Thành Kiến Và “Va Chạm”

“Vợ của một luật sư người Mỹ da trắng lãng tránh và bước đi vội vàng qua khỏi hai chàng thanh niên da đen; một người thợ sửa ống khoá da đen hiền lành bị cô nghi ngờ là đồng bọn của phường trộm cướp” (Cảnh trong phim Crash). Thật vậy, người ta sinh ra và lớn lên trong những thành kiến, nếu không có những tương quan liên vị, đặc biệt là những tiếng nói trái chiều để giúp thức tỉnh, họ sống và chết đi mang theo trong mình một thế giới chủ quan cố hữu mà không được kiểm thảo và trắc nghiệm.

Theo góc nhìn tâm lý của Freud, mọi trẻ em lớn lên trong tiến nói siêu ngã (superego) của gia đình, nhà trường và xã hội (Các chuẩn mực, cách hành xử được xã hội chấp nhận). Các tiêu chuẩn ấy có khi trở thành nhà tù không chỉ giam hãm cá nhân, nhưng còn giam hãm cả một xã hội nếu đó là những tư tưởng mang màu sắc của kì thị chủng tộc, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ hay bất kì một dạng chủ nghĩa nào khác. Tuy vậy, điều quan trọng là mỗi người cần phải biết tận dụng cơ hội để kiểm thảo và cá vị hoá những tiêu chuẩn đã đi vào con người mình. Nếu người thành kiến là người thuộc nằm lòng mọi điều mình được dạy dỗ, thì người trưởng thành là người biết ý thức về những điều đó và sống nó với tất cả trách nhiệm của bản thân. Một đàng, siêu ngã giúp con người dễ hoà hợp với các giá trị khách quan; đàng khác, ý thức giúp con người trưởng thành như một cá nhân và đóng góp phần cá vị của mình để xây dựng xã hội. Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra là làm cách nào người ta có thể ý thức về chính mình?

Cần nhìn nhận thêm một thực tế là con người là một sinh vật xã hội. Chính những tương quan liên vị, những va chạm sẽ giúp con người ý thức hơn về góc nhìn của mình. Thái độ cần thiết trong các đối thoại không chỉ là nhún nhường thái quá hay cương quyết bảo vệ ý kiến bản thân, nhưng cần biết mở ra để đón nhận ý kiến của người khác và giữ một khoảng cách cố định để có thể đánh giá ý kiến của chính mình. Trong một đối thoại chân thành, cả hai bên không chỉ được giúp đỡ nhờ có một ý thức mới mẻ và sâu hơn về vị trí của bản thân, họ còn có cái nhìn thông cảm hơn về những khác biệt nơi đồng loại. Đối với xã hội, cuộc đối thoại chân thành cũng giúp cũng cố thêm truyền thống nếu họ cùng tìm được sự đồng thuận; hoặc góp tiếng nói tích cực để xây dựng truyền thống mới cho thế hệ mai sau nếu đối thoại phát sinh những cách nhìn mới mẻ. Thêm nữa, điều làm nên một cái tôi tự do và độc lập chính là sự ý thức về ý thức của chính mình. Nói cách khác, người tự do luôn luôn là người thức tỉnh để bảo vệ đến cùng những giá trị cao đẹp mình xác tín và can đảm sửa đổi những lệch lạc khi nhận ra điều ấy không còn đúng và phù hợp. Trong tiến trình ý thức đó, những va chạm và tương quan liên vị là những gợi hứng quan trọng. Trong thời đại bùng nổ của chủ nghĩa cá nhân như hiện nay, đời sống của gia đình hay của một nhóm làm việc được coi trọng vì cung cấp cho các thành viên sự đa dạng về quan điểm và những va chạm cần thiết. Một cộng đoàn tốt không phải là một cộng đoàn yên bình không có những bất đồng về lối sống và tư tưởng. Nhưng nhờ những va chạm và khác biệt, người ta vừa tìm thấy giá trị khách quan, vừa tìm thấy được tính cá vị của mỗi cá nhân để thông cảm và tôn trọng phẩm giá của con người.

Triết gia Socrates đã từng nói: “Một đời sống không kiểm thảo thì không đáng sống”. Hẳn nhiên, lý trí và khả năng kiểm thảo – quà tặng quý giá mà tạo hoá ban tặng cho con người – cũng được khơi đến ngọn nguồn khi con người hoà mình và mở ra với các tương quan liên vị. Đa phần con người ngại “va chạm”, tuy vậy, kinh nghiệm đau đớn ấy cũng cần thiết như loài rắn lột đi tấm da già cỗi và cũ kỷ của mình để được tiếp tục lớn lên.

Lê Văn Luận, S.J.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *