Thánh Giacôbê Berthieu, SJ – Nhà truyền giáo nhiệt thành

“Tôi đến đây không phải để dạy các bạn đánh nhau, hễ còn sống, tôi sẽ dạy các bạn cầu nguyện, vì cầu nguyện sẽ giúp chúng ta cứu rỗi linh hồn mình.”

Vào ngày 21-10-2012, ĐGH Biển Đức 16 đã tôn phong 7 vị Chân Phước lên bậc hiển thánh, trong đó có chân phước Giacôbê Berthieu, một nhà truyền giáo Dòng tên sống vào thế kỷ 19. Nhà truyền giáo này được ĐGH Phaolô VI phong chân phước vào năm 1965. Trong bài phát biểu trong thánh lễ phong chân phước, Đức Phaolô VI nói rằng, ơn gọi truyền giáo của thánh Giacôbê Berthieu thể hiện một niềm khao khát sâu xa dành cho các linh hồn, một đức ái mãnh liệt dành cho con người. Tình yêu này được trao ban một cách quảng đại và nhưng không cho tất cả mọi người không phân biệt ngôn ngữ, văn hoá và tôn giáo. Với tình yêu này, ngài đã vượt qua những hố ngăn cách giữa người với người, để rồi, với đức tin, ngọn lửa từ con tim của vị truyền giáo này đã được truyền sang những con người mà ngài gặp gỡ. Ngọn lửa ngày càng bùng cháy đến nỗi không một cơn cuồng phong nào có thể dập tắt được. Chiêm ngắm đời sống và cái chết của thánh Giacôbê Berthieu, chúng ta thấy nơi ngài hình ảnh của một vị mục tử nhân lành yêu thương hết mình vì đoàn chiên. Người “Mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).

Thánh Giacôbê Berthieu sinh ngày 27 tháng 11 năm 1838, tại Monlogis, nước Pháp. Năm 15 tuổi cậu vào tiểu chủng viện Pleaux. Sau đó, cậu học tại Đại chủng viện thánh Flour, và chịu chức linh mục vào năm 1864.

Ba năm đầu của sứ vụ linh mục là những năm không hạnh phúc và dễ dàng với vị linh mục trẻ tuổi. Cha phải cộng tác với một vị linh mục già nua, bệnh tật và khó tính. Sáu năm kế tiếp là khoảng thời gian vui tươi và hạnh phúc hơn khi cha được cộng tác với một linh mục trẻ cởi mở và tốt bụng. Tuy nhiên, dường như nơi vị linh mục trẻ này vẫn có một nỗi khắc khoải và ước ao khác, ước ao trở thành một tu sĩ của một dòng tu. Thế là vào năm 1873, ước mơ của vị linh mục trẻ tuổi thành hiện thực khi ngài được nhận vào nhà tập Dòng tên tại Pau. Sau này, trong một lá thư gửi cho gia đình, ngài viết: “Con có một ước ao sâu thẳm đó là trở thành một tu sĩ, và nhất là trở thành một nhà truyền giáo. Dẫu vậy, con chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình được Thiên Chúa thương mời gọi sống ơn gọi này. Con ý thức về những giới hạn của con nhưng giờ đây, vào giây phút này, sự quan phòng của Thiên Chúa đã đặt con vào ơn gọi này.”

Ước ao đi truyền giáo của cha Berthieu trở thành hiện thực khi ngài được chỉ định đi truyền giáo ở Madagascar. Từ nay, cha dành trọn cuộc đời mình để sống với những con người nhỏ bé và đơn sơ. Cha ước ao đưa tất cả về với Đức ki-tô như người mục tử nhân lành tìm kiếm những con chiên lạc. Vì thế, vị truyền giáo này đã dấn thân vào sứ vụ truyền giáo với một lòng nhiệt thành sâu xa và một sự phó thác lớn lao vào tình yêu Thiên Chúa. Cha bắt đầu công việc của mình tại hòn đảo Thánh Maria với những công việc nặng nhọc và vất vả hàng ngày. Sáu tháng sau khi tới đó, trong một lá thư gửi cho người bạn, cha viết: “Tôi cảm thấy bối rối nhiều vì không có gì để kể cho bạn, thực sự tôi chưa hề làm được gì ở đây. Tôi chỉ học ngôn ngữ Madagasca, dạy giáo lý cho trẻ em, thỉnh thoảng có giải tội, và dành một ít thời gian quan sát để thích nghi với môi trường mới”. Tuy nhiên, giữa những công việc tầm thường và nhàm chán này, cha vẫn luôn tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài có một tâm hồn nhạy cảm để nhận ra lời mời gọi và sự hiện diện của Chúa trong những biến cố bình thường. Ngài nói: Những khó khăn và sầu khổ thiêng liêng này không hề làm tôi thất vọng, trái lại nó làm tôi thấy mình cần khiêm tốn hơn và tin tưởng rằng vào một lúc nào đó tôi sẽ làm được một điều gì đó với ơn sủng của Thiên Chúa. Thật vậy, khi đã học xong ngôn ngữ, cha đã dấn thân vào việc dạy giáo lý, thăm viếng người nghèo và bệnh nhân cùi, dạy cho những lớp chuẩn bị rước lễ lần đầu… Nói chung, cha ao ước làm mọi sự tốt lành để đưa mọi người đến với Chúa bất chấp những mệt nhọc và khó khăn phải đối diện.

Fr-Jacques-Berthieu-SJ02Nỗi đau lớn nhất của người mục tử là phải rời bỏ đàn chiên mà mình hết sức yêu mến. Với những khó khăn về mặt chính trị, cha Berthieu đã phải nếm trải thập giá này nhiều lần như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Thật vậy, vào năm 1881, cha Berthieu phải rời hòn đảo nhỏ bé này vì sắc lệnh trục suất các giáo sĩ trên các vùng lãnh địa của Pháp. Trong những năm sau đó, nhà truyền giáo này phải chìm nổi qua các điểm truyền giáo khác nhau, một điều trái ngược với tính khí và mong muốn của ngài. Cha Berthieu chia sẻ với một người bạn rằng: “không có gì có thể giữ trái tim của tôi được nữa, vì tôi đã đặt để trái tim mình ở Ambositra sau 5 năm rưỡi sống, làm việc và chịu khổ ở miền đất này.” Dẫu vậy, nỗi đau vì phải rời bỏ những nơi thân thương đã không cản trở ngài dấn thân vào cộng đoàn mới với một lòng nhiệt thành sâu xa. Công việc mới làm ngài sớm vơi đi nỗi nhớ dành cho vùng đất mà mình đã gắn bó lâu năm. Ngài nói: “Buổi sáng cũng như buổi chiều, tôi thường dạy giáo lý, khoảng thời gian còn lại dành để nói chuyện với người dân. Đi thăm viếng những vùng lân cận, những người bạn cũng như kẻ thù, với mong ước đưa tất cả về với Chúa chúng ta.” Các tín hữu, những người mà sống với ngài, luôn nhận ra nơi ngài hình bóng của một vị tu sĩ hiền hậu và nhân từ. Một giáo lý viên người Madagasca xác nhận: “Ngài tốt với tất cả mọi người như mặt trời mùa xuân.”

Tình yêu của người mục tử dành cho đoàn chiên đòi hỏi ngài phải ở lại bên cạnh họ trong những lúc khó khăn và bách hại để an ủi và đỡ nâng họ. Năm 1886 quân đội Pháp muốn cha sơ tán vì không thể bảo vệ ngài, tuy nhiên cha vẫn muốn ở lại với “những tín hữu tốt lành” của mình, những người rất hạnh phúc vì sự hiện diện của ngài. Vì tình yêu dành cho các tín hữu, cha sẵn sàng đón nhận cái chết, cha nói: “Tôi không biết điều gì đang chờ đợi mình, nhưng cho dù điều gì xảy ra đi nữa, tôi vẫn luôn sẵn sàng, tôi đã làm Linh Thao như thể đây là lần cuối cùng trong đời tôi.” Trong một lần di tản, có khoảng 2000 người tị nạn lầm lũi bước theo sau những người lính Pháp. Càng đi, đám đông dường như càng tụt lại phía sau. Những người bệnh tật, người già và trẻ em bị bỏ lại phía sau và không còn nhận được sự bảo vệ của quân lính. Cha Berthieu cưỡi ngựa đi theo sau để khích lệ họ, và trong khoảnh khắc quyết định này, ngài đã thực hiện một quyết định định mệnh. Với trái tim yêu thương của một vị mục tử, ngài đã trao con ngựa cho người khác và gia nhập vào đoàn người tị nạn để cùng đồng hành với họ. Một lúc sau, quân lính Pháp đã mất dạng, bỏ lại cha và những người dân tội nghiệp ở phía sau. Và sau đó cha đã bị quân nổi dậy bắt và ngài đã sống trọn tình yêu thương dành cho con người bằng cách hiến dâng chính mạng sống mình.

Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu“(Ga 15, 13). Vâng, vì yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người, cha Berthieu sẵn sàng chết cho người mình yêu. Ngài đón nhận cái chết với một thái độ thanh thản và nhẹ nhàng. Trước khi chết, ngài còn được diễm phúc “chịu mọi lăng mạ, cáo gian sỉ nhục, … bị coi và đối xử như kẻ điên dại” vì tình yêu dành cho Đức ki-tô, một ân huệ mà thánh I-nhã muốn những người con của mình ước ao vì ao ước trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô.

Vào tảng sáng ngày 8 tháng 6, cha cử hành thánh lễ và khích lệ các tín hữu hãy chuẩn bị bữa ăn vì ngài biết rằng một điều đó sắp xảy ra; cha khuyến khích các tín hữu hãy ở lại trong thinh lặng và lẫn Chuỗi Mân Côi. Những người lính Menalamba lùng sục ngôi làng. Khi được báo tin, ngài nói: “Các con của ta ơi, các con hãy cầu nguyện vì có thể chúng ta sẽ phải chết.” Khi nghe thấy, các tên lính thét lên: “hãy giao cho chúng tôi tên da trắng này, nếu không chúng tôi sẽ tiêu hủy nhà của các ngươi” Cha nói với các tín hữu trốn đi và nói rằng: “nếu có ai phải chết, thì người đó chính là cha.”

Cha Berthieu bị điệu ra sân, bị chém vào đầu và trán. Ngài ngã quỵ xuống, rồi thì đứng dậy, lấy khăn lau những giọt máu và thì thào: “Hỡi những người người bạn của tôi, đừng giết tôi, tôi sẽ nói cho các bạn những điều hay lẽ phải.” Đám đông đáp lại lời ngài bằng một cú đánh khác. Một số người muốn giết ngài ngay lập tức, một số khác muốn điệu ngài đến một cánh đồng cách đó khoảng 15 km để trình diện với tên đứng đầu. Những kẻ khác lùng sục để bắt những người đã đồng hành với vị truyền giáo nhưng nhờ sự giúp đỡ của những người bạn và những người quen, họ đã trốn thoát.

Vừa ra khỏi làng, những kẻ nổi dậy đã lột quần áo ngoài của ngài. Thấy ngài đeo một cây Thánh Giá, một tên đã lột lấy và la lên: đây là bùa hộ mệnh của mày sao! Đây là vật mà mày dùng để lừa gạt và lôi kéo những người dân của chúng tao ư! Người lính hỏi ngài: Mày có tiếp tục cầu nguyện và dạy cho những người dân cầu nguyện nữa hay không? Vị tử đạo đáp lại: Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho đến chết.

Dù đứng trược những lời đe doạ hay dụ dỗ, cha vẫn kiên vững với con đường của mình, và ân cần dạy dỗ họ về con đường của Đức Kitô. Thật vậy, khi có người đề nghị cha rằng: “Thay vì cầu nguyện, ông hãy dạy chúng tôi sử dụng vũ khí để chống lại những người da trắng, rồi chúng tôi sẽ thả ông ra.” Cha trả lời họ rằng: “Tôi đến đây không phải để dạy các bạn đánh nhau, hễ còn sống, tôi sẽ dạy các bạn cầu nguyện, vì cầu nguyện sẽ giúp chúng ta cứu rỗi linh hồn mình.” Khi gần đến nơi hành quyết, một trong những người đứng đầu quân nổi dậy đến bên cạnh cha và nói: “Ông hãy từ bỏ tôn giáo xấu xa của ông đi, và đừng lừa dối những người dân của chúng tôi nữa, chúng tôi sẽ dẫn ông theo chúng tôi và đặt làm thủ lãnh và người cố vấn cho chúng tôi, sẽ không ai giết ông nữa.” Cha đáp lại ông ta rằng, “hỡi người con của tôi, tôi sẽ chọn cái chết chớ  tôi tuyệt đối không thể chấp nhận một điều gì tương tự như vậy.”

Trên hành trình thập giá, cha Berthieu cũng cảm nhận được sự bỏ rơi và khước từ, nhưng trong mọi sự, ngài vẫn biểu lộ một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đức Kitô Phục sinh. Thật vậy, trên đường đến nơi hành quyết, trời đổ cơn mưa nặng hạt, vì lạnh giá, ngài đã thì thào với những người xung quanh rằng: “hỡi những người anh em của tôi, cho tôi một cái áo choàng, tôi lạnh quá.” Đáp lại lời cầu xin của ngài là sự im lặng đáng sợ. Những người dân ở đó không dám giúp đỡ ngài vì sợ quân nổi dậy sẽ trả thù. Khi đi ngang qua ngôi nguyện đường mà ngài vẫn thường thi hành tác vụ linh mục, ngài biểu lộ khao khát muốn đi vào nguyện đường này, nhưng quân lính không cho. Ngài quỳ sụp xuống trước cổng của nguyện đường và lớn tiếng đọc kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng hai tay ngài giữ chặt Chuỗi Mân Côi và cây Thánh Giá. Khi quân nổi loạn lăng nhục cha và những bùa chú mà ngài đang cầm, cha nói: “Đây không phải là bùa chú của tôi, nhưng đây là cây Thánh Giá tượng trưng cho Đấng Cứu Độ của nhân loại.” Những tên nổi loạn nổi giận và dùng báng súng để đánh cha. Người ta nghe thấy vị tử đạo thì thầm rằng: “Thân xác tôi run rẩy trước cái chết, nhưng linh hồn tôi không sợ hãi vì khi đón nhận cái chết, tôi sẽ đi vào cõi sống với Cha.”

Cuộc hành trình diễn ra với những trò lăng nhục và đê tiện dành cho vị truyền giáo, ngài kiệt quệ vì mất máu và vì sự vất vả của hành trình; ngài bị nhấn chìm trong biển mồ hôi. Đến nơi hành quyết, trước khi bị xử bắn, mắt hướng nhìn về phương đông, cha đã xin phép để cầu nguyện và ngài đã cầu nguyện cho những kẻ giết mình. 6 người trong đội hành quyết được chỉ định thi hành án tử hình cảm thấy bị ám ảnh bởi một nỗi sợ mầu nhiệm. Bốn người trong số họ liên tục bắn trượt. Cha Berthieu đã ngã quỵ với phát súng của người thứ năm và thứ 6. Khi đã ngã xuống, cha còn bị đánh vỡ đầu với một cây dùi cui và rồi người ta vất ngài xuống một con sông gần đó, một con sông đầy cá sấu. Họ làm như vậy vì không muốn sự giận dữ của người Pháp đỗ xuống đầu người dân. Như vậy, dù đã chết, cha Berthieu vẫn bảo vệ cho người dân được bình an, những người dân mà ngài hết sức yêu quý và dành cả cuộc đời mình để phục vụ họ.

Vị tử đạo anh hùng đã được phong chân phước vào ngày 17 tháng 10 năm 1965 và được Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 phong thánh cho ngài ngày 21 tháng 10 năm 2012. Như ĐTC Phaolô VI đã nói trong lễ phong chân phước năm 1965, vị tử đạo của chúng ta không phải chết vì lý do chính trị, nhưng là vì “tình yêu thương con người.” Vâng, cha Berthieu đã dành suốt cuộc đời để yêu thương con người, và cuối cùng đã chết vì tình yêu này. Tình yêu được diễn tả trọn vẹn nhất khi ngài hiến dâng mạng sống mình cho người dân Madagascar yêu quý. Quả thật “không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu“(Ga 15, 13).

Minh Triệu, S.J.

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Thánh Gioan Thánh Giá trước sự bách hại của hàng giáo sĩ

  Thánh Gioan Thánh Giá là một trong những nhà thần bí vĩ đại nhất …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *