Thánh Edmunđô Campion và các bạn tử đạo tại Anh Quốc (lễ nhớ ngày 01 – 12)

Một trong những trang sử oai hùng nhất của Dòng Tên là hơn một trăm năm chia vui sẻ buồn với Hội Thánh Công Giáo tại nước Anh trong thời gian bách hại gắt gao. Hơn 60 Giêsu hữu, từ chân phước Gioan Woodhouse hy sinh năm 1573 đến cha Giulielmô hy sinh năm 1692, đã vinh dự hiến dâng mạng sống vì một đoàn chiên bơ vơ trước bắt bớ và cấm cách, trong số đó 10 vị đã được phong thánh và 18 vị được phong chân phước. Sau đây là 10 vị thánh và năm các ngài tử đạo:

1. Edmunđô Campion                 1581
2. Alexanđrô Briant                     1581
3. Rôbertô Southwell                   1595
4. Henry Walpole                        1595
5. Nicôlaô Owen                         1606
6. Tôma Garnet                           1608
7. Edmunđô Arrowsmith              1628
8. Henry Morse                           1645
9. Philipphê Evans                       1679
10. Đavit Lewis                           1679

Ở đầu thế kỷ XVI, toàn thể nước Anh đã gia nhập Hội Thánh Công Giáo từ nhiều đời, và nước Anh từng được gọi là hòn đảo thánh. Khi phong trào cải cách Tin Lành mới xuất hiện, vua Henry VIII của nước Anh đã chống đối quyết liệt, và được Tòa Thánh tặng danh hiệu “người bảo vệ đức tin”. Nhưng năm 1534, sau khi không được Tòa Thánh cho phép li dị để kết hôn với người thị nữ, nhà vua tách Hội Thánh tại nước Anh thành một Giáo hội tự trị, quyền tối thượng không thuộc về Đức Thánh Cha nữa, nhưng thuộc về nhà vua. Hơn hai mươi năm sau, nữ hoàng Elisabeth I tổ chức Giáo hội nước Anh thành một Giáo hội hoàn toàn tách biệt khỏi Hội Thánh Công Giáo, có luật lệ riêng, phụng vụ riêng. Chẳng những vậy, ai không chịu công nhận quyền tối thượng của nữ hoàng trong Giáo hội nước Anh thì bị kết án là phản quốc và bị xử tử. Điều đáng buồn là đa số các Giám mục và linh mục cúi đầu vâng lệnh nữ hoàng. Vì vậy, suốt hơn 100 năm, rất nhiều tín hữu trung thành với Hội thánh Công Giáo phải sống lén lút, không có mục tử, đặc biệt là thiếu các bí tích, vì các giáo sĩ tuyên thệ nhìn nhận quyền tối thượng của nữ hoàng đều bị Tòa Thánh phạt và tuyệt thông.

Một số khá đông linh mục, tu sĩ và giáo dân phải chạy trốn qua nước khác để có thể trung thành với Hội Thánh. Nghĩ đến đoàn chiên bơ vơ còn lại trong nước, nhiều người tìm cách quay về lén lút giúp đỡ. Chính Dòng Tên cũng tích cực tham gia phong trào này. Tại Rôma, Dòng thành lập một trường riêng, gọi là Học Viện Anh quốc, để đào tạo những linh mục về nước giúp đồng bào. Ngoài ra, Dòng gửi các Giêsu hữu trẻ người Anh tự nguyện về nước. Các thừa sai gan dạ này thường phải sống chui rúc, giả trang, mạng sống lúc nào cũng như chuông treo sợi chỉ. Có khi nhà cầm quyền phải vu cáo cho các ngài một tội ác để tăng cường truy lùng và kết án.

Chúng tôi xin giới thiệu sơ lược tiểu sử hai vị thánh tiêu biểu trong số 10 vị thánh tử đạo nói trên là thánh  Edmunđô Campion và thánh Rôbertô Southwell.

Thánh Edmunđô Campion không những được coi là vị tiêu biểu của Dòng Tên trong thời kỳ này, mà còn được coi là tiêu biểu cho cả Hội Thánh Công Giáo tại nước Anh thời kỳ tử đạo. Ngài sinh tại kinh thành Luân Đôn năm 1540, đúng năm Dòng Tên được Hội Thánh thừa nhận. Ngài từng là một sinh viên rồi một giáo sư xuất sắc của đại học Oxford thời danh. Lúc ấy, ngài khá lơ là với tôn giáo, nên thản nhiên tuyên thệ quyền tối thượng của nữ hoàng. Chẳng những vậy, ngài còn chịu chức phó tế trong Giáo Hội Anh quốc nữa. Trong chức vụ phó tế, ngài phải giảng, vì vậy phải nghiên cứu Kinh Thánh và các giáo phụ. Càng đào sâu, ngài càng thấy mình đã lạc đường. Năm 29 tuổi, ngài từ chức giáo sư đại học để tìm hiểu vấn đề tôn giáo cho đến nơi đến chốn. Năm 1570, nữ hoàng Elisabeth I bị Đức Thánh Cha phạt vạ tuyệt thông, ngài dứt khoát trở về với Hội Thánh Công Giáo. Năm31 tuổi, ngài qua Pháp, gia nhập chủng viện, rồi gia nhập Dòng Tên.

Năm 1580, sau khi chịu chức linh mục, ngài xin được về quê hương để giúp đồng bào. Đổi tên và giả trang thành một người thợ bạc, ngài lén lút về Luân Đôn. Ngài thích thú khi thấy Luân Đôn rất nhiều người Công Giáo, chỉ thiếu linh mục. Ngài viết và phổ biến một bài trình bày sứ mạng của ngài tại quê hương là rao giảng đức tin nguyên tuyền. Ngài cũng cho biết sẵn sàng tranh luận công khai về đức tin với bất kì ai. Hệ quả trực tiếp là có thêm 50 ngàn người từ chối tuyên thệ nhìn nhận quyền tối thượng của nữ hoàng trong Hội Thánh. Nhà cầm quyền gọi ngài là “tên khoác lác” và truy nã gắt gao. Trong thư gửi cha Tổng Quản, ngài viết: “Hầu như mỗi ngày đều đổi chỗ ở… Nhiều khi nhìn mình trong gương, con bật cười vì thấy lạ hoắc. Con thay họ đổi tên xoành xoạch như thay quần áo. Thỉnh thoảng con lại được tin mình đã…bị bắt!”

Sống và làm việc như vậy được một năm thì ngài bị bắt. Ngài được đưa đến gặp Nữ Hoàng. Ngài được hứa rằng ngay khi từ bỏ Hội Thánh Công Giáo ngài sẽ lập tức được phong làm Tổng Giám Mục nếu ngài không muốn được phong lên hàng quý tộc hay làm quan đại thần. Vì từ chối, ngài bị giam giữ, tra tấn, và cuối cùng bị kết án tử hình. Trước khi bị treo cổ, ngài nói với mọi người có mặt: “Chúng tôi bị đem làm trò cười cho thế gian, thiên thần và loài người. Chúng tôi điên rồ vì yêu mến Đức Kitô.” Sau khi ngài chết, người ta buộc mỗi chân mỗi tay ngài vào một con ngựa, cho bốn con chạy bốn hướng để xé xác ngài.

Trước tòa án, thánh Edmunđô Campion đã thay mặt cho anh em linh mục Công Giáo bị kết án tuyên bố mạnh mẽ: “Thưa  quy vị, hãy nhớ Thiên Chúa là Đấng hằng sống và thế hệ con cháu chúng ta cũng sẽ sống. Chính Thiên Chúa và con cháu chúng ta sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm của những ai kết án chúng tôi hôm nay.”

Thánh Rôbertô Southwell sinh khoảng năm 1561 tại Horsham. Đến tuổi thiếu niên, ngài được gửi qua học ở Pháp. Năm 17 tuổi, ngài được nhận vào Dòng Tên ở Rôma. Năm 23 tuổi, ngài thụ phong linh mục và 2 năm sau lén lút trở về Anh làm việc tông đồ. Sống chui rúc hoặc giả trang trong 6 năm, ngài đi lại nhiều nơi để giúp các tín hữu Công giáo học hỏi giáo lý và chịu các bí tích, nhất là Rửa tội, Giải tội và Thánh Lễ. Ngài cũng đã giúp một số người đã tuyên thệ và gia nhập Anh Giáo trở về với Hội thánh Công giáo. Năm 31 tuổi, ngài bị bắt, bị giam cầm trong 3 năm, bị tra tấn nhiều lần, cuối cùng bị treo cổ ngày 21.2.1595.

Mười vị thánh trên được Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên thánh năm 1970; 18 vị lần lượt được phong chân phước năm 1886 do Đức Thánh Cha Lêô XIII, năm 1929 do Đức Thánh Cha Piô XI và năm 1988 do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

***

AMDG
ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA  HƠN

Kiểm tra tương tự

Danh Thánh Chúa Giêsu và Ơn Hoán Cải của Thánh Phaolô

  Hãy suy nghĩ về vai trò quan trọng nhất của Thánh Danh Chúa Giêsu …

Tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự: Bài học từ thánh Phanxicô Salê

Dù Thiên Chúa chắc chắn hiện diện trong những ngôi thánh đường, Ngài cũng có …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *