Tại Na-da-rét, “Diễn văn nhậm chức” của Chúa Giêsu Luca 4, 16.30

Tại Na-da-rét, “Diễn văn nhậm chức” của Chúa Giêsu  Luca 4, 16.30
Chìa khóa để đọc mỗi sách Tin Mừng.

Trong Mùa Thường Niên, phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ cho chúng ta nghe lần lượt ba sách Mác-cô, Matthêu và Luca, quen gọi là Ba Sách Tin Mừng Nhất Lãm vì có nhiều đọan giống nhau, có thể viết trên ba cột song song để nhìn được cả ba một trật. Tuy có nhiều điều giống nhau vì xoay quanh cùng một Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và dựa trên một số tài liệu chung do những người nghe rao giảng từ ban đầu truyền lại, nhưng mỗi sách Tin Mừng có một cách nhìn riêng về Chúa Giêsu, vì thế ta không nên “trộn lẫn” bản văn của ba sách Tin Mừng, trái lại cần tìm ra góc nhìn của mỗi sách Tin Mừng để có thể hiểu từng đọan, từng chuyện (trình thuật). Bởi vì “góc nhìn” quyết định việc chọn lựa và cách bố trí khi kể chuyện.

Bạn cứ thử đứng ở những vị trí khác nhau trong phòng, trong nhà bạn và nhìn toàn thể căn phòng hay căn nhà bạn sẽ thấy mọi sự dưới góc độ khác nhau; nếu bạn vẽ theo góc nhìn thì bạn sẽ thấy cái bàn cái ghế được biểu thị bằng những nét khác nhau tùy góc nhìn. Bạn thử nghe những nhân chứng khác nhau kể lại cùng một tai nạn xe, bạn sẽ thấy mỗi người kể lại tùy theo vị trí, thời gian họ thấy, và theo thiện cảm hay ác cảm, theo tương quan của họ với hai bên…

Tương tự thế, sách Tin Mừng được viết ra trong một cộng đoàn tín hữu ở một bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo khác nhau, tuy cùng ở trong đế quốc Rôma. Đế quốc này bao trùm cả vùng Địa Trung Hải, với những vùng địa dư khác nhau, dân cư khác nhau, văn hóa khác nhau, tôn giáo khác nhau… Kitô hữu ở mỗi nơi phải đương đầu với những vấn đề khác nhau.

Sách Tin Mừng được viết ra không phải dể thỏa mãn sự tò mò hay để “mua vui cũng được một vài trống canh” như cụ Nguyễn Du khiêm tốn kết thúc truyện Kiều. Sách Tin Mừng viết ra là để củng cố lòng tin của các Kitô hữu vào Chúa Giêsu Kitô, như thánh Luca nói trong lời mở đầu, thánh Gioan nói trong lời kết. Tín hữu sống lòng tin trong những hòan cảnh khác nhau nên người viết sách Tin Mừng cũng trình bày Tin Mừng để soi sáng cuộc sống của các tín hữu ở vùng của mình.

Mỗi sách Tin Mừng đều cho ta cái chìa khóa để đọc, khi cho ta thấy góc nhìn từ đó cuốn sách đã được viết ra để trình bày Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.

“Diễn văn nhậm chức” của Chúa Giesu tại Na-da-rét: Chìa khóa để đọc Tin Mừng theo thánh Luca

Tuần này Bài đọc thánh lễ hàng ngày bắt đầu chuyển sang sách Tin Mừng theo thánh Lu-ca, nên mời bạn khám phá chìa khóa để đọc sách Tin Mừng này. Chìa khóa là cái chủ đề xuyên suốt chi phối cách bố cục cuốn sách.

Tin Mừng theo thánh Luca bắt đầu kể về sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu với cuộc viếng thăm “Na-da-ret, nơi Người đã được dưỡng dục” (4,16-30).“Người vào Hội Đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh”.

Sách Công Vụ Tông Đồ (15,21) cho biết: “Từ những thế hệ xa xưa, ông Mô-sê có những người rao giảng trong mỗi thành, vì họ đọc lời của ông trong các hội đường mỗi ngày sa-bát”. Từ khi Dân của Giao Ước Sinai tản mác khắp nơi (từ thời lưu đầy Babilon) thì họ đã qui tụ nhau vào ngày sa-bát để nghe đọc và học hỏi Luật Môsê. Được dưỡng dục ở Nadaret, Chúa Giêsu đã quen thuộc với hội đường của quê nhà, với cảnh dân làng cùng tụ họp nghe đọc Sách Thánh. Ngày sa-bát là thời gian nghỉ ngơi và nghe Lời Chúa, hội đường là nơi chủ yếu để họp nhau trong ngày sa-bát. Hôm nay Chúa Giêsu trở về sau một thời gian đi xa, Người đứng lên đọc Sách Thánh giữa những người quen thuộc.

Sau khi đọc một đọan trong sách ngôn sứ I-sa-i-a, Chúa Giêsu ngồi xuống. Một chút thinh lặng để cho lời đã nghe có thể vang vọng, lắng vào lòng người nghe. “Trăm con mắt đổ dồn về phía Người”, dĩ nhiên họ chờ xem Người nói gì về đoạn sách chính Người vừa đọc. “Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm lời Sách Thánh tai quý vị vừa nghe”. Lời xác nhận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: người ấy là tôi đây, chính tôi là người đọan sách giới thiệu, sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người nghèo và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa chính là sứ mạng của tôi.

Có thể nói đó là “diễn văn nhậm chức” của Chúa Giêsu được đọc ngay trong hội đường làng quê của Người vào ngày sa-bát. Diễn văn nhậm chức bao giờ cũng công bố chương trình hành động. Chúa Giêsu đã được xức dầu tấn phong ở bờ sông Gio-đan khi chịu phép rửa: Thánh Thần xuống trên Người và tiếng từ trời vang xuống xác nhận. Sau đó Chúa đã được Thánh Thần dẫn vào tận sào huyệt của satan để đương đầu với nó và Chúa đã chiến thắng, đã tước vũ khí của nó: “sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ, quỉ dữ lìa bỏ Người, chờ đợi thời cơ”. Ở chương 22, sa-tan trở lại và dùng Giu-đa phối hợp với phe lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem để tìm thời cơ.

Bây giờ bạn có thể nhìn lướt từ đầu đến cuối sách Tin Mừng Luca để thấy Chúa Giêsu thực hiện chương trình này chu đáo như thế nào, từ khi làm người trong lòng Đức Mẹ, sinh ra tại Be-lem… cho tới khi từ cõi chết phục sinh. Khi Chúa sinh ra ở Be-lem thì những người đầu tiên được báo Tin Mừng là những người chăn chiên, tức là những người nghèo, người cùng đinh bên lề xã hội. Khi Chúa bị treo trên thập giá thì Chúa ở giữa hai người tội phạm cùng bị đóng đinh vối Chúa, và một trong hai người đã tin vào Chúa, được Chúa báo Tin Mừng lớn nhất: “ngay hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

Sa-tan tru tréo lên mỗi lần phải đối diện với Chúa Giêsu, nhưng nó không thể chống lại lệnh của Người. Khi nó tưởng thắng được Chúa Giêsu bằng cái chết thì nó thua hoàn toàn.

Khi sa-tan tìm được thời cơ để hủy diệt Chúa Giêsu thì lại là lúc Chúa hoàn thành kế họach ngay trên thập giá. Chúa công bố “Năm Hồng Ân của Thiên Chúa” bằng lời cầu nguyện khi vừa bị treo lên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ…” Các Ngôn sứ đã loan báo ơn tha tội tức là Năm Hồng Ân của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đem lại ơn tha tội bằng cái chết và lời cầu xin trên thập giá. Sa-tan thua hoàn toàn như Chúa Giêsu đã trả lời cho những kẻ nói phạm thượng rằng Người lấy quyền quỷ tướng mà trừ quỷ con: “Nếu có người mạnh hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì lấy được” (Lc 11,14-22)

Cuối cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh sai các môn đệ đi đến tận cùng mặt đất công bố cho mọi dân tộc để họ đón nhận ơn tha tội, Năm Hồng Ân của Thiên Chúa.

(Bài viết: Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.
Hình ảnh: http://www.jesus-explained.org/biography-of-jesus-christ.html)

Kiểm tra tương tự

Nguồn gốc tên gọi Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô

Vương cung thánh đường Lateranô có nhiều tên gọi, ám chỉ thánh Gioan Tẩy Giả, …

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *