Đâu là nơi đáng sống nhất hiện nay? Nếu có quyền chọn một nơi để sống, có lẽ điều mà chúng ta quan tâm, đó sẽ là một nơi thanh bình và an toàn. Nơi ấy không cần quân đội, không cần nhà tù, không cần khóa cửa. Nơi ấy không cần lực lượng cảnh sát phải dùng đến vũ lực. Nơi ấy không có quảng cáo sai sự thật, hoặc lừa đảo, và không phải đề phòng ai cả…. Tắt một lời, ở nơi ấy mọi người sống trong hòa bình và yêu thương nhau. Họ sẵn sàng cho đi, hơn là giành lấy cho riêng mình. Nếu trong lòng bạn có một trong những ước mong tốt lành như thế, thì bạn hãy cầu xin cho Nước Cha trị đến!
Trong bài Tin Mừng hôm nay,[1] Đức Giê-su bắt đầu hành trình rao giảng công khai bằng một lời mời gọi: „Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần![2]” (c.17). Lời nói mở đầu ngắn gọn này gói trọn toàn bộ sứ điệp của Người. Đức Giê-su đến để khai mở cho con người một „vương quốc” đáng sống! Trong vương quốc ấy, Ngài là vua. Với quyền làm chủ, Ngài sẽ chăm sóc và quan tâm đến đời sống của dân, như một mục tử tốt lành lo lắng cho đời sống đàn chiên.
Đức Giê-su nói với chúng ta rằng Nước Trời[3] đã đến gần. Điều cần thiết phải thực hiện ngay, là ăn năn và từ bỏ những ngẫu tượng đang lấn át cuộc sống của chúng ta, để Thiên Chúa thực sự ngự trị trong cuộc sống của mình. Vì vương quốc Thiên Chúa cai trị không phải là vương quốc được xác định bởi địa lý,[4] nhưng bởi những con tim sẵn sàng để cho Thiên Chúa dẫn dắt và làm chủ. Để trở thành công dân Nước Trời, điều kiện cần, là phải sám hối liên lỉ.
Sám hối thường được hiểu là thay đổi tâm trí, là từ bỏ lối cũ và đón nhận một hướng mới. Theo nguyên ngữ Hy lạp, từ sám hối[5] có nhiều lớp nghĩa khác nhau. Nhiều nhà chú giải cho rằng, sám hối là nhận ra và đau buồn về những lỗi lầm, mà mình đã vấp phạm. Nhưng cũng có những ý kiến ngược lại, thì quan niệm rằng, sám hối là mời gọi thay đổi tâm trí và suy nghĩ. Tức là hoán cải, để bước vào nẻo chính đường ngay. Tuy nhiên, có lẽ cả hai cái nhìn trên bổ túc cho nhau. Khi đặt vào trong bối cảnh, những lời đầu tiên của Đức Giê-su cho sứ vụ đi rao giảng công khai, thì ta có thể hiểu, sám hối là lời mời gọi bỏ đi những ngẫu tượng, những ảo tưởng để đón nhận sự thật, đón nhận Đức Giê-su là vị Vua đích thực của lòng mình.
Nhiều lần Đức Giê-su nói rằng Nước Trời đang ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra. Cho nên, có thể nói, việc đưa con người vào trong Nước Trời là sáng kiến của Thiên Chúa. Đức Giê-su chủ động đến gặp gỡ và mời gọi các môn đệ. Chính Ngài gọi và chọn họ, để họ được ở với Người. Họ sẽ bắt chước cách nói năng, cách ứng xử của Người. Họ sẽ học được cách giải quyết các vấn đề và đối diện với các khó khăn. Tắt một lời, trong thời gian sống với Đức Giê-su, các môn đệ đã cảm nếm được Nước Trời là gì. Họ là những chứng nhân và tiếp tục công việc của Đức Giê-su.
Triều đại Thiên Chúa đã đến, nhưng chưa trọn vẹn. Nước Trời là một thực tại, nhưng đang chịu áp lực, và đang trên đường đến sự viên mãn. Nước Trời đã ở đây rồi, nhưng vẫn cần được nhận ra. Thiên đàng không phải là lời hứa sẽ đến trong tương lai, nhưng thiên đàng đã hiện diện ngay ở trên thế giới này rồi. Đức Giê-su đã tỏ lộ con đường vào Nước Trời, nhưng chẳng mấy ai theo. Và Ngài đã giảng dạy nhiều về Nước Trời, nhưng hầu hết những người nghe không hiểu, không chấp nhận sứ điệp mà Ngài đem đến. Ngày nay, Đức Giê-su tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta đi theo Ngài và lao tác với Ngài để Nước Trời được lan rộng tới tận cùng trái đất.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra, điều cần thiết để trở thành môn đệ của Đức Giê-su là lòng quảng đại. Đức Giê-su chờ đợi nơi chúng ta một tấm lòng rộng mở, hơn là những tài năng mà chúng ta có. Tất nhiên, những tài năng là khí cụ tốt để phục vụ Nước Chúa, nhưng điều quan trọng hơn, cần phải có tấm lòng quảng đại. Như các tông đồ xưa, khi nghe tiếng Chúa gọi, các ông đã bỏ hết mọi sự để đi theo Ngài.
Sứ vụ khó khăn của người môn đệ cần lòng can đảm. Để bước theo Thầy Giê-su, họ từ bỏ con thuyền và từ biệt người cha. Họ bỏ lại sau lưng những thứ tạo nên sự an toàn cho cuộc sống của họ. Họ đã chọn một bước đi táo bạo, và chưa thể hình dung được điều gì sẽ xảy đến. Nhưng họ đã quảng đại, can đảm và đặt niềm tin nơi Đức Giê-su.
Bước vào Nước Trời hay không là quyết định của mỗi người chúng ta. Đức Giê-su không ép buộc, nhưng mời gọi chúng ta đón nhận Nước Trời như là món quà của ân sủng. Nước Trời không phải là một „lý tưởng” mơ hồ. Đức Giê-su đã cho thấy vương quốc của Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Vương quốc ấy là tình yêu, tha thứ. Vương quốc ấy đã trở nên rõ nét nơi cuộc đời của Đức Giê-su.
Nước Thiên Chúa đã đến gần, nhưng chưa trọn vẹn. Chúng ta đừng quên lời dạy của Đức Giê-su, hãy cầu xin cho Nước Cha trị đến và cộng tác đắc lực với Ngài, để cho Triều đại Thiên Chúa thể hiện dưới đất cũng như Trên Trời.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niêm Năm A (Mt 4,12-23).
[2] Động từ Hy Lạp ἤγγικεν (engiken) = đến gần. Đức Giê-su nói câu này giống hệt như câu mà Gio-an Tẩy Giả đã loan báo trước đây (xem Mt 3,2).
[3] Thánh sử Mát-thêu dùng từ βασιλεία (basilea) = Đức vua trị vì, muốn nói rằng Thiên Chúa là vua Nước Trời.
[4] Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: „Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ’Ở đây này!’ hay ’Ở kia kìa!’, vì Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông. ” (Lc 17,20-21).
[5] Nguyên ngữ Hy Lạp μeτάνοια (metanoia) = Sám hối.