Tháng Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn

cau nguyen

Trong mầu nhiệm “các thánh hiệp thông”, tiếp theo Lễ Trọng mừng kính các thánh, có một ngày được Hội Thánh dành riêng để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các người quá cố hay các linh hồn trong chốn Luyện Hình. Hơn nữa cả tháng mười một trong năm còn được gọi là tháng cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục.
Sách Giáo Lý Công đồng Tridentino, – vào trước thời Công đồng Vaticanô II,- có đoạn dạy về “Tứ Chung”, tức bốn điều cuối cùng trong đời người: Chết, Phán xét, Thiên đàng, Hỏa ngục. Cái chết là điều tất yếu đối với loài thọ tạo, mặc dù không ai biết được mình sẽ chết cách nào, lúc nào và nơi nào! Còn phán xét, với những điều tiếp theo, thuộc lãnh vực đức tin, thì không ai ở trên trần gian có thể biết. Vả lại, một khi biết được mình ở Thiên đàng hay Hỏa ngục, thì không được phép trở về trần gian để nhắn nhủ người sống (xem: Dụ ngôn người giàu và Ladarô, Lc 16,19-31) hoặc để bắt đầu lại một cuộc sống khác trên trần gian, trừ khi Chúa nhân lành cho phép. Người ta chỉ sống một lẩn và chết một lần. Giờ chết quyết định vận mệnh của con người cách vĩnh viễn. Ngày nay, do ảnh hưởng của các giáo phái, nhất là phong trào “Thời đại mới” (New Age), người ta phủ nhận Thiên đàng và Hỏa ngục. Để củng cố việc phủ nhận này, người ta dựa vào lý thuyết “luân hồi” hay “đầu thai”(metempsychosis), vốn đã có từ thời xa xưa, nay lại xuất hiện để giải quyết vấn đề “bên kia thế giới” của những người không tin vào giáo huấn mạc khải của Hội Thánh.
Ở đây chúng ta không trực tiếp nói đến Thiên đàng, Hỏa ngục, nhưng chỉ suy niệm về Luyện ngục, vốn cũng gây nhiều thắc mắc vào thời đại chúng ta. Thực ra, để trình bày giáo lý về luyện ngục, cần phải dựa vào Lời Chúa và Thánh Truyền, ngoài ra còn phải đối chiếu với kỷ luật Thống Hối trong Hội Thánh, liên quan đến Bí tích Thống Hối và giáo huấn về Ân xá. Điều cốt yếu về đời sống mai hậu, vốn là đối tượng của lòng tin, không thuộc lãnh vực giác quan và suy luận, cũng không do trí óc con người tạo ra, được trình bày trong sách Giáo Lý. Sau Công đổng Vaticanô II, ĐGH Gioan-Phaolô II, đã ban hành Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), vào năm 1992. Đó là tài liệu quy chiếu chính thức của đức tin công giáo vào thời đại Hậu Công đồng. Về những điều cốt yếu của đức tin, sách Giáo Lý 1992 không thêm điều gì mới. Chỉ có mới ở cách trình bày. Sách Giáo Lý 1992 dạy về cái chết khi diễn giải những điều khoản của Kinh Tin kính. (Chương 3, Mục 11) . Trong Mục 12, về sự sống đời đời, sách Giáo lý 1992 lần lượt trình bày những chủ đề: Phán xét riêng, Thiên đàng, sự Thanh luyện cuối cùng hay Luyện ngục, Hỏa ngục, Phán xét cuối cùng, Hy vọng Trời mới, Đất mới.
Cũng như có nhiều người nói về Công đồng nhưng không hề đọc những văn kiện Công đồng, thì cũng có nhiều người bàn cãi về Luyện ngục, Thiên đàng, Hỏa ngục mà không hề đọc Sách Giáo Lý 1992 của Công đồng. Chính vì thế mà chúng ta sẽ đọc một số đoạn của sách Giáo lý 1992 như điểm quy chiếu về những thực tại Cánh chung.

1. Phán xét
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về việc phán xét chung sau tận thế, khi mỗi người cũng như toàn thể nhân loại sẽ đối diện với Vua Giêsu để chịu phán xét về đời sống của mình trên trần gian (x. Mt 25, 31-46; 12,41).
Chúa Giêsu còn nói đến việc phán xét riêng cho mỗi người, sau khi chết: trong câu chuyện Ladaro (Lc 16,22). Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã tha thứ cho người trộm lành. Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng”(Lc 23,43).
Người còn dạy một điều nghiêm trọng, nhưng thường bị bỏ qua: “Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói” (Mt 12,36).
Thánh Phaolô không bỏ qua dịp nào mà không nhắc bảo tín hữu sống tốt đẹp, để khỏi bị lên án vào ngày phán xét: “Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước tòa Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: Ðức Chúa phán: Ta lấy sự sống Ta mà thề: mọi người sẽ quỳ gối lạy Ta, và mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Thiên Chúa. Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 10,11-12).
“Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Ðức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác. (2 Cr 5,10).
“Anh em đừng có lầm tưởng: Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy” (Gl 6,7-8).
Ra trước tòa Chúa phán xét, mỗi người sẽ thấy rõ tình trạng linh hồn mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa và nhận lấy hậu quả của những việc tốt xấu và sự chọn lựa của mình: Thiên đàng. Hỏa ngục. Tuy nhiên đa số tín hữu, mặc dù được Chúa thương ban ơn cứu rỗi, nhưng không hoàn toàn sạch trong trước nhan thánh Chúa, nên phải chịu thanh luyện cho đến khi được tinh tuyền.

2. Luyện ngục
“Phúc cho những tâm hồn trong trắng, vì sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”(Mt 5,8)
“Đối với những ai, vào lúc chết, ở trong tình trạng hướng đến Chúa, nhưng cách bất toàn, thì con đường đến hạnh phúc đòi hỏi một sự thanh luyện mà đức tin của Hội Thánh minh họa bằng giáo lý về luyện ngục” (ĐGH Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung, ngày 04.08.1999)
Luyện ngục là sự thanh luyện những người chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa đủ thánh thiện để được hạnh phúc với Chúa trên Thiên đàng. Bởi lẽ, cả khi đời sống chúng ta hướng về Chúa, nhưng chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi tính ích kỷ, kiêu căng, bạo lực. Những bất toàn và khuyết điểm đó cần được tẩy luyện để chúng ta xứng đáng hưởng vinh quang Thiên Chúa trên Thiên Quốc.
Trong khi Hội Thánh dạy chúng ta cầu cho các linh hồn đã qua đời thì cũng nhắc bảo chúng ta sống tốt, chấp nhận chịu thanh luyện ở đời này để bớt đi những hình phạt Luyện ngục.
Thực ra việc cầu nguyện cho người chết có một truyền thống lâu đời trong lịch sử Hội Thánh. Việc cầu nguyện còn bắt nguồn từ Cựu Ước.
“Giáo lý này còn dựa trên thực hành cầu nguyện cho người đã chết mà Kinh Thánh nói đến: “Đây là tại sao Giuđa Maccabê tổ chức dâng hy tế đền tội cho kẻ chết để họ được giải thoát khỏi tội” (2M 12,46).
Từ lúc khởi đầu, Hội Thánh đã kính nhớ những người đã qua đời và dâng lời cầu cho họ, cách đặc biệt là Hy tế Thánh Thể (DS 856), để họ được thanh luyện, và sau khi được thanh luyện, họ đạt đến thị kiến hồng phúc bên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên bố thí, các ân xá và những công việc đền tội đẻ chuyển cầu cho những người đã qua đời” (GLHTCG 1032)
“Hội Thánh gọi Luyện Tội, sự thanh luyện cuối cùng của những người được tuyển chọn, vốn hoàn toàn khác biệt với cực hình dành cho những kẻ bị án phạt. Hội Thánh định thức giáo lý đức tin về Luyện ngục cách đặc biệt trong Công đồng Florence (1438–1445), và Công đồng Trent (1545–63). Truyền thống Hội Thánh, khi quy chiếu về một số đoạn văn Kinh Thánh, nói đến một thứ lửa thanh tẩy”. (GLHTCG 1031).

3. Chứng từ
Giáo lý đức tin của Hội Thánh đủ để giúp chúng ta hiểu về Luyện ngục, cũng như sự cần thiết phải cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục. Tuy nhiên, trong lịch sử Hội Thánh có rất nhiều câu chuyện liên quan đến Luyện ngục và những linh hồn trong Luyện ngục hiện về để xin cầu nguyện. Những câu chuyện này thuộc loại mạc khải tư, nhưng nếu nội dung không có gì sai lạc, thì cũng giúp chúng ta hiểu phần nào về những điều xảy ra “bên kia thế giới hữu hình.”
*Tác phẩm kinh điển về Luyện ngục là tài liệu:”Khảo luận về Luyện ngục” của Thánh Nữ Catarina Thành Genova (1447 -1510)
*Thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690) cũng rất nổi tiếng vì được các linh hồn hiện về xin cầu nguyện. Trong Tự Thuật của Thánh nữ, có nói đến trường hợp một linh mục đan sĩ thuộc Đan viện Biển Đức, hiện về xin thánh nữ cầu nguyện cho và sau một thời gian, lại hiện về cám ơn thánh nữ vì nhờ lời cầu nguyện và hy sinh, hãm mình của thánh nữ, ngài đã được lên Thiên đàng. Một lần khác, một nữ tu tên Jeanne-Françoise Deltufort de Sirot, xin thánh nữ cầu nguyện vì phải phạt nặng trong luyện ngục…
*Gần chúng ta hơn, bà Maria Simma (1915-2004) là một giáo dân người Áo, đạo đức, luôn sống âm thầm khiêm tốn. Bà sống một mình tại Sonntag, miền núi Voralberg (Áo). Từ thuở nhỏ, bà có thói quen cầu cho các linh hồn trong luyện ngục. Từ lúc hai mươi lăm tuổi, tức vào năm 1940, bà được các linh hồn đến viếng thăm thường xuyên và xin cầu nguyện cho. Bà cũng được các linh hồn chỉ dạy cách sống đẹp lòng Chúa. Trong việc giao tiếp với các linh hồn, bà luôn được Cha xứ và Giám mục sở tại hướng dẫn, khích lệ. Bà qua đời vào năm 2004, thọ 89 tuổi.
Đời sống của bà được Nữ tu Emmanuel giới thiệu trong quyển sách: “The Amazing Secret of the Souls in Purgatory – An interview with Maria Simma”.

“Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen”

Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 23-12-2024 (Lc 1,57-66) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *