Dù thánh I-nhã thường được nhắc đến như đấng sáng lập Dòng Tên, nhưng ngài cũng đã trải qua quãng đời tốt đẹp của mình trong tư cách là một Giáo dân. Chính trong tư cách Giáo dân mà ngài đã phát triển Linh Thao và dùng nó để hướng dẫn người khác. Trong thời gian dưỡng thương ở Loyola, ngài đã bắt đầu viết những trang đầu tiên của sách Linh Thao, và phần lớn của cuốn sách này được viết trước năm 1524. Ngài tiếp tục chỉnh sửa nó cho mãi đến 1540, và đưa ra xuất bản vào 1548. I-nhã nhận tác vụ linh mục vào Tháng Bảy, năm 1537 (dù ngài không dâng lễ mở tay cho mãi đến Giáng Sinh 1538) và ngài khấn để trở thành Giê-su hữu cùng với các bạn trong Nhóm vào ngày 22 Tháng Tư, 1541, tức thời điểm Dòng Tên chính thức khai sinh.
Thánh I-nhã là một nhân vật của thời đại. Ngài ra đời một năm trước khi Columbus đặt chân lên Tân Thế Giới trong nỗ lực chứng minh rằng trái đất này tròn chứ không phẳng. Cũng trong năm đó, người Hồi giáo và Do Thái giáo bị trục xuất khỏi Miền Nam Tây Ban Nha sau gần tám trăm năm (người Hồi) thống trị. Tây Ban Nha xâm chiếm đế quốc Aztec ở Trung Mỹ vào 1521 và Incan ở Nam Mỹ vào 1533. Năm 1522, chuyến tàu đầu tiên, cũng là chuyến tàu sống sót duy nhất trong cuộc viễn chinh Ferdinand Magellan, đã đi vòng quanh thế giới theo lệnh của đại tá xứ Basque, Juan Sebastian Elcano. Phong trào Tin Lành lúc đó đang diễn ra tại nhiều quốc gia vùng Bắc Âu. Năm 1543, Copernicus công bố lý thuyết của ông rằng Trái đất và những hành tinh khác quay xung quanh Mặt trời.
Bản thân Giáo hội Công giáo thời đó đang rơi vào những cuộc khủng hoảng. Các linh mục thường không để ý gì đến Tin Mừng và các Bí Tích và một số linh mục còn công khai phá bỏ lời khấn độc thân. Một trong những người anh em của thánh I-nhã đã làm linh mục nhưng vẫn sống với một phụ nữ và có ba đứa con. Một người anh em khác đã lập gia đình nhưng lại thường xuyên đi lại với người vợ lẽ – một thói tục phổ biến ở thời đó. Những khám phá mới mẻ như trái đất tròn và trái đất không phải là trung tâm của hệ mặt trời cũng tạo nên sự thách đố đối với niềm tin thần học và vũ trụ quan từ lâu đời nay. Và tại Tây Ban Nha, Tòa án Dị Giáo hoạt động không nghỉ.
Ngay trong hoàn cảnh đó, I-nhã đã chào đời: một người xứ Basque, một anh lính, con của một gia đình quý tộc nhưng nghèo, một con người của sự đam mê và lòng trung thành, một con người lãng mạn, khôn ngoan và là một nhà huyền bí. Ngài có ơn nước mắt, biết đấu tranh với sự thận trọng, và đau khổ vì chứng bệnh kinh niên. Sau cuộc hoán cải, niềm đam mê đối với sự lãng mạn, với trang phục đẹp và với việc trở nên một người lính vĩ đại trước kia nay được tập trung vào Đức Ki-tô và Nước Thiên Chúa. Ngài yêu Thiên Chúa và có một niềm tôn kính đặc biệt đối với Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Thể. Tính cách của ngài không thay đổi, nhưng toàn thể con người ngài giờ đây quy về việc làm những điều lớn lao cho Thiên Chúa.
Vậy chúng ta đây, trong tư cách là những giáo dân, có thể học được gì từ thánh I-nhã? Phản tỉnh từ cuộc đời thánh I-nhã, tôi thấy xuất hiện rất nhiều chủ đề.
CÔNG TRÌNH VĨ ĐẠI
Năm 1522, I-nhã có một kinh nghiệm thần bí bên bờ sông Cardoner, bên ngoài Manresa; và kinh nghiệm đó là nền tảng cho linh đạo của ngài cũng như cho sự phát triển của cuốn Linh Thao. Ngài có một cảm thức được chìm mình trong Thiên Chúa. “kẻ ấy được ban một hiểu biết sâu về việc tất cả mọi thụ tạo phát xuất từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô; về việc Đức Giê-su Ki-tô hoàn thiện bản tính con người trong việc mang lấy xác phàm; và về việc Đức Ki-tô hiện diện trong các Bí Tích. Ngài thấu hiểu rằng kế hoạch của Thiên Chúa thực ra là một dự án, trong đó mỗi một con người trên trái đất này đóng góp vào, và làm thế nào để niềm hy vọng của Thiên Chúa dành cho chúng ta nổi lên trong ý thức của ta, và thành một luật tự do nhờ ân sủng của Thiên Chúa.”[1] Khi nhìn chăm chú vào dòng sông, I-nhã đã nhận được ơn hiểu biết rằng một người không thể bước vào cùng một dòng sông hai lần; và rằng kế hoạch của Thiên Chúa đang liên tục vén mở, rằng mọi sự của công trình tạo dựng, từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai đều là một. Còn chúng ta là những kẻ đồng sáng tạo trong kế hoạch đó.
Cũng như những nhà thần bí trước ngài và kể từ thời ngài, I-nhã đã kinh nghiệm về cảm thức cái một đó, không chỉ cái một của cùng loài người với nhau, thậm chí cũng không phải cái một của tất cả từ công trình tạo dựng như đang hiện hữu, nhưng là cái một của tất cả mọi sự từ khởi đầu của thời gian cho tới tương lai. Trong Thiên Chúa tất cả là một. Ngài đã biết điều mà các nhà khoa học ngày nay đang xác nhận: mọi sự đều có tương quan. Hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa đang hiện diện ở trong mọi sự.
Công trình đồng sáng tạo này (tôi dùng từ ‘công trình’ trong bối cảnh này để hàm ý bất cứ một hoạt động nào, chứ không chỉ công việc của chúng ta) là một công trình thánh thiêng. Nếu tất cả là một diễn tả của Thiên Chúa, thì chẳng còn có sự phân tách nào giữa thế tục và thánh thiêng. Nghĩa là tất cả mọi công việc của chúng ta – từ việc xây dựng gia đình, kiếm sống, các hoạt động dân sự, tham gia các công việc nơi nhà thờ, sống ơn gọi, đến việc tham dự các lớp học – đều là sự tham dự vào Công Trình Vĩ Đại. Chúng ta là một trong những giọt nước của dòng sông hùng vĩ, dòng sông có vai trò vén mở ước ao của Thiên Chúa dành cho thế giới.
Hiểu biết về dự phần trong Công Trình Vĩ Đại này được thể cách đặc biệt sáng rõ trong Phần Phụ Thêm của cuốn Linh Thao, tức phần Nguyên Lý Nền Tảng và Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu. Trong phần thứ nhất, ngài giới thiệu cho chúng ta ý tưởng về sự dự phần phần đầy ân sủng và độc nhất của tạo dựng, còn trong phần thứ hai ngài dẫn chúng ta ngang qua một bài tập luyện vừa ôn lại kinh nghiệm của Linh Thao đang sắp sửa hoàn tất vừa giúp chúng ta chuyển sang mức độ hiểu biết việc chúng ta được kêu gọi để lao tác như những người làm việc cho Thiên Chúa, để yêu như Chúa yêu. Trong số 237, thánh I-nhã nói, “như tôi thấy mặt trời qua những tia nắng của nó và suối nước qua những giọt nước của nó, thì cũng vậy, Thiên Chúa đổ tràn một sự chia sẻ đời sống thần linh trong tất cả mọi ân huệ trên tôi.”[2]
Nhưng thậm chí ngay trong Tuần Thứ Nhất, chúng ta cũng được kêu mời nhìn xem tội lỗi của mỗi người đã gây nhiễm cho thế giới như thế nào, và làm sao mọi tạo vật vẫn gìn giữ cho chúng ta được sống dù ta là những kẻ tội lỗi. Mặt trời vẫn chiếu sáng trên ta, mưa vẫn đổ xuống trên ta, và ta vẫn được nuôi dưỡng nhờ những sản phẩm của mẹ trái đất và nhờ những mối quan hệ (Linh Thao [60]). Sáng tạo là dấu chỉ hữu hình về hoạt động yêu thương của Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người, dù là tu sỹ hay giáo dân, có chức thánh hay không có chức thánh, đều có vai trò của mình trong việc đóng góp vào công trình vĩ đại này, và đó chính là ơn gọi của mỗi người. Và điều khiến cho một ơn gọi cá nhân nên thánh thiện chính là sự đáp lại ước muốn của Thiên Chúa dành cho người đó. Một ơn gọi cá nhân sống trong tư cách là giáo dân cũng thánh thiện như những ơn gọi sống đời thánh hiến hay linh mục.
KHÁT VỌNG CHÍNH – GIÚP ĐỠ CÁC LINH HỒN
Một mong ước thẳm sâu nổi lên nơi con người I-nhã từ những kinh nghiệm thiêng liêng của ngài là giúp đỡ các linh hồn. Phương pháp chính yếu ngài dùng để thực hiện việc này là những cuộc nói chuyện thiêng liêng với từng cá nhân và từng nhóm nhỏ về đời sống thiêng liêng: về các nhân đức và tật xấu, về Thánh Thể, và đặc biệt là về một trong những chủ đề yêu thích nhất của ngài là Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Thực ra, việc thánh I-nhã, một giáo dân chưa được huấn luyện vê thần học, lại dám nói chuyện thiêng liêng và phát triển cuốn Linh Thao như vậy là một hành động can đảm trong thời của các Tòa án Dị Giáo ở Tây Ban Nha. Ngài thường bị cáo buộc là một thành viên của một nhóm dị giáo mang tên Alumbrados – gồm những người sống theo chủ nghĩa huyền bí và tảng lờ những gì được xác định là chính xác mang tính giáo điều và thần học. I-nhã bị gọi đến trình diện Tòa án Dị Giáo nhiều lần, nhưng người ta không tìm thấy một lỗi nào nơi Linh Thao hay nơi các điều ngài giảng dạy.
Giúp đỡ các linh hồn đã trở thành một khát vọng cháy bỏng trong ngài, và là điểm trọng tâm trong những phân định của ngài.
Năm 1527, I-nhã và một số bạn đường của ngài bị đưa đến trước Tòa án Dị Giáo và bị bỏ tù ở Salamanca, và bị tra hỏi về giáo thuyết và về sách Linh Thao. Sau 22 ngày trong tù, họ nhận được phán quyết rằng không có lỗi lầm gì trong giáo thuyết hay trong đời sống của họ, nhưng họ lại bị cấm không được xác định tội trọng và tội nhẹ cho đến khi hoàn tất một chương trình học cao hơn trong bốn năm. Dù I-nhã biết rằng lệnh cấm này thiếu cơ sở, nhưng ngài cũng đồng ý tránh giảng dạy theo phạm vi tài phán của Tòa. Ngài đưa nỗi khó khăn này vào cầu nguyện và nhận ra rằng sự ngăn cản việc giúp đỡ các linh hồn này là quá lớn. Điều này càng giúp ngài xác quyết thêm phương hướng mà ngài đang lưỡng lự bấy lâu nay, đó là đi tới Paris để học cao hơn, và quan trọng hơn là để có thể được tự do tiếp tục công việc giúp đỡ các linh hồn của ngài.
Trong khi ở Paris, I-nhã phải đối diện với thực tế mà giáo dân gặp phải: làm sao để cân bằng giữa việc học, việc giúp đỡ các linh hồn, và việc tìm những nguồn trợ giúp cho các hoạt động đó. Ngài thường bị phân tâm trong học hành do khát khao giúp đỡ các linh hồn. Cuối cùng, ngài đã nhận định rằng để giúp đỡ các linh hồn thì ngài cần có một nền tảng giáo dục, một phần cũng là để phân biệt bản thân ngài với nhóm Alumbrados.
Cũng chính ở Paris mà thánh I-nhã đã sống chung phòng với Francis Xavier và Peter Favre, tức những người đầu tiên trong nhóm bạn đường. Những người khác dần dần gia nhập vào nhóm và I-nhã đã hướng dẫn họ qua Linh Thao. Trong khi họ tiếp tục học hành và làm việc, Thần Khí đã thúc đẩy họ đi đến một cam kết sâu hơn đối với nhau. Năm 1534, họ cùng chấp nhận một lối sống chung, tuyên khấn sống nghèo khó, khiết tịnh, và đi Jerusalem. Nhưng lối sống chung này tự nó không phải là cùng đích. Nó chỉ là một phương tiện để qua đó họ có thể giúp đỡ các linh hồn hữu hiệu hơn. Khi không thể đi Jerusalem được, họ đã đặt mình dưới quyền của Đức Giáo Hoàng để được sai đi vào các sứ mạng mà ngài thấy là cần thiết nhất. Chính ước mong này đã dẫn đến việc truyền chức linh mục cho những ai chưa lãnh nhận thừa tác vụ này (I-nhã là một trong số đó) vào năm 1537; và dần dà đến năm 1541, họ cam kết với nhau để trở thành một dòng tu, dù là một dòng tu khác biệt so với các dòng khác trong thời đó. Thành viên của dòng này là những người hoạt động trong thế giới, làm việc với con người – giúp đỡ các linh hồn. Vì vậy, khát vọng của I-nhã đã trở thành điểm trọng tâm –mà người ta có thể gọi được là ơn gọi – là giúp đỡ các linh hồn. Dù việc diễn tả khát vọng này được thể hiện theo nhiều cách trong cuộc đời ngài, nhưng rốt cuộc nó là tiêu chuẩn trong mọi quyết định của ngài: đâu là cách tốt nhất để giúp đỡ các linh hồn.
Mỗi người đều có môt ơn gọi riêng. Herbert Alphonso, S.J., trong cuốn sách Discovering your Personal Vocation: The Search for Meaning through the Spiritual Exercises (Khám phá Ơn gọi Riêng của bạn: Cuộc tìm kiếm Ý nghĩa qua Linh Thao), đã khẳng định rằng tập hợp các bài Linh Thao thực chất là sự khám phá ơn gọi cá nhân và vì thế Linh Thao phải trở thành chất liệu của cuộc xét mình. Do đó, xét mình không phải là khí cụ suy xét tội lỗi chúng ta, mà là khí cụ để nhận định. Nếu trong khi xét mình, chúng ta tự tra vấn với câu hỏi “trong những sự kiện của ngày hôm nay, tôi đã sống ơn gọi của mình cách tròn đầy thế nào?” thì ta đã tiến sâu hơn trong việc đặt mình hòa hợp với ngọn lửa độc nhất của Thiên Chúa.
MỘT TÌNH YÊU TÔN QUÝ TRONG CỘNG ĐOÀN
Nhưng ơn gọi cá nhân của ta không phải để sống một cách tách biệt. Chúng ta chỉ là một giọt nước trong dòng sông của một tạo dựng đang luôn tiếp diễn. Những diễn tả về ơn gọi của ta được định hình qua bối cảnh cuộc sống: chúng ta thuộc đất nước nào, truyền thống tôn giáo, xuất thân từ dân tộc nào, thuộc dòng dõi gia đình nào, đang ở đâu trong thời điểm lịch sử, có những sự kiện gì trong đời ta, thức ăn của ta là gì, ta thuộc phái tính nào, quan tâm đến thân thể ra sao, vv. Chúng ta là những hữu thể có tương quan, không chỉ tương quan với người khác mà còn tương quan với toàn thể vũ trụ. Xét ở mức độ hữu cơ, cơ thể chúng ta luôn ở trong trạng thái trao đổi với không khí, nước, dưỡng chất – nhận và thải hồi. Cũng vậy, các phạm vi tâm lý, xúc cảm và thiêng liêng cũng xảy ra điều tương tự. Chúng ta đang liên tục trao đổi năng lượng, cảm xúc, khái niệm, ý tưởng với vũ trụ. Vì chúng ta không thể tiếp xúc với tất cả mọi thứ của vũ trụ cùng một lúc, nên chúng ta cần được nuôi dưỡng và giáo dục trong cộng đoàn- khởi đi từ gia đình, rồi mở rộng dần theo những vòng tròn ngày càng lớn hơn. Khi chúng ta trưởng thành, chúng ta chọn cho mình những cộng đoàn phù hợp, nơi ơn gọi cá nhân của mình có thể được nuôi dưỡng và được biểu lộ. Chúng ta vừa được định hình bởi và vừa định hình lấy cộng đoàn mà ta là thành phần. Có khi nó là một tiến trình vui tươi, nhưng cũng có khi là một thời gian đau khổ. Một cộng đoàn khỏe mạnh sẽ có sự đa dạng về con người và tư tưởng. Và ta càng phải cố gắng tôn trọng sự biểu lộ của Thiên Chúa nơi tha nhân – cả trong phán đoán của ta về người khác lẫn trong diễn tả chân thực của ngọn lửa của Thiên Chúa trong ta.
Những người trong nhóm CLC (Cộng Đoàn Sống Đời Ki-tô) chúng ta cảm thấy được mời gọi để diễn tả ơn gọi của mình trong cộng đoàn này. Nhiều anh chị em cũng là thành viên của Cộng Đoàn Công giáo Roma.
Kinh nghiệm sống trong cộng đoàn của bản thân I-nhã là một kinh nghiệm phức tạp. Những cuộc nói chuyện thiêng liêng, dạy giáo lý cho công chúng, và rước lễ thường xuyên đã dẫn đến việc ngài bị các nhà chức trách của Giáo hội bắt ít nhất tám lần trong thời gian từ 1526 đến 1538. Trong vai trò là Tổng Quản Dòng Tên, I-nhã đã làm việc trực tiếp với nhiều Giáo hoàng về những vấn đề vừa mang tính lợi ích, vừa mâu thuẫn liên quan tới các Giê-su hữu. “Ngài không ngần ngại cầu nguyện liên lỉ, thuyến phục những người bạn làm chính trị và có quyền hành để thay ngài can thiệp, gửi thư hay thăm viếng Giáo hoàng cách cá nhân – nghĩa là I-nhã làm bất cứ việc gì để trì hoãn hoặc đảo ngược quyết định của Giáo hoàng mà ngài cảm thấy là sai trái.”[3]
Trong sách Linh Thao [352-370], I-nhã đưa ra cho ta điều thường được gọi là “Những Quy tắc để có suy nghĩ cùng Giáo hội.” Trong khi có một số thảo luận về việc liệu phần này có phải thực sự được xem như một phần của Linh Thao của I-nhã hay không, vì nó được thêm vào rất trễ sau này, hay cũng có thể nó muốn ám chỉ chính yếu đến những người liên quan các chức vụ công khai trong Giáo hội, thì ở đây chúng ta thấy có một số điểm hữu ích cho sự tiếp cận Giáo hội của giáo dân. (Cả Fleming và Dyckman, lẫn Garvin và Liebert đều đưa ra những giải nghĩa đương thời về những điểm đã phản ánh bốn trăm năm mươi năm kinh nghiệm trong Giáo hội (anh không thể bước hai lần vào cùng một dòng sông), và cả Giáo hội học của Công đồng Vatican II). Tiêu đề “Những Quy tắc để có suy nghĩ cùng Giáo hội,” là một cách dịch sai tiêu đề của I-nhã ở trong phần này của Linh Thao. Cái từ được dịch là “Những Quy Tắc” cần phải được dịch tốt hơn là “Những Hướng Dẫn”. Điều này kiên định với cách dùng của từ này trong các phần khác của Linh Thao. Cũng vậy, từ “Sentido” được dịch thành “Suy Nghĩ” là một từ loại của động từ sentir mà I-nhã sử dụng cách kiên định trong suốt Linh Thao để thông truyền không phải một hoạt động tri thức nhưng là một hiểu biết được cảm nếm, một cái biết trong con tim, hay một hoạt động cảm xúc. Trong bối cảnh đó, Những Hướng Dẫn này trở thành một điều gì đó như là cách sống trong một Giáo hội vừa thần linh vừa nhân loại với cả tình yêu lẫn lòng trung thành có phê phán. “Giữa những bối rối và lo âu của Giáo hội thời ngài trong thế kỷ mười sáu, I-nhã đã biết những khó khăn của việc duy trì một sự cân bằng trưởng thành, một phán đoán công minh, và một lòng tôn kính đối với cả truyền thống và thay đổi. Những hướng dẫn mà ngài đưa ra với hàm ý là sẽ được thao viên nội tâm hóa, tương tự như những hướng dẫn liên quan đến việc ăn uống hay những hướng dẫn để phân định thần loại.”[4] Kinh nghiệm của I-nhã về Giáo hội phẩm trật đã dẫn ngài yêu mến sâu xa vì đó là một cấu trúc quyền hành được nhập thể, và chúng ta cần đón nhận cái thực tế của của thẩm quyền và sức mạnh được diễn tả một cách cụ thể đó. “Giáo hội của I-nhã luôn luôn là một giáo hội của tương quan, và những tương quan đó vừa mang tính thần thiêng vừa mang tính nhân loại.”[5] I-nhã cảm thấy rằng các tác phẩm mang tính trào phúng và châm biếm của của những người như Erasmus đã đã làm xói mòn chí khí của Giáo hội, của Cộng đoàn. Vì thế, Hướng dẫn Số Mười [362] đã lặp lại [22] việc khuyên nhủ thao viên cần phải hướng đến việc ca tụng hơn là đổ lỗi và phải gặp gỡ cá nhân với những người có khả năng giải quyết vấn đề của cộng đoàn. Trong thế giới ngày nay, xu hướng ca ngợi hơn là đổ lỗi và luôn giao việc cho người có khả năng giải quyết nhờ có những động lực chân thành như thế thực sự hết sức cần thiết. Dường như không chỉ trong Giáo hội, mà trong tất cả xã hội, chúng ta thường mau mắn tìm lỗi và đổ thừa. Chúng ta hiếm khi dành giờ để thực sự lắng nghe điều người khác đang nói trước khi chúng ta đã chuẩn bị sẵn những bác bỏ. Dường như chúng ta đã quên rằng tất cả chúng ta đều là một phần của Công trình Vĩ đại, rằng tất cả mọi người đều là sự diễn tả sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa – ngay cả những người có ý kiến hoàn toàn trái ngược với chúng ta. Họ vẫn đang bộc lộ một chân lý nào đó. Và chúng ta cần phải tìm kiếm chân lý đó và cùng nhau xây dựng trên nền tảng đó hơn là tập trung vào những khác biệt và chia tách mỗi người.
Với cách hiểu này về Những Hướng Dẫn, mệnh đề thường được trích dẫn “trắng thành đen” trong Hướng Dẫn số 13 [365] mang lấy một diễn giải khác. Như được hiểu trong thời đại của ngài, rằng I-nhã chỉ đơn giản lặp lại sự kiện rằng có những điều huyền nhiệm của Giáo hội vượt quá trí hiểu của con người, tỉ như sự hiện diện của Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô trong Thánh Thể. Nó không phải là một lời mời gọi đón nhận một cách mù quáng.
Cũng có một số chức năng khác biệt nhau trong lòng Cộng đoàn Giáo hội. Chức năng theo khía cạnh thể chế của Giáo hội là cưu mang truyền thống và cung cấp một cấu trúc, như bộ khung, để nâng đỡ toàn thân thể. Một khía cạnh khác cũng hết sức thiết yếu của Cộng đoàn Giáo hội là khía cạnh ngôn sứ. Khía cạnh này mang tính tầm nhìn. Nó đọc các dấu chỉ thời đại và đáp ứng cách diễn tả của các giá trị và truyền thống đối với cuộc sống đương đại. Nó thúc đẩy Giáo hội hướng đến tương lai. Cách lý tưởng, cần có một sự cân bằng tốt và một sự tôn trọng giữa hai khía cạnh trên của Giáo hội, tức có một mối căng thẳng sáng tạo. Khi nào một trong hai khía cạnh này thống trị hoặc không lưu tâm tới đóng góp của khía cạnh kia thì Cộng đoàn sẽ gặp đau khổ.
Tôi tin rằng giáo dân, và đặc biệt là CLC, thuộc về sự biểu hiện mang tính ngôn sứ của Giáo hội nhiều hơn. Chúng ta là những người đụng chạm nhiều hơn đến những dấu chỉ của thời đại. Chúng ta ý thức rõ hơn về những chuyển dịch cơ bản đang diễn ra. Chúng ta có thể thích ứng sự thay đổi nhanh hơn. Nhưng điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải có một sự phân định liên tục trong cộng đoàn, trong bối cảnh của Giáo hội, để xem Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng ta hướng đến một cách thức diễn tả đức tin vừa mới mẻ nhưng đồng thời lại chân thực. Tiến trình nhận định – gửi đi – trợ giúp – lượng giá của CLC là cách thức của chúng ta trong việc thực hiện điều này. Chúng ta là những người được kêu gọi để tạo nên những “bầu mới” hầu giữ được “rượu mới”. Đây điều Thánh I-nhã đã làm, và cũng là điều Đức Giê-su đã làm trước đó.
Tác giả: Pat Carter,
Chuyển dịch: Anthony Trần Khắc Bá, SJ từ “Ignatius of Loyola – Model for Lay Sprituality”
[1] Tetlow, Joseph A., S.J.; Ignatius Loyola, Spiritual Exercises, Crossroad,
1992, p. 22.
[2] Fleming, David L, S.J., Draw Me Into Your Friendship: The Spiritual
Exercises — A Literal Translation and a Contemporary Reading, The
Institute of Jesuit Sources, 1996, p. 181.
[3] 3. Dyckman, Katherine, S.N.J.M.; Garvin, Mary, S.N.J.M.; Liebert,
Elizabeth, S.N.J.M.; The Spiritual Exercises Reclaimed: Uncovering
Liberating Possibilities for Women, Paulist Press, 2001, p. 315.
[4] Fleming, p. 281.
[5] Dyckman, et al; p. 315.