SANTIAGO. Trong bài giảng Thánh lễ sáng ngày 22.09.2015, được cử hành ở Santiago, Nam Cuba, ĐTC đã kêu gọi mọi người hãy “ra khỏi nhà” để lên đường phục vụ tha nhân như Mẹ Maria.
Đây là ngày cuối cùng của ĐTC trong chuyến tông du chính thức kéo dài 3 ngày ở Cuba. Chiều ngày 21.09.15, lúc 16h40, ĐTC đáp máy bay từ Holguín đi Santiago, quãng đường dài 150 km và Ngài đến nơi lúc 17h30.
Santiago tọa lạc tại cửa ngõ rộng lớn tự nhiên của bờ biển đông nam của Cuba. Vào lúc 7 giờ tối 21.09.15, ĐTC đã gặp gỡ các GM Cuba tại đại chủng viện thánh Basil Cả, rồi cùng với các vị cầu nguyện tại Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, Bổn mạng của Cuba.
Sáng thứ ba, 22.09, vào lúc 8 giờ, ngài đã cử hành thánh lễ tại Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Bác Ái. Giảng trong thánh lễ, khởi đi từ bài Tin Mừng theo thánh sử Luca, thuật lại biến cố Đức Mẹ đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét, ĐTC nói:
“Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đặt chúng ta đối diện với sự năng động mà Thiên Chúa tạo ra mỗi khi Ngài đến viếng thăm chúng ta: Ngài làm cho chúng ta phải rời khỏi nhà. Đó là những hình ảnh mà nhiều lần chúng ta đã đuợc mời gọi để chiêm ngắm. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta không bao giờ để cho chúng ta yên, Ngài thúc đẩy chúng ta luôn luôn chuyển động”
ĐTC nói tiếp: “Chúng ta thấy Đức Maria, người môn đệ tiên khởi. Một thanh nữ chỉ khoảng từ 15-17 tuổi, trong một ngôi làng ở Palestina đã đựơc Thiên Chúa viếng thăm và loan báo rằng nàng sẽ trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Chẳng bảo giờ nghĩ mình sẽ là một người nổi nang và cũng chẳng nghĩ đến việc mọi người sẽ đến để giúp đỡ và phục vụ mình, Mẹ đã ra khỏi nhà và lên đường để phục vụ người chị họ là bà Ê-li-sa-bét. Niềm vui khởi phát từ nhận thức Thiên Chúa ở cùng chúng ta, cùng với dân chúng, đánh thức con tim, bắt đôi chân của chúng ta chuyển động, “kéo chúng ta đi”, đem chúng ta đến chia sẻ niềm vui đã nhận lãnh như một sự phục vụ, như một sự dâng hiến trong tất cả mọi trạng huống “rối bời” mà những người thân cận và gần gũi chúng ta đang sống. Tin Mừng nói Mẹ vội vã lên đường.”
ĐTC quảng diễn thêm về điểm này như sau: “Maria, người môn đệ đầu tiên đã được thăm viếng và rồi lên đường đi thăm viếng. Và từ ngày đầu tiên ấy, thăm viếng đã luôn là tính cách đặc biệt của Mẹ. Mẹ đã là người nữ thăm viếng nhiều người nam nữ, trẻ em người già và người trẻ. Mẹ đã biết thăm viếng và đồng hành trong những lúc mang thai khó khăn của rất nhiều người trong dân tộc chúng ta, Mẹ đã bảo vệ công cuộc đấu tranh của tất cả những ai đã phải chịu đựng để bảo vệ những quyền lợi của con cái mình. Và giờ đây, Mẹ vẫn không ngừng mang lại cho chúng ta Lời hằng sống, Con của Mẹ, Thiên Chúa của chúng ta”.
Liên hệ đến Cuba, ĐTC nói: “Ngay cả vùng đất thân yêu này cũng đã được viếng thăm bởi sự hiện diện của Hiền Mẫu. Đất nước Cuba đã sinh ra và lớn lên trong nhiệt huyết của sự sùng kính Đức Trinh Nữ Bác Ái. “Mẹ đã trao ban một hình thức đặc biệt cho các linh hồn Cuba – như các Giám mục của vùng đất này đã viết – khơi gợi lên trong con tim của những người Cuba một lý tưởng vĩ đại hơn của tình yêu Thiên Chúa, cho các gia đình và cho tổ quốc.”
Nhắc đến tương quan của Đức Mẹ và dân tộc Cuba, ĐTC nói: “Tại linh địa này, nơi bảo tồn ký ức của dân thánh của Thiên Chúa vốn lữ hành ở Cuba, Đức Maria đã được tôn kính như là Mẹ Bác Ái. Từ đây Mẹ trông coi nguồn gốc của chúng ta, căn tính của chúng ta, để rồi chúng ta không lạc lối trong sự tuyệt vọng. Linh hồn của dân tộc Cuba, như chúng ta vừa nghe thấy, đã được trui rèn trong đau khổ, sự thiếu thốn nhưng chẳng đánh mất đức tin của mình; đức tin đó đã luôn được duy trì sống động, tạ ơn biết bao người bà, đã tiếp tục cống hiến hết sức mình, trong các gia đình hằng ngày, sự hiện diện sống động của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa Cha vốn giải thoát, củng cố, phục hồi, trao ban can đảm và là nơi ẩn náu vững chắc và là dấu chỉ của sự sống lại mới mẻ.
Và “mỗi lần chúng ta chiêm ngắm Đức Maria chúng ta trở về với niềm tin vào dũng lực mang tính cách mạng của sự dịu dàng và đầy tình cảm” (Evangelii gaudium, 288).
Thế hệ này qua thế hệ khác, ngày qua này, chúng ta được mời gọi để canh tân niềm tin của mình. Chúng ta đuợc kêu gọi để sống sự cách mạng trong sự dịu dàng như Đức Maria, Mẹ Bác Ái. Chúng ta được mời gọi để “ra khỏi nhà”, để hướng nhìn và mở rộng cõi lòng đối với tha nhân. Cuộc cách mạng của chúng ta diễn ra thông qua sự dịu dàng, ngang qua niềm vui trở nên gần gũi, vốn luôn bày tỏ sự thương cảm và làm cho chúng ta có liên hệ với người khác, để phục vụ cụôc sống của tha nhân. Niềm tin làm cho chúng ta ra khỏi nhà và gặp gỡ tha nhân để chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn, hy vọng và thất vọng. Niềm tin mang chúng ta ra khỏi nhà để thăm viếng người ốm đau, kẻ tù đày, thăm viếng những ai đang than khóc và biết cười với người cười, hân hoan cùng với niềm vui của những người thân cận.”
Và ĐTC kết thúc bài giảng của mình như sau: “Như Đức Maria, chúng ta muốn là một Giáo Hội phục vụ, ra khỏi nhà, ra khỏi đền thờ của chúng ta, từ những phòng thánh để đồng hành với cuộc sống, củng cố niềm hy vọng, như là dâu chỉ của sự hiệp nhất. Như Đức Maria, Mẹ Bác Ái, chúng ta muốn là một Giáo Hội ra khỏi nhà để bắc những nhịp cầu, đạp bỏ những bức tường và gieo vãi sự hoà giải. Như Đức Maria chúng ta muốn là một Giáo Hội đồng hành trong mọi trạng huống “rối bời” của dân Chúa, dấn thân vào cuộc đời, trong văn hoá, xã hội, không lẩn tránh nhưng lữ hành cùng anh chị em mình.”
Lược dịch từ bản Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai