Gần bên tháp Belém là Mosteiro dos Jeronimos (hay còn gọi là Tu viện Hieronymites) đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1983, làm bằng loại đá vôi vàng óng của địa phương trong 50 năm (từ 1502-1552).
Mosteiro dos Jeronimos được chia làm hai phần chính: nhà thờ Santa Maria phía trước và tu viện phía sau. Cổng chính phía Nam vào nhà thờ là một cửa đôi rộng 12 mét cao 32 mét lên đến tầng 2. Bao xung quanh phía trước cửa là các hàng cột, tháp nhọn và nhiều tượng điêu khắc trong các hốc tường có phủ màn treo. Giữa cửa đôi của tầng 1 và tầng 2 là bức tượng Thủy thủ Henry- người khởi xướng việc thám hiểm thế giới của Bồ Đào Nha vào thế kỷ XV.
Cổng phía Tây xây theo lối Phục Hưng năm 1517 với nhiều cột chống và được mở rộng bằng một tiền sảnh vào thế kỷ XIX. Các mặt xiên của cạnh cửa ở mỗi bên trang trí đầy các bức tượng, trong đó có bức tượng vua Manuel I và ái phi Maria của vùng Aragon ở tư thế quỳ trong một hốc tường có phủ bức trướng lộng lẫy. Các tay đỡ ở mỗi cột có các hình thiên thần nhỏ, hoa lá… Nhà thờ có ba cánh, năm gian dưới một mái vòm đơn. Cánh ngang trong nhà thờ không có cột chống đỡ làm cho mái vòm dường như nổi trên không trung. Trong nhà thờ lưu giữ hàng loạt các lăng mộ hoàng gia, mỗi lăng mộ có 2 bức tượng voi canh giữ và ngôi mộ đá của nhà thám hiểm Vasco da Gama (1468-1523), và nhà thơ lớn Luis de Camoes của “Kỷ nguyên khám phá” ở Bồ Đào Nha. Cuối mỗi gian trong nhà thờ có các bàn thờ từ thế kỷ XVI, XVII trang trí với các tác phẩm điêu khắc sơn màu xanh và vàng óng ánh. Tu viện của Mosteiro dos Jeronimos gồm hai tầng, được chia làm nhiều cánh. Mỗi cánh của tu viện có 6 gian với mái vòm trang trí hình gân lá và các cột hình chữ nhật khắc hình những cuộn dây thừng xoắn, các con quái vật biển, san hô… Các bức tường phía trong và ngoài tu viện đều được trang trí đẹp mắt. Trong tu viện có nhiều ngôi mộ của các nhà thơ, nhà viết kịch, nhà sử học và cả các vị lãnh đạo của Bồ Đào Nha thế kỷ XVIII, XIX. Tu viện dẫn đến một nhà ăn trước đây với mái vòm hình mạng, các bức tường ốp đá lát vẽ cảnh trong Kinh Thánh.
Đối diện với tu viện Mosteiro dos Jeronimos là “Tượng đài thám hiểm” được xây dựng vào năm 1960 ở bờ Bắc sông Tagus để tưởng nhớ 500 năm ngày mất của nhà hàng hải lừng danh Henry the Navigator. Tượng đài như hình con tàu lớn sẵn sàng ra khơi. Có tất cả 33 bức tượng được điêu khắc trên đó, với bức tượng hoàng tử Henry đứng ở mũi tàu, một trong các bức tượng được điêu khắc có tượng của Thánh Phanxicô Xaviê cùng nhiều bức tượng của các nhân vật lịch sử như: vua Manuel, nhà thơ Camoes, nhà thám hiểm Vasco da Gama, Magellan, Cabral, các nhà sư, thợ vẽ bản đồ, nhà nghiên cứu vũ trụ… Người phụ nữ duy nhất trên tượng đài là hoàng hậu Felipa vùng Lancaster, mẹ của hoàng tử Herry.
Bên trong tượng đài là một phòng triển lãm với nhiều hiện vật, một bộ phim thú vị về lịch sử Lisbon và một thang máy lên đỉnh tượng đài. Vỉa hè trước tượng đài được trang trí với nhiều bức khảm vẽ hình bản đồ thế giới có hải đồ của các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha do chính phủ Nam Phi tặng năm 1960. Tượng đài thám hiểm cũng là vị trí đẹp nhất để ngắm cây cầu Vasco da Gamma (17,2 km) bắc qua sông Tagus khánh thành năm 1998. Cầu được đặt theo tên nhà thám hiểm Vasco da Gamma để kỷ niệm 500 năm Vasco da Gamma tìm ra con đường biển nối châu Âu và Ấn Độ. (Thông tin du lịch)
Lisbon cũng là nơi Thánh Phanxicô Xaviê, Cha Đắc Lộ và các nhà truyền giáo xuống tàu lên đường ra khơi. Tượng đài còn có ý nghĩa là hãy luôn hướng về phía trước, ra khơi đi đến những miền đất mới, đem Tin Mừng đến khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Đời sống người Kitô hữu không chỉ sống cho riêng mình mà luôn hướng về anh chị em, hướng về Tin Mừng bởi vì Đức Kitô không bao giờ dừng bước và đóng khung trong nội bộ của Giáo Hội, nhưng luôn mở rộng và ra khơi rao giảng Tin Mừng.
Nhìn vào bức tượng điêu khắc này, chúng ta cũng nhận thấy được sức mạnh và thời cường thịnh của dân tộc Bồ Đào Nha trong phương diện khám phá ra những vùng đất mới, như chúng ta thấy đây, các bức tượng được điêu khắc bao gồm nhiều hạng người: hoàng tộc, học giả trí thức, binh lính, hiệp sĩ và Thánh Phanxicô là biểu tượng cho Giáo Hội, cho cánh đồng truyền giáo.
Trời xế chiều, xe đưa chúng tôi về Fatima. Để mọi người hiểu về lịch sử của Đức Mẹ Fatima, trên xe chúng tôi đã được ông bà Lâm – Kim đọc cho nghe về nguồn gốc của 3 mệnh lệnh Fatima mà Đức Mẹ truyền cho ba trẻ. Mọi người cũng đã thấm mệt sau một ngày dài, xe đưa chúng tôi về ngụ tại khách sạn Domus Pacis Fatima, cách linh địa Fatima chừng 150m, chúng tôi nhận phòng, dùng cơm tối và chuẩn bị cho Thánh lễ tạ ơn khai mạc chuyến hành hương, học hỏi của chúng tôi.
Vào lúc 22g, Thánh lễ tạ ơn khai mạc tại nguyện đường của khách sạn. Trong bài chia sẻ, Cha GB nhắn nhủ chúng tôi qua bài Tin Mừng Thánh Gioan: ”Để họ tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21)”.
Cha GB nhấn mạnh ba từ căn bản trong bài Tin Mừng: thứ nhất đó chính là ”Ở trong” nghĩa là diễn tả mối tương quan của ”Tình Yêu”. Đó là từ ngữ thứ hai, trong tình yêu chúng ta ở trong nhau, ở với nhau và ở bên nhau và thứ ba là ”nên một” với nhau. Chính sự hiệp nhất trong một tình yêu duy nhất này, xoá tan mọi bất hòa, chia rẽ, để tạo nên một bầu khí chan hòa yêu thương trong an bình và hiệp nhất.
Qua bài Tin Mừng, chúng ta cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, đến nỗi Ngài chỉ muốn nên một với chúng ta. Đó chính là tinh thần mà các Thánh luôn hướng tới như Thánh Têrêsa Avila, Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Inhaxiô, Thánh Phanxicô Xavie mà đoàn sẽ được lần lượt viếng thăm trong chuyến hành hương. Và chúng ta cũng đã cảm nghiệm được dấu chân của Thánh Phanxicô Xaviê tại hải cảng của Lisbon chiều hôm nay.
”Xin bảo toàn con, Lạy Chúa vì con tìm nương tựa ở Chúa”. Chúng ta chỉ nói lời này được khi chúng ta đặt trọn niềm tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa và hoàn toàn cậy trông vào tình yêu và lòng thương xót của Ngài.
”Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.”Vì chỉ khi hiệp nhất chúng con mới được ở trong tình yêu của Giêsu, và cũng là ở trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa..
Kết thúc Thánh lễ, Cha hướng dẫn chúng tôi ra linh địa chào Mẹ. Trong đoàn, rất nhiều người đã có dịp viếng Mẹ Fatima. Riêng tôi đây là lần đầu tiên được đặt chân đến nơi mà từ nhỏ tôi hằng ao ước đến một lần trong đời. Hôm nay Mẹ đã dẫn tôi đến với Mẹ, cảm xúc trong tôi thật bồi hồi khó tả, đứng giữa linh địa bên cây sồi, nước mắt chợt ướt mi tôi thầm tạ ơn Chúa và Mẹ đã cho tôi được diễm phúc hiện diện nơi linh địa này, lại thêm một hồng ân trong đời tôi được ban tặng.
Đứng giữa linh địa rộng lớn, Cha GB giải thích cho chúng tôi: Nơi đây chính Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ, mỗi lần thế giới có vấn đề thì Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác giúp nhân loại hóa giải. Đức Mẹ như là một sứ giả đặc biệt của Thiên Chúa, và khi hiện ra Đức Mẹ đã truyền 3 mệnh lệnh: thứ nhất là ăn năn tội cải thiện đời sống, thứ hai là tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ và thứ ba là siêng năng lần hạt Mân Côi.
Ba mệnh lệnh ấy nhắc nhớ cuộc đời mỗi người chúng ta thân phận mỏng giòn vì thế hãy sám hối ăn năn, như Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta. Điều căn bản khi chúng ta sám hối ăn năn để được ơn tha thứ qua bí tích hòa giải là phải quyết tâm ăn năn chừa, cải thiện đổi mới đời sống, một trong những tâm tình thêm vào đó là lần chuỗi Mân Côi. Chúng ta được diễm phúc đến với Mẹ trong tháng năm này để cùng cầu nguyện. Ngôi Vương Cung Thánh Đường chúng ta thấy đây là do lời truyền của Đức Mẹ với 3 trẻ, Đức Mẹ muốn xây dựng nơi đây một ngôi Thánh đường và từ đó tất cả mọi người Công Giáo khắp nơi trên thế giới quy tụ về và trở thành một nơi hành hương đặc biệt.
Ngày 13 tháng 5 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đây kính viếng Đức Mẹ và Ngài đã phong Hiển Thánh cho 2 trẻ là Phanxicô và Jacinta. Rồi chúng tôi hướng về cây sồi nơi lời truyền tụng là Đức Mẹ đã hiện ra tại đó, như chúng ta thấy tính theo độ tuổi thì cây sồi này cả hơn 100 năm. Đêm tối thật yên tĩnh, Cha con chúng tôi cùng nguyện kinh dâng đoàn hành hương cho Đức Mẹ:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ mời gọi chúng con hãy biết sám hối ăn năn, biết cải thiện đời sống, thay thế hận thù lòng thương xót, thay một trái tim cứng cõi, hận thù bằng một trái tim bằng thịt, tràn đầy tình yêu và bác ái. Lạy Mẹ chí ái, chúng con cầu xin Mẹ không chỉ ngày xưa mà cả hôm nay xin hãy giúp cho chúng con biết lắng nghe đón nhận lời mời gọi của Mẹ và giúp chúng con biết thay đổi chính tâm hồn của chúng con, vì chúng con biết rằng Mẹ yêu chúng con vô ngần. Chúng con dâng mỗi người chúng con, mỗi trái tim của chúng con cho Mẹ, cho Chúa Giêsu và dâng tất cả những anh chị em mà chúng con muốn cầu nguyện cho họ. Cùng dâng quê hương Việt Nam của chúng con, khấn xin Mẹ ban hòa bình và muôn ơn lành cho đất nước Việt.
Trong đêm khuya tĩnh lặng, bài thánh ca bất hủ”Lời Mẹ nhắn nhủ ”được chúng tôi ca vang tôn vinh danh Thánh Mẹ: ”Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi, có Đức Mẹ Chúa Trời hiện ra uy linh sáng chói, Mẹ nhắn nhủ người đời, hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năn lần hạt Mân Côi, Mẹ Maria ôi, Mẹ Maria ôi, con vâng nghe Mẹ rồi sớm chiều từ nay thống hối, Mẹ Maria ôi, Mẹ Maria ôi, xin Mẹ đoái thương nhậm lời cho nước Việt xinh tươi, Đức Tin sáng ngời …” (Lời Mẹ nhắn nhủ – Huyền Linh )
Sương khuya chợt se lạnh, nhìn đồng hồ đã gần 01g30 sáng, mọi người tạm biệt Mẹ ra về nghỉ ngơi, chuẩn bị chương trình cho ngày hôm sau đoàn sẽ theo dấu chân 3 trẻ trên hành trình đến với Mẹ.
Thèrése Huỳnh Thị Thúy Hằng