Suy tư Tin mừng CN: Thiên Chúa Ba Ngôi – mầu nhiệm hiệp thông, tình yêu và sáng tạo

 

Các bạn thân mến!

Khi nói đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường hay nói đến mầu nhiệm tối tăm, cao siêu, khó hiểu. Điều này rất đúng bởi vì mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là đối tượng của trí hiểu mà là đối tượng của đức tin và của cuộc sống.

Sẽ là không tưởng nếu chúng ta tìm những bằng chứng để cố gắng thuyết phục lý trí con người về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên ít nhiều trong mặc khải Ki-tô giáo, bao gồm cả Thánh Kinh và Thánh Truyền, truyền thống của Giáo Hội, cử hành phụng vụ, bí tích, bạn và tôi đã và đang tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Sách Sáng Thế kể về việc Thiên Chúa Sáng Tạo. “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.[1] Trong biến cố Chúa chịu phép rửa và biến cố biết hình, bạn cũng nhận thấy việc mặc khải mối liên hệ giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.[2] Chính Chúa Giê-su Ngài cũng xin Chúa Cha. Thầy sẽ sai Một Đấng Bảo Trợ khác đến với anh em để Người dạy dỗ anh em mọi điều Thầy đã nói với anh em và dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn.[3] Thánh Phao-lô trong lời cầu chúc cho cộng đoàn Cô-rin-tô cũng đã dùng lời cầu chúc có hình ảnh về Chúa Ba Ngôi: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.”[4] Lời cầu chúc của Thánh Phao-lô phản ánh kinh nghiệm cá nhân được ân sủng của Đấng Phục Sinh đụng chạm để thôi thúc Ngài đi làm chứng nhân cho dân ngoại. Trong phụng vụ đặc biệt là thánh lễ, linh mục thường bắt đầu thánh lễ bằng lời chào: “Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.” Trong việc rửa tội, Giáo Hội cũng dùng công thức Chúa Ba Ngôi. “Cha rửa con, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.” Trong đời sống thường nhật, bạn và tôi cũng làm dấu trước khi cầu nguyện hoặc xin ơn thánh hóa. Như thế mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi vừa cao cả những lại hết sức gần gũi đối với mỗi người chúng ta. Cao cả là bởi vì mầu nhiệm đó diễn ta tương quan sâu kín nhất nơi Thiên Chúa, gần gũi là bởi vì hằng ngày chúng ta vẫn tuyên xưng và thực hành điều đó trong đời sống của mình. Có thể nói, chúng ta đã sống trong mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi trước khi chúng ta có thể hiểu và giải thích về Thiên Chúa.  

Xét trong truyền thống của Giáo Hội, một số nhà thần học cũng cố gắng suy tư, tìm cách giải thích về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng phương pháp loại suy hay bằng những hình ảnh gần gũi. Tiêu biểu cho nỗ lực này là Augustine, Richard of St Victor và Thánh Thomas Aquinas[5]. Trong khi Agustine dùng loại suy về tình yêu: tình yêu gồm 3 yếu tố, người yêu, kẻ được yêu và chính tình yêu. Người yêu cần diễn tả tình yêu của mình cho kẻ được yêu. Tương quan giữa người yêu và kẻ được yêu là chính tình yêu. Như thế cả ba yếu tố: người yêu, kẻ được yêu và chính tình yêu diễn tả hình ảnh về Thiên Chúa Ba Ngôi. Cũng thế, Richard of St. Victor dùng loại suy về Thiên Chúa là Đấng toàn thiện và tốt lành để nói về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Đấng toàn thiện. Đấng toàn thiện đó cũng là tình yêu tối hậu. Tình yêu tối hậu này cần một đối thể trao tặng tình yêu và đón nhận tình yêu. Nơi con người không thể có một đối thể khác vì con người vốn giới hạn còn nơi Thiên Chúa thì lại khác, Ngài là Đấng hoàn hảo cho nên nhất thiết phải cần nhiều ngôi vị thần thiêng để diễn ta mối tương quan hiệp thông. Hơn nữa tình yêu tối hậu này không chỉ là tình yêu lẫn nhau của hai ngôi vị nhưng còn là tình yêu tối hậu được chia sẻ. Như thế tương quan của Chúa Cha và Chúa con là tình yêu trao hiến. Tương quan của Chúa con và Chúa Cha là tình yêu trao tặng trở lại. Tương quan của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là tình yêu tối hậu dành cho Con bằng tình yêu được chia sẻ. Tình yêu của Con dành cho Cha là tình yêu được chia sẻ cho Chúa Thánh Thần. Tương quan của Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con là tình yêu tối hậu được chia sẻ trao tặng trở lại với Cha và Con. Như thế trong tương quan tình yêu tối hậu nhất thiết phải có tương quan lẫn nhau giữa việc trao hiến, trao tặng trở lại và chia sẻ. Đây chính là hình ảnh nói về Thiên Chúa Ba Ngôi. Còn Thánh Thomas Aquinas giải thích về Thiên Chúa Ba Ngôi dựa trên ẩn dụ về lý trí. Tâm trí có lý trí và ý chí. Lý trí là Ngôi Lời, còn ý chí là Tình Yêu. Hoặc nơi Thiên Chúa có 2 tương quan. Tương quan của Cha với Con là tương quan nhiệm sinh, còn tương quan của Cha và Con với Thánh Thần là tương quan nhiệm xuất. Cả Cha, Con và Thánh Thần đều là Thiên Chúa không hơn không kém. Như thế cả Cha, Con và Thánh Thần là Ba Ngôi Vị trong cùng một Bản Thể. Dĩ nhiên đây là một vài những ẩn dụ hoặc loại suy về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu áp dụng kiểu loại suy này, bạn đang nhìn về Thiên Chúa Ba Ngôi trong chiều kích nội tại. Chiều kích nội tại về Chúa Ba Ngôi xem ra có vẻ tối tăm và rối rắm. Tuy nhiên bạn cần nhìn Chúa Ba Ngôi trong tương quan ngoại tại, tức là trong tương quan với sáng tạo, cứu chuộc và quan phòng.    

Một câu hỏi thực tế hơn đối với bạn đó là việc hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi có tương quan gì với đời sống của tôi. Như chúng ta đã biết Thiên Chúa Ba Ngôi là sự hiêp thông, tình yêu và sáng tạo. Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần không ngừng hiệp nhất trong tình yêu và trong việc trao ban sự sống cho nhau và cho vạn vật. Cha ban tình yêu và sự sống cho Con và Thánh Thần. Con trao ban tình yêu và sự sống của mình cho Cha và Thánh Thần. Thánh Thần trao ban tình yêu và sự sống cho Cha và Con. Chính việc trao ban sự sống và tình yêu trong sự năng động ấy làm nên sức sống của Thiên Chúa. Đây cũng là khuân mẫu cho đời sống đức tin và con đường cứu độ. Chính những đặc nét này sẽ ảnh hưởng đến chiều kích Giáo Hội, cứu độ và đời sống gia đình. Giáo Hội muốn tồn tại và phát triển phải phản ánh chính mối tương quan hiệp thông hiệp của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự hiệp thông giữa các cấp trong Giáo Hội, giữa Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương, giữa đầu và thân thể phản ánh mối hiệp thông của Ba Ngôi Vị. Một khi Giáo Hội mất đi mối liên hệ hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và với chính mình, Giáo Hội sẽ mất đi sức sống và sức năng động tông đồ.

Cũng thế, mối liên hệ trong sự hiệp thông, tình yêu và trao ban sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi phải là mối liên hệ căn bản trong đời sống gia đình. Cha mẹ trao ban sự sống và tình yêu của mình cho con cái. Con cái cũng trao ban sự sống tình yêu của mình cho cha mẹ. Tương quan này phản ánh chính tương quan trao đổi tình yêu và sự sống nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính mối tương quan này làm nên sức sống và hạnh phúc cho đời sống gia đình. Chúng ta tự hỏi đời sống gia đình sẽ ra sao nếu mất đi mối liên hệ với Thiên Chúa? Đời sống gia đình sẽ ra sao nếu mất đi mối liên hệ với nhau và đánh mất đi tình yêu và việc trao tặng sự sống. Nền tảng của gia đình là tình yêu và mục đích của gia đình là yêu thương và trao ban sự sống. Gia đình mà thiếu tình yêu và sự trao ban sự sống sẽ trở thành gia đình chết. Chính nơi gia đình mà tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi được trở nên sống động. Cũng thế, khát khao của con người mọi thời là được thông hiệp với Chúa. Đối với người Ki-tô hữu đó là được ở trong Chúa và ở trong tương quan tình yêu của Cha, Con và Thánh Thần. Chính mối dây của bạn và tôi với và trong Chúa Ba Ngôi làm cho bạn và tôi có được sự sống đời đời. Như thế Thiên Chúa Ba Ngôi vừa đang tuôn đổ sự sống của Ngai cho chúng ta, vừa hoạt động trong chúng ta để làm cho chúng ta sống.   

Các bạn thân mến! khi suy niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, bạn và tôi không phải đi tìm một lý do hợp lý cho những đòi hỏi của lý trí nhưng là đi tìm một con đường giúp bạn và tôi có được sự sống vĩnh cửu. Con đường để có được sự sống vĩnh cửu là con đường của sự hiệp thông, tình yêu và sự sống. Khao khát của bạn và tôi là có sự sống vĩnh cửu và sự sống vĩnh cửu là nhận biết và ở trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy và Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong Người ấy.” Amen.    

Gioan Phạm Duy Anh SJ   

[1] St, 1, 26-27; Cn 8:22-23, 27, 30-31

[2] Mt 3, 13-17

[3] Ga 15, 26; 16, 7

[4] 2 Cr 13, 14

[5] Dr. Jake C Yap, One God and Triune, Loyola School of Theology

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …