Dẫn nhập
Thiên Chúa trong huyền nhiệm của cuộc gặp gỡ
Bức tranh là phép loại suy dẫn tới huyền nhiệm Thiên Chúa
Phê bình
Kết luận
Dẫn nhập
Câu chuyện của thánh Anselm (1033–1109) về bức tranh trong tâm trí và bức tranh ngoài thực tế, đã bị Gaunilo hiểu lầm.[1] Từ bối cảnh này, phát sinh câu hỏi: có thể phác họa chân dung Thiên Chúa một cách nào đó không? Câu trả lời của thánh Anselm vừa đẹp trong hình ảnh, vừa chặt chẽ trong lập luận.
a. Thiên Chúa trong huyền nhiệm của cuộc gặp gỡ[2]
Lập luận mà thánh Anselm sử dụng trong tác phẩm Proslogion (chương 2 và 3) được Immanuel Kant cho là một trong ba cách để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa theo kiểu “lý lẽ tự biện.”[3] Kant gọi tên cách này là “luận chứng hữu thể luận”. Nói chung, các triết gia chỉ theo sự hướng dẫn của lý trí, và tránh việc khẳng định một niềm tin tôn giáo. Thế nhưng, tác phẩm của Anselm thấm đẫm tinh thần Ki-tô giáo. Thậm chí, Proslogion được viết như lời cầu nguyện.
Chương 1 bắt đầu với lời cầu xin: “Lạy Chúa, Thiên Chúa của con, xin hãy đến, xin dạy cho tâm hồn con biết nơi và cách thế để tìm Ngài để thấy Ngài.” Anselm than rằng không thấy Thiên Chúa và nài xin Chúa tỏ lộ chính Ngài. Kết thúc Proslogion 1, Anselm xác định mục đích là tìm hiểu Thiên Chúa từ vị thế của đức tin: “Con tin nên con có thể hiểu, vì con tin rằng, nếu con không tin, con sẽ không hiểu”.[4] Anselm nghĩ rằng, niềm tin vào sự tồn tại của Thiên Chúa, có thể nhận ra theo cung cách triết học.
b. Bức tranh là phép loại suy dẫn tới huyền nhiệm Thiên Chúa[5]
Với ví dụ bức tranh, trong Proslogion 2, Anselm đưa ra luận chứng về sự tồn tại của Thiên Chúa mà không nại tới thẩm quyền của Kinh Thánh: (1) Thiên Chúa là “cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng”.[6]
Trong Thánh Vịnh 14 và 53, “kẻ dại khờ” tự nhủ: làm chi có Chúa Trời. Điều này có thể đúng không? Anselm trả lời: không. Bởi vì, Anselm nghĩ, khi kẻ dại khờ nói về “cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng,” anh ta có thể hiểu những lời vừa phát biểu. Thế nên, “anh hiểu điều anh nghe, và điều anh hiểu ở trong tâm trí anh, ngay cả khi anh chưa hiểu điều ấy tồn tại trong thực tế.” Anselm nói, “một cái là đối tượng tồn tại trong tâm trí, còn cái kia là đối tượng tồn tại trong thực tế.” Tôi có thể có điều gì đó trong tâm trí, cho dù không có điều tương ứng trong thực tế. Anselm đưa ra ví dụ về người họa sĩ và bức tranh. Khi anh có kế hoạch vẽ một bức tranh, anh định hình trước trong đầu về bức tranh. Khi ấy, có một bức tranh trong tâm trí anh; nhưng anh không nghĩ rằng, có bức tranh ấy trong thực tế, vì anh chưa vẽ nó. Cho nên, Anselm chỉ ra một thực tế hấp dẫn là: (2) Cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng, thì tồn tại trong tâm trí.
Trở lại câu chuyện về người họa sĩ và bức tranh. Khi chưa hoàn thành tác phẩm, anh chỉ có bức tranh trong tâm trí; khi đã hoàn thành, anh có cả bức tranh trong tâm trí lẫn trong thực tế. Như thế, bức tranh trong tâm trí chỉ là “bức tranh khả thể” trong thực tế. Nếu thế, Thiên Chúa là bức tranh trong thực tế, hay chỉ là bức tranh khả thể. Anselm cho thấy, nếu Thiên Chúa tồn tại trong tâm trí, thì Ngài cũng tồn tại trong thực tế. Anselm giảm trừ (reducio) mệnh đề (2) để được mệnh đề (3) Cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng, thì chỉ tồn tại trong tâm trí.
Thậm chí, nếu cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng, không tồn tại trong thực tế; thì cái này vẫn có thể được suy tưởng là tồn tại trong thực tế (ví như bức tranh chưa được vẽ, đang ở trong tâm trí, nhưng vẫn có thể được suy tưởng là tồn tại trong thực tế). Thế nên, khi suy tưởng về cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng tồn tại trong thực tế, chúng ta suy tưởng về cái cao cả hơn khi chúng ta suy tưởng về cái mà không có cái gì cao cả hơn chỉ tồn tại trong tâm trí. Do đó, (4) Cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng “có thể được suy tưởng là cũng tồn tại trong thực tế, cái này cao cả hơn.”[7] Từ (4) kéo theo (5) Cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng, là cái cao cả hơn cái có thể được suy tưởng. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn. Thế nên, chúng ta chối bỏ được (3). Do đó, (6) Cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng, thì tồn tại trong thực tế.
Cho dù Anselm không nói một cách dứt khoát trong Proslogion 2, thì chúng ta vẫn kết luận được từ (2) và (6) rằng, (7) Thiên Chúa tồn tại trong thực tế.
Phê bình
Tuy không đi xa hơn vào “luận chứng hữu thể luận” nơi các cách phê bình khác nhau,[8] nhưng chúng tôi muốn nhắc tới Kant trong cách ông nhận định: không thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa dựa vào luận chứng hữu thể luận.[9] Bởi vì, nếu hiện hữu là một thuộc tính vốn có của Thiên Chúa, thì việc chứng minh Ngài hiện hữu là dư thừa, còn việc chứng minh để phủ nhận sự hiện hữu của Ngài chỉ là việc chúng ta phủ nhận Ngài trong tâm trí hay trong lập luận của chúng ta mà thôi. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì việc chứng minh rằng Ngài hiện hữu, chỉ là việc gán thuộc tính “hiện hữu” cho chủ từ “Thiên Chúa” trong tâm trí và trong lập luận của chúng ta; còn việc phủ nhận Ngài là không cần thiết. Nếu thế, chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa hay không thì cũng như nhau, tức là không chứng minh được.
Thế nhưng, cũng như Gaunilo nhưng theo một cách khác, Kant đi xa trọng tâm “luận chứng” của Anselm. Gaunilo hiểu lầm Anselm khi cho rằng: Anselm đánh giá bức tranh bên ngoài là hoàn hảo hơn bức tranh trong tâm trí. Anselm trực tiếp trả lời cho Gaunilo rằng: Gaunilo đã hiểu lầm. Theo cách khác, Kant cho rằng: Anselm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Về điểm này, chúng tôi không đồng ý với Kant, vì lẽ Anselm không dùng lý trí để chứng minh đức tin, mà đứng ở vị thế của đức tin để tìm hiểu Thiên Chúa. Lý trí không thể chứng minh đức tin, nhưng lý trí có thể mở rộng để hiểu đức tin và đức tin không mâu thuẫn với lý trí. Đức tin không duy lý trí, mà đức tin rất hợp lý. Có thể nói, Gaunilo hiểu lầm cách sử dụng hình ảnh của Anselm, còn Kant hiểu lầm cách sử dụng lập luận của Anselm.
Kết luận
Tựu trung, thánh Anselm khởi đầu triết học bằng kinh nghiệm về Thiên Chúa. Bức tranh mà Anselm sử dụng không xuất hiện trong một hệ thống, mà trở thành một phép loại suy để Anselm diễn tả kinh nghiệm về Thiên Chúa bằng cung cách triết học. Từ phép ẩn dụ “họa sĩ và bức tranh” Anselm đã mở ngỏ kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa ở mức độ “căn bản và toàn diện”. Điểm nổi bật là, thánh Anselm có thể kết nối điều tinh tế của triết học “cái mà không có cái cao cả hơn có thể được suy tưởng” với đối tượng của đức tin “Thiên Chúa” bằng ẩn dụ rất thường nghiệm “họa sĩ và bức tranh”.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên
[1] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử Triết học và các Luận đề (Philosophy History & Problems); Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy biên dịch, (Nxb Lao Động, Hà Nội 2004), tr. 139-140.
[2] x. Brian Davies, “Anselm and the ontological argument” in The Cambridge Companion to Anselm, Edited by Brian Davies and Brian Leftow, (Cambridge University Press 2004), p. 157-159.
[3] x. Immanuel Kant, Critique of Pure Reason A590/B618.
[4] x. The Major Works, 87; Các trích dẫn về tác phẩm Proslogion đều lấy từ Anselm of Canterbury: The Major Works, edited with an introduction by Brian Davies and G. R. Evans (Oxford University Press 1998).
[5] x. Sandra Visser and Thomas Williams, Anselm, (Oxford University Press 2009), p. 75-77.
[6] God is “something than which nothing greater can be thought” (aliquid quo maius nihil cogitari potest).
[7] Something than which nothing greater can be thought “can be thought to exist in reality as well, which is greater.” Trong “Why Anselm’s Proof in the Proslogion Is Not an Ontological Argument,” Thoreau Quarterly 17 (1985), 32-40; G. E. M. Anscombe lập luận rằng, cụm từ này nên được dịch là “For if it is only in the mind, what is greater can be thought to exist in reality as well” (“Vì nếu nó chỉ tồn tại trong tâm trí, thì cái cao cả hơn có thể được suy tưởng cũng tồn tại trong thực tế”). Nếu người ta hiểu điều mà thánh Anselm nói theo lối này, thì họ sẽ không cho rằng, cái tồn tại trong thực tế là cao cả hơn cái tồn tại trong tâm trí. Thế nên, chúng ta sẽ tiếp tục lập luận rằng, thánh Anselm không so sánh gì cả, giữa cái cao cả tồn tại trong thực tế với cái cao cả chỉ tồn tại trong tâm trí, và chúng ta vui vẻ đón nhận đề xuất của Anscombe.
[8] x. Oppy, Graham, “Ontological Arguments”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Spring 2015 Edition), Edward N. Zalta (ed.), http://plato.stanford.edu/archives/spr2015/entries/ontological-arguments/.
[9] x. Frederic Copleston, S.J., A History of Philosophy, Volume. VI, Modern Philosophy, (Image Books Double Day, 1994), p. 295-297.