Trên đường từ Venezia đi Genova, ngài vượt qua chiến tuyến giữa quân đội Tây Ban Nha và quân đội Pháp. “Cứ thẳng đường mà đi, kẻ ấy đến một làng bị thiêu hủy và phá hủy, nên đến chiều vẫn chưa có ai cho gì ăn. Lúc mặt trời lặn, kẻ ấy đến một làng có tường thành chung quanh. Nghĩ là một kẻ do thám, những người lính gác lập tức bắt kẻ ấy. Họ đem kẻ ấy đến một cái chòi gần cổng thành và thẩm vấn, như người ta vẫn thường làm đối với kẻ bị tình nghi. Họ hỏi gì, kẻ ấy trả lời hết, cho họ thấy là mình chẳng biết gì cả. Họ lột quần áo để khám xét từ đỉnh đầu đến gót chân xem kẻ ấy có thư từ gì không. Làm hết cách mà không moi được gì, họ trói kẻ ấy lại, dẫn đến viên chỉ huy, để ông này có cách bắt phải khai.”[62]Điều quan trọng đối với ngài là: “Trên đường, kẻ hành hương làm như thấy Đức Kitô bị dẫn đi, nhưng đó không phải là một thị kiến như những lần khác. Kẻ ấy bị dẫn đi qua ba đường phố dài, chẳng buồn chi hết, trái lại còn vui và thích nữa.”[63]Viên chỉ huy cho kẻ ấy là khùng, nên nói với những người đã dẫn kẻ ấy đến: “Tên này lẩn thẩn, trả cho nó đồ đạc rồi tống cổ nó đi.”[64]
Đó là ở doanh trại quân Tây Ban Nha. Đến doanh trại quân Pháp, ngài lại bị bắt, nhưng rồi cũng được tha. “Sáng dậy, kẻ ấy lên đường và đi bộ cho tới chiều tối. Lúc ấy có hai người lính trên vọng gác thấy kẻ ấy nên xuống bắt. Họ dẫn kẻ ấy đến trước viên chỉ huy người Pháp. Hỏi điều này điều kia, rồi ông ấy hỏi kẻ ấy quê quán ở đâu. Khi biết kẻ ấy quê ở tỉnh Guipuzcoa, ông ấy nói: ‘Tôi ở gần ngay đó.’ Hình như là ở vùng Bayonne[65]. Rồi ông ấy bảo lính: ‘Dẫn anh ấy đi, cho ăn uống và đối xử tử tế.’[66] Trong chuyến đi từ Ferrara đến Genova, kẻ ấy còn gặp những chuyện bất ngờ lý thú khác nữa, nhưng rốt cuộc cũng đến được Genova.”[67]
Đến Genova, tình cờ ngài gặp lại viên chỉ huy trưởng Hải Quân Tây Ban Nha. “Trước kia, khi còn phục vụ ở triều đình Vua Công Giáo[68], kẻ ấy đã gặp ông ấy và hai người đã nói chuyện với nhau nhiều lần[69]. Ông này gởi kẻ ấy trên một chiếc tàu đi Barcelona. Kẻ ấy rất có nguy cơ bị bắt, vì tàu bị Andrea Doria, lúc ấy đang phục vụ người Pháp, truy kích.”[70]
Cuối cùng, ngài về đến Barcelona bình an.
Đâu là kết quả của chuyến hành hương? Theo mục đích do chính ngài đề ra là “muốn sống các nhân đức mến, tin và cậy”, có thể nói ngài đã thành công mỹ mãn. Thực sự trở nên vô danh, không tiền bạc, không vũ khí, không quyền lực, ngài được tôi luyện bằng nghèo khó, nguy hiểm và sỉ nhục. Về đức tin, ngài đã có sẵn từ nhỏ, và hình như chưa bao giờ ngài bị lung lay. Về đức cậy, ai đọc Hồi Ký của ngài cũng phải thán phục. Về đức mến, hai chiều thần bí và tông đồ rất rõ: một mặt ngài ao ước được sống thân mật và gắn bó với Đức Kitô đến phần nào có thể nói được là điên rồ; mặt khác bất chấp mọi nguy hiểm, ngài muốn ở lại Giêrusalem để xả thân giúp đỡ các linh hồn, cụ thể là những người Hồi Giáo[71]. Giữa bao khó khăn bên ngoài, và có thể nói đặc biệt khi gặp khó khăn, ngài cảm nhận một niềm vui thiêng liêng sâu xa và mãnh liệt. Ribadeneira nói: ” Ngài cảm thấy hạnh phúc không sao tả xiết. Vì niềm vui không ngừng tràn ngập tâm hồn, ngài nảy ra ý nghĩ ở lại luôn tại những nơi đem lại cho lòng đạo đức của ngài nhiều phấn khởi, để suốt đời thờ lạy Đấng để lại những vết chân đáng tôn thờ khắp nơi quanh ngài, và đủ sức hiến thân cho phần rỗi tha nhân.”[72]