Tấm lòng người mẹ

Trời đã nhá nhem, nó bước lên xe trở về nhà mà lòng sao nặng trĩu. Hòa vào dòng người đông đúc dưới phố, trong nó, vẫn một dòng suy nghĩ miên man chẳng thể dừng.

Hôm ấy, một dịp đặc biệt, nó có cơ hội ở trong phòng hồi sức cấp cứu của một bệnh viện gần nơi nó sống. Lúc đầu, nó tưởng tượng ra những cuộc nói chuyện rôm rả vui tươi, mong làm cho người bệnh nguôi đi chút đau đớn, muộn phiền. Nhưng bước vào đó rồi, trước những khuôn mặt đau thương và dường như bế tắc, nó im lặng.

Mùi hăng hăng của thuốc, tiếng tít tít của những thiết bị y tế trong phòng tạo cho nó một cảm giác ớn lạnh và hoang mang. Nhìn một vòng, mắt cay cay, nó thấy chút nao nao trong lòng. Nó quyết định tiến tới giường bệnh của một người phụ nữ chừng gần sáu mươi đang được các chị điều dưỡng chăm sóc vết thương. Ôi! Vết hoại tử bằng hai bàn tay úp vào lưng lùng nhùng và để lộ cả cột xương sống trắng hếu làm nó tối sầm mắt mũi. Con tim nó như bị ai bó chặn lại khi nó hình dung ra chính mình của mấy chục năm sắp tới.

Mon men đến gần, nó thấy người bệnh cứ khăng khăng xin về nhà. Nó tự hỏi trong cơn nguy tử, tại sao người phụ nữ này làm như vậy? Bà đang phải lệ thuộc vào máy móc, lệ thuộc vào sự chăm sóc đặc biệt của bác sĩ. Bà muốn kết thúc hành trình dương thế tại đây sao? Hẳn là bà phải biết được chuyện gì sẽ xảy ra khi bà về nhà. Chính bác sĩ cũng nói với chồng và con trai bà: “Điều tồi tệ là sẽ vô cùng đau đớn trước khi bà ra đi. E rằng bà không chịu nổi.”

Nhìn giọt lệ đang muốn trào ra khỏi khóe mắt bà, nó biết nội tâm bà đang xảy ra một cuộc chiến khốc liệt. Nhưng rồi bà vẫn kiên định với điều mình đã quyết. Nó lại lấy làm lạ khi mà người cha và cậu con trai không quá khó khăn để chấp nhận quyết định của mẹ. Không lẽ họ nhẫn tâm đưa mẹ về khi đã biết rõ kết cục?

Hai bố con lầm lũi làm thủ tục cho mẹ về nhà. Chiếc giường inox bắt đầu lăn bánh. Lúc ấy giọt nước mắt trên khóe mi kia từ từ trào ra và lăn nhẹ lên thái dương người mẹ rồi biến mất trong làn tóc vẫn còn đen nhánh. Ba con người thất thểu dần dần khuất xa khỏi ánh nhìn của nó, một kẻ vãng lai.

Ra khỏi phòng bệnh, nó nhắm mắt lại, và hình ảnh của ba con người lại hiện lên trong tâm trí nó. Hai người đàn ông với khuôn mặt cháy sạm và bàn tàn tay nứt nẻ day dứt muốn điều gì tốt đẹp hơn cho vợ, cho mẹ, nhưng lại bất lực; một người mẹ ôm trọn lấy mọi đau thương về mình để làm một quyết định như để giải thoát cho chồng và con người con trai yêu dấu.

Chúa ơi, phải chăng phận người là thế? Vẫn đầy sự trớ trêu.

Và lòng mẹ là thế? Chẳng ai đong cho đầy.

Đaminh Văn Quỳnh, SJ

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Trân trọng hành trình hiện tại để khởi đầu năm mới

  Tôi thích sự khích lệ để thay đổi cuộc sống trong năm mới, nhưng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *