Suy tư TMCN 1 MC: Cám dỗ

Bài Tin Mừng hôm nay,[1] thánh Mát-thêu ghi lại câu chuyện Đức Giê-su bị cám dỗ trong hoang địa. Đây là một chủ đề rất thực tế và gần gũi với kinh nghiệm sống thường ngày của mỗi người. Câu chuyện này đã khơi lên nguồn cảm hứng cho bức tranh về đề tài cám dỗ. Thông thường, các họa sĩ dùng những hình ảnh xấu xí để mô tả về Sa-tan, như mặc đồ đen, bẩn thỉu, rách rưới, và đôi mắt đỏ ngầu… Tuy nhiên, trong thực tế ma quỷ không chỉ xuất hiện với bộ dạng xấu xa sần sùi, vì nếu ma quỷ mà xấu xa như vậy, chắc chắn ai trong chúng ta cũng tránh xa nó. Ngược lại, ma quỷ còn có thể xuất hiện với dáng vẻ bề ngoài rất đẹp và hấp dẫn. Chúng ăn mặc chỉnh tề, ăn nói có duyên và có tính thuyết phục rất cao. Chúng nhiệt tình đưa ra các chỉ dẫn và sẵn sàng giúp đỡ, dẫn đường cho người khác. Chỉ có điều, mục đích của chúng là dẫn chúng ta vào con đường đổ nát và hư mất mà thôi.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay hôm nay đáng để chúng ta suy gẫm về những cám dỗ đang bủa vây trong cuộc sống của chúng ta. Những cám dỗ rất đẹp, rất hấp dẫn và nghe rất bùi tai. Chúng ta cần phải biết đọc ra những chiêu thức của ma quỷ.

Cám dỗ đầu tiên là biến đá thành bánh. Cám dỗ gắn liền với mong muốn được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Những nhu cầu rất chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng, đây không phải là ưu tiên số một. Vì con người sống không phải chỉ bằng cơm bánh.

Cám dỗ thứ hai là về sự kiêu ngạo, tìm kiếm sự nổi tiếng và thành công một cách nhanh chóng. Sa-tan đưa Đức Giê-su lên nóc đền thờ Giê-ru-sa-lem, và xúi giục nhảy xuống. Cách thức của nó là tâng bốc để tạo sự hưng phấn và tự tin thái quá, rồi sau đó dẫn đến lạc lối. Sa-tan giăng bẫy Đức Giê-su với câu nói đầy tính khiêu khích: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…!”

Cám dỗ thứ ba là về quyền lực. Sa-tan bày ra những điều hấp dẫn và ngọt ngào. Nó thỏ thẻ với Đức Giê-su, chỉ cần Ngài cúi xuống thờ lạy nó một lần mà thôi là sẽ nhận được tất cả, chứ không cần phải thờ lạy cả đời đâu mà sợ! Nhưng Đức Giê-su dứt khoát không nghe theo lời quyến rũ của nó, dù chỉ một lần. Loại cám dỗ này có thể đội lốt dưới những hình thức tinh vi hơn, ẩn nấp dưới những ý hướng có vẻ tốt lành. Ma quỷ đội lốt thần lành, với chiêu bài lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Tức là tự cho phép mình làm nhiều thứ, vì mục đích tốt lành.

Đây chỉ là lần cám dỗ đầu tiên của Đức Giê-su. Trong suốt thời gian đi rao giảng công khai, Ngài còn bị cám dỗ nhiều lần nữa. Và Đức Giê-su đã chiến thắng tất cả những cám dỗ nhờ liên lỉ cầu nguyện và luôn tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm:

Thứ nhất, việc Thần Khí dẫn Đức Giê-su vào hoang địa, để chịu cám dỗ. Đây là một điều lạ lùng! Đúng ra, Thần Khí phải dẫn Đức Giê-su rời xa nơi nguy hiểm đó, thì mới hợp lý! Đàng này, Thần Khí lại dẫn Ngài vào hoang địa, để chịu cám dỗ. Có lẽ, đây là một điều khó hiểu đối với chúng ta. Chính Đức Giê-su cũng dạy chúng ta hãy xin Chúa Cha đừng để chúng con sa chước cám dỗ.[2] Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt, Thần Khí không cám dỗ Đức Giê-su phạm tội, mà chỉ dẫn Ngài vào hoang địa mà thôi. Còn cám dỗ đến từ Sa-tan. Ma quỷ muốn cám dỗ và hy vọng Đức Giê-su sa ngã. Còn Thần Khí dẫn Đức Giê-su vào hoang địa và không bỏ rơi Ngài. Thần Khí luôn đồng hành và nâng đỡ, để Đức Giê-su trở nên mạnh mẽ hơn.

Thứ hai, Đức Giê-su luôn đặt Thiên Chúa lên hàng đầu và không thỏa hiệp với Sa-tan. Chúng ta cần biết rằng, ma quỷ rất tinh ranh. Đôi khi, nó gợi lên những tư tưởng có vẻ thánh thiện, điều mà chúng ta nghĩ là đúng. Nó đội lốt sự tốt lành và thánh thiện, nhưng với mục đích xấu xa, và từng bước dẫn chúng ta rời xa Thiên Chúa. Nếu không đủ tỉnh táo, chúng ta dễ dàng bị ma quỷ xỏ mũi dẫn đi, mà cứ tưởng là mình đang thực hiện ý muốn của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta cần phải luyện tập lắng nghe bằng đôi tai có óc phân định, để nhận ra đâu là tiếng nói đích thực của Thiên Chúa.

Thứ ba, chúng ta phải để ý đến những điều ẩn giấu ở bên trong, đâu là những xung lực dẫn ta đến các quyết định và hành động. Thánh I-nhã, đấng sáng lập Dòng Tên, đã để lại cho chúng ta các hướng dẫn về việc phân định thần loại.[3] Trong số đó, một trong những điều quan trọng nhất, là cần nhận ra cái đuôi của ma quỷ. Tức là để ý xem, chúng đang dẫn ta đi đâu. Mỗi ngày, chúng ta cần dành thời gian để làm việc xét mình.[4] Nếu chúng ta thấy mình đang dần dần rời xa Thiên Chúa, thì chắc chắn đó là ma quỷ, cho dù những việc đó có tốt lành và thánh thiện đến mấy.

Mùa chay là thời gian để chúng ta tập luyện khả năng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa trong con tim mình, và sẵn sàng sống theo ý muốn của Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng ta biết rằng, Sa-tan không bao giờ ngủ, và nó xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau, từ sần sùi xấu xa cho đến tốt đẹp đáng mến. Chúng ta được mời gọi, hãy nhạy bén và tỉnh táo để nhận diện và tránh xa những điều đến từ ma quỷ.

Cuộc chiến của Đức Giê-su với Sa-tan trong hoang địa cũng là cuộc vật lộn thường hằng của mỗi người. Tất cả chúng ta đều phải đối diện với nhu cầu cơ bản về cơm áo gạo tiền, cho đến những tham vọng lớn lao, như sự nổi tiếng và ham muốn quyền lực. Đức Giê-su đã chiến đấu chống lại những nhu cầu ấy một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Chắn hẳn, trong thân phận làm người, Ngài cũng cảm thấy yếu đuối biết bao! Tuy nhiên, Đức Giê-su đã xác tín và phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa đã cho Ngài sức mạnh để vượt qua cám dỗ và đưa ra những quyết định đúng đắn đẹp lòng Thiên Chúa.

Mùa Chay năm nay, tôi được mời gọi, hãy dành thời gian để suy ngẫm về những điều gợi mở trong bài Tin Mừng hôm nay:

Thứ nhất, tôi có coi đời sống tinh thần quan trọng hơn đời sống vật chất không?

Thứ hai, tôi có thực sự khao khát tìm kiếm và sống theo ý muốn của Thiên Chúa, chứ không phải “giả vờ” chỉ muốn biết, mà không thực sự muốn sống theo?

Thứ ba, tôi có xác tín Thiên Chúa là Đấng duy nhất để tôn thờ, và nhất định không chịu làm tôi hai chủ không?

Lạy Chúa, mỗi ngày trong mùa Chay năm nay, xin cho con sống gắn bó và mật thiết với Chúa Giê-su hơn. Xin Thần Khí ban cho con sức mạnh và sự khôn ngoan để vượt qua những cám dỗ, và giúp con vững mạnh hơn trong đức tin. Amen.

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Tin mừng thứ nhất mùa Chay năm A (Mt 4,1-11).

[2] Trong lời Kinh Lạy Cha: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,13).

[3] Các quy tắc phân định thần loại theo thánh I-nhã trong sách Linh Thao 313-336. (có thể đọc online: https://linhthao.net/luutru/133 ).

[4] Thánh I-nhã có lần khuyên các anh em của mình, nếu anh em thực sự không có thời gian để cầu nguyện, thì nhất định không được bỏ việc xét mình mỗi ngày. Cho nên, các tu sĩ Dòng Tên thường có thói quen làm việc xét mình mỗi ngày hai lần. Lần thứ nhất, xét mình trước khi ăn trưa. Lần thứ hai, trước khi đi ngủ.

 

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …