- Dẫn nhập
Kiến thức là phương tiện chứ không phải là mục đích.
(L. Tônxtôi)
Người có học vấn “Người” hơn. (Bơxơt)
Hạnh phúc chỉ giành cho người hiểu biết. Con người càng biết nhiều càng nhìn thấy một cách rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn chất thơ của trái đất ở nơi mà những người hiểu biết nông cạn không nhìn thấy. (Pautốpsky)[1]
Tiếng Hán có thành ngữ “học ăn học nói, học gói học mở” không? Gửi ý kiến riêng về vấn đề này, Giáo Sư Trương Đức[2] – một học giả người Phúc Kiến vốn thông hiểu văn hóa Trung Hoa và cả văn hóa Việt Nam – nhận định rằng hình như không có, chỉ tìm thấy câu tương đương “sống đến già, học đến già”. Thế nên, có thể nói đây là một trong những tục ngữ mang bản sắc riêng biệt và độc đáo của tiếng Việt. Tục ngữ này không chỉ dừng lại ở việc đúc kết kinh nghiệm cuộc sống của cha ông, nhưng còn khám phá cốt lõi đạo học của người Đại Việt vốn hệ tại sự hòa hợp Tam tài: thiên – địa – nhân. Bàn về việc học cũng là bàn về con người, về vị trí độc nhất của nó trong mối tương quan với vũ trụ. Việc học sở dĩ được phú bẩm là nhằm giúp ta hiểu biết “chất thơ” của vũ trụ và qua đó trở nên “Người” hơn. Đó sẽ là đích nhắm của bài viết, lùi lại một bước đằng sau việc học hầu phác thảo một bức chân dung về con người dưới nhãn quan cá nhân.
Hẳn nhiên, người viết không làm công việc sáng tạo từ cái không thành cái có. Nhân sinh quan của một người bao giờ cũng là thành quả của biết bao thế hệ đi trước và đặc nét của riêng người đó. Không ai xây dựng một hệ thống từ hư vô, ngoại trừ Thượng Đế. Thế nên, bài viết ở đây mặc dù không muốn nhắm tới quan niệm về con người trong ca dao tục ngữ ViệtNam, nhưng muốn tựa vào nó (câu tục ngữ trên) để phản tỉnh và kiến thiết một nhân sinh quan cho riêng mình. Cách chung, bài viết bao gồm ba phần, bàn về sự học, học ăn học nói, học gói học mở. Mỗi phần sẽ khởi đi từ chính ý nghĩa của câu tục ngữ, từ từ diễn giải và cuối cùng rút ra một nhân sinh quan của cá nhân. Trước tiên, chúng ta bắt đầu từ sự học.
- Sự ‘học’
Theo kinh nghiệm phổ biến, học là một quá trình biến đổi từ cái chưa có tới cái có, được thực hiện và làm chủ bởi con người, xét như một chủ thể có ý thức. Nói theo ngôn từ của Aristotle, học có thể được xem là một dạng chuyển động từ tiềm thể đến hiện thể. Loài vật mặc dầu hoàn toàn khả thi trong việc thực hiện các hoạt động chuyển đổi từ cái chưa có tới cái có nơi vài lĩnh vực, nhưng vì chúng không làm chủ (tức là không tự ý thức về chính mình) trong những hoạt động đó nên chúng không có hoạt động học. Tính làm chủ ở đây minh tỏ việc học như một đặc nét duy biệt của con người – một sinh vật có khả năng không chỉ ý thức về thực tại xung quanh mình mà còn ý thức luôn cả chính mình đang tương tác với thực tại. Tính làm chủ theo đó không có nghĩa là làm chủ cả tiến trình chuyển động từ tiềm thể đến hiện thể, nhưng đúng hơn là làm chủ chính mình trong tiến trình ấy. Học không nhất thiết là trạng thái hiện thể hóa hoàn toàn, chính xác đấy là tiến trình đang hiện thể hóa[3]. Vậy thì cái gì được hiện thể hóa trong hoạt động học? Nếu như nền triết học Hy lạp cổ đại xác định con người tự bản chất là khao khát sự hiểu biết[4], thì điều ấy cũng được bắt gặp nơi con người đất Việt qua những câu tục ngữ, như “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” hay “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Một cách cụ thể, sự khôn ngoan được truy tìm chính là việc tri thức về vũ trụ và con người. Do thuộc về nền văn minh lúa nước, cuộc sống người Việt vốn dĩ gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên (đặc biệt là đất đai, sông ngòi), dẫn đến con người và vũ trụ được xem là một thể thống nhất “thiên địa vạn vật nhất thể”. Nhờ ý thức được vũ trụ, tôi ý thức về chính mình và từ đó hình thành một lối sống hay lối hành xử nơi cộng đồng xã hội. Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã nhận định rằng nhận thức về vũ trụ đã hình thành nên một triết lí sống quân bình trong tính cách người Việt[5]. Người Việt coi trọng sự hài hòa âm dương không chỉ nơi cơ thể, mà còn với thiên nhiên; trong cuộc sống, họ đề cao tính cộng đồng, cố gắng không làm mất lòng ai và thường tránh các khuynh hướng gây xung đột hay bất hòa. Nếu xem xét ớ mức độ phổ quát hơn, tri thức mà con người khao khát chiếm hữu cũng tuân theo một quy luật tương tự, giống như đường trôn ốc bắt đầu từ thực tại bên ngoài, tiến tới và kết thúc ở thực tại về chính mình.
Thực vậy, tri thức của con người có thể phân thành ba lớp. Lớp đầu tiên là sự hiểu biết về môi trường sống chung quanh nhằm duy trì sự sinh tồn và sinh sản. Khoa học ngày nay đã có những khám phá thú vị về cách săn mồi cực kì thông minh của một số loài động vật, như một minh chứng về sự hiểu biết của chúng ở một mức độ nào đó. Thế nhưng chúng không thể bằng con người được, bởi vì sự biết của chúng chỉ nhắm đến sinh tồn và ngoài ra không có gì khác. Con người từ thưở ban sơ đã bắt đầu vẽ chính mình và những hoạt động lễ hội mang tính cộng đồng trên những vách đá. Họ biết rằng mình biết. Họ ý thức sự hiện hữu của mình không chỉ để tồn tại, mà còn cho một cái gì khác hơn. Những sinh hoạt cộng đồng (điển hình là lễ hội) ở bề sâu của nó là tượng trưng cho khả năng cảm nhận cuộc sống, hay khả năng ý thức về chính mình trong mối tương quan với thế giới và với đồng loại. Với các câu hỏi (có thể được diễn tả khác nhau theo mỗi nền văn hóa) điển hình như “Tôi là ai? Tôi hiện diện để làm gì? Tôi từ đâu tới và sẽ đi về đâu? v.v.v…”, con người biểu lộ họ là con vật có khả năng tự ý thức về chính mình. Chính nhờ khả năng tự ý thức này, tri thức của con người vượt lên từ lớp thứ nhất đến lớp thứ hai (lớp trung gian) – tri thức về con người trong mối tương quan với thế giới và xã hội, và lớp thứ ba – tri thức về chính mình.
Như vậy, việc học được diễn ra qua hai tiến trình trùng khít nhưng không đồng nhất với nhau. Thứ nhất là quá trình dần dần thể hiện hóa tri thức về thực tại, cũng là sự ý thức của tôi về chúng ngày thêm rõ nét và trong suốt. Thứ hai là quá trình hiện thể hóa tri thức về tôi hay sự ý thức về chính tôi trong mối tương quan với thực tại đó. Thế ra, đích nhắm cuối cùng của việc học không gì khác hơn là việc biết chính mình để trở nên chính mình. Học là để xoay chuyển các mối quan tâm cho đúng hướng! Đành rằng, phần đông mọi người chỉ muốn dừng lại ở tiến trình thứ nhất, chỉ muốn trở nên chuyên nghiệp ở một lĩnh vực nào đó, nhưng thực ra họ vẫn đang rong ruổi tìm kiếm tri thức về chính họ. Trước hết, chúng ta nhận thấy phía sau của cái gọi là địa vị, quyền lực, của cải, không gì khác hơn là khát khao giá trị của mình được công nhận (tức là sự hiện hữu của tôi là có ý nghĩa) và mong muốn siêu vượt lên chính mình (do khả năng tự ý thức thúc đẩy). Hạnh phúc ở đây đồng nghĩa với việc nắm trọn sự hiện hữu của mình và được phê chuẩn bởi mọi người. Và một khi con người cứ mãi lao vào vòng xoáy danh vọng và quyền lực với đầy rẫy bất an và lo sợ, họ cũng đã tự biểu lộ chúng không lấp đầy được ước mong của họ hay chính xác hơn là họ đã tìm nhầm địa chỉ[6]. Bởi thế, chân lý khác quan sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu nó không cho tôi biết tôi là ai và không giúp tôi biết phải sống thế nào. Song le, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự tồn tại khoảng cách giữa hai tiến trình này. Năng lực tự ý thức có thể là phương tiện hữu hiệu giúp tôi tiến vào tiến trình thứ hai, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy vẫn cần một yếu tố khác nữa. Đó là ân sủng. Con người được ban cho khả năng tự ý thức để đi vào chính mình, nhưng qua khả năng này họ cũng nghiệm ra sự bất lực để dấn thân vào tiến trình đó. Tự ý thức không chỉ để tự ý thức, đúng hơn nó hiện diện cho một cuộc gặp gỡ giữa Đấng tuyệt đối (hướng xuống) và con người (hướng lên).
Kết lại, thông qua hành vi dấn thân vào việc học, con người được phác họa như một hữu thể khao khát nhận thức bản thân mình để trở nên chính mình trọn vẹn. Và đó cùng là cùng đích tối hậu của họ. Là người thì đều phải học. Thế sao kinh nghiệm của người Việt xưa khái quát rằng chỉ cần học bốn điều mà thôi “học ăn, học nói, học gói, học mở”? Dường như, bốn lĩnh vực này liên hệ đến bốn thành tố cơ bản nơi con người xét như một tổng thể: thể lý, trí năng, tâm cảm và tâm linh. Hiển nhiên không phải thể lý, trí năng, tâm cảm hay tâm linh của tôi học mà là chính tôi học. Cách phân chia ở đây chẳng qua thể hiện bốn góc nhìn về một con người duy nhất. Với từng góc nhìn, tiếp theo chúng ta sẽ khảo sát xem con người dấn thân vào tiến trình trở nên chính mình như thế nào.
- Học ăn, học nói
Cái ăn đóng một vai trò rất quan trọng đối với con người. Đó là nhu cầu căn bản nhất và không thể thiếu đối với bất kì sinh vật nào có sự sống. Ăn là để chuyển hóa nguồn năng lượng của thiên nhiên thành nguồn năng lượng sống nơi chính mình ngang qua những cơ chế phức tạp và diệu kì của cơ thể. Một cách đặc biệt đối với truyền thống đất Việt, con người và thiên nhiên vốn gắn liền mật thiết với nhau, nên rất đề cao cái ăn, “Có thực mới vực được đạo”. Thậm chí, ông Trời còn phải trân trọng hoạt động này, “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Có lẽ do tầm quan trọng như thế, nên trong ngôn ngữ Đại Việt chữ ‘ăn’ thường được đi kèm với phần lớn các hoạt động của con người, chẳng hạn ăn ở, ăn nói, ăn chơi, ăn nằm, ăn cắp, ăn hối lộ, ăn năn, ăn hàng, ăn chắc mặc bền ăn nên làm ra, v.v.v… Thêm nữa, người Việt còn lưu ý đến sự hài hòa âm dương nơi các món ăn và sự quân bình âm dương nơi cơ thể[7]. Phải chăng đây là cái cần được học trong việc ăn hay cái cần được thể hiện hóa? Điều này cũng đúng, nhưng chưa phải là điểm nhấn mà cha ông thời trước muốn con cháu thời nay lĩnh hội. Cái ăn đối với người Việt không chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng cơ thể mà còn vươn tới việc nuôi dưỡng sự hòa hợp giữa cá nhân và cộng đồng xã hội. Đây là cái mà thường được gọi là phép lịch sự trong ăn uống, hàm chứa một sự ý tứ và mực thước trong khi ăn, “ăn trông nồi ngồi trông hướng” ; “ăn có chỗ, đỗ có nơi”. Sở dĩ sự hòa hợp nảy sinh như một nhu cầu quan trọng, có thể là do lối sống nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên. Người nông dân phải liên kết với nhau, phải dựa vào nhau mà sống, và dẫn đến tính cộng đồng được đặc lên hàng đầu trong phong tục làng xã người Việt[8]. Tính hòa hợp này không chỉ hướng tới những người đang đồng bàn với tôi, mà còn cả với những người khác hầu giữ cho trọn chữ tình chữ nghĩa:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
hay
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sang
Học ăn lẽ thế không dừng lại ở sự hài hòa âm dương nơi thân xác và món ăn, mà còn học cách dùng hoạt động của thân xác để biểu lộ mối dây liên kết đậm đà tình nghĩa giữa con người với con người. Học ăn, con người vừa tìm hiểu về chính thân xác mình vừa tôn trọng giá trị hiện diện của nó. Thân xác không phải là sự yếu đuối, là cơn cám dỗ “ăn thì ăn những miếng ngon” hay “ăn tàn ăn mặc, ăn nát cửa nhà”. Thân xác không giam hãm cá nhân[9], đúng hơn tự cá nhân đã giam hãm chính mình trong sự vô tri cố chấp (do không chịu học). Quả thật, thân xác là nơi con người tỏ lộ khả năng tự ý thức cũng như sự siêu việt của mình. Thánh I-nhã, trong bộ quy tắc về ăn uống, đã khuyên nhủ thao viên nên hướng đến các sự thiêng liêng trong lúc ăn bằng việc nghe sách thiêng liêng, chiêm niệm đời sống các thánh hay tưởng tượng như đang cùng ăn với Đức Kitô[10]. Điều này có nghĩa là gì nếu không phải minh tỏ rằng hoạt động ăn uống dù được thực hiện cho thân xác và bởi thân xác nhưng cũng là hoạt động nhấc mình lên khỏi chính mình.
Và còn gì huyền nhiệm hơn nữa khi thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Living Budda, Living Christ giảng pháp sự nhấc lên khỏi này như hành vi cảm và nếm cả toàn thể vũ trụ nơi của ăn. Thế nhưng cái hữu hạn làm sao có thể ôm trọn và chứa đựng cái vô hạn được? Phải chăng cái vô hạn cần được ‘gói’ lại để chuyển trao và khi được ‘mở’ ra đúng cách sẽ biến đổi cái hữu hạn thành vô hạn[11]? Nếu Thiên Chúa không tự gói chính mình lại nơi Đức Kitô thì làm sao chúng ta có thể đón nhận Ngài? “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. Ga 6,54-56), nhiệm tích thánh thể giờ đây được tỏ lộ, tôi ăn ‘Đức Kitô’ là ăn chính thịt và máu thật của một con người nhưng một khi được chuyển hóa và mở ra đối với tôi thì cái tôi lãnh nhận không phải là hữu hạn mà là vô hạn, “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Nói tóm lại từ góc độ thể lý (với đặc thù là hoạt động ăn), con người vẫn hiện diện trong tiến trình nhận thức dần dần về thực tại (cơ thể của mình và thiên nhiên) cho tới nhận thức về chính mình là ai trong các mối tương quan xã hội và với toàn thể vũ trụ.
Trong cùng luồng chảy này, học nói cũng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với học ăn, nhưng ớ cấp độ tinh tế và phức tạp hơn. Nói không chỉ là hoạt động phát ra âm thanh của cơ quan cuống họng, nhưng nó còn phản ánh cách thức vận hành của tư duy. Học nói theo đó không dừng lại ở việc tập nói của cậu bé lên ba “con lên ba cả nhà học nói”, trong mức độ cao hơn đấy có thể được xem là học cách tư duy, cách suy nghĩ. Câu nói càng sáng sủa, ý tứ sâu sắc càng chứng tỏ sự thông tuệ và bề dày của tư tưởng. Nơi các nguyên tắc ứng xử của người Việt, yếu tố tình nghĩa luôn luôn hiện diện và không thể thiếu được “tiếng chào cao hơn mâm cỗ” hay “Thà rằng ăn bát cơm rau, còn hơn cá thịt nói nhau nặng lời”[12]. Thế nên, cách thức giao tiếp hệ tại ở sự tế nhị, ý tứ và dĩ hòa di quí. Từng lời từng chữ thốt ra phải được đắn đo cân nhắc kĩ càng, “Ăn có nhai, nói có nghĩ” hoặc “Chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói”. Hiểu nhằm hay hiểu chưa tới hầu như là do nói mà không ý thức mình đang nói gì, không xác định rõ là chính tôi đang nói hay người khác nói trong tôi. Phía sau các chức năng của hội thoại (như thông tin, thuyết phục, biểu cảm…) nói đến cùng là việc tôi tự diễn tả ‘tôi’ như một cá thể độc nhất cho người khác. Thực tế, con người vừa giao tiếp với người khác nhưng cũng có thể giao tiếp với chính mình (nhờ công cụ ngôn ngữ). Phản tỉnh về khả năng hội thoại với cái bên ngoài mình, con người từng bước đi vào khả năng hội thoại với chính mình và sẽ có lúc ngỡ ngàng thốt lên: “cái (tôi) đang tự hỏi nó là ai thật sự chính là ai vậy”. Học nói vì vậy khoan sâu cho đến tận cốt lõi là học tự ý thức về chính mình nhằm trở nên chính mình. Học ăn, học nói cuối cùng cũng là học cách nhận thức mình không phải là bản sao của bất kì ai (bất kì lập trường hay khuynh hướng xã hội nào), vừa hòa hợp với cộng đồng mà không bị mất hút trong đó, vừa lệ thuộc vào cơ cấu không gian thời gian (môi trường sống, văn hóa và cộng đồng) mà lại siêu vượt lên chính mình để trở nên cá nhân độc sáng và giá trị.
- Học gói, học mở
Gói và mở là hai chữ quá quyến rũ và huyền nhiệm. Nếu đặt dấu ba chấm, “gói…, mở…” thì chúng ta có thể điền vào chỗ trống ấy gần như mọi chuyện trên thế gian này. Thưở xa xưa thời vua Hùng thứ sáu, hoàng tử Tiết Liêu (hay gọi là Lang Liêu) đã được truyền lại ngôi vàng nhờ dâng lên vua cha thứ bánh vô cùng có ý nghĩa, bánh chưng, bánh giầy. Bánh chưng được làm từ gạo nếp và gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, bánh giầy được làm từ xôi và vuông tròn lại để tượng trưng cho Trời. Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng trưng sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ dành cho con cái. Ở một góc độ nào đó, chúng ta chiêm ngắm được toàn bộ trời và đất được gói lại trong chiếc bánh chưng bánh giầy và một khi được mở ra thì lại nhận được cái cốt lõi nhất trong vũ trụ này, tình yêu giữa con người với con người. Bởi đó, tôi mới nhận định rằng hành động gói và mở tự nó như muốn ôm trọn tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Và nơi chiều sâu hiện hữu của nó, hành vi gói mở hiển hiện ra như một hành vi trao tặng và đón nhận. Một sản phẩm được tạo nên bởi đôi tay, khối óc hay đúng ra là toàn thể con người tôi có ý nghĩa gì nếu không phải là để trao tặng dù đó là cho người khác hay cho chính tôi[13]. Hệ quả, gói và mở diễn ra chủ yếu bên trong địa hạt tâm cảm và tâm linh[14].
Cụ thể hơn, chúng ta tự hỏi đối tượng của hai hành vi này là gì? Đó có thể là cái liên hệ với tôi (có thể bên ngoài hoặc bên trong) hay là chính tôi (theo nghĩa cốt lõi nhất). Sự phân chia ở đây chỉ mang tính cách tương đối, bởi vì phần lớn những cái liên hệ với tôi cũng mang lấy chính căn tính của tôi. Chẳng hạn nước mắt, nụ cười của tôi hay thậm chí một tác phẩm nào đó được soạn ra bởi tôi. Phân chia để chiêm ngắm và cảm nghiệm (thành phần), nhưng một khi đã nghiệm và ngắm thì gom trở lại trong khối toàn thể của nó. Trước hết, có lẽ câu tục ngữ khởi phát từ chuyện gói nước chấm vào lá chuối xanh nơi phong tục làng quê Việt Nam[15]. Biết gói và mở gói nước chấm trong trường hợp này là tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp. Hiển nhiên phạm vi ẩm thực chỉ là điểm xuất phát, câu tục ngữ tự nó còn có thể mở rộng đến các phạm vi khác nhau của con người.
Gói là hành vi mang những thứ rời rạc vào một cấu trúc xác định trong một miền không gian-thời gian cụ thể[16]. Và chính trong cấu trúc đó, những thứ ấy được nhào nặn và hợp nhất với nhau. Rồi khi được mở ra, tất cả chúng mặc lấy một diện mạo mới hoàn toàn, chúng trở nên một phần của chủ thể đã gói chúng. Bọc lấy một cuốn sách để tặng bạn thân, cuốn sách được nhào nặn với những tâm tình của người gói (tri ân, yêu thương, hy vọng, nguyện cầu…) và biến đổi thành cái mà chúng ta gọi là tặng phẩm. Đây cũng là chiều kích vật chất và phi vật chất của một món quà. Có những món quá chỉ chú trọng chiều kích vật chất (trang trí bắt mắt với thành phẩm đắt đỏ) hay phi vật chất (những lời lẽ tình cảm, bóng bảy có cánh nhưng gần như sáo rỗng) thì người đó chưa học gói tới nơi tới chốn. Học gói là học diễn tả chính tôi ngang qua món quà. Nhưng thiết nghĩ, món quà quý nhất vẫn là tôi, được gói ghém từ chính những gì mình là và những gì mình có nơi hiện hữu của mình[17]. Học gói, vượt lên mức độ những tâm tình và cảm xúc, còn là học cách hội nhất con người mình để trở nên chính mình hầu trao tặng cho tha nhân. Gói lẽ thế mà gắn liền với being. Người gói ghém vụng về thì bản thân thường bị phân mảnh và cái mà họ trao tặng chỉ là những mảnh vỡ từ hữu thể của mình chứ không phải chính mình. Con người với con người thì luôn luôn hòa hợp, nhưng một phần của con người với một phần của con người thì hay dấy lên mẫu thuẫn và xung đột.
Mở là hành vi tháo cởi tặng phẩm ra khỏi cấu trúc để tôi thấu hiểu bản chất đích thực của nó và đón nhận nó vào chính hiện hữu của tôi. Cuộc sống vốn dĩ là ông già Noel tốt bụng quá mức, luôn dành cho chúng ta những món quà ngoài sức mong đợi. Vấn đề là tôi có biết mở nó ra để lãnh nhận món quà ấy hay không? Ánh mặt trời lấp lánh, khí trời trong lành là điều được ban cho tôi mỗi ngày. Người biết cảnh ‘mở’ sẽ thấy mình được yêu thương và vỗ về. Cuộc sống luôn mới mẻ trong từng khoảng khắc. Họ tràn trề sức sống và trở nên vô cùng phong phú, họ được biến đổi. Một ánh mắt khốn khổ hay một nụ cười tươi tắn, nếu biết cách mở sẽ tôi sâu lắng hơn và bao dung hơn. Không biết mở, mọi điều sẽ bị ẩn giấu trước mắt chúng ta và cuộc đời sẽ trôi nổi theo sự đơn điệu và tẻ nhạt. Mọi thứ đều quen thuộc và chẳng gì mới lạ. Tâm hồn lúc đó cằn cỗi và khắc nghiệt biết bao! Từ, bi, hỉ, xả chẳng phải là lời mời gọi (của Đức Phật) mở ra với người khác hay sao. Bởi đó, mở cũng là mở cõi lòng của tôi chứ không chỉ là cái liên hệ với tôi. Mở ra không phải nhằm đánh mất chính mình nhưng nhằm cho mình cơ hội để trở nên chính mình. Mở theo đó gắn liền với becoming. Như thế, dường như tồn tại một mối dằng co căng thẳng giữa gói và mở. Thật sự, có nhiều điều hiện diện không phải để chúng ta hiểu thấu hoàn toàn, nhưng là để chúng ta nghiệm và yêu chúng. Nơi mầu nhiệm về chính tôi, giải thích chỉ để giải thích ắt hẳn phát sinh căng thẳng và dằng co, nhưng giải thích để bước lên bậc cao hơn, chiêm nghiệm, thì lại đưa đến tuệ giác (cái nhìn thông tuệ) trong các kiến giải về chính mình.
- Kết luận
Chỉ với tám chữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, chúng ta đã có thể tiêu tao tự tại khắp cùng trời cõi đất và cao quý nhất là được ngao du trong chính huyền nhiệm của bản thân mình. Cám ơn tổ tiên đất Việt, cám ơn trực giác vĩ đại về vũ trụ và về con người. Quả thật chỉ cần bốn điều phải học mà thôi. Chỉ cần một ngọn hải đăng duy nhất mà thôi, đó là trở nên chính mình trong sự hữu hạn và bất toàn. Sự cao cả của con người hệ tại chỗ đó, chính khi chấp nhận và trở nên mình thì con người đang siêu việt lên chính mình. Thế nhưng, chính trong chiều sâu của sự tự ý thức tôi nghĩ rằng, con người siêu việt lên không phải để đối diện với chính mình nhưng với Đấng là nguồn cội của tất cả. Siêu việt cốt để gặp gỡ! Con người không hiện hữu và trở nên chính mình chỉ thuần cho cá nhân mình, mà là cho Đấng ấy. Một khi đã gặp rồi, chúng ta lại ý thức rằng chúng ta hoàn toàn bất lực trong hành trình trở về với bản ngã của mình. Và đó cũng là một cánh cổng khác mở ra cho bài viết ở đây, một khi tôi khao khát mãnh liệt trở nên tôi thì tôi thấm thía sự bất lực và cần lắm một sự trợ giúp. Vì thế, con người không làm chủ “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, đúng là “biển học vô bờ, siêng năng là bến”. Một huyền diệu nhưng đó mới là sức sống đích thật!
Nguyễn Ngọc Khang S.J.
THƯ MỤC CÁC SÁCH THAM KHẢO
(1) HoàngVăn Hành, Kể chuyện Thành Ngữ – Tục Ngữ, NXB. Văn Hóa Sài Gòn, 2005, tr. 214-215.
(2) I-nhã, Linh thao_Bản văn AA’, do Lê Quang Chủng chuyển dịch, Nhà tập Thánh Tâm, 2006, s. 210-217.
(3) Kavanaugh, John F.,S.J, Aquinas on Human and appetitive Powers as Embodied, reflexively endowed beings, excerpt from Readings on Human identity and the mind-body Problem, ???.
(4) Thái Doãn Hiểu-Hoàng Liên, Lời vàng, NXB không rõ, 1989, tr. 131-144.
(5) Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt nam, NXB. Giáo Dục, 1999, tr. 50-51; 89; 155-159; 197-198.
(6) Thu San Nguyễn Thế Hùng, http://www.chuabuuminh.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=76D452.
[1] x. Thái Doãn Hiểu-Hoàng Liên, Lời vàng, NXB không rõ, 1989, tr. 131-144.
[2] x. Thu San Nguyễn Thế Hùng, http://www.chuabuuminh.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=76D452.
[3] Trong khi hành vi sáng tạo mang đến cái có từ hư vô, thì hành vi học phải dựa trên các chất liệu sẵn có. Sự sáng tạo mà chúng ta thường đề cập trong việc học phải được hiểu trong phạm vi của một cái nền đã có sẵn.
[4] Đây là câu khởi đầu trong tác phẩm Metaphysis của Aristotle.
[5] “Triết lí âm dương giải thích bản chất của vũ trụ, ngũ hành hành giải thích cấu trúc không gian của vũ trụ, lịch âm dương và hệ đếm can chi giải thích cấu trúc thời gian của vũ trụ. Cũng những tri thức đó đã được vận dụng để tìm hiểu và khám phá con người trên các phương diện tự nhiên và xã hội.” Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt nam, NXB. Giáo Dục, 1999, tr. 50-51.
[6] Thánh Augustine mô tả điều này rất hay trong quyển 2 đoạn 6 của “Tự thuật” khi ngài miêu tả những kẻ lầm lạc thực ra cũng đang kiếm tìm điều thiện hảo nhưng tiếc thay họ tìm không đúng chỗ: tìm hạnh phúc nơi miền đất của sự chết.
[7] Chẳng hạn về sự quân bình âm dương trong các món ăn, “ Gừng đứng đầu vị nhiệt (dương) có tác dụng làm thanh hàn, giải cảm, cho nên được dùng làm gia vị đi kèm với những thực phẩm có tính hàn (âm) như bí đao, rau cải, cải bắp…rau răm thuộc loại nhiệt (dương) đi với trứng lộn thuộc loại hàn (âm)… Chén nước chấm dung hòa đủ ngũ hành: vị mặn (thủy) của nước mắm, đắng (hỏa) của vỏ chanh, chua (mộc) của chanh giấm, cay (kim) của tiêu ớt.” hay về sự hài hòa âm dương trong cơ thể, “đau bụng nhiệt (dương) thì cần ăn như thứ hàn (âm) như chè đậu đen, trứng gà, lá mơ… bệnh sốt cảm lạnh (âm) thì ăn cháo gừng, tía tô (dương), còn sốt cảm nắng (dương) thì ăn cháo hành (âm).” Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr. 197-198.
[8] x. Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr. 89.
[9] Một số trường phái triết học Hy lạp thời thượng cổ, đặc biệt Plato và Tân Plato, không xem trọng thân xác và coi nó như một nhà tù giam hãm linh hồn. Trong khi dó, người Việt dường như gán cho những hành động như “tham ăn tục uống” là chưa được giáo dục đúng mức. Đồng thời, họ cũng không lưu ý nhiều vào những xung đột nội tâm như người Hy Lạp nhận thấy, vốn là điều sẽ đi tới khuynh hướng đổ tất cả trách nhiệm cho thân xác. Thiết nghĩ, sự khác nhau như thế là do bối cảnh và nền văn hóa. Bên Hy Lạp xuất phát từ cá nhân rồi mới tới cộng đồng, còn bên Đại Việt thì khởi đi từ cộng đồng rồi mới đến cá nhân. Từ cá nhân, sự yếu đuối được xem như nảy sinh từ thân xác ; từ cộng đồng, thì sự yếu đuối lại xem như từ sự thiếu dạy dỗ của gia đình và làng xóm.
[10] x. I-nhã, Linh thao_Bản văn AA’, do Lê Quang Chủng chuyển dịch, Nhà tập Thánh Tâm, 2006, s. 210-217.
[11] Ở đây chúng ta thấy một sự thấm nhập vi diệu giữa ăn và gói, mở. Thật sự, bốn hành vi ăn, nói, gói, mở (có thể nói theo tinh thần phật pháp) tuy là bốn mà không phải là bốn nhưng cũng chẳng phải là một. Không phải bốn và cũng không phải một!
[12] Người Việt rất coi trọng tình nghĩa “một bồ cái lí không bằng một tí cái tình”, x. Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr. 155-159.
[13] Trường hợp những công nhân trong các nhà máy hay những người ở các quầy bán hàng lưu niệm, sản phẩm được tạo ra dẫu rằng chỉ để tìm miếng cơm manh áo, nhưng vẫn có thể coi là hành vi trao tặng (mặc dù ở cấp độ thấp nhất: bị ép buộc). Nhưng nếu được ý thức, thì nó sẽ trở nên hành vi trao tặng đích thực. Do thế, tùy vào sự ý thức của tôi mà một hành động có thể được nâng lên tới mức của một hành vi trao tặng đúng nghĩa.
[14] Bất kì một hành vi mà tôi dấn thân vào thì không phải là sự chuyển dịch của một khía cạnh riêng lẻ nào đó, thân xác, trí năng, tâm cảm hay tâm linh mà là trọn vẹn cả con người của tôi. Hành vi gói mở không phải là phi lý tính hay phi vật chất. Nói hai hành vi này thuộc địa hạt tâm cảm và tâm linh, thì chỉ muốn nói nơi sự dấn thân gói và mở con người được bộc lộ mình rõ nhất trong hai chiều kích này.
[15] Lá chuối tươi giòn, dễ gãy khi gói, dễ tung bật khi tháo ra. Người gói phải khéo tay mới gói được. Người ăn phải biết cách mở sao cho nước chấm không bị tung tóe ra ngoài và dấy bẩn lên quần áo người khác. X, Hoàng Văn Hành, Kể chuyện Thành Ngữ – Tục Ngữ, NXB. Văn Hóa Sài Gòn, 2005, tr. 214-215.
[16] x. Thu San Nguyễn Thế Hùng, http://www.chuabuuminh.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=76D452.
[17] Chúng ta không chỉ gói ghém những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ, hy vọng và tuyệt vọng, nhưng còn cả cái chúng ta là.