Suy Tư Chúa Nhật-Ngày của Lời Chúa

Kinh Thánh có lẽ là cuốn sách quan trọng nhất trong mọi thời. Không chỉ sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, mà đây còn là kho tàng của nhân loại. Những ai muốn thành công, cứ đọc cuốn sách này. Nếu bạn muốn hạnh phúc, cứ đọc sách này, nếu bạn muốn gặp Thiên Chúa, cứ mở sách ra và đọc, nếu bạn vui hoặc buồn, cứ lắng nghe Lời Chúa. Chắc không cần giải thích tại sao Kinh Thánh lại quan trọng cho mỗi người chúng ta!

Ở đây, tôi chia sẻ với các bạn 3 điểm liên quan đến câu Kinh Thánh trong Tin mừng Chúa nhật 3 thường niên hôm nay: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mc 1,14-20). Vài năm về trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập và ấn định ngày này cử hành Chúa nhật Lời Chúa. Giáo hội nhắc nhở tất cả chúng ta, mục tử và tín hữu, về tầm quan trọng và giá trị của Thánh Kinh đối với đời sống Kitô hữu cũng như mối tương quan giữa Lời Chúa và Phụng vụ.

  1. Thứ nhất, Chúa gọi các môn đệ bằng lời

Chúa Giêsu không viết thư hoặc gửi tin nhắn đến các môn đệ. Chúa càng không gửi người đến để mời các ông đi theo Chúa. Ngược lại, đích thân Chúa Giêsu đi tìm các ông. Chúa muốn diện đối diện với từng người. Từ đó, Chúa Giêsu mở lời đề nghị các ông đi theo người. Đây là lời gọi hoặc ơn gọi trực tiếp. Tiếng gọi chỉ trở nên mạnh mẽ khi phát ra từ miệng của người mời. Tôi mời bạn đến dùng tiệc, cách thú vị nhất là tôi gặp gỡ, trò chuyện và nói trực tiếp với bạn. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài muốn rủ các ông tham gia một dự án Loan Báo Tin Mừng.

Suốt cuộc đời của các môn đệ, Chúa Giêsu thường xuyên dùng lời để dạy dỗ các ông. “Vậy Người mở trí cho họ hiểu về Kinh Thánh” (Lc 24,45). Những lời ấy được ghi tương đối đủ trong cuốn Thánh Kinh. Hôm nay Chúa cũng muốn dùng lời này để nhắn với từng người chúng ta. Khi ấn định ngày Lời Chúa này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Lời Chúa khi được lắng nghe và cử hành, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, sẽ nuôi dưỡng tâm hồn các Kitô hữu, giúp họ cống hiến một chứng tá đích thực cho Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày”[1]. Như vậy mục đích là để chúng ta nên chứng tá Nước Trời. Hoặc nói cách khác, chúng ta nên lưới người như lưới cá.

  1. Thành những kẻ lưới người

Chúa Giêsu nói rất rõ về dự án của mình cho các môn đệ: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nghĩa là các ông cũng biết: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Các ông cũng cần sám hối và tin vào Tin Mừng. Lời Chúa là tin mừng cho các ông. Tại sao?

Ai trong chúng ta cũng hiểu được tầm quan trọng của hạnh phúc và bình an. Có những lời an ủi, động viên và hướng dẫn giúp chúng ta đạt được điều này. Kinh Thánh còn hơn thế nữa. Lời Chúa là lời hằng sống, là ngọn đèn soi cho chúng ta bước đi. Chắc các bạn cũng có kinh nghiệm về Lời Chúa. Có những lúc đau khổ, chúng ta gặp Thiên Chúa. Chúa an ủi và nâng đỡ chúng ta bằng lời của Ngài trong Kinh Thánh. Từ nguồn an ủi này, chúng ta nhận được sức sống. Hoặc nói như Công Đồng Vaticano II: “Kinh Thánh dạy một cách chắc chắn, trung tín và không sai lầm chân lý mà Thiên Chúa muốn thấy đề cập đến trong các thư thánh vì phần rỗi của chúng ta.” (Dei Verbum số 11).

Các môn đệ cũng thế. Họ thấm nhuần Lời Chúa đến nỗi về sau lời họ rao giảng luôn thu hút nhiều người. Ước gì chúng ta cũng để cho Lời Chúa thấm vào máu, vào thịt vào tâm trí của mình. Hoặc nói đúng hơn, chúng ta thường xuyên gặp gỡ Thiên Chúa. Được ở trong ngài, chúng ta không sợ, không lạc đường và không bị hư mất. Từ đó, chúng ta cũng giúp cho nhiều người biết hơn về Chúa, về Lời của Ngài.

  1. Đi theo Chúa

Các môn đệ đã chấp nhận lời mời của Đức Giêsu. Họ đã bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Trên con đường này, các môn đệ học được bao nhiêu điều tốt lành. Họ học để trở nên giống Chúa. Chúa cũng dùng lời để giúp họ đi theo gần Chúa hơn.

Làm sao đi theo Chúa đến cuối con đường, nếu không ở lại trong Lời Chúa. Nói cách khác, cầu nguyện chính là lương thực nuôi dưỡng đời sống của người môn đệ. Cầu nguyện nghĩa là gặp Thiên Chúa. Chúa cũng muốn gặp gỡ chúng ta. Trong cuộc gặp gỡ này, bạn nói Chúa nghe, Chúa nói bạn nghe. Hẳn nhiên chúng ta có thể gặp Thiên Chúa ở mọi nơi, nhưng với kinh nghiệm của Giáo Hội, khi cầu nguyện với Kinh Thánh, chúng ta dễ gặp Thiên Chúa nhất. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói rất rõ những câu chuyện, thông điệp và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể.

Như thế, ngoài công việc, học hành và vui chơi, chúng ta còn có người đang chờ mỗi người, đó là Chúa Giêsu. Hãy thường xuyên gặp Chúa trong Kinh Thánh. Giáo hội dạy rằng: “Kẻ được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng Lời Chúa, cũng giống như Chúa Giêsu, làm cho mình trở thành người đồng thời với những con người mà mình gặp gỡ; nó không bị cám dỗ rơi vào những nỗi nhớ khô cằn của quá khứ, cũng như những ảo vọng không tưởng hướng về tương lai.”[2]

Để kết thúc, chúng ta nhìn nhận sự thật này: cầu nguyện hoặc đọc Kinh Thánh là một thách đố rất lớn cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên Giáo hội cổ vũ chúng ta hãy tiếp cận nguồn mạch sự sống Lời Chúa. Nếu chưa quen đọc Kinh Thánh, chúng ta thử tập tành và thực hành. Ngày qua ngày, hy vọng mỗi người thêm yêu mến Kinh Thánh, vì đó là Lời Chúa đang nói với tôi và với bạn. “Lời này ở gần ngươi, Lời ở trong miệng ngươi và trong tim ngươi, để ngươi đem ra thực hành.” (Tl 30,14). Amen.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] (x. ĐTC. Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, 174

[2] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-sac-aperuit-illis-ngai-mo-tri-cho-ho-nham-thiet-lap-ngay-chua-nhat-loi-chua-41304

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …