọc bài “Gia Phả của Đức Giê-su Ki-tô”).
Lời mời gọi “Ite ad Joseph” gợi lại câu chuyện của ông Giuse, trong gia đình của Tổ Phụ Gia-cóp và bên Ai-cập. Vậy, ông Giuse, Thánh Giuse và Đức Giê-su có tương quan loan báo vào hoàn tất như thế nào, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa? (có thể đọc bài “Nọc độc ghen tị”-St 37, 12-27).
Đức Giê-su Ki-tô đã hoàn tất lịch sử cứu độ (x. Lc 24, 44), như Người đã thốt ra lời sự sống: “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30), ngay trong đau khổ và sự chết trên Thập Giá. Trong chương trình cứu độ, Đức Maria là “Mẹ Đấng Cứu Thế”, Mẹ đi theo Đức Giê-su đến tận chân Thập Giá, thinh lặng và đứng vững. Còn Thánh Giuse của chúng ta thì sao? Ngài đã cộng tác vào chương trình cứu độ, được hoàn tất bởi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su Ki-tô như thế nào? (Có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, bài 4: “Thánh Giuse và Mầu Nhiệm Vượt Qua”).