Thánh Gioan Brébeuf và các bạn tử đạo ở Bắc Mỹ (Lễ nhớ ngày 19-10)

Nếu khu vực truyền giáo cho thổ dân da đỏ ở Nam Mỹ đẹp như một bông hồng, nhưng có gai thì ở Bắc Mỹ, nó như cành hồng có gai mà chưa ra bông. Cả về địa lý, thời tiết, cũng như về chính trị, hoàn cảnh ở Bắc Mỹ khó khăn hơn nhiều. Thánh Gioan Brébeuf và các bạn đã đóng vai trò người khai hoang, và đã tưới cánh đồng truyền giáo bằng máu, để những người đến sau có được một mùa gặt dồi dào.

Là tông đồ, ngài không được quyền thấy khó thì chạy trốn. Phải xin Chúa Thánh Thần ban ánh sáng để tìm ra con đường, ban sức mạnh để tiến bước, cho dầu là giữa chỗ chông gai hay bão tố. Cầu nguyện và nhận định là điều cốt yếu.

Năm 1632, Dòng Tên Pháp chính thức đảm nhận công cuộc truyền giáo cho thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ. Thời ấy chưa có nước Canada và nước Hoa Kỳ như hiện nay, chỉ có những thuộc địa của Anh, của Pháp, của Hà Lan Thánh Gioan Brébeuf đã đến thăm dò từ năm 1627, nhưng ở với dân Huron, bên bờ đông vịnh Georgia thuộc Huron, được 3 năm thì bị trục xuất. Dầu sao, ngài cũng đã biết chỗ, biết người. Năm 1633, ngài trở lại với một nhóm anh em mới. Vì nhân sự hạn chế, và vì hoàn cảnh khó khăn, cả nhóm lại đến sống giữa người Huron. Vả lại họ ở cố định nên dễ hơn.

Làm một chòi lá tương tự chòi của thổ dân, các thừa sai sống với họ, và phần nào như họ. Trước hết, tất cả các ngài phải học tiếng nói và phong tục địa phương. Kế đến, các ngài giúp họ giữ vệ sinh về ăn ở để tránh bệnh tật và chỉ họ khi đau yếu thì uống thuốc chứ đừng tế thần. Đồng thời, các ngài giúp họ tổ chức làm ăn phù hợp với hoàn cảnh địa lý và thời tiết để có kết quả hơn. Điều khó nhất là phải giúp họ bỏ thói quen nam nữ chung chạ bừa bãi và giết kẻ thù ăn thịt. Chỉ mấy điểm lớn kể trên, có lẽ phải qua vài thế hệ mới hy vọng thay đổi được. Riêng việc rửa tội thì chắc phải lâu mới bắt đầu được và chỉ rửa tội cho từng người đã được chuẩn bị đầy đủ.

Thánh Gioan Brébeuf có sáng kiến phải giúp họ học hành mới mong họ tiến mau được. Ngài sáng chế chữ viết, soạn thảo từ điển và ngữ pháp, viết sách bằng ngôn ngữ của họ. Các thừa sai chia nhau dạy họ viết và đọc. Thoạt nghe tưởng chừng việc này đơn giản, nhưng thực tế hết sức phức tạp. Trước hết, tiếng Huron hoàn toàn khác với tất cả các ngôn ngữ châu Âu mà các ngài biết, cả về phát âm, từ ngữ cũng như văn phạm. Thứ đến, xưa nay thổ dân chỉ quen làm việc tay chân kiếm ăn, khi phải ngồi học chữ mà không kiếm được gì ăn, họ cho là mệt nhọc và hão huyền. Các ngài cứ phải kiên nhẫn, vừa “dạy” vừa “dỗ” từng người, vì xác tín rằng đó là con đường tốt nhất dẫn dân tộc họ ra khỏi cảnh lầm than cả về thể xác cũng như linh hồn.

Nếu mọi sự yên lành thì dù đường xa, cứ mỗi ngày đi một chút rồi mãi cũng tới. Nhưng thật không có con đường trải thảm hoa cho người tông đồ. Phải sống khổ cực, nhiều lần bị hiểu lầm và dọa giết, đó mới chỉ là những khó khăn nhỏ. Hai dân tộc da đỏ sống gần dân Huron là dân Algonquin, ở phần đất hiện nay thuộc Canada, và dân Iroquois, phần đất hiện nây thuộc Hoa Kỳ, rất thù nghịch nhau và thường xuyên gây chiến, nên nhiều khi dân Huron bị vạ lây. Hai dân này cùng muốn lôi kéo dân Huron về phe mình, nhưng dân Huron, và các thừa sai, lại muốn giữ trung lập. Đặc biệt dân Iroquois thỉnh thoảng vô cớ tấn công người Huron để bắt người hoặc cướp của. Khi mọi sự trong khu truyền giáo Huron đang tiến triển tốt đẹp, đã có mấy chục người được rửa tội, dân Iroquois đến phá hủy toàn bộ công trình mồ hôi và nước mắt các thừa sai đã gầy dựng trong 15 năm.

Sau đây là danh sách 8 vị thánh cùng với năm các ngài tử đạo:

1.        Rênatô Goupil (1642)
2.        Isaac Jogues (1646)
3.        Gioan la Lande (1646)
4.        Antôn Đaniel (1648)
5.        Gioan Brébeuf (1649)
6.        Gabriel Lalemant (1649)
7.        Carôlô Garnier (1649)
8.        Noel Chabanel (1649)

Có thể chia các ngài thành hai nhóm.

Nhóm trước gồm cha Isaac Jogues và hai hiến sinh, tử đạo tại Auriesville, bang New York, Hoa Kỳ. Ngoài các linh mục và tu sĩ, nhóm thừa sai Huron cũng nhận những thanh niên độc thân tình nguyện đến sống chung và cộng tác: đó là những hiến sinh. Cha Isaac Jogues thường phải đi lại giữa địa điểm truyền giáo với thị trấn Trois-Rivières cách đó hơn 300 cây số để liên lạc và tiếp tế. Trong chuyến đi năm 1642, ngài và hiến sinh Rêtanô Goupil, 34 tuổi, bị người Iroquois bắt làm nô lệ ở Ossernenon, tức ở Auriesville thuộc bang New York hiện nay. Thánh Goupil bị giết vì dạy một em bé làm dấu thánh giá. Cha Jogues được người Hà Lan giúp đỡ nên trốn thoát. Năm 1646, ngài lại đến Ossernenon để giúp dàn xếp hòa bình giữa người Pháp và người Iroquois, nhưng ngài, 39 tuổi, cùng với hiến sinh Gioan La Lande, 24 tuổi, bị họ giết.

Cha Brébeuf và Cha Lalemant chịu tử đạo

Cuối năm 1649, trụ sở đoàn truyền giáo cũng như tất cả các làng người Huron trong khu vực bị phá hủy, dân chúng chạy tán loạn. Mấy thừa sai còn sống sót đem được một số người Huron di chuyển đến địa điểm mới, xa cách hai dân Algonquin và dân Iroquois. Từ đó, công cuộc truyền giáo không những cho dân Huron mà cả cho dân Algonquin và dân Iroquois tiến triển mau chóng. Năm 1980, người da đỏ đầu tiên được phong chân phước là Kateri Tekakwitha, thiếu nữ 23 tuổi, qua đời năm 1680, cha là người Iroquois, mẹ là người Algonquin. Đây là bông hoa thánh thiện đầu mùa trong vườn thổ dân châu Mỹ, do các thừa sai đã cày cuốc, gieo hạt, vun xới và các vị tử đạo đã tưới bằng máu.

Các ngài được Đức Thánh Cha Piô XI phong thánh năm 1930.

***

AMDG

ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA HƠN

Kiểm tra tương tự

Ngày #1: Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Giuse: Xin Cho Con Tìm Được Chồng

Thánh Giuse được biết đến như là một trong ba vị thánh bảo trợ cho …

Phanxicô Xaviê – Một linh đạo truyền giáo

Lm. Giuse Hoàng Sĩ Quý, S.J. Trong 10 năm truyền giáo, thánh Phanxicô Xaviê vượt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *