Tại sao Thiên Chúa ban cho con người tự do?

Tác giả: Brenton Cordeiro

Một trong những món quà to lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là tự do. Sự tự do cho phép chúng ta chọn lựa hành vi của mình và sự tự do tỏ cho ta thấy rằng chúng ta không bị bó buộc bởi một kế hoạch tiền định nào trên cuộc đời mình. Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta sự tự do như một phần của phẩm giá mà Ngài dành riêng cho con cái loài người để họ có khả năng làm chủ hành vi của chính mình.

Vâng, chúng ta thông dự vào sự tự do nhưng nó không có nghĩa rằng chúng ta có thể làm những gì chúng ta muốn miễn là điều ấy không gây hại đến người xung quanh. Điều này là một ý nghĩa mới của tự do. Vì chúng ta điểu khiển những hành vi của mình, chúng ta cũng có trách nhiệm với những hành vi đó. Ý nghĩa này không phải Giáo Hội đang cố gắng “can thiệp” vào cuộc sống của chúng ta với những quy tắc hay giới hạn trên sự tự do. Thay vào đó là một sự tự do hoàn toàn đi đôi với một trách nhiệm to lớn.

Sự tự do là một sức mạnh để làm điều chúng ta nên làm, mà điều ấy không phải lúc nào cũng hợp với điều mà chúng ta muốn làm. Cốt lõi của mọi việc, Thiên Chúa đã trao ban chúng ta sự tự do vì trong sự tự do mà chúng ta có thể chọn Thiên Chúa như là Chúa và là tình yêu của đời mình và nỗ lực đạt được sự hoàn hảo. Chính vì sự hoàn hảo đó mà Ngài đã dựng nên chúng ta ngang qua sự trung tín đối với Thiên Chúa.

Tôi cảm thấy được thúc đẩy để viết ra điều này vì tôi đã sống trong một cảm giác mờ ảo của sự tự do trong nhiều năm. Nhưng một lần tôi phát hiện ra được ý nghĩa đích thực của sự tự do trong đời mình. Điều ấy đã biến đổi cuộc đời tôi và tôi đã cảm nhận được rằng mình cần chia sẻ điều này với những ai đang muốn nghe.

Sự tự do sẽ định hình cuộc sống của mỗi người. Chúng ta có thể sử dụng tự do cho những điều đưa cuộc sống của chúng ta hướng tới gần Chúa hơn hay chúng ta có thể làm méo mó sự tự do trong đời mình khi dùng tự do như là một tờ giấy phép để thỏa mãn bản thân, thậm chí khi chúng ta biết những điều đó là sai trái.

Tin xấu là sự tự do của chúng ta đã bị hư hoại bởi tội lỗi. Điều này là lý do tại sao chúng ta hay vật lộn giữa chọn lựa điều chúng ta biết là đúng và điều ngược lại. Sự lựa chọn trái ngược vẫn đang níu giữ và dẫn chúng ta làm điều gì đó mà chính chúng ta thực sự không muốn làm. Tôi biết rằng mình cần phải chiến đấu với những chọn lựa đó cách dứt khoát. Trong đời sống của mình, đôi khi tôi có những cách hành xử thiếu lành mạnh. Những điều đó nó áp đảo tôi và dẫn tôi đến chỗ phải nói “đồng ý” với điều thực tâm tôi muốn nói “không”.

Tin tốt cho sự tự do của chúng ta là ngang qua Đức Ki-tô mà mỗi chúng ta có sẵn ơn lành để chúng ta chống trả lại và để chiến đấu mà đạt tới tầm mức tự do sâu xa hơn bao giờ hết trong cuộc đời mình. Thực tế mà nói, đó là một phần lý do tại sao Chúa Giê-su đã đến thế gian này để chịu chết vì chúng ta. Thánh Phao-lô đã nói rằng chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta (Gl 5,1). Sự tự do là khí cụ đạt được sự hoàn hảo của con người, niềm hạnh phúc đích thực và dẫn đưa chúng ta là những người con của Chúa đang trên đường hướng về sự thánh thiện và ơn cứu độ linh hồn mình đến sự viên mãn

Có những cách thế khác nhau mà tự do của chúng ta bị hạn chế. Dưới đây chỉ là một số ví dụ:

Khao khát xác thịt: nhiều người trong chúng ta sống dưới quyền lực của sự thèm khát, nghĩa là đói, khát và tình dục. Vì thế, không ít người trong chúng ta cố gắng ăn thật nhiều hay uống rượu bia quá độ vì chúng ta dùng chúng để xoa dịu những nỗi đau sâu thẳm trong đời mình. Những người khác sống trong sự kìm kẹp của những nội dung khiêu dâm hay khi chúng ta thường sử dụng ứng dụng Tinder (một ứng dụng hẹn hò). Dù là thức ăn, thức uống hay tình dục (trong bất kì cách thức nào thì những điều này cũng bộc lộ chính nó), nếu chúng ta thành thực với lòng mình, chúng ta đã không chọn lựa những điều ấy cách “tự do”. Thử áp dụng điều này cho chính mình và bạn sẽ thấy điều tôi nói là đúng. Khi bạn cảm thấy bị khiêu khích để thỏa mãn, bạn không thể thực sự nói “không” và quả là khó khăn khi bạn bị kẹt giữa những khao khát ấy. Như là một lời tiên báo, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nói về sự lạm dụng tự do dẫn ta đến việc làm tôi cho tội lỗi (GLHTCG 1733)

Khó lòng tha thứ: Cảm giác sâu xa của sự không tha thứ, đặc biệt là chống lại những người gần gũi với chúng ta nhất (những người may mắn có người sát sườn mình nhất, thường bị họ gây tổn thương nhất), có thể kéo ghì chúng ta vào vòng xoáy mà chúng ta thấy mình thường nung nấu trong giận dữ, chua cay, oán hận… để phản kháng lại những người đã xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta cho phép hành động của người khác điều khiển chúng ta và họ đã không hề nhận ra sự tổn thương chúng ta và những ảnh hưởng đó tác hại đến chúng ta ra sao.

Sự bất lực của nỗi sợ hãi/ xấu hổ: không ít người trong chúng ta cũng đang sống trong sợ hãi và xấu hổ vì những điều đã xảy ra (đôi khi vẫn đang xảy ra) trong cuộc đời mỗi người. Những nỗi sợ này có thể từ một nỗi sợ bị chối từ hay nhạo báng, hoặc xấu hổ vì một thói quen xấu và nhiều thứ khác. Chúng ta luôn sợ những người xung quanh có thể thấy “sự thật” của mình hay ta phải che giấu “tội lỗi thầm kín” của ta. Một số người lại hổ thẹn về dáng vẻ bề ngoài hay tin rằng chúng ta quá béo, quá gầy, quá cao, quá thấp, quá xấu, quá ngu ngốc hay đại loại như thế. Và những niềm tin này đôi khi là sự bất lực bởi vì chúng có thể phá hủy đi sự tự tin và hình ảnh của chúng ta.

Thay vì trở nên tự trách cứ hay tự kết án chính mình với những sợ hãi, bất an, tội lỗi và u mê… Thiên Chúa mong muốn chúng ta sống trọn vẹn phẩm giá làm con mà Ngài đã dành riêng cho mỗi người. Một điều thực sự đụng chạm đến tôi qua lời nói của Đức Cha Robert Barron nói: “Thiên Chúa đã yêu chúng ta vào trong sự tồn tại và Ngài muốn yêu chúng ta vào trong sự toàn vẹn”.

Ngay mỗi ngã rẽ trên còn đường ta đi, lắm lúc chúng ta gặp những lúc khó khăn hay cả những cám dỗ, dù gì chúng ta phải tiếp tục tiến lên để dùng chính sự tự do của chúng ta mà chọn lựa con đường dẫn chúng ta đến chóp đỉnh của sự tự do, thay vì nó lại dẫn chúng ta chìm sâu vào sự nô lệ của tội. Một lần nữa, sự tự do luôn có đó ngang qua Chúa Giê-su. Nếu Chúa Giê-su giải thoát chúng ta bằng Thánh Giá của Ngài thì quả thật, chúng ta tự do (Ga 8:36)! Chìa khóa để phá vòn xoáy trong đời chúng ta là liên tục nói lên sự thật vào những dối trá mà chúng ta đã từng tin tưởng. Chúng ta là những người con yêu dấu của Chúa Chí Thánh. Những nỗi đau và yếu đuối của chúng ta không định nghĩa cũng như không điều khiển được chúng ta.

Thánh I-rê-nê là một vị thánh nổi tiếng từ thời sơ khai của Giáo Hội đã từng nói rằng “Vinh quang của Thiên Chúa là sự sống tràn đầy của con người”. Hôm nay, tôi “sống động” hơn hôm qua (thậm chí tôi vẫn còn đó một chặng đường dài cần hoàn tất). Và tất cả vì Chúa Giê-su! Ngài ban cho tôi ơn huệ để buông bỏ những sợ hãi, xấu hổ, giận hờn, u mê, thói quen không tốt và nhiều thứ khác đã cầm giữ tôi. Và trong cuộc sống mỗi người, con đường Giê-su sẽ diễn ra khác nhau. Con đường Giê-su mời gọi sự mở ra và tìm kiếm sự chữa lành của Chúa, ơn giải thoát ngang qua các Bí Tích, việc cầu nguyện, chữa lành nội tâm, trò chuyện, những chương trình tái khám phá bản thân, những nỗ lực để thăng tiến trong nhân đức mà chúng ta thực sự cần đến và nhiều thứ khác nữa.

Con đường là một phần của quá trình phục hồi sự trọn vẹn của tự do. Sự tự do tròn hảo là điều chúng ta được hưởng và nỗ lực trở nên tuyệt tác nguyên tuyền của Thiên Chúa một lần nữa. Tôi yêu niềm vui và bình an đã đến cùng với tự do mới trong đời mình và tôi đoan chắc rằng nếu bạn tìm kiếm sự tự do tuyệt hảo hơn, bạn cũng sẽ đạt được tình yêu và bình an mới trong chính cuộc đời mình.

Dịch: JB Nguyễn Phi Long, S.J.

Link: https://catholic-link.org/why-did-god-give-us-the-power-of-free-will/

 

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

5 Bình luận

  1. Con con chào Cha. Con đã đọc qua 2 lần rồi nhưng có phần hơi khó hiểu.
    Thưa Cha cho con hỏi:
    1. Thiên Chúa ban tự do cho con người thì sao lại có sự tiền định? Vì tất cả mọi sự xảy ra đều không ngoài thánh ý Thiên Chúa mà đã là thánh ý của Thiên Chúa thì mọi sự xảy ra đều là tốt đẹp.
    2. Đạo hiếu với hôn nhân gia đình thì bên nào cao hơn? Vì bí tích hôn nhân gia đình là do Chúa lập nên là bí tích thánh còn đạo hiếu là sự thảo hiếu với cha mẹ là do Khổng tử bên Trung Quốc dạy thì không thể nào hơn bí tích của Chúa dược, tuy nhuên trong 10 điều răn của Đức Chúa Trời thì phần thứ 2 điều 1 có dạy (thứ 4 thảo kính cha mẹ). Như vậy Bí tích Hôn nhân của Chúa GIÊSU lập ra thì điều thứ 4 thảo kính cha mẹ là trên hết có phải không Cha? nhưng mà đạo hiếu thì con cái không có thề hứa, còn bí tích hôn nhân thì người nam và người nữ đã thề hứa trước mặt thừa tác viên của hội thánh?
    Con xin cha bớt chút thời giờ quý báu của cha để giải thích cho con với.
    Chân thành cảm ơn Cha, xin kính chúc Cha được AN LÀNH trong THIÊN CHÚA và chúc Cha ngủ ngon nhé.
    Xin hẹn gặp lại Cha.

  2. Chào bạn,
    Xin trả lời theo 2 câu hỏi của bạn nhé!
    1. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, không gì ngoài ý của Thiên Chúa. Nhưng đối với con người, Thiên Chúa ban cho khả năng tự do để chọn lựa. Vì sự tự do này mà con người có thể chống lại ý của Thiên Chúa. Có lẽ bạn đang băn khoăn như vậy? Khi Thiên Chúa dựng nên con người, Thiên Chúa đều có một kế hoạch cho họ. Chứ Thiên Chúa không tự dưng thích thì tạo nên một người vô thưởng vô phạt. Ngược lại, việc dựng nên một con người thì điều chắc chắn rằng Chúa muốn họ. Không một ai được tạo nên ngoài ý muốn. Và Ngài cũng có kế hoạch cho họ. Và đó là điều chúng ta hiểu về tiền định.
    Nhưng riêng với con người, Ngài vẫn muốn cho con người một đặc quyền mà các tạo vật khác không có, đó là sự tự do, để họ có vai trò trong chính cuộc sống của họ, chứ không chỉ theo quy luật bản năng. Đây là điều quý mà Thiên Chúa ban cho con người. Và chứng tỏ Ngài tin tưởng con người. Chỉ có điều là, chính sự tự do này của con người cũng là ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn con người được tự do. Dù con người có lạm dụng sự tự do, ngay cả để chống lại Ngài, mà chúng ta thường gọi là sự dữ, thì điều này cũng không phải nằm ngoài “tầm kiểm soát” của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, sự dữ ấy xảy ra vì “Ngài cho phép nó xảy ra”. Nếu hỏi vì sao Ngài lại cho phép, thì chỉ Ngài biết hoặc có lẽ chỉ khi chúng ta gặp Ngài thì có thể chúng ta biết.
    Do đó, hai điều ngày không ngược nhau, nhưng để hiểu rằng Thiên Chúa thì toàn năng tốt lành, và Ngài cũng không ép con người vào một khuôn đúc sẵn, nhưng tin tưởng trao cho con người quyền làm chủ ngang qua tự do của mình.
    2. Theo câu hỏi của bạn thì có lẽ bạn phân vân về cái nào trọng hơn, vì một bên thì Điều Răn, bên kia thì Bí Tích và thề hứa. Điều này chỉ có thể trả lời nếu chúng ta sống Điều Răn hay Bí Tích đó, chứ ngồi phân tích trên mặt chữ thì cũng chẳng ích lợi gì. Vì thế, có lẽ không có câu trả lời nào hay hơn câu trả lời của Chúa Giê-su: “’Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.’ Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,37-39). Khi sống điều này thì câu hỏi của bạn cũng được trả lời.
    Chúc bạn tìm được niềm vui khi dùng sự tự do của mình để tìm và sống điều tuyệt diệu trong cuộc sống mà Thiên Chúa đã muốn cho bạn!

  3. cha ơi, cho con hỏi có người hỏi con có thực sự tự do trước tình yêu của Thiên Chúa không? con trả lời có nhưng họ đòi con giải thích vì sao nhưng con không biết giải thích cho họ, xin Cha giúp con để con biết và giải thích cho họ.Con xin chân thành cám ơn Cha.

  4. Lê Nguyễn Nhất Nam

    Lời giải thích của tnvyen vừa rối rắm vừa không thuyết phục, và có sự mâu thuẫn ngay trong lời giải thích đó mâu thuẫn này xảy ra kể cả trong kinh thánh.

    Mc 16, 15-20
    15Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

    Kh 20:15 Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa..

    Vậy còn đâu tự do ở đâu nữa

  5. Chào bạn Phạm Văn A,
    Câu hỏi của bạn rất hay nhưng tương đối cổ điển. Vì vấn đề tương quan giữa tiền định (sự quan phòng của TC) và tự do (của con người) đã có từ rất lâu. Có rất nhiều triết gia kitô giáo đã cố gắng suy tư và lý giải, cách nào đó, hợp lý và có thể đón nhận được.
    Xin giới thiệu bạn 2 bài viết của 2 thầy trong Dòng trình bày về mối tương quan này dưới cái nhìn của triết gia Boethius.
    1. Quan điểm về vấn đề bất công trong tác phẩm niềm an ủi triết học của Boethius (https://sjjs.edu.vn/quan-diem-ve-van-de-bat-cong-trong-tac-pham-niem-an-ui-triet-hoc-cua-boethius/)
    2. Khái niệm “vĩnh cửu” trong tác phầm “niềm an ủi triết học” của Boethius (https://sjjs.edu.vn/khai-niem-vinh-cuu-trong-tac-pham-niem-an-ui-triet-hoc-cua-boethius/)
    Hy vọng sau khi bạn đọc hai bài này, có thể khai sáng được câu trả lời cho chính bản thân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *