Suy Tư TM CN29TNA: Hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa!

 

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường thấy sự căng thẳng giữa Đức Giê-su và các nhà lãnh đạo tôn giáo Do-thái. Đặc biệt, khi Đức Giê-su lên Giê-su-sa-lem, thì mối tương quan giữa Đức Giê-su và các nhà lãnh đạo Do-thái ngày càng ngay ngắt hơn.

Cụ thể, qua hai câu chuyện: dụ ngôn về người cha mời gọi hai người con đi làm vườn nho và dụ ngôn về những tá điền sát nhân,[1] các thượng tế và người Pha-ri-sêu nhận ra rằng Đức Giê-su đang nói về họ. Cho nên, họ tìm cách bắt Ngài, nhưng họ lại sợ dân chúng.

Sau đó, người Pha-ri-sêu tiếp tục tìm cách tấn công Đức Giê-su. Mục tiêu của họ là làm giảm đi sự ảnh hưởng của Đức Giê-su trên dân chúng. Họ tìm cách hạ bệ Ngài trước đám đông, hoặc khiến Ngài gặp rắc rối với người La-mã. Bài Tin Mừng hôm nay[2] là một trong ba câu hỏi,[3] mà các nhà lãnh đạo Do-thái cố gắng giăng ra để gài bẫy Đức Giê-su: Có phải nộp thuế cho Xê-da hay không?

Những người Pha-ri-sêu không dám đối mặt trực diện với Đức Giê-su, họ sai các môn đệ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, và sử dụng vấn đề về tiền thuế để gài bẫy Đức Giê-su. Họ bắt đầu với câu nói có vẻ kính trọng và tâng bốc, liền sau đó là một câu hỏi sắc lẹm: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” Câu hỏi này được chuẩn bị cẩn thận, và được đặt trong giới hạn: chỉ trả lời có hoặc không. Nếu Đức Giê-su trả lời có. Tức là tán thành việc nộp tiền thuế cho những kẻ đang áp bức dân tộc mình, thì chắc chắn dân chúng sẽ quay lưng lại với Ngài. Còn nếu Ngài trả lời không, thì ngài sẽ bị liệt vào nhóm những kẻ nổi loạn chính trị, và người La Mã có thể bắt giữ Ngài.

Đức Giê-su thấu rõ sự nham hiểm của họ. Ngài chuyển từ câu hỏi mang tính ý thức hệ và chính trị sang vấn đề thực tế, để vạch trần giã tâm và sự giả hình của họ. Đức Giê-su yêu cầu: Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế! Những kẻ này ngây thơ đến mức quên rằng, đúng ra họ không thể có đồng tiền ấy trong túi của mình! Vì theo luật của người Do Thái, không được thờ ngẫu tượng. Người nào đem theo tiền có hình ảnh hoàng đế Xê-da, người ấy phạm tội thờ ngẫu tượng. Vì hình ảnh của ai trên đồng tiền nói lên sự thống trị của người ấy trên những ai sử dụng chúng. Mặc dù, đồng tiền thuế này được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Do Thái, nhưng khi bước vào những nơi thánh thiêng, người Do Thái sẽ không đem theo đồng tiền này ở trong túi. Người La Mã hiểu điều tế nhị này, nên họ cho phép người Do Thái có thể sử dụng một đồng tiền khác không có hình của hoàng đế Xê-da.

Thế mà, những kẻ đi gài bẫy Đức Giê-su, lại hồn nhiên lấy đồng tiền thuế từ trong túi riêng của mình. Điều ấy giúp cho chúng ta hiểu lý do tại sao Đức Giê-su gọi: họ là những kẻ giả hình. Họ không chủ ý đi tìm sự thật, nhưng chỉ chú tâm tìm cách gài bẫy Đức Giê-su mà thôi!

Đức Giê-su không hề run sợ. Ngài đối diện thẳng thắn với cái bẫy mà họ đã giăng ra. Ngài hỏi họ: „Hình và danh hiệu này là của ai?Họ đáp: Của Xê-da. Đức Giê-su bảo họ: „Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Câu trả lời này không nói rõ lập trường: ủng hộ hay phản đối về việc nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, nhưng Đức Giê-su tách biệt rõ ràng giữa hai lãnh vực: tôn giáo và chính trị. Theo Ngài: quyền lực chính trị không được thao túng những điều chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi. Quan điểm ấy đã khiến cho họ ngạc nhiên về câu trả lời của Ngài. Họ ngỡ ngàng trước sự khôn ngoan của Đức Giê-su. Họ không ngờ rằng, Đức Giê-su đã giải quyết câu hỏi hóc búa và nham hiểm của họ một cách quá dễ dàng!

Chúng ta có thể dừng lại ở đây và suy ngẫm: Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không bao giờ bị khuất phục trước sự gian xảo của con người.

Ngày nay trong đời sống đức tin, chúng ta cũng bị nhiều tà thuyết tấn công, nhưng chúng ta đừng sợ những điều đó. Chúng ta được mời gọi, hãy luôn cậy dựa vào sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa. Hãy gắn kết mật thiết với Thiên Chúa và nài xin sự khôn ngoan đến từ Chúa Thánh Thần. Sự khôn ngoan ấy sẽ giúp chúng ta thắng vượt những mánh khóe và cạm bẫy của thế gian. Hãy cầu nguyện liên lỉ và khao khát tìm kiếm sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, chúng ta đừng quên lời dạy dỗ của Đức Giê-su: Sự thật sẽ giải phóng anh em. Hãy tôn trọng sự thật và để sự thật hướng dẫn đời sống chúng ta.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã nói lên toàn bộ sự thật một cách công khai và chân thành. Điều này khiến những kẻ đến gài bẫy, phải lộ ra những ý nghĩ xấu xa của họ.

Trong cuộc sống đời thường, nếu chúng ta nhận được những câu hỏi về đời sống đức tin của mình, chúng ta không nên che giấu hay cắt xén sự thật về giáo lý đức tin và tìm cách trả lời chỉ để làm hài lòng người khác, nhưng thay vào đó, dám trả lời một cách chân thành dựa trên sự thật. Nếu phải đối diện với những câu hỏi đầy khiêu khích đến từ người khác, chúng ta không cần phải tìm những lời bào chữa, hay biện minh… thay vào đó, hãy mở lòng kiên nhẫn đối thoại và tin tưởng nài xin sự khôn ngoan đến từ Chúa Thánh Thần.

Trong tuần này, bạn hãy dành chút thời gian để suy ngẫm một vài câu hỏi liên quan đến bài Tin Mừng:

  1. Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa! Đối với bạn cái gì là của Xê-da, và điều gì là của Thiên Chúa? Chúng ta hãy nhớ: Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Cho nên, không hài lòng dừng lại ở những sự trên đời này, nhưng khao khát và tìm kiếm những điều thuộc về thượng giới.
  2. Điều gì đang chi phối đời sống của bạn? Bạn có để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời sống của bạn không?
  3. Nếu phải đưa ra quyết định chọn lựa, làm thế nào để bạn có thể đưa ra quyết định tốt? Bạn có thường xuyên cầu xin Thiên Chúa trợ giúp và khấn xin ơn khôn ngoan đến từ Thiên Chúa không?

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32); Dụ ngôn những tá điền sát nhân (Mt 21,33-46).

[2] Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên A: Nộp thuế cho Xê-da (Mt 22,15-21).

[3] Câu hỏi 1: Nộp thuế cho Xê-da (Mt 22,15-21); Câu hỏi 2: Kẻ chết sống lại (Mt 22,23-33); Câu hỏi 3: Điều răn trọng nhất (Mt 22,34-40).

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …