Thành công hay thất bại?

Khi xét đến những tố chất cần có của một người tu sĩ, chúng ta thường nghĩ đến tài năng, lòng hăng say, sức chịu đựng, tính kiên nhẫn… nói chung toàn là những phẩm chất tốt đẹp. Gần đây tôi ngạc nhiên khi thấy tựa đề một bài viết: “Bạn có yếu đuối đủ để làm linh mục hay không?” Là con người nói chung thì ai cũng có những giới hạn nhất định, linh mục hay tu sĩ cũng không ngoại lệ. Sự yếu đuối vốn gắn liền với thân phận con người được đón nhận như một nét tích cực để người tu sĩ có thể theo Chúa dễ dàng hơn.

Thực tế là không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được điều mình khao khát. Con người trưởng thành qua những sai lầm, vấp ngã chứ không phải thành công; “ai nên khôn mà không khốn một lần”. Điều quan trọng là mỗi người phải biết chấp nhận thực tế không như mong đợi nơi bản thân mình và cố gắng để cải thiện tốt hơn bao nhiêu có thể, dù nỗ lực đó chưa chắc đã mang lại kết quả tốt đẹp. Tất cả mọi người đều cần thời gian để lớn lên, cần tính kiên nhẫn để chờ đợi và nhất là cần sự cảm thông và tha thứ của người khác để có cơ hội sửa chữa sai lầm. Rất nhiều lúc chúng ta đánh giá bản thân hay người khác chỉ qua những thành tích đạt được mà không để ý rằng ngay cả những thất bại cũng làm nên giá trị của một con người.

Thật vậy, thất bại sẽ là bài học giúp chúng ta có kinh nghiệm hơn khi đối mặt với những tình huống khác tương tự; thất bại khiến chúng ta phải cố gắng nhiều hơn, khám phá ra những khả năng tiềm tàng của bản thân; thất bại giúp chúng ta biết mình không phải là toàn năng, cần đến sự giúp đỡ của người khác; thất bại mời gọi chúng ta biết cảm thông hơn trước sự yếu đuối của anh chị em mình. Do đó, nếu một người thất bại nhiều lần nhưng không bỏ cuộc thì chắc chắn người đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Vấp ngã không đáng để sợ, chỉ sợ vấp ngã mà không dám đứng lên đi tiếp.

Người tu sĩ trưởng thành có thể được coi là người thành công. Họ đã thủ đắc được cung cách hành xử của một người thuộc về Chúa; họ có một con tim quảng đại và vị tha, tận tâm giúp đỡ tha nhân; tâm hồn họ đạt sự thanh thoát khỏi mọi quyến rũ bất chính; họ được hoàn toàn tự do sử dụng mọi tài năng Chúa ban để dấn thân phục vụ cách hữu hiệu. Bởi đâu họ được như vậy?

Trước hết phải nói rằng những tu sĩ không phải là một nhóm người đặc tuyển, từ khi sinh ra đã mang những phẩm chất dành riêng cho đời sống tận hiến. Những ai đã từng quen biết một vài người tu sĩ trước khi họ bước vào đời tu và quan sát tiến trình họ sống trong đời tu thì sẽ dễ dàng nhận ra một sự thay đổi khá nổi bật trong tính cách cũng như phẩm chất của họ qua dòng thời gian. Những người tu sĩ là những người rất bình thường như bao nhiêu người khác, dù họ ở trong bất cứ giai đoạn nào của đời tu. Họ là những người yếu đuối, tội lỗi, vấp ngã rồi lại đứng lên, đứng lên rồi lại vấp ngã tiếp… Điều quan trọng là họ khiêm tốn ý thức được sự mỏng giòn của mình và cậy nhờ ơn Chúa giúp trong môi trường cộng đoàn dòng tu.

Nói chung người tu sĩ phải trải qua tiến trình đào luyện lâu dài, nơi đó họ được mời gọi sống thành thật với những khiếm khuyết giới hạn của chính mình và sẵn sàng mở lòng ra để được hướng dẫn, uốn nắn. Tất nhiên đó là một hành trình đầy gian nan. Niềm vui và động lực lớn nhất để người tu sĩ có thể vượt qua mọi thử thách chính là sự biến đổi tích cực nơi bản thân mà họ và những người tiếp xúc với họ có thể nhận ra được. Những người tu sĩ vốn không phải là vàng muốn được thử lửa để chứng minh sự tinh tuyền của mình; nói đúng hơn họ là đất sét được Thiên Chúa nhào nắn và được nung lửa để làm nên những bình gốm chứa đựng kho tàng Nước Trời. Do đó, sự tương phản giữa thân phận con người yếu đuối và thái độ khao khát thuộc trọn về Chúa đã làm nổi bật kế hoạch yêu thương của Chúa nơi quá trình đào luyện của một người tu sĩ. Qua sự hoán cải và thay đổi nơi người tu sĩ, người ta sẽ nhận ra rằng đó chính là “công trình kỳ diệu Chúa đã làm trước mắt chúng ta”.

Lạy Chúa Giêsu, việc Chúa phải nhận lấy khổ hình thập giá là một thất bại nhục nhã trong con mắt người đời nhưng lại là thành công lớn nhất của kế hoạch yêu thương mà Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho chúng con biết đón nhận thất bại bằng con mắt đức tin để nhận ra Chúa đang đồng hành và dạy dỗ chúng con trong mỗi lần chúng con vấp ngã. Xin ban thêm cho chúng con lòng yêu mến Chúa để dù là thành công hay thất bại thì chúng con vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì mình đang cố gắng bước đi theo Chúa. Amen

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

Kiểm tra tương tự

10 bước để củng cố Hội Thánh tại gia

  Gia đình là thể chế đầu tiên trên thế giới được Thiên Chúa thiết …

5 cách để mừng lễ Thánh Gia Thất

  Lấy cảm hứng từ các sách Phúc âm, chúng tôi chia sẻ năm cách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *