Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (I)

Sau thời kỳ Đạo Binh Thánh Giá, các hiệp sĩ không còn tổ chức và đất dụng võ. Nhiều người sống lang thang vô kỷ luật, đánh mất lý tưởng cao cả của giới. Vua Alonso XI thiết lập Đẳng Cấp Băng Chéo và ấn định tinh thần, nghĩa vụ, tập luyện, cơ cấu, như một đoàn thể có nếp sống cao quý[47]. Tinh thần chủ yếu của đẳng cấp này là trung thành: với vua, với người yêu và với đẳng cấp. Nghĩa vụ chính yếu là bảo vệ Hội Thánh, bảo vệ vua, bảo vệ những người yếu kém. Muốn được vậy, cần phải rèn luyện về đủ mọi phương diện. Với Đẳng Cấp này, các hiệp sĩ chuyển từ thời chiến sang thời bình, từ nếp sống võ biền sang nếp sống quý phái và nghĩa hiệp. Ricardo García-Villoslada cho rằng rất có thể bản Nội Quy có tại lâu đài Loyola để thánh I-nhã đọc[48]. Rogelio García Mateo cho rằng: “Mặc dầu thánh I-nhã không được tấn phong hiệp sĩ một cách chính thức, nhưng đêm canh thức võ trang trước Đức Mẹ Montserrat cho thấy các lý tưởng và thói quen hiệp sĩ là những yếu tố cơ bản trong nếp sống văn hóa của ngà.i”[49]Tinh thần nghĩa hiệp sẽ theo thánh I-nhã suốt đời. Rogelio Garcia Mateo cho rằng chính lý tưởng ấy đã truyền cho thánh I-nhã tinh thần “hơn nữa” sau này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong linh đạo của ngài[50].

Chắc ngài phải học tiếng Latinh, vì cha ngài muốn cho ngài làm linh mục để hưởng giáo bổng. Theo phong tục Basco, người con trai cả trong gia đình hưởng quyền thừa kế; nếu người này chết, lần lượt hết nam mới đến nữ, hết lớn mới đến nhỏ. Những người con khác được cha mẹ thu xếp hoặc tự lo lấy. Con gái thì dễ: về nhà chồng. Con trai có ba đường tiến thân: triều đình, hàng hải và giáo hội. Thường người con trai út làm linh mục để hưởng giáo bổng. Anh kế ngài đã được gia đình chỉ định làm linh mục rồi, nhưng gia đình ngài “bảo trợ” giáo xứ Azpeitia, nên muốn ngài làm linh mục để “phòng hờ” giáo bổng khỏi lọt ra người ngoài, nếu anh ngài chết sớm. Phải nhớ đó là thời các Đức Giáo Hoàng Alexandrô VI và Giuliô II: chuyện đạo với chuyện đời, cả tiền bạc cũng như quân sự, trộn lẫn vào nhau hết.

Ngài được “chịu chức cắt tóc”[51], và được kể là gia nhập hàng giáo sĩ. Trong đơn xin đi hành hương viết tại Rôma ngày 31.3.1523, hiện còn được lưu giữ trong văn khố Tòa Thánh, thánh I-nhã tự xưng là giáo sĩ “giáo phận Pamplona”. Chắc chắn lúc ấy ngài không nói dối. Năm 1515, trong vụ kiện tụng, người ta tìm không thấy tên ngài trong danh sách các giáo sĩ giáo phận Pamplona: phần nào cũng như người ta không giữ được sổ rửa tội của ngài tại Azpeitia thôi.

Về đức tin, không ai nghi ngờ gì về lòng đạo của dân Basco. Họ đọc kinh hằng ngày, dự lễ mỗi Chúa Nhật, sùng kính Đức Mẹ, năng đi hành hương. Đặc biệt giáo lý Do Thái hay Hồi giáo, rồi giáo lý Tin Lành không sao xâm nhập được vào ‘khu nội cấm’ Basco. Chị dâu ngài đem về lâu đài Loyola cùng với “nét rạng rỡ trong nếp sống đạo sâu xa của nữ hoàng Isabel Công Giáo”[52] là một số sách đạo và bức ảnh Truyền Tin, món quà cưới do nữ hoàng Isabel Công Giáo tặng. Một phòng nhỏ được biến thành “nhà nguyện”, ở đó bức ảnh được đặt ở nơi trang trọng nhất. Có thể đó là nơi hằng ngày gia đình họp nhau đọc kinh cầu nguyện. Sau này, trong thời gian dưỡng thương, có lúc thánh I-nhã không đi lại được, hẳn là ngài thường đến đọc sách và cầu nguyện trước bức ảnh ấy.

Mỗi Chúa nhật và ngày lễ, ngài theo gia đình đi dự lễ ở nhà thờ giáo xứ Azpeitia. Ở cộng đoàn giáo xứ, ngài được coi như một công tử. Cha sở Azpeitia lúc ấy là linh mục Juan de Anchieta, một người rất giỏi nhạc, biết sử dụng nhiều nhạc cụ, biết sáng tác ca khúc, là ca công của triều đình[53]. Ngài rất mê ca nhạc, suốt đời ngài vẫn vậy. Những bài thánh ca chắc làm ngài rung động và ăn sâu vào tiềm thức của ngài. Gia tộc ngài đóng góp đáng kể cho Hội Thánh. Cậu ngài sáng lập tu viện Phanxicô đầu tiên ở Guipúzcoa. Chị họ ngài tu tại ẩn viện San Pedro de Elormendi và rất gắn bó với linh đạo Phanxicô. Chính bà sáng lập tu viện Inmaculada, “đối thủ” về kinh tế của tu viện San Sebastian de Soreasu[54].

Sau này, thánh I-nhã đi bộ rất giỏi và không hề sợ các ngọn núi. Chúng ta có quyền nghĩ là với tính ham mạo hiểm, ngài đã đi lại rất nhiều trong khu vực, từ Azpeitia đến Azkoitia, từ thung lũng Iraurgui đến những đỉnh núi cao của dãy Izarraitz.

Tuy nhiên, dân Basco có hai tật xấu gần như cố hữu là bài bạc và phóng đãng. Riêng dân Azpeitia còn thêm tật gây gỗ[55]. Đúng như người Việt Nam nói “cờ bạc là bác thằng bần”: dân Azpeitia đời này sang đời nọ không sao giàu lên được vì trò đỏ đen. Nạn con hoang phổ biến đến gần như bình thường. Điều ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong gia đình thánh I-nhã. Cha ngài có ít là hai người con hoang. Anh cả ngài chết khi chưa kết hôn, nhưng cũng để lại hai người con hoang. Một người chị của ngài hình như không có chồng, nhưng có con. Đặc biệt người anh linh mục của ngài khi chết cũng để lại bốn đứa con rơi. Gia đình ngài hay tranh chấp với các gia đình thế giá khác, với dân chúng và cả trong Hội Thánh. Chúng ta sẽ thấy thánh I-nhã phải cố gắng và vất vả thế nào khi ngài về sống ba tháng ở quê vào năm 1535.

Đức tin và tội lỗi có thể nói là hai hằng số trong gia đình Loyola. Di chúc của Lope García de Lazcano năm 1441: “Xin gởi một người đi hành hương đến Compostella để cầu nguyện cho tôi được rỗi linh hồn.” Vợ ông, bà Sancha để lại di chúc năm 1464: “Xin gởi hai người đi hành hương đến Santiago xứ Galicia, vì tôi chịu ơn ngài.” Don Martín García, anh thánh I-nhã, bày tỏ trong di chúc: ý thức mình “tội lỗi nặng nề”, xin “Nữ Vương tinh tuyền của các thiên thần” cầu khẩn cho, và tặng quà cho các ẩn sĩ. Tội lỗi nhưng biết thống hối và xin tha thứ, nhất là trước khi nhắm mắt lìa đời.

Theo Pedro de Leturia, các dấu ấn của thời niên thiếu nơi thánh I-nhã là: (1) đức tin vững chắc: sau này ngoan đạo và luôn phục tùng giáo quyền; (2) thích ca nhạc: “nếu theo sở thích riêng, tôi sẽ cho hát thần vụ trong Dòng”; (3) thích đồng quê và thiên nhiên, mặc dầu sau này thường phải sống ở thành thị; (4) quen dùng tiếng Basco: sau này ngài biết nhiều thứ tiếng, nhưng vẫn có cách hành văn theo kiểu Basco, đặc biệt thể liên tiến[56].

Có thể hình dung thánh I-nhã 15 tuổi vào năm 1506:

–          vóc dáng dưới trung bình (sau này ngài cao 1,56 mét);

–          tóc hung, khuôn mặt tròn, đẹp trai;

–          ăn mặc bảnh bao, chải chuốt;

–          sức khỏe tốt, đi bộ giỏi;

–          thông minh, nhanh nhẹn;

–          học vấn: biết đọc và viết thông thạo tiếng Castellano (Tây Ban Nha), ngôn ngữ của triều đình và giới quý tộc;

–          biết cỡi ngựa;

–          tính tốt: quảng đại, cầu tiến;

–          tật xấu: ham danh và hay gây gổ.

Khái quát hơn, có thể nói hai yếu tố bám rễ sâu vào nhân cách thánh I-nhã từ gia đình là đức tin Công Giáo và phong cách quý tộc. Aimé Solignac cho rằng: “Giả như không thừa hưởng tính khí hào hiệp của tổ tiên, chắc thánh I-nhã đã không trở thành một người xuất sắc trong việc phục vụ Thiên Chúa.”[57]


 

 

Kiểm tra tương tự

Danh Thánh Chúa Giêsu và Ơn Hoán Cải của Thánh Phaolô

  Hãy suy nghĩ về vai trò quan trọng nhất của Thánh Danh Chúa Giêsu …

“Tết Con Kể Mẹ Nghe” – Trở về với Tình Thương

Tết này, bạn đã có một nơi để trở về, nơi mà có người vẫn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *