[Thần Học Vui] Giáo lý tổng quan và diễn giải – Bài 3. Đức tin là gì?

Như ở các bài trước, chúng ta đã nói Thiên Chúa đến gặp gỡ và tỏ lộ cho con người, nhưng không phải ai cũng nhận biết Ngài, mà chỉ người có đức tin mới nhận ra và đón nhận Ngài. Với trí khôn tự nhiên, con người có thể nhận biết có Thiên Chúa, nhưng chỉ với đức tin đón nhận mạc khải, con người mới thực sự biết Ngài là ai. Vì thế trong thần học, mạc khải gắn liền với đức tin như là hai mặt của một thực tại. Mạc khải và đức tin tương tác qua lại với nhau. Tức là, Một mặt, mạc khải chỉ xảy ra với người có đức tin; mặt khác, ta chỉ có được đức tin khi Thiên Chúa đến gặp gỡ, tức đến mạc khải chính Ngài và ban ơn đó cho ta. Trong sách giáo lý hội thánh công giáo, chương tiếp theo ngay chương nói về mạc khải, đó là chương nói về đức tin [hiển thị phần này trong mục lục tổng quát sách giáo lý].
Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu I. đức tin là gì? Ở bài sau chúng ta sẽ tìm hiểu II. Một số đặc tính của đức tin.
I. Vậy trước hết, đức tin là gì? Vì là “đối tác” của mạc khải, nên ý nghĩa của đức tin tuỳ thuộc vào cách ta hiểu mạc khải là gì. Vậy dựa vào cách hiểu của Giáo hội về mạc khải mà chúng ta đã tìm hiểu ở các bài trước, đức tin có hai nghĩa sau: 1) thứ nhất đức tin là việc con người phó dâng bản thân cho Thiên Chúa, đáp lại việc Ngài đến gặp gỡ ta; 2) thứ hai đức tin là việc con người chấp nhận các chân lý cứu độ mà Thiên Chúa tỏ lộ.
1. Bây giờ chúng ta nói về nghĩa thứ nhất của đức tin. Chúng ta cần lưu ý điểm này, đức tin trước hết là việc phó dâng bản thân, tín thác vào Thiên Chúa, vì thường ta hay giới hạn đức tin vào việc tin điều này điều kia. Đức tin trước hết là tin vào ai, tức vào Thiên Chúa, chứ không chỉ là tin điều gì. Chắc hẳn chúng ta đều nhớ giáo lý dạy rằng đức tin là nhân đức đối thần, điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là chỉ Thiên Chúa mới là đối tượng duy nhất của đức tin, chứ không thể là bất kỳ thụ tạo nào hoặc điều gì trong thế giới thụ tạo.
Bây giờ chúng ta cùng nói về ý nghĩa và đặc tính của đức tin theo nghĩa thứ nhất này.
a. Ý nghĩa: Để hiểu tại sao lại nói đức tin là phó dâng bản thân cho Thiên Chúa, chúng ta cần phân biệt tin vào và tin về. Đức tin không chỉ là tin điều này điều kia về Thiên Chúa, mà là tin vào chính Ngài, cậy dựa, tín thác vào Ngài. Ở đây có sự phân biệt giữa tin vào Thiên Chúa và tin về Thiên Chúa. Tương tự như trong cuộc sống, ta nghe nói về ai đó rất tốt và tin thông tin đó, nhưng điều đó không có nghĩa là ta có thể phó thác những chuyện quan trọng của cá nhân và gia đình ta cho họ, nhất là khi ta chưa tiếp xúc, chưa có tương quan thực sự với họ. Chúng ta tin những điều nói về họ, nhưng chưa thực sự có kinh nghiệm tin vào họ.
Trong khi tin điều này điều kia về Thiên Chúa chỉ liên quan đến hoạt động của trí óc thì tin vào Thiên Chúa đòi phải có tương quan với Ngài và liên quan đến toàn bộ con người ta, bao hàm cả cảm xúc, ước muốn, hy vọng và sự dấn thân. Ý nghĩa thứ nhất của đức tin nhấn mạnh chiều kích “tin vào” này. Khi tin vào Thiên Chúa ta cảm thấy an tâm, hạnh phúc khi có Thiên Chúa ở với ta; ta cũng cảm thấy yêu mến và ước ao dâng hiến mọi thứ, kể cả bản thân mình cho Ngài, đồng thời thực hiện ước ao đó cách cụ thể và thực tiễn trong cuộc sống.
b. Đặc tính: Như vậy, dựa vào sự phân biệt giữa tin vào và tin về, ta thấy đặc tính của đức tin theo nghĩa thứ nhất là vừa mang tính nội tâm vừa mang tính thực tiễn. Tin theo nghĩa phó mình như vậy đòi hỏi một kinh nghiệm nội tâm về sự hiện diện của Thiên Chúa, yêu mến và tín thác vào Ngài, đồng thời thúc đẩy chúng ta sống và hiện thực hoá kinh nghiệm nội tâm đó trong cuộc sống của ta bằng cách thực thi những gì đẹp Ý Ngài.
2. Chúng ta chuyển sang nghĩa thứ hai của đức tin: tin là chấp nhận các chân lý cứu độ mà Thiên Chúa tỏ lộ. Chúng ta cũng bàn về ý nghĩa và đặc tính của đức tin theo nghĩa này.
a. Ý nghĩa: Tại sao lại nói đức tin là chấp nhận chân lý cứu độ? Vì nghĩa này rất quan trọng, giúp ta phân biệt nghĩa thứ nhất của đức tin với những cảm xúc mông lung, vô định và nhất thời. Tâm tình tín thác vào Thiên Chúa không phải là một thứ tình cảm mơ hồ, mà luôn hàm chứa và kéo theo một xác tín rõ ràng cụ thể về những điều liên quan đến Thiên Chúa.
Nghĩa thứ hai này của đức tin tương ứng với khía cạnh “tin về” đã nói ở trên. Như trong mk, khi Thiên Chúa đến gặp gỡ con người, Ngài không chỉ gặp suông, mà luôn tỏ lộ các chân lý cứu độ; thì tương tự như vậy, trong đức tin, con người không chỉ tín thác bằng tâm tình mà thôi, nhưng còn mở rộng tâm trí mình để đón nhận các chân lý mà Thiên Chúa tỏ lộ. Những chân lý đó bao hàm Thiên Chúa là ai; Ngài làm gì để cứu độ ta; Ngài muốn ta làm gì để cộng tác vào công trình cứu độ, v.v. Quả thật, không ai có lòng tín thác vào Thiên Chúa mà lại không biết hay không tìm hiểu xem Đấng mà mình tín thác là ai, làm gì cho mình và muốn mình làm gì, v.v.
Câu hỏi là ta tìm thấy những chân lý cứu độ ở đâu để mà đón nhận? Như các bài trước đã nói, những chân lý đó hàm chứa trong Kinh Thánh và được trao cho Giáo hội để bảo toàn, giải thích và truyền giảng. Nên những chân lý cứu độ có thể được tìm thấy cách cụ thể trong các giáo huấn của Giáo hội.
c. Đặc tính: đức tin theo nghĩa này vừa có tính nhận thức vừa có tính thực tiễn; tức 1) vừa là đối tượng, thúc đẩy và thu hút hoạt động nhận thức của con người, 2) vừa là đối tượng, nội dung của hành động của ta trong cuộc sống.
Đón nhận ở đây không chỉ có nghĩa là chấp nhận về mặt tri thức, kiểu như: “ờ, tôi thấy chân lý này đúng vậy, tôi chấp nhận lời dạy này”, nhưng còn là việc sống, thể hiện bằng hành động và qua các lựa chọn trong cuộc sống của tôi điều mà tôi công nhận là chân lý. Chân lý đức tin không chỉ nằm ở đầu hay ở miệng của tôi, mà còn ở những lựa chọn, hành động và đời sống của tôi. Chính Chúa Giêsu đã nói không phải ta cứ kêu “Lạy Chúa Lạy Chúa” là được vào Nước Trời đâu, mà phải thực thi Ý muốn của Cha trên trời thì mới được vào Nước Trời.
Như vậy, chúng ta đã xem xét xong điểm thứ nhất, đức tin là gì. Có thể nói, trong hành vi đức tin, chúng ta thấy có một tiến trình kép: một tâm tình tín thác, phó dâng, kết hiệp, yêu mến Thiên chúa; đồng thời một thái độ mở rộng tâm trí để nhón nhận và sống điều Ngài tỏ lộ và truyền dạy, ngang qua giáo huấn của Giáo hội.
Trong bài sau, chúng ta sẽ tìm hiểu một số đặc tính của đức tin.

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *