‘Hãy tạo lập cuộc sống của bạn!’ ‘Hãy làm chủ đời sống của bạn!’ Đó là những khẩu hiệu quen thuộc đối với chúng ta, nhất là trong thời đại này. Những khẩu hiệu này nghe có vẻ rất tích cực, rất khôn ngoan, và thời thượng. Quả thật, chúng có thể mang tính gợi hứng lành mạnh trong một số ngữ cảnh nhất định. Tuy nhiên, nếu xét rộng ra, chúng dường như liên hệ đến một thái độ muốn tự lập, đòi tự tạo đời sống theo ý muốn riêng của con người. Thái độ này được nảy sinh từ sự suy tôn lý trí thái quá, đặc biệt với triết học Khai Sáng. Con người thấy mình là trung tâm của mọi sự; và tin rằng sức mạnh của trí tuệ sẽ giúp con người trở thành ‘thượng đế’: tạo nên mọi thứ theo ý mình, ngay cả cuộc sống của chính mình!
Nhưng rốt cuộc, tất cả dường như chỉ là ảo vọng! Thật thế, dù theo triệt để tinh thần trên, con người chẳng thật sự trở thành ‘ông chủ’ của đời sống mình; mà ngược lại, hình như càng tạo lập, càng cố gắng làm chủ, người ta càng trở nên bị lệ thuộc và bị rối loạn ở nhiều bình diện. Ở bình diện môi trường vật chất, như lời dẫn trong phim ‘Thượng Đế Cũng Phải Cười – The gods must be crazy’ (1980), “con người ‘văn minh’ đã không muốn thích nghi với môi trường sống, thay vào đó, họ biến đổi môi trường thích nghi với mình. Vì vậy, con người văn mình đã xây dựng phố xá, thành thị, xe cộ, máy móc, và đường dây điện để chạy các loại máy tiết kiệm sức lao động (nhưng lại không biết khi nào thì ngừng). Càng cải tạo môi trường để làm đời sống dễ dàng hơn, con người càng làm cho nó rắc rối thêm. Giờ đây, con người lại phải cho con cái đến trường, từ mười đến mười lăm năm để học, để biết cách sinh tồn trong hệ sinh tái phức tạp và nguy hiểm này. Và con người văn minh đã từng từ chối thích nghi với môi trường thiên nhiên giờ đây hiểu ra mình phải thích nghi, và thích nghi nhiều lần, từng giờ trong ngày, đối với chính môi trường mình đã tạo ra.” Quả là một đúc kết chính xác! Hơn nữa, vấn đề đâu chỉ là việc con người lệ thuộc vào môi trường do mình kiến tạo, mà còn là việc nhân danh tạo lập rồi huỷ hoại luôn môi trường thiên nhiên.
Tương tự như vậy, ở bình diện tinh thần, con người cũng đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ quan niệm ‘tạo lập đời sống’. Quả vậy, quan niệm này khiến chúng ta ‘đóng khuôn’ đời người dựa trên căn bản của ‘thành công – thất bại’; và căn bản này lại lấy ‘tiền bạc – danh tiếng’ làm tiêu chuẩn. Mô thức này khiến cho toàn bộ cuộc sống xoay quanh mấy khái niệm: hiệu quả, nhanh chóng, đào thải. Khuôn mẫu cuộc sống hiện đại kéo con người vào vòng xoáy của riêng nó: người ta tìm mọi cánh tăng nhanh tốc độ (sản xuất, bán hàng, thay đổi mẫu mã, học hành,…); mọi thứ lại thay đổi quá nhanh, khiến người ta lo sợ mình bị đào thải, và thế là lại lao vào tăng tốc cho chính mình. Vì vậy, điều lớn nhất chi phối tâm trí con người thời hiện đại chính là hai chữ ‘cạnh tranh’. Trong viễn tượng đó, không ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người bị trầm cảm, và số người tự tử mỗi năm một tăng. Người ta thấy mình sống không khác gì mấy một cái máy, và càng ngày càng thấy mỏi mệt. Người ta thấy trống rỗng mà không biết do đâu.
Con người mơ hồ nhận ra là cuộc sống của mình đang trở nên xa lạ, vì nó đang thiếu hoặc mất dần những gì khác nên có trong cuộc đời. Con người đâu thể sống như một cái máy. Con người âm thầm tự vấn: đáng ra, đời sống đâu phải chỉ gói gọn với tiền bạc của cải, với danh tiếng! Cuộc sống lớn lao hơn những gì bị khuôn ép trong cái khung ‘thành công – thất bại’. Vì thế, có nhiều người bất chợt thấy nổi lên nhu cầu tìm lại một thực tại quen thuộc nào đó, mặc dù chính họ cũng chưa xác định rõ nó là gì. Nhu cầu này lớn tới nỗi khiến người ta có khi ‘nổi đoá’ với cuộc sống hiện tại, muốn làm những gì đó khác đời, vượt qua mọi ‘rào chắn’, mọi nguyên tắc của xã hội. Có người lại lao vào tìm kiếm những điều kỳ bí, những hiện tượng lạ, vv. Nhưng dường như họ càng tìm thì lại càng thấy mọi thứ rối tung và mất phương hướng.
Có lẽ ngay tại điểm này, đức tin Ki-tô giáo có thể giúp chúng ta đương đầu với bi kịch trên của thời đại. Cụ thể, trở về với thái độ sống mà Tin Mừng mặc khải và mời gọi có thể giúp ta hướng đến một giải pháp căn cơ. Đó là thái độ lãnh nhận đời sống, thay vì tìm cách tạo ra đời sống nào đó cho chính mình. Câu chuyện sáng tạo trong Sách Sáng Thế nhắc chúng ta rằng, con người được trao ban đời sống: con người được tạo dựng, được trao ban mọi điều kiện (bầu trời, biển cả, mặt đất, thiên nhiên, bạn đời); và con người được mời gọi để lãnh nhận nó, theo nghĩa là sống thích đáng với những gì được trao ban đó. Thật ra, hiện thực cuộc sống cũng giúp ta phần nào cảm nhận điều này. Quả thế, nếu bình tâm suy nghĩ, ta thì sẽ nhận ra rằng mình đã được trao ban tất cả. Chúng ta đâu có tự tạo ra sự sống cho mình, và cũng đâu thể tự kéo dài sự sống ấy! Người bạn đời ta đang có cũng đâu phải là ‘sản phẩm’ ta làm ra; và con cái cũng đâu phải cứ muốn là nhất thiết sẽ có! Và phần lớn những nhu yếu phẩm ta có hằng ngày đều được đưa đến từ nơi khác, người khác, chứ đâu phải mình làm ra tất cả. Vì thế, hẳn đã đến lúc bớt ảo tưởng với cái quan niệm ‘tạo lập và làm chủ cuộc đời’ theo ý mình để sống thái độ lãnh nhận cuộc sống!
Nhưng như thế nào là ‘lãnh nhận đời sống’? Nó có hoàn toàn khác biệt với ‘tạo lập đời sống’ không? Thật ra, ‘lãnh nhận đời sống’ không phải là một ơn gọi sống thụ động, và cũng không phải là một kiểu sống khác biệt hoàn toàn với lối sống hiện tại. Tinh thần Tin Mừng không kêu gọi con người bỏ làm việc, bỏ học hành, bỏ sáng tạo/phát minh, bỏ buôn bán… Điều khác biệt nằm ở thái độ. Thay vì thái độ kiêu ngạo đòi tự tạo lập và làm chủ đời sống theo ý của mình, tinh thần Tin Mừng nhắc ta rằng đời sống của chúng ta đã được trao ban theo ý định của Đấng Toàn Năng, và chúng ta được mời gọi để sống triển nở chính cuộc đời đó sao cho thành toàn như ý định của Cha mình, chứ không phải lo tạo nên cái gì khác. Thái độ nền tảng đó khiến ta nhìn cuộc đời mình và mọi sự của nó theo cách hoàn toàn khác. Căn bản của đời sống lúc này không còn là ‘thành công – thất bại’ với tiêu chuẩn tiền tài – danh vọng nữa, mà là việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta không còn nhìn mọi thứ xung quanh như những gì phải chiếm hữu, mà tất cả cần được nhìn như quà tặng, như ân sủng; cũng như không nhìn tha nhân như những đối thủ cạnh tranh nữa, nhưng như những người anh chị em đích thật.
Thái độ đó sẽ tạo nên một lối sống khác, và một đời sống thật phong phú. Trước hết, đó là một lối sống của lòng biết ơn, vì đã ý thức về đời sống của mình như một quà tặng; và khi ý thức về ân huệ nhưng không đó, con người luôn thấy mình được dư đầy (tương tự triết lý ‘nửa ly nước đầy’), và mong muốn sống xứng đáng với ân huệ đó. Điều đó giúp ta biết sống trách nhiệm thật sự: vượt ra khỏi chính mình, nhìn thấy những thiếu thốn, những nhu cầu của tha nhân, khát khao dấn thân cho họ. Nếu cái khung ‘thành công – thất bại’ khiến con người đánh mất những niềm vui lớn, như niềm vui của việc trao ban/chia sẻ/đón nhận (vì mọi việc đã trở thành ‘trao đổi, mua bán’), hay niềm vui phục vụ, vv., thì lối sống theo Tin Mừng sẽ trả lại cho ta tất cả những điều này, bởi chưng chúng ta được kêu gọi xây dựng đời mình qua việc xây dựng đời tha nhân, lấy niềm vui của tha nhân làm niềm vui của chính mình. Lối sống này cũng mang lại cho ta biết bao ơn an ủi, vì mọi đau thương hay thất vọng đều được đặt trong tinh thần cầu nguyện để tìm kiếm thánh ý Chúa. Tương tự, nếu quan niệm ‘tự tạo lập cuộc sống’ đã khiến nhiều khía cạnh khác của đời sống bị lãng quên, thì quan niệm ‘lãnh nhận cuộc sống’ mở ra cho ta vô vàn sự phong phú và sung mãn của nó. Thật vậy, khi đời sống bị đóng khung trong những ‘bức tường’ của các chỉ số toán học và định lượng khoa học do lý trí vạch ra, con người đánh mất khả năng mở ra với nhiều điều khác. Người ta đánh mất sự ngạc nhiên, đánh mất sự nhạy bén trước bao nhiêu điều lớn lao khác: những gì thuộc ý thức về sự siêu việt, niềm hy vọng về đời sống siêu nhiên, vv. Ngược lại, với thái độ nhìn đời sống như một ơn gọi được trao ban, tâm trí ta sẽ đủ rộng mở để đón nhận mọi khả thể, mọi khía cạnh đến với ơn gọi đó. Và trên tất cả, thái độ ‘lãnh nhận đời sống’ sẽ giúp ta có được bình an đích thật. Ta bình an vì, trong đức tin, những câu hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa đời sống mình đã được giải đáp thoả đáng; vì xác tín rằng, trong mọi sự, đời ta vẫn được che chở và hướng dẫn bởi Đấng đã trao ban nó cho ta. Như thế, hoá ra ‘lãnh nhận đời sống’ lại trở thành ‘kiến tạo và làm chủ’ đời sống theo nghĩa đúng đắn nhất của nó.
Khắc Bá, S.J.