Đi tìm nơi an nghỉ của cha Đắc Lộ

giao-si-dac-lo

Linh mục Alexandre de Rhodes – người có công lớn trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ có tên tiếng Việt là cha Đắc Lộ.

Nếu dùng những từ khóa này tìm kiếm trên Google, ta được hàng vạn trang viết về ông. Nhưng nếu hỏi: “Mộ của ông ở đâu?” thì không có thông tin nào. Chỉ biết rằng, ông mất ngày 5/11/1660 ở thành phố Isfahan – Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ngày nay. Hành trình đi tìm mộ cha Đắc Lộ được khởi đầu từ những thông tin ít ỏi như thế.

Tìm về kinh thành Ba Tư xưa

images669088_a2_tr1Bia mộ của linh mục Alexandre de Rhodes

Với hy vọng có thể tìm được nơi ông trở về với cát bụi, chúng tôi, đoàn cán bộ Việt Nam đang công tác tại Iran đã đến Isfahan – thành phố cổ cách Teheran 350 km về phía Nam. Đó là một ngày đầu năm 2011, một tuần sau lễ Giáng sinh.

Con đường cao tốc nối Teheran với Isfahan phẳng đẹp như một dải lụa mềm vắt qua những núi đồi, cao nguyên hoang vắng đầy sỏi đá. Đường tốt, nên chỉ hơn 4 giờ, chúng tôi đến Isfahan.

Nằm trên tuyến đường giao thương chính Bắc – Nam, Đông – Tây, Isfahan từng là kinh đô của nước Ba Tư xưa. Thành phố này nổi tiếng với những kiến trúc Hồi giáo, có nhiều đại lộ, nhà thờ tuyệt đẹp. Điều này khiến thành phố được người Iran đưa vào câu thành ngữ: “Isfahan là một nửa của thế giới”.

Quảng trường Naghsh-i Jahan của Isfahan là một trong những quảng trường lớn nhất địa cầu với kiến trúc tiêu biểu Hồi giáo đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại. Tại thành phố này, Alexandre de Rhodes đã sống những năm cuối đời. Mặc dù trước đó, phần đời chính của ông là ở Việt Nam.

Chúng tôi đến Isfahan vào một ngày mùa đông se lạnh nhưng tràn ánh nắng. Hỏi đường đến một nhà thờ Công giáo nào đó, chúng tôi được người dân chỉ dẫn tận tình. Điểm chúng tôi đến là nhà thờ Vank, nhà thờ thiên chúa lớn nhất Isfahan.

Qua giây phút ngạc nhiên trước đoàn khách Việt Nam, cha xứ nhà thờ nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi hồ hởi. Trước nay, hiếm có du khách Á đông nào, nhất là từ Việt Nam xa xôi tới nơi đây. Ông nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan và nói về lịch sử nhà thờ.

Nằm trong thế giới Hồi giáo, nhà thờ có kiến trúc bề ngoài đặc trưng Hồi giáo, nhưng vào bên trong, với các tranh và tượng Thánh đầy ắp khắp các bức tường, cứ ngỡ như đang ở một nhà thờ nào đó ở Roma hay Paris.

Cha xứ càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi hỏi về giáo sĩ Alexandre de Rhodes – người đã mất cách đây hơn 350 năm. Nhà thờ Vank có một thư viện lớn, lưu trữ nhiều tư liệu quý giá. Cha xứ nói người vào thư viện tìm kiếm. Lát sau, một thanh niên to khỏe khệ nệ mang ra một cuốn sổ dày cộp, to chừng nửa cái bàn, bìa bọc da nâu ghi chép về các giáo sĩ đã làm việc và mất tại đây. Ngạc nhiên và vui mừng tột độ, cha và chúng tôi tìm thấy dòng chữ ghi Alexandre de Rhodes mất năm 1660.

images669089_a1_tr8Đoàn cán bộ Sứ quán Việt Nam trước mộ linh mục Alexandre de Rhodes

Nơi cha Đắc Lộ nghỉ chân

Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, chính tại nhà thờ Vank này, cha Đắc Lộ đã sống và làm việc những năm cuối đời. Chúng tôi hỏi: “Thưa cha, liệu có thể tìm thấy mộ của Alexandre de Rhodes ở đâu không?”.

Cha xứ tận tình chỉ đường cho đoàn khách đặc biệt tới Nghĩa trang Công giáo ở ngoại ô thành phố.

Nghĩa trang nằm dưới chân đồi. Các ngôi mộ nằm êm mát dưới tán rừng thông, tùng, bách mênh mông, vắng lặng. Lạ một điều, nghĩa trang Công giáo nhưng không thấy một cây thánh giá nào.

Phân vân tự hỏi làm sao tìm được mộ cha Đắc Lộ trong khu nghĩa trang rộng lớn này? Thật may, chúng tôi gặp được người quản trang nhiệt tình. Ông chỉ đường cho chúng tôi đến khu mộ cổ.

Chia nhau đi các ngả tìm kiếm, lần mò hồi lâu, chúng tôi reo lên khi thấy ngôi mộ có ghi rõ tên Alexandre de Rhodes. Mộ ông nằm bên cạnh hai ngôi mộ khác thành một cụm ba ngôi. Gọi là mộ, nhưng không đắp nổi như ở Việt Nam. Đó chỉ là tảng đá lớn nằm nghiêng nửa chìm, nửa nổi trên mặt đất. Dù đã trải qua mưa nắng, biến động cuộc đời hơn ba thế kỷ, chữ khắc trên tảng đá còn khá rõ nét.

Trong ánh nắng ban trưa, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước ngôi mộ, ai cũng thấy dâng lên trong lòng mình những cảm xúc bâng khuâng khó tả.

Rời Isfahan, trở về với công việc thường nhật, chúng tôi cảm thấy có đôi chút may mắn là một trong những người Việt đầu tiên tìm thấy mộ phần của cha Đắc Lộ. Thế giới nhiều khi hữu hạn, còn văn hoá và ngôn ngữ dường như vô hạn. Xin cảm ơn Cha, người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để cả dân tộc Việt sử dụng cho tới ngày hôm nay!

Cha Đắc Lộ sinh ngày 15/3/1591 ở Avignon (Pháp). Ông là nhà truyền giáo dòng Tên. Ông đến Hội An (Việt Nam) đầu năm 1625, khi 34 tuổi, đi suốt Bắc – Nam truyền đạo và chỉ rời Việt Nam khi bị nhà Nguyễn trục xuất vĩnh viễn vào năm 1645.*

Trong 20 năm ở đất Việt, ông đã có công tổng hợp, chỉnh lý những công trình của các giáo sĩ trước đó để hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại với tác phẩm “Tự điển Việt-Bồ-La” in năm 1651 tại Roma -Cuốn sách hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Cha Đắc Lộ còn để lại cuốn Phép giảng tám ngày – tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, phản ảnh văn ngữ và cách phát âm của người Việt thế kỷ 17.

Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả Thanh Việt, được đăng trên trang web Giáo Dục và Thời Đại tại địa chỉ: http://www.gdtd.vn/channel/2776/201308/tim-noi-an-nghi-cua-cha-de-chu-quoc-ngu-1971800/

* Đính chính: Cha Đắc Lộ không ở Việt Nam liên tục trong 20 năm. Ông đến Đàng Trong học tiếng Việt vào tháng 12/1624 và đến Đàng Trong vào cuối năm 1626 (gần 2 năm); ra Đàng Ngoài từ tháng 3/1627 đến tháng 5/1630 (khoảng hơn 3 năm); sống ở Macao từ năm 1630 – 1640; trở lại Đàng Trong 4 lần: từ tháng 2-9/1640; tháng 12/1640-7/1641; tháng 1/1641 – 7/1643; tháng 3/1644- 7/1645 (hơn 4 năm. Như vậy cha Đắc Lộ ở Việt Nam không liên tục và chưa tới 10 năm.

Kiểm tra tương tự

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Một đan sĩ thừa sai tại Việt Nam sắp được phong chân phước

Cha Benoît Thuận (1880 – 1933), một linh mục thừa sai người Pháp và là …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *