Tản mạn… cội nguồn

Tiếng kèn saxophone được cất lên giữa một khoảng sân rộng của bệnh viện dã chiến[1], nơi chữa cho các bệnh nhân Covid 19, là điều gây ấn tượng mạnh đối với tôi trong lúc này, bởi lẽ điều ấy gợi nhắc tôi và bạn về cội nguồn đời mình.

Là con người sinh ra trong cuộc đời, Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi người chúng ta bản chất tự nhiên quy hướng về cội nguồn của mình. Không chỉ con người, mà nơi những sự vật thiên nhiên cũng tỏ bày tương quan hướng về cội nguồn như thế. Ví như những chiếc lá rơi xuống sẽ đậu xuống chiếc rễ to lớn đã nuôi dưỡng mình suốt ngần ấy thời gian. Dòng sông chảy ra trăm ngả rồi cũng trở về biển lớn như lòng mẹ bao la. Chim có bay xa cách mấy rồi cũng có ngày mỏi cánh bay về tổ. Thật vậy, chính cảm thức hướng về cội nguồn nhắc cho muôn tạo vật nhớ rằng mình thật hạnh phúc.

Nguồn hình ảnh: https://baothuathienhue.vn/coi-nguon-a99272.html

“Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”. Có lẽ nghe đến điều này sẽ khiến cho nhiều người nghẹn ngào không kể xiết. Có lẽ ai đó đang phải mắc kẹt lại trong khu điều trị, hay ai đó đang vất vả chống chọi qua ngày với đói kém và giãn cách sẽ hiểu điều này hơn bao giờ hết. Lòng mong về quê hương có khi cách có vài chục cây số mà cũng không về được vì những giãn cách nhằm giữ an toàn.

Chính những khoảnh khắc xa nhớ ấy gợi cho tôi và bạn biết rằng trước đây mình đã hờ hững, vô tâm với cuộc sống và ý nghĩa chân thật của nó như thế nào. Mải vùi đầu vào cơm, áo, gạo, tiền hay thậm chí là những thứ không cần thiết, đã lôi kéo chính bản thân tôi và bạn xa rời cội nguồn của mình. Mới xa cách có vẻ dễ dàng vì chẳng có gì đáng nhung nhớ cái xó xỉnh cũ kỹ và rách nát, nơi mà tôi và bạn đã quen thuộc biết bao nhiêu năm. Nhưng chính trong thời khắc dây nhợ giăng mắc, giãn cách tuyệt đối, đối mặt bốn bức tường thì lúc đó tôi mới hiểu…

Nhưng liệu có trễ?

Cội nguồn là nơi chờ mong tôi trở về từng ngày. Cội nguồn không bao giờ có khái niệm về hạn từ “trễ”. Cha mẹ vẫn chờ ta đó nơi mái nhà nghèo nàn nhưng ấm cúng. Bạn bè vẫn thăm hỏi, động viên chúng ta vượt qua dặm dài của cuộc sống. Bao nhiêu y bác sĩ, tình nguyện viên vẫn bên ta là những đại diện để nhắc nhớ ta về cội nguồn. Thiên Chúa- cội nguồn đích thực vĩnh cửu vẫn chờ ta trở về với tình yêu thương của Người.

Rồi dịch bệnh vẫn hoành hành, ngày càng tăng, người chết cũng không giảm bao nhiêu trong khi chúng ta đã nỗ lực hết mình chấp hành cho công cuộc phòng, chống và chữa. Nhưng khi ngẫm về cảm thức nguồn cội, tôi và bạn lại được an ủi rất nhiều. Cái chết giờ đây quá đỗi mong manh. Dương tính, nhập viện, khó thở, qua đời. Quá nhanh! Chỉ trong nháy mắt. Nhưng cái nháy mắt ấy không là điều kinh khủng, bởi tôi và bạn vẫn ý thức rằng chúng ta còn có một cội nguồn để về. Gắng vượt qua bệnh tật để chóng khỏe về với gia đình thân yêu đang chờ đón. Hay nhắm mắt gác lại chuyện dương gian để về với cội nguồn đích thực là Thiên Chúa. Bởi lẽ căn nguyên đời tôi và bạn đâu chỉ dính bén với thực tại kiếp này, mà vươn xa hơn về Thiên Chúa.

Trong lúc rối bời, mệt mỏi và thiếu động lực sống. Cả người ở nhà lẫn người trong khu điều trị. Cả người không bị nhiễm bệnh cũng như người bị nhiễm bệnh. Có lẽ tiếng kèn saxophone của người nghệ sỹ nhắc tôi về những tản mạn như thế. Một bờ bến bình yên, hạnh phúc đang chờ đón tôi. Cha mẹ, anh chị em thân yêu, các y bác sĩ, tình nguyện viên và trên hết là Thiên Chúa đang chờ đợi tôi. Sống hay chết không còn là điều khiến tôi bận tâm, nhưng trên hết là sống hạnh phúc và sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Sống hướng về cội nguồn đời tôi và bạn từng phút giây.

Tiểu Tuyền

[1] https://www.youtube.com/watch?v=nxFqob3H9Vk

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *