Các bạn thân mến! Nếu phản tỉnh lại thời điểm giờ này năm trước thì có ai biết rằng chúng ta có thể hiện diện với nhau để chia sẻ cho nhau về những kinh nghiệm và sự thảm khốc mà mình đã trải qua trong cơn đại dịch Covid. Nói như thế để cho bạn và tôi ý thức rằng có nhiều điều trong cuộc sống diễn ta hết sức bất ngờ mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến. Cách tốt nhất để bạn và tôi không bị bất ngờ là thái độ sẵn sàng. Sẵn sàng để đón nhận biến cố khi thời gian đến thời viên mãn, khi ông chủ ghé thăm.
Sẵn sàng là thái độ của con tim
Thông thường khi chúng ta muốn nói đến sự sẵn sàng hay thái độ sẵn sàng chúng ta hay nói đến thái độ hay tư thế của một người chuẩn bị trước mọi thứ trước khi bắt đầu một công việc hay một sự kiện diễn ra. Tuy nhiên sẵn sàng mà Chúa Giê-su muốn nói đến không chỉ là sẵn sàng cho công việc nhưng là sẵn sàng cho biến cố. Biến cố này đòi hỏi bạn phải luôn sẵn sàng. Điều làm cho bạn và tôi chưa sẵn sàng đó là nỗi sợ và sự trói buộc. Ví dụ một đứa trẻ lần đầu tiên được mẹ đưa đến trường thường khóc đòi về vì nó chưa sẵn sàng trước “biến cố” rời xa gia đình. Hoặc lần đầu tiên các bạn rời xa gia đình để lên thành phố thi đại học hay đi làm bạn cũng sợ vì bạn chẳng quen ai, không biết điều gì sẽ xảy ra với bạn. Kinh nghiệm đi trong đêm tối cũng thế. Thông thường đi trong đêm tối bạn đi rất rón rén, chậm chạp vì bạn không nhìn thấy rõ đường và không biết điều gì đang ở phía trước cho nên bạn sợ. Sợ là phản ứng tự nhiên giúp bạn tự bảo vệ chính bạn khỏi những nguy hiểm.
Nếu bạn nhìn trong kinh nghiệm bản thân, bạn có hai nỗi sợ đó là sợ mất và sợ không biết đi về đâu. Tự bản chất con người là một hữu thể hữu hạn cho nên con người cần điều gì đó là an toàn. Chính cảm giác an toàn làm cho chúng ta muốn sở hữu và bám vào một cái gì đó hoặc một ai đó. Đây là thứ kho tàng nắm giữ và trói buộc trái tim ta, làm cho bạn và tôi không được tự do và siêu thoát. “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.”[1] Cùng với nỗi sợ dẫn đến sự sở hữu là nỗi sợ dẫn đến sự buông bỏ. Buông bỏ để phóng mình về một tương lai chưa biết rõ. Biết được điều này, Chúa Giê-su trấn an các môn đệ. “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” Chúa Giê-su nói với các môn đệ, anh em đừng sợ vì anh em có một nơi để tìm về. Nơi đó là nơi mà Cha của chúng ta ban cho chúng ta. “Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài.”[2]
Sẵn sàng để không bị bất ngờ
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ. “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.”[3] Hình ảnh thắt lưng cho gọn giúp bạn liên tưởng đến biến cố xuất hành. Trong đêm vượt qua, dân Do Thái phải ăn rau đắng với bánh không men, giết chiên cừu lấy máu bôi lên cửa, phải ăn cách vội vã và thắt lưng sẵn sàng đón thiên sứ vượt qua và sẵn sàng ra đi trong đêm tối. Thắt lưng sẵn sàng là thái độ của người hành hương, thái độ của người sắp được cứu thoát. Cuộc sống của bạn và tôi là cuộc sống lữ hành. “Quê hương chúng ta ở trên trời.” Niềm tin giúp cho bạn và tôi xác tín vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Niềm tin đó giúp bạn và tôi đạt tới mục tiêu. “Chính đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám.” [4] Thắt lưng là thái độ sẵn sàng để không bị bất ngờ khi được gọi tên. Còn ngọn đèn là để chiếu sáng đêm đen. Lời Chúa là ngọn đèn soi sáng đêm đen. Nơi đây, bạn và tôi tìm được ánh sáng khi lạc bước giữa tối tăm mịt mù. Ngọn đèn qui tụ bạn và tôi hiện diện nơi Chúa. Ngòn đèn chiếu sáng tâm hồn, chiếu sáng trái tim và chiếu sáng cuộc đời. Ngọn đèn này thúc đẩy bạn và tôi mở ra với tha nhân, chân lý cứu độ và sự sống con người.
Sẵn sàng để quy hướng về mục tiêu
Điều làm cho bạn và tôi bị bất ngờ đó là sự vắng mặt của ông chủ. Hãy sẵn sàng và luôn quy hướng về ông chủ. “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.[5] Thời gian chờ đợi ông chủ về gõ cửa là thời gian mang nhiều rủi ro và thử thách lòng kiên nhẫn.“Thiên Chúa ẩn mình và vẻ bề ngoài hoàn toàn yếu đuối là gánh nặng và thử thách cho các tín hữu.”[6] Hiện diện và vắng mặt luôn thử thách lòng tin và niềm hy vọng. Mối nguy của sự vắng mặt làm cho bạn và tôi mất cảnh giác, mất đi mối liên lạc và sự quy hướng về ông chủ. Mối nguy của sự mất cảnh giác đó là việc thu ngắn khoảng cách giữa việc cảm thấy sự vắng mặt và sự hiện diện thật sự, những khao khát và việc lấp đầy những khao khát tối hậu. Chính sự mất cảnh giác này tiềm ẩn những rủi ro vì làm cho bạn và tôi bị sao lãng.
Hãy sẵn sàng mời gọi bạn và tôi hãy mở lòng với Chúa và với anh chị em của mình, là trở nên người quản gia trung tín, là đối xử tử tế với tôi trai, tớ gái. Còn nếu người đầy tớ bị sao nhãng, mất đi sự cảnh giác và thái độ quy hướng về ông chủ, đánh đập tôi trai tớ gái thì hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Khoảng thời gian giữa sự vắng mặt và sự xuất hiện là khoảng thời gian của ân sủng, thời gian của tự do và thời gian của việc tự ý thức. Tuy nhiên đây là thời gian cũng chứa nhiều rủi ro vì có nguy cơ người đầy tớ đánh mất mối dây liên kết với ông chủ. Ông chủ sẽ ban thưởng tùy theo sự sẵn sàng của người đầy tớ. “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”[7] Điều mà bạn và tôi có thể chắc chắn là ngày ông chỉ sẽ đến, thời điểm mà ông chủ ghé thăm thì không ai biết rõ. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho ngày ông chủ ghé thăm là sự sẵn sàng.
Trong thời gian xa mặt, bạn và tôi tưởng chừng ông chủ “cách lòng” nhưng thực ra ông chủ vẫn hiện diện bên lòng chúng ta. Ngài hiện hiện mang lại sự bình yên giữa cơn thử thách. Đứng giữa cơn thử thách bạn chỉ thấy thứ thách của bạn mà không thấy Chúa hay không cảm thấy Ngài. Thử thách lớn nhất của con người là sự chết. Sự chết cắt đứt mọi toan tính, tương quan và đảo lộn mọi giá trị. Nó phơi bày sự thật về bản chất con người và mời gọi con người mở ra. Mở ra với tình yêu, với Thiên Chúa và với niềm hy vọng. Niềm hy vọng đến từ Đấng đã vượt qua cái chết để vào cõi sống và sẽ mang bạn và tôi theo Ngài. “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống (Ga 11,25-26) Như thế, thái độ sẵn sàng là thái độ của con tim, thái độ mở ra với sự sống, sự mới mẻ, mở ra với Đấng sẽ đến, Đấng là tất cả và trong mọi người (Cl 3, 9).
Gioan Phạm Duy Anh, S.J.
[1] Lc 12, 34
[2] Dt 11, 16
[3] Lc 12, 35
[4] Dt, 11, 1-2
[5] Lc 12, 36
[6] Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Luca Dùng Trong Phụng Vụ, NXB Đồng Nai, 2021, Tr. 302
[7] Lc 12, 40